Tuesday, February 7, 2017

NHỮNG THAY ĐỔI NHẬN THỨC Ở TUỔI GIÀ

BS. Đinh Tấn Khương






Khả năng nhận thức bao gồm tri thức, trí nhớ, phán xét, tốc độ cảm nhận, và lý luận. Khả năng nhận thức của con người sẽ giảm dần theo tuổi tác.

Căn cứ vào thời lượng lưu trữ, trí nhớ được phân ra làm hai loại:



-    Trí nhớ ngắn hạn (short-term memory hay còn gọi là working memory)
-   Trí nhớ dài hạn (long-term memory)

Cả hai đều bị suy giảm theo tuổi tác, hoặc do một số nguyên nhân khác cũng như bệnh lý ảnh hưởng đến bộ nhớ.


Trí nhớ ngắn hạn (short-term memory):

Trí nhớ ngắn hạn là thời gian rất ngắn mà chúng ta lưu giữ (một cái gì đó) trong tâm trí trước khi bị gạt bỏ hoặc chuyển nó vào bộ nhớ dài hạn.

Giống như máy vi tính cá nhân, những thông tin chúng ta đưa vào (chẳng hạn  một bài văn/bài thơ hay copy một mẫu thông tin nào đó) mà không bấm “save” (để lưu giữ ở bộ nhớ lâu dài) thì nó sẽ mất đi sau khi chúng ta tắt máy vi tính.

Trí nhớ dài hạn (long-term memory):
Với bộ não của chúng ta, những thông tin được đưa vào và lưu giữ ở bộ nhớ dài hạn một khi :

   - Có ấn tượng mạnh
   - được lập đi lập lại nhiều lần


Ví dụ:

Ấn tượng mạnh: 
   - nụ hôn, cái nắm tay (người yêu) lần đầu
   - những hình ảnh thật kinh hãi xảy ra trong đời, một vài hình ảnh trong ngày cưới…


sẽ được đưa thẳng vào bộ nhớ dài hạn ngay lập tức và lưu giữ mãi suốt đời (trừ khi bộ nhớ nầy bị hỏng như ở người mắc bệnh dementia)

Lập đi lập lại:

   - một bài hát được nghe (hay là được hát) thường xuyên
   - học thuộc lòng bảng cửu chương
   - bài học được ôn đi ôn lại nhiều lần
   - những thao tác được lập đi lập lại thường xuyên (liên quan đến nghề nghiệp)
   - những thói quen sinh hoạt hằng ngày, văn hóa xã hội …


sẽ được chuyển từ bộ nhớ ngắn hạn vào bộ nhớ dài hạn.

Chính vì vậy, muốn được nhớ lâu thì thông tin đó phải được lập đi lập lại nhiều lần.

Với một học sinh thông minh (có chỉ số IQ cao) chỉ cần lập lại vài lần thì bài học đang ở bộ nhớ ngắn hạn sẽ được chuyển vào bộ nhớ dài hạn.Còn những học sinh có chỉ số IQ kém hơn thì cần phải ôn đi ôn lại nhiều lần mới đưa được bài học đó vào bộ nhớ dài hạn.Chính vì vậy, những người dù không có chỉ số IQ cao mà chịu khó siêng năng thì cũng được thành công trong việc học.
Cách học thuộc lòng chỉ giúp nhớ lại những điều đã được đưa vào mà không lưu trữ những thông tin mang tính khám phá (tư duy)

Ký ức được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn.

Bộ nhớ dài hạn lưu trữ nhiều loại thông tin khác nhau chẳng hạn như ngôn ngữ, kinh nghiệm sống và phương cách thực hành

Trí nhớ dài hạn được lưu trữ trong nhiều bộ nhớ (ngăn lưu trữ) riêng biệt khác nhau:

    1 . Bộ nhớ minh bạch (Explicit memory): là một loại bộ nhớ dài hạn đòi hỏi phải suy nghĩ có ý thức(để nhớ lại). Đó là những gì hầu hết mọi người có trong tâm trí khi nhớ tới.

Ví dụ: 
  - Xác định được người đứng đầu nhà nước
  - Nhớ ngữ nghĩa và những con số
  - Viết được một bài văn/báo dài
  - Nhớ lại những sự kiện cá nhân
  - Nhớ ngày sinh nhật của một cá nhân haynhớ năm đất nước có biến cố
  - Nhớ và kể lại những kỷ niệm về một chuyến du lịch, chuyến dã ngoại.


2 . Bộ nhớ tiềm tiềm ẩn (Implicit memory): 
còn gọi là bộ nhớ tự động, là hình thức chủ yếu của bộ nhớ dài hạn mà không cần suy nghĩ có ý thức. Bộ nhớ tiềm ẩn sử dụng các kinh nghiệm quá khứ để nhớ mọi thứ mà không cần suy nghĩ về chúng. Nó cho phép chúng ta làm những điều thuộc lòng.

Ví dụ:
  - Võ sỉ múa quyền
  - Hát theo một bài hát yêu thích, nhắc lại lời một bài hát khi ai đó hát vài từ đầu tiên
  - Thực hiện nấu ăn đơn giản, chẳng hạn như đun nước sôi pha trà, nấu cơm…
  - Lái xe, đi xe dạp
  - Đi theo một con đường quen thuộc mỗi ngày, chẳng hạn như đường tới chỗ làm
  - cài nút áo
  - Quay số diện thoại
  - Chải tóc, đánh răng
  - Gõ chữ trên bàn phím


3. Bộ nhớ tự truyện (Autobiographical memory): Bộ nhớ tự truyện lưu trữ những kỷ niệm, các sự kiện đã xảy ra trong quá trình cuộc đời của chúng ta.

Những bộ nhớ nêu trên không chỉ tập trung vào một nơi (trong não bộ) mà lại phân tán ở những vùng khác nhau.

Máy vi tính cá nhân cũng giống như vậy, những thông tin được “save” ở nhiều hạng mục khác nhau, chẳng hạn nơi lưu trữ tài liệu, hình ảnh, âm nhạc.. Nếu hạng mục nào bị hỏng thì thông tin lưu trữ trong đó bị ảnh hưởng.

Số lượng ngăn lưu trữ (bộ nhớ) có giới hạn, nếu thông tin đưa vào và lưu trữ nhiều quá sẽ làm cho hoạt động của máy bị chậm lại.

Cũng giống như máy vi tính, số lượng ngăn lưu trữ (bộ nhớ) trong não bộ của chúng ta cũng bị hạn chế cho nên khi về già tốc độ và cách giải quyết vấn đề sẽ bị chậm lại do trí nhớ ngắn hạn bị suy giảm.
Muốn duy trì được trí nhớ ngắn hạn thì cần xóa bớt những thông tin, hình ảnh không cần thiết (không nên nghĩ tới nghĩ lui những điều không cần thiết), ví dụ như lập đi lập lại trong trí mình những điều mà ai đó làm cho mình tức giận, hay những suy tính (ao ước) gì đó mà biết chắc rằng mình không thể thực hiện được.

Thông thường ở tuổi già trí nhớ dài hạn vẫn còn nguyên vẹn nhưng trí nhớ ngắn hạn thì lại sa sút.

Sa sút trí nhớ ở tuổi già cũng có thể do nguyên nhân bệnh lý:
   - Demetia (chứng mất trí)
   - Trầm cảm


1 . Giảm sút trí nhớ thông thường (khác thường nhưng không phải bất thường) ở người già:   
   -  Khởi đầu không rõ ràng, thường than phiền về trí nhớ giảm sút ở cấp độ thấp,
   - Thỉnh thoảng quên chữ, tên người hay vật dụng nhưng nhớ lại được sau đó
   - Còn theo dõi được những câu chuyện trên TV, chuyện phim hay trong sách
   - Mặc dù chậm nhớ nhưng thông tin cơ bản vẫn còn được giữ lại
   - Kỷ năng sinh hoạt hằng ngày (như là mặc quần áo, nấu nướng…) vẫn còn được duy trì, không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày
   - Không kết hợp với thay đổi tâm trạng


Ví dụ điển hình:

   - Bước xuống nhà bếp bổng dưng quên mất là mình định tới đây để làm gì hay để lấy cái gì?
   - Bỏ quên chìa khóa xe đâu đó thay vì để ở chỗ thường cất hằng ngày
   - Bất chợt gặp người quen mà lại quên bẵng tên của người đó
   - Thường quên những điều vừa mới xảy ra (trí nhớ ngắn hạn) nhưng không quên những chuyện quan trọng trong quá khứ (trí nhớ dài hạn)

2 . Giảm sút trí nhớ ở người mắc chứng dementia:
    - Không hề ghi nhận cũng như than phiền trí nhớ bị suy giảm

        - Khởi phát từ từ, và tăng dần với thời gian
    - Có thể quên một phần hay hầu hết những sự kiện đã xảy ra
    - Quên (chữ, tên người, vật dụng, hayđịa chỉ) càng lúc càng nhiều
    - Theo thời gian, mất dần thông tin đã từng biết chẳng hạn như lịch sử hay tin tức chính trị
    - Càng ngày càng mất kỷ năng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày
    - Có thể kết hợp với tâm trạng không ổn định hay thái độ không nhạy bén

Ví dụ điển hình:
   - Không nhận ra người thân hay bạn bè

       -  Không còn biết những vật dụng chung quanh là để làm gì
   -  Không còn tự chủ trong những sinh hoạt hằng ngày (như ăn uống, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo…)
   -   Không hiểu được những hướng dẫn bằng lời nói hay chữ viết

       -   Có khi tỏ thái độ hung hăng, bạo hành (bằng lời nói hay hành động)
   -   Không nhớ đường về nhà
   -  Ăn rồi mà cứ bảo là chưa ăn
   -  Than phiền là con cháu không đến (nhà hay nursing home) thăm nhưng kỳ thực thì có
   -  Có vài trường hợp, đi tiêu rồi mở tã vứt phân bừa bãi chung quanh
   -  Cũng có trường hơp lén ăn cả phân của chính mình

3 . Trí nhớ suy giảm trong chứng trầm cảm:
     - Khởi phát đột ngột, suy giảm nhận thức nhẹ, có thể được phục hồi

          -  Thường than phiền về trí nhớ bị sút giảm
      -  Ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hằng ngày
      -  Có thể kết hợp với tâm trạng lo lắng và buồn chán

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng suy giảm nhận thức/trí nhớ (risk factors)

Yếu tố nguy cơ trong chứng suy giảm nhận thức và chứng mất trí (dementia) là tuổi tác

Những yếu tố nguy cơ khác, thường xuyên kết hợp với suy giảm nhận thức và chứng mất trí bao gồm:
      - chấn thương đầu kèm với mất ý thức
          -   nguy cơ bệnh tim mạch như bệnh tiểu đường, tai biến mạch máu não, hút thuốc lá,
      -   kém hoạt động thể chất, cao lượng mỡ xấu (LDL) trong máu, béo phì…
      -   cao huyết áp ở độ tuổi trung niên dường như làm tăng nguy cơ 

giảm sút nhận thức.
      -   Cao huyết áp liên quan đến nguy cơ làm tăng chứng mất trí mạch máu (vascular dementia) và bệnh Alzheimer
      -  những người trên 75 tuổi, thấp huyết áp tâm trương cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến chứng mất trí (dementia)

Những yếu tố bảo vệ (protective factors):
 -   sinh tố E
 -   thức ăn chứa nhiều chất chống oxy hóa và omega 3 acid béo
 -   hoạt động tinh thần và thể chất
 -   tham gia hoạt động xã hội
 -   thuốc giảm lượng mỡ trong máu (statins)


Kết luận:
Khả năng nhận thức cụ thể quan hệ tốc độ và cách giải quyết vấn đề (trí nhớ ngắn hạn) bị suy giảm như là một phần thay đổi thông thường trong lúc về già.
Tuy nhiên có những thay đổi khả năng nhận thức ở tuổi già là do chứng mất trí (dementia).
Người già nên được khuyến khích một lối sống lành mạnh, năng động và cần hạ giảm tối đa những nguy cơ mắc bệnh tim mạch để giảm thiểu nguy cơ dẫn đến chứng mất trí (dementia).

BS. đinh tấn khương 

________________________________________________

No comments:

Post a Comment