Friday, October 26, 2018

Lòng vả, lòng sung

Tạ Phong Tần

Người Việt từ xưa có những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ rất hay. Các cụ thường dạy con cháu bằng ca dao, tục ngữ, thành ngữ và ai cũng coi đó là chuẩn mực, “khuôn vàng thước ngọc” trong ứng xử xã hội. 




Ðừng ai nghĩ rằng các cụ mù chữ là “dân trí kém”, tùy từng vụ tùy việc mà thôi. Nếu xét về mặt khoa học tự nhiên, thời kỳ mông muội, Tây hay Ðông gì cũng mê tín dị đoan giống nhau. Nếu Ðông tin rằng có quỷ nhập tràng, có hồ ly tinh, có bạch cốt tinh, tin thầy cúng, thầy bói…, thì Tây cũng tin rằng có ma cà rồng chuyên hút máu người, có mụ phù thủy ngồi trên cây chổi bay bay, có dơi hút máu, tin các nhà tiên tri… Tuy nhiên, tôi nhận thấy phần lớn văn hóa ứng xử của các cụ nhà ta thời xưa xửa xừa xưa không hề kém cạnh văn minh phương Tây, mà còn có nhiều điểm tương đồng.

Trong cuốn “Xã Giao Hàng Ngày” (Xuất bản năm 1956- Nhà xuất bản Khai Trí) của tác giả Nguyễn Cung Vũ, có viết rằng thời xưa các cụ nhà ta quan niệm ăn uống cũng cần phải giữ lễ theo nguyên tắc “Chiếu trải không ngay không ngồi, thịt cắt không vuông không ăn”. Ông Nguyễn Cung Vũ nhận định ngày nay chúng ta không cần phải quá cứng nhắc như vậy, nhưng không có nghĩa là xô bồ hỗn độn; ăn uống xì xụp soàm soạp thì rất là thô tục, vô văn hóa. Những người có thói xấu ganh tị với người khác, trong khi bản thân họ cũng chẳng sạch sẽ gì, các cụ nói: “Suy bụng ta ra bụng người”, “Lươn mà chê lịch”, “Chuột chù chê khỉ rằng hôi / Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm”, “Lòng vả cũng như lòng sung / Một trăm con lợn cũng chung một lòng” đều có ý nghĩa tương tự, ai cũng giống ai, chớ vội chê người mà không xét mình. Mấy câu trên thì còn dễ hiểu, riêng câu “Lòng vả cũng như lòng sung” làm cho tôi mang nỗi “ấm ức” suốt hơn hai mươi năm ròng không có lời lý giải, bởi lẽ người miền Nam chỉ biết có sung mà không biết vả là cái giống gì.

Sau này, phải nói là “nhờ” ở tù ngoài Thanh Hóa, cách nhà tôi 1,780 km (tương đương 1,106 dặm), tôi mới được đứa bạn tù cho ăn gỏi vả, được nhìn thấy cây vả và chùm vả như thế nào. Ðiều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là cụ nào đã đúc kết ra câu “Lòng vả cũng như lòng sung” rõ ràng là có bề dày kinh nghiệm sống, lẫn quá trình bôn ba dọc theo chiều dài đất nước. Thời nhà Nguyễn, coi như gần tới thời kỳ văn minh lắm rồi, mà muốn di chuyển một khoảng cách xa thì chỉ có đi ghe (đường thủy) hoặc đi bộ. Làm gì có chữ viết phổ biến trong dân. Gởi thơ càng khó khăn gấp bội và mất ít nhất vài tháng; không ai thừa hơi gởi cái thơ chỉ để nói chuyện vả với sung. Câu ca dao này không biết có từ thời gian nào — cứ cho là thời nhà Nguyễn đi, nhưng cụ đó đã biết được hai loại cây này ở khoảng cách địa lý xa như vậy mà lại giống nhau, thiệt là hậu sanh như tôi đây phải quỳ gối xuống bái phục bậc tiền bối đó vạn lần. Khoa học ngày nay đã chứng minh rằng cây sung và cây vả cùng họ với nhau, trái mọc thành chùm bu quanh thân cây. Trái vả lớn hơn trái sung chút đỉnh, nhưng hình thức bên ngoài, phần thịt và phần ruột có nhiều sợi nhỏ xôm xốp giống y như nhau. Xẻ trái ra chúng ta thấy trong ruột của chúng có những con côn trùng nhỏ tí sống ký sinh nhoi nhoi trong đó (không phải dòi), không biết nó là côn trùng gì.

Con nhỏ bạn tù của tôi nó là người dân tộc Thái, tướng tá nó như con trâu cui, ăn nói thật thà chất phác. Nó được cai tù cho ra khu vực phía ngoài để lao động, làm những công việc nặng nhọc như đốn cây, móc cống, kéo xe đất, gặt lúa, gánh rau… Tuy công việc nặng nhọc nhưng nó thích lắm, vì mỗi lần như vậy nó có cơ hội ra ngoài hái rau đồng, rau dại, trái dại đem về trại rồi chế thành món này món kia hai đứa tôi cùng ăn. Tôi ở trong trại thì mua gia vị, dầu ăn, thịt cá căn-tin trại bán. Hai đứa hùn lại là có bữa ăn vừa lạ miệng vừa ngon. Thành thói quen, hôm nào nó được ra ngoài thì tôi hóng coi nó đem thứ gì lạ lẫm về, còn nó kiếm được thứ gì đem về mà chưa thấy tôi từ xưởng may về thì nó cũng hóng chờ tôi về để kêu tôi mua thêm đồ làm thức ăn.

Có lần, nó đem về một nón lá đựng đầy trái, trái nào trái nấy bự hơn trái táo. Tôi hỏi sung đâu nhiều vậy? Nó nói không phải sung, mà là trái vả. Tôi hỏi ăn được không? Nó nói ăn ngon lắm, chị đặt căn-tin mua gia vị, thịt ba chỉ luộc, chanh, ớt, mai em làm gỏi vả chị em mình ăn. Cái này kêu là “Buồn ngủ gặp chiếu manh” nè, thắc mắc trong lòng tôi nay mới được giải tỏa rõ ràng. Trong tù, muốn mua cái gì thì tôi ghi giấy đưa cho cán bộ căn-tin, qua hôm sau cán bộ đi chợ mua, trưa giao hàng, rồi ghi sổ trừ vô tiền ký gởi của tôi, cuối tháng mới cộng sổ tính tiền một lần.

Trưa hôm sau, con bạn tù nó đem trái vả ra rửa sạch để ráo, chia ra hai phần, một phần để ăn liền, một phần để muối chua. Nó ra nhà bếp mượn dao xắt trái vả ra từng lát mỏng, đem về phòng của chúng tôi ngâm với nước lạnh có pha nước cốt chanh cho vả ra hết mủ và không bị đen. Trong tù bọn tôi giã tỏi, ớt, tiêu bằng cách bỏ vô bọc nilon đựng mì gói, xong lấy chai nhựa đổ đầy nước trong đó rồi dùng cái chai nước thay thế cái chày mà giã mịn, xé cái bọc đổ ra tô. Nó pha nước mắm với tỏi, ớt đã giã, thêm chút đường, chút bột ngọt khuấy đều trong cái thau nhựa nhỏ. Xong nó đổ phần trái vả đã xắt miếng mỏng, thịt heo ba chỉ xắt miếng mỏng vô thau, trộn đều. Chờ khoảng mười lăm phút cho thịt heo, vả thấm gia vị là ăn được. Ðậu phộng rang thì tôi đặt mua căn-tin một lần nửa ký, khi muốn ăn hốt ra một nắm giã nhỏ rắc vô. Vậy là hai đứa tôi có tô gỏi vả lạ miệng, đánh chén “linh đình”.

Con nhỏ bạn tù nói ở nhà nó thường làm như vầy, ăn bắt cơm mà không ngán. Tôi hỏi trái sung, trái vả có chất chát, ăn nhiều có bị táo bón không? Nó nói không bị, mình ngâm nước chanh như vậy nó ra hết chát rồi, ăn nhiều còn nhuận trường nữa. Nó nói mình ở đây kiếm được thứ gì ăn thứ đó, già non gì cũng chơi láng. Ở nhà em muốn ăn gỏi vả là lựa loại trái lớn còn tươi xanh, phần cuống thấy còn mủ chảy ra mới ngon. Trái già quá sắp chín chuyển qua màu hồng hoặc đỏ thì không giòn, trái nhỏ quá còn non bị chát nhiều cũng không ngon. Ở đây mình chỉ có tí thịt ba chỉ với gia vị thôi, chớ nhà em làm là phải có thêm tôm luộc bóc vỏ, tai heo thái mỏng, hành lá, ngò gai, rau răm, thìa là thái nhuyễn trộn chung nữa mới đủ vị.

Ăn cơm rồi, nó lấy cái hũ nhựa xếp hết phần trái vả còn lại vô hũ nhựa lớn; trái nào lớn quá nó đem chẻ làm đôi, làm tư. Xong nó lột một ít múi tỏi cho lên trên. Nó quậy nước muối hơi mặn mặn (giống muối cà pháo) với vài muỗng cà phê đường; đổ vô ngập phần trái vả rồi lấy mấy cục đá rửa sạch ém luôn vô hũ. Ðể từ bảy ngày trở lên là bọn tôi lại có vả muối chua ăn cơm; cách ăn giống như ăn cà pháo muối chua.

Sung (hoặc vả) còn dùng để kho cá, nấu canh, nấu cháo… Tôi sẽ kể hầu quý vị bạn đọc ở phần sau.

TPT
_____________________________

No comments:

Post a Comment