Thursday, February 7, 2019

ĐẦU NĂM HỢI TẢN MẠN CHUYỆN HEO

Đinh Tấn Khương


Heo được xếp vào vị trí cuối cùng trong chuỗi 12 con giáp, năm con heo thì được gọi là năm Hợi. Năm nay, 2019 là năm Kỷ Hợi.
Heo là vật nuôi rất quen thuộc với chúng ta. Người miền nam thì gọi là heo, người miềm bắc lại gọi là lợn. Heo ăn bắp nhưng lợn thì lại ăn ngô mà cả hai cũng chỉ là một.
    
Tuổi thơ của người viết gắn liền rất nhiều với những mẫu chuyện về heo.
Những ngày sau 1954, như bao gia đình khác (cùng làng) mẹ tôi đã phải bắt đầu gây dựng lại cơ nghiệp từ cái căn nhà đổ nát do hậu quả chiến tranh . Gầy dựng lại bằng sức lao động trên mảnh vườn độ chừng 1000 mét vuông . Mảnh vườn không lớn nhưng mẹ tôi trồng nhiều thứ cây ăn trái và đủ các loại chuối. Nửa vườn còn lại thì mẹ tôi thay phiên trồng rau, củ và nhiều loại hoa khác nhau. Hoa, củ, quả hầu như được thu hoạch quanh năm, hoa thì bán vào những ngày rằm và dịp tết. Mẹ tôi cũng còn đầu tư vào việc nuôi bò và nuôi heo thêm nữa. Dẫu có thêm người phụ giúp toàn thời nhưng tôi cũng đóng góp không ít công sức, cho dù lúc đó chưa tới tuổi lao động.
Những ngày cuối tuần thì phụ việc chăn bò, những buổi chiều sau giờ tan học thì đi hái rau rồi xắt thêm chuối (thân cây chuối đã ăn quả) để trộn chung với cám mà nấu cháo cho heo. Sau nầy, khi có sự hiện diện của quân đội Mỹ thì mẹ con tôi đỡ cực phần nào nhờ mua được đồ ăn thừa từ nhà thầu để cho heo ăn.
Mẹ tôi đã khởi đầu bằng việc nuôi một con heo cái, khi đến tuổi sinh sản thì mướn về một con heo đực (gọi là heo nọc) để gầy giống sinh con. Có khi đẻ được 6,7 con rồi nuôi tiếp cho đến lúc đủ lớn thì kêu người ở lò heo đến bán. Xong, lại bắt đầu gây giống cho lứa heo kế tiếp.
Chín năm không phải là dài nhưng cũng không coi là ngắn, ngần ấy năm mẹ tôi đã dành dụm đủ tiền để xây một căn nhà mái ngói khang trang vào năm 1963 (lúc ấy mẹ tôi vừa tròn 33 tuổi). Với một phòng thờ, một phòng khách cùng một dãy buồng ngủ và một căn bếp. Nhà xây gạch đôi, cửa lớn phòng thờ và các cửa sổ mặt trước căn nhà đều là cửa đôi, những cánh cửa mở ra bên ngoài làm toàn bằng gỗ, cửa mở vào bên trong là những khung cửa gỗ lộng kính xuyên suốt. Mở rộng cửa gỗ bên ngoài, đóng kín cửa kính bên trong thì vừa an toàn vừa lấy được ánh sáng cho mọi căn phòng.Trần nhà thì bên trên được đóng bằng tre, những cây tre thẳng dài được chọn mua về rồi đem ngâm trong đầm nước sâu gần cả năm trời. Tre được vớt lên rồi đập dập trước khi đem lót rồi lại phủ thêm một lớp đất trộn với xi măng. Mặt dưới (trần nhà) thì được đóng bằng gỗ. Mẹ bảo làm như thế thì mới giữ được nhiệt độ bên trong ổn định suốt cả bốn mùa. Trần nhà, trang thờ, những cánh cửa lớn và toàn bộ cửa sổ đều được làm từ gỗ hương và gỗ trắc.
 Mẹ tôi đã từng rất tự hào về căn nhà nầy. Nhưng giờ đây, mẹ tôi không còn nữa và căn nhà ấy, căn nhà mà mẹ tôi đã đổ bao công sức để xây nên hiện cũng không thuộc về chúng tôi. Đúng là, không có gì tồn tại vĩnh cửu!
Thôi thì, đầu năm không nên nhắc chuyện buồn mà nên kể chuyện vui, nghe cho được vui.
Nói đến heo khiến cho tôi nhớ tới cô láng giềng chạng tuổi. Nhà nàng và nhà tôi không phải cách nhau bằng cái dậu mồng tơi xanh dờn mà lại là một khoảng vườn trống với một cái hàng rào toàn những cây lựu trái đỏ.
Vào những buổi trưa vắng vẻ, cô láng giềng có thói quen tắm ngoài trời, nơi cái giếng sát hàng cây lựu đối diện nhà tôi. Phải chăng do tắm heo mà quần áo dính bẩn cho nên nàng phải lột bỏ tất cả trong khi tắm, hình ảnh đó cứ lúc ẩn lúc hiện sau những bụi lựu lưa thưa có một vài khoảng trống. Cái hình ảnh thấy được đầu đời đó đã cho tôi nhận biết sự khác biệt về giới tính cũng như cảm xúc trỗi dậy từ một đứa con trai mới lớn. Vài năm sau, cô láng giềng đi lấy chồng và kể từ đó sự háo hức chờ đợi những buổi trưa vắng vẻ cũng chợt tan nhanh!
 Nói đến heo, không thể quên được những câu chuyện xảy ra vào những ngày Thanh Minh tảo mộ (còn gọi là Tết Thanh Minh). Người Hoa có phong tục tảo mộ vào buổi sáng sớm lúc chưa có ánh mặt trời và lễ vật cúng thường khác nhau tùy theo mỗi gia đình. Đa số cúng kẹo bánh và hoa, cúng xong thì phân phát cho những đứa trẻ đến xin. Một ít gia đình thì sắm thêm lễ vật là gà, vịt hay heo quay.
Tôi là một trong những đứa trẻ hiện diện vào dịp Thanh Minh tảo mộ, đến để xin kẹo bánh. Nhà tôi lúc ấy không phải nghèo đến nỗi không có tiền mua kẹo mua bánh mà ăn, nhưng tính tôi đã biết tự lập, muốn tự mình kiếm ra để mà dùng. Kẹo bánh xin được có khi để dành ăn đủ suốt vài tháng trời.
Xin bánh kẹo coi vậy chứ không phải dễ được nhiều đâu, phải nhanh trí và phải biết áp dụng đúng 3 nguyên tắc. Ba nguyên tắc đó là: đúng thời cơ, đúng đối tượng và cơ hội cao.
-         Đúng thời cơ: có nghĩa là phải biết đến đúng lúc, do phải di chuyển từ mộ nầy sang mộ khác cho nên nếu tính sai thời điểm thì sẽ về tay không. Nếu đứng một chỗ thì chiến lợi phẩm thu về cũng không được nhiều.
-         Đúng đối tượng: có nghĩa là phải ghi nhớ mộ nào cúng nhiều kẹo bánh và chủ nhân có vẻ tử tế với trẻ con.
-         Cơ hội cao: phải biết chọn mộ nào có ít trẻ đứng chờ, phải tỏ ra tính tự trọng và tạo được  niềm tin từ chủ nhân. Chọn đúng vị trí mà đứng chờ, làm sao để được chia phần trước tiên  may ra phần quà có khi được nhiều hơn và xong sớm thì còn chạy sang mộ khác cho kịp lúc.
Có những thanh niên lớn tuổi không biết đến từ địa phương nào, họ kiên nhẫn đứng chờ ở những ngôi mộ có lễ vật gà, vịt hay heo quay. Họ chờ để cướp lễ vật trong khi chủ nhân chưa kịp cúng xong. Những lần như vậy là nghe được giọng của mấy ông Tàu nói tiếng Việt không rành:
-         Ngộ mới bái chưa lược ba bái mà chúng ló đã giựt con heo chạy li mất dồi, tổ cha đồ ăn chộm.
Hình ảnh ấy đã sớm hình thành trong đầu tôi một sự căm ghét và khinh bỉ tột cùng cái đám người chỉ biết chờ cơ hội để ăn cướp công lao và thành quả của người khác.
Heo cũng từng đi vào văn học, ngày xưa tôi mê nhất là truyện “Tây Du Ký” nhưng những năm sống lưu vong xứ người tôi tâm đắc nhất là tác phẩm “Trại Súc Vật” của nhà văn George Orwell, một tác phẩm nổi tiếng được tờ báo Time bình chọn là một trong 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất. Tác phẩm nầy cũng được xếp vào hạng thứ 31 trong danh sách những tác phẩm hay nhất của thế kỷ 20. Trại Súc Vật là toàn cảnh một bức biếm họa về những điều mà tác giả đã cảm nhận về cái chế độ dưới thời Liên Bang Sô Viết.
Cả hai tác phẩm đều có sự hiện diện của heo và đều là hư cấu. Nhưng khi đọc (và kể cả xem phim) “Trại Súc Vật” cứ ngỡ như thấy quen quen, tưởng chừng xảy ra  ở một nơi nào đó mà mình đã từng sống qua.
 Sydney, đầu năm Kỷ Hợi
đinh tấn khương
_______________________________

No comments:

Post a Comment