Monday, February 11, 2019

Dọn nhà

 Trần Lý Lê

Thế rồi đã đến lúc bà cụ phải rời căn nhà đầy kỷ niệm. Gần 50 năm trời bà đã ra vào nơi này, mấy đứa con khôn lớn cũng trong căn nhà này. Nhìn đâu bà cũng “thấy” một mẩu chuyện nào đó, nhắc bà nhớ lại những ký ức xa cũ.

Từ khi ông qua đời, con cái chỉ thỉnh thoảng về thăm và lưng bà thì đã còng lắm rồi. Ði đứng đã có phần khó khăn. Mùa Thu có người đến quét lá, thu dọn sân cỏ. Mùa Ðông có người đến xúc tuyết. Mùa Xuân mùa hạ thì họ đến cắt cỏ hàng tuần để giữ sân vườn cho tươm tất. Cũng công ty cung cấp dịch vụ ấy, đã gần chục năm rồi. Bà lần lữa mãi, căn nhà vắng lặng một mình nhưng bà vẫn không muốn xa rời vùng không gian đầy ắp kỷ niệm ấy. Dọn nhà là hai âm thanh rất rùng rợn, ngắn gọn khô khốc khiến bà kinh hoảng. Dọn nhà đến một nơi xa lạ là đi vào cõi chết, bà nghĩ như thế nên hễ con cái nhắc đến việc dọn nhà là bà đổi đề tài trong câu chuyện.

Nhưng rồi việc dọn nhà cũng đến, và chỉ vài tuần nữa là bà phải ra khỏi nơi này. Lòng bà nặng trĩu, buồn rầu. Nơi đến là một căn chung cư, mọi phòng ốc đều nằm chung trong một tầng lầu. Bà không còn phải leo cầu thang nữa rồi, mỗi lần nhấc mình lên bậc thang là đầu gối dường như rời khỏi thân thể. Căn nhà này, ba phòng ngủ đều ở trên lầu, nên thỉnh thoảng bà nằm ngủ luôn trên chiếc ghế bành dài trong phòng khách, khỏi leo thang lầu cho đỡ mệt.
Người con gái ở xa về thăm nhà mỗi cuối tuần, giúp bà gói ghém đồ dùng, sách vở, quần áo… đem biếu nhà thờ giường tủ, tặng thư viện mấy chục thùng sách cũ. Miệt mài, chăm chỉ như thế cả năm mới gần xong. Bà đi quanh nhà, chỉ trỏ mấy món đồ dùng quen thuộc để mang theo về chỗ ở mới. Cũng may, bà tìm được một căn chung cư vỏn vẹn một phòng ngủ, chỉ cách xa nơi này vài dặm đường, bà vẫn có thể dự lễ mỗi Chủ Nhật tại ngôi nhà thờ cuối đường đều đặn như 50 năm qua. Một vài người bạn cũ vẫn còn nấn ná trong thành phố, và thỉnh thoảng họ vẫn còn được gặp nhau để trò chuyện, cùng ăn bữa trưa…
o O o
Chị nhắc mãi, nói xa nói gần mãi bây giờ bà mẹ mới hơi xuôi lòng bàn tính việc dọn nhà. Căn nhà quá rộng, quá bất tiện cho một cụ già 85 tuổi ra vào một mình chưa kể việc leo tầng lầu thứ hai để đi ngủ và leo xuống tầng hầm để giặt giũ. Bây giờ thì chị phải tìm cách giải quyết mớ đồ đạc cồng kềnh khắp nhà chưa kể những ngăn tủ đầy ắp cốc tách ly chén. Vật dụng nào chị cầm lên bà mẹ cũng thở dài nhắc nhở rất nhẹ nhàng… đó là vật kỷ niệm từ ông bà nội / ngoại, quà đám cưới, quà sinh nhật của cha tặng mẹ… Vứt bỏ thì chị không đành lòng mà con cái chị, chẳng đứa nào muốn khuân vác những món đồ cũ ấy về nhà dù chúng đang cần sắm sửa đồ đạc trong nhà, sửa soạn đời sống riêng tư.
Chị loay hoay tìm cách giải thích với bà mẹ là nơi ăn chốn ở của con cháu rất chật hẹp, chúng sinh sống trong thành phố…, nên không có chỗ cho những đồ đạc cổ xưa nhưng cồng kềnh của ông/bà. Lời giải thích nghẹn trong cổ họng …về cái nhìn của người trẻ ngày nay, họ không mấy ưa chuộng những vật dụng cũ.
Chị nhớ lại câu chuyện diễn ra với đứa con gái về chiếc bàn làm việc bằng mahogany của ông cụ để lại, bốn cái chân cong cong theo kiểu Queen Ann, mặt bàn nâu bóng… Chị bảo con:
– Con mang về làm bàn giấy. Con bé tròn mắt:
-“Bàn giấy”? Chị phải giải thích là cái bàn dùng cho nơi làm việc, như viết, như ký giấy tờ, trả chi phiếu …
Khi hiểu ra, đứa con gái lắc đầu. Người trẻ không mấy ai sắm cái bàn chỉ để làm việc trong nhà, họ dùng chiếc computer đặt trên đùi, hoặc trên bàn ăn. Một cái bàn nhỏ nhưng tiện dụng cho bao nhiêu thứ. Dùng làm bàn ăn khi đến bữa. Nơi làm việc với mấy cái computer. Khi bạn bè đến thăm, cái bàn trở thành nơi tiếp đãi, chơi game. Và ‘nó’ gọn gàng lắm kia, chừng ba bộ Anh bề ngang và bốn bộ Anh chiều dài, đặt nơi nào trong căn chung cư ba phòng cũng xong…
Rồi con bé phì cười nói với chị rằng thế hệ của nó là thế hệ Ikea, thế hệ Target, đồ dùng rất rẻ, chỉ để sử dụng trong một thời gian ngắn, rồi vứt, càng ít đồ đạc càng tốt. Món nào cũng đến trong một chiếc hộp carton, và tấm họa đồ chỉ dẫn cách lắp ráp. Chỉ 20-30 phút là có cái bàn, cái ghế. Chẳng có món nào nặng nề cần đến mấy người khiêng vác. Nó nói thêm… “nhà” con ở trên lầu, cách chi mà khuân cái bàn antique nặng lè è thế kia lên mấy tầng cầu thang?
Thì ra thế hệ ấy lựa chọn cách sống giản dị, ít đa mang và chúng không gắn bó với đồ đạc, vật dụng như các thế hệ trước. Khi cần, vài thứ cần thiết có thể chất lên xe, và chúng có thể “dọn nhà” một cách nhanh chóng, dứt khoát, ngay cả việc đi suốt chiều ngang của đất nước để nhận một việc làm vừa ý hơn!
Làm thế nào để nói với bà cụ rằng mấy đứa cháu không mấy ưa thích đồ đạc của ông bà để lại? Ðồ cổ trông đẹp lắm, nhưng chỉ để chưng trong viện bảo tàng mà thôi?!
Còn những chén dĩa, cốc tách pha lê mà bà mẹ nâng niu bao năm nay, chỉ mang ra dùng mỗi năm vài lần trong dịp lễ Tết? Chẳng mấy ai lựa chọn một bộ chén dĩa bằng sứ thật đẹp khi lập gia đình nữa rồi.
Những bức tranh, những tấm hình trên tường thì sao? Ðã một thời chị khôn lớn với những vật dụng ấy trong ngôi nhà cha mẹ, thân thiết biết bao? Rồi chị lập gia đình, có con cái, cũng mua sắm mỗi khi vui chân đường xa xứ lạ, và chính tổ ấm của chị cũng đầy ắp những đồ đạc mang dấu vết kỷ niệm.
Khi đứa con út cũng sẵn sàng ra ở riêng thì ngôi nhà vắng hẳn, ra vào chỉ có chị và người chồng, lặng lờ hiu quạnh. Ðã có lần anh bảo chị rằng… nhà rộng quá, mấy phòng để trống không, chỉ… hứng bụi, hay là mình dọn đến nơi nào ấm cúng hơn…? ‘Ấm cúng’ theo ý anh là một ngôi nhà nhỏ hơn, vừa đủ dùng, một cách giải quyết theo thời đại là “downsizing” khi chim [không còn] non đã rời tổ. Chị chợt nhận ra rằng rồi chính chị cũng cần phải giải quyết những món đồ đạc không còn cần thiết chung quanh mình, chỗ đâu để chất chứa thêm kỷ niệm của ông bà, cha mẹ?
Chị ngẫm nghĩ mấy câu giải thích nhẹ nhàng để bà cụ yên tâm dọn về chỗ ở mới… Những vật dụng cụ để lại, sẽ có người cần dùng… Chị nghĩ đến những trung tâm thu nhận vật dụng cũ, còn dùng được. Các món đồ cũ của ông bà cha mẹ chị mai này sẽ được mang tới những nơi ấy, và ngay cả vật dụng trong nhà chị, cũng sẽ có lúc chúng cần ra đi. Lòng chị nặng nề, bất an với hình ảnh bà mẹ tần ngần, thẫn thờ cầm lên rồi bỏ xuống từng món đồ dùng, bà không thể lựa chọn vì món kỷ niệm nào cũng cần đi với bà về chỗ ở mới. Tim chị quặn thắt. Chị bồi hồi rồi tự nhủ… ta sẽ phải tránh tình cảnh phải giải quyết các vật dụng trong nhà cho mấy đứa con.
Ðầu óc chị lởn vởn hình ảnh một căn nhà nhỏ, ít vườn tược, cây cỏ, đủ cho vợ chồng chị ra vào tránh mưa nắng. …Ước gì mình cũng có thể giản tiện như con bé út, đi đâu cũng chỉ một cái ba lô trên lưng…?!
TLL
Orlando, FL - http://baotreonline.com

____________________________

2 comments:

  1. Rất đúng nhưng cũng rất buồn khi phải cho đi những kỹ vật

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bây giờ thì dù muốn dù không mình cũng phải chấp nhận một thực tại não lòng về những vật gọi là lưu niệm, kỷ niệm. Ngay cả chính mình, nhìn mấy chục cuốn album hình cưới, hình gia đình, hình kỷ niệm không đành lòng vứt đi. Nhưng để lại thấy chật nhà, đóng bụi. Nấn ná rồi cũng vứt thôi. Thời nay tất cả đều dùng kỷ thuật số. Đâu ai cất công nhìn lại mấy tấm hình đã lỗi thời, đã hoen ố..
      Còn nhiều thứ khác nữa.. Và Có lẽ trước khi rẽ vào khúc quanh cuối đời thì mình cũng phải thanh toán hết để khỏi nhọc lòng con cháu.
      Không đành lòng nhưng không có chọn lựa.
      QN

      Delete