Sunday, July 11, 2021

Nơi sẽ đến cuối cùng !

Peace Nguyễn

Hình tác giả Peace Nguyễn


Dù già hay trẻ, dù không muốn, nhưng đoạn đường cuối cùng ta đi trên quả đất, sẽ đưa đến nơi này : NGHĨA TRANG.

Con tôi nói "Má mê đan quá nên cứ đi Hobby Lobby hoài". Tôi cười không trả lời, thật ra, đến đó tôi không phải mua gì cả; mà chỉ vì bên cạnh Hobby Lobby có một nghĩa trang xinh xinh, nhỏ nhắn, gọn gàng, mà nhìn từ xa chỉ thấy một thảm cỏ xanh mượt, với những ngôi mộ nằm đều đặn, khiêm tốn với vài hàng chữ khắc trên tấm bia phẳng trên mặt đất. Nghiã trang được bao bọc bởi những hàng cây lớn rợp bóng mát, gợi tôi nhớ lại những ngôi làng nhỏ bé quê nhà, chỉ thưa thớt  dân cư.  Người dân chất phát, sống hiền hòa, giản dị, nhưng tình người thì bao la, rộng mở, đùm bọc, che chở nhau. Với tôi nghĩa trang thật sự là "nơi bình yên chim hót".

Đi du lịch ở bất cứ đâu, con tôi biết ý, nên thường đưa tôi đến những nghĩa trang. Không hiểu sao, cứ vào đó là có cái gì thật sâu, thật mãnh liệt len vào hồn tôi, chân tôi bước nhẹ, người tôi như chim bay.

Hai năm trước tôi đến Berlin. Sau khi thăm bức tường chia đôi đất nước, dù không còn đủ thời gian, nhưng tôi vẫn cố thuyết phục mọi người đưa đến Murdered Jews Memorial to the  of Europe (Nơi tưởng nhớ những người bị thiêu sống của Đức Quốc Xã). Mọi người ngồi trong xe chờ tôi lang thang trong đó. Nơi  đây không chôn người chết nên không thể gọi là nghĩa trang, chỉ vô snhững khối đá hình chủ nhật ,lớn ,nhỏ,thẳng tắp,tôi không hiểu hết ý. Đi sâu vào trong,  cái lạnh của những phiến đá như thấm vào da thịt, tôi cảm nhận như họ đang quanh quẩn đây, tay tôi dang rộng như chạm phải những cánh tay chới với kêu gào thảm thiết trong lò hơi ngạt, tôi như nhìn thấy sự tuyệt vọng, đau đớn vì không thở được, vì lửa đốt da thịt cháy khét, ôi kinh hoàng thay ! Cái đau của họ như đi dần vào cơ thể tôi, bóp nát trái tim tôi. Thương thay những người vô tội phải chết oan ức để thỏa mãn sự hận thù.

12 giờ phải ra phi trường về lại Mỹ. 7 giờ sáng tôi một mình lang thang trong nghĩa trang gần nhà. Trời se lạnh, sương còn đọng trên lá, nhưng đã có nhiều người đi dạo. Người chết ở đây cảm nhận không buồn vì gặp người sống mỗi ngày, nghĩa trang là một nơi để đi bộ thật lý tưởng, những tia nắng đầu ngày xuyên vào tàng cây lớn đang nhảy múa, cơn gió nhẹ xì xào qua hàng cây hòa với tiếng chim tạo một âm thanh kỳ diệu, gió làm những chiếc lá đong đưa như vẫy tay chào người qua lại. Ôi, thật bình yên, nhẹ nhàng làm hồn tôi lâng lâng, giá như nghĩa trang nơi tôi ở được như thế này.

Houston, nơi tôi đang ở có rất nhiều nghiã trang, nhưng tôi vẫn cãm nhận sâu sắt  nhất  khi đi ngang qua  Houston National Cemetery  nằm trên đường Veterans Memorial Dr., nơi những hàng bia mộ màu trắng, giống nhau khiêm tốn  khắc tên những người lính đã bỏ mình cho quê hương. Mỗi năm, vào ngày Memorial, lễ tưởng niệm diễn ra thật trang trọng, dù 100 năm hay hơn, mọi người không bao giờ quên ơn họ, họ nằm đều đặn, thẳng tắp như những hàng quân đi đều bước, không phân biệt chức vụ, tuổi tác, thật bình đẳng. Tôi đã từng vào đó đi dọc hàng mộ những người chết trên chiến trường Việt Nam, Tôi tự hỏi Tại sao họ phải hy sinh cho quê hương tôi, để lại đau thương cho gia đình ?”, phi lý quá.

Trong chuyến đi Scotland năm 2017, tôi có dịp đến Glasgow Necropolis, một nghiã trang cổ đại nằm trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố. Những bia đá đều cùng một màu xám buồn, màu của thời gian tàn phai, nhưng dù đã hơn 200 năm vẫn vững vàn, hiên ngang như những anh hùng hay các bậc vĩ nhân nằm dưới đó. Những ngôi mộ thật hùng vĩ mà các nhà điêu khắc thời bấy giờ đã thổi hồn vào khi xây dựng, không mộ nào giống nhau, khâm phục thay những kiệt tác.


Thế hệ hôm nay đơn giản hơn, nhiều người đã không chọn nghĩa trang để nằm xuống. Theo tôi, chết là hết, là cát bụi, thân thế này trở thành tro bụi, nằm ở nghĩa trang chỉ làm phiền con cháu thăm viếng, tro bụi này đừng nhốt vào hủ nào cả. Hãy rải tôi vào biển vì tôi yêu biển, nằm ở đó, tôi luôn được nghe tiếng sóng vỗ rì rào ru tôi, được nhìn chim trời dang đôi cánh rộng, được nhìn ánh trăng lấp lánh trên mặt nước ban đêm, được nhìn mặt trời ló dạng chói lòa, hay hoàng hôn tắt dần đỏ hồng ở cuối chân trời. Tuyệt tác như thế, sao phải vùi tôi xuống đất làm gì cho tốn kém. Tôi không mun chôn ở bất kỳ đâu, chỉ muốn đuợc chôn trong tim mọi người khi nghĩ đến tôi, vì thế tôi đang cố gắng tập sống đời còn lại cho thật tử tế.

Người Việt Nam ta có câu “Sống có nhà, chết có mồ”. Con cái nhiều tiền thì phải xây mộ cha mẹ thật lớn đễ tỏ lòng hiếu thảo. Vì thế  ở huyên  Phú Vang - Thừa thiên, đã có một nghĩa trang mà hầu như nổi tiếng cả ra nước ngoài “Nghĩa Trang  An Bằng”. Năm 2013 tôi có dịp đưa Má tôi về Huế và ghé thăm. Đường vào làng gập ghềng lên xuống, đầu làng là ngôi trường học đã hư hại nặng, nước loang lổ đầy sân. Xe đi sâu vào trong rất khó khăn, vì phải tránh người đẩy xe bò chở củi. Hai bên đường có nhà vila sang trọng, bên cạnh  những ngôi nhà nghèo nàn,đổ nát. Chỉ sau một khoảng đường ngắn, tôi đã choáng ngợp vì những ngôi mộ xa hoa, tráng lệ, chạm trổ công phu đắt tiền, như mộ vua chúa ngày xưa. Không phải chỉ có một, mà rất nhiều, xen k, chen chúc nhau với những kiến trúc công phu, tốn kém, nhưng cầu kỳ và đầy màu sắc làm tôi rối mắt.

Tôi hỏi một người đang xây, đươc biết tổn phí xây cất mỗi cái trung bình trên 100 ngàn đô, do con cháu ở nước ngoài gởi về, ông bảo cái này còn thua cái kia, cao tiền hơn100, rồi mọc thêm cái khác 150... Nghe đâu hiện nay, cái đã xây rồi ít tiền hơn cái mới xây, nên “được” đập lên đễ xây lại cho cao tiền hơn. Tội nghiệp cho ông bà, chết m đẹp mà mồ không yên. Có người còn đang sống đã xây lăng cả mấy trăm ngàn đô đễ sẳn chờ chết. Ngưòi ta sống nghĩ về mình, chết cũng nghĩ về mình, mà không nghĩ đến xung quanh ! Ngôi trường xuống cấp cần sửa sang, những căn nhà tả tơi cần tu bổ. Có lẽ họ cho rằng đó là việc của nhà nước phải lo. Suy nghỉ nào đúng !, nào sai !, thật tình tôi không hiểu nỗi. Chỉ biết rằng bao nhiêu năm đã qua, Việt Nam cũng vẫn thua kém các nước khác về mọi mặt, chỉ hơn người ở “cái tôi”  mà thôi. Trên đường trở về, Má tôi đã cười ngặt nghẻo khi tôi gọi đó là nghiã trang Tao cho mày biết, ai giàu hơn ai !!!”.

Trở về lại thành phố biển Qui Nhơn thân yêu của chúng ta, Không ai là không biết đến nghĩa trang ở Khu Sáu. Nhớ ngày còn nhỏ, đạp xe ngang, tôi vẫn đặt câu hỏi “Tại sao phân biệt, Nghiã trang người Công Giáo một bên, Phật Giáo một bên”. Sau 1975 chỉ còn lại nghĩa trang Phật Giáo. Mỗi lần về Qui Nhơn, việc đầu tiên là tôi đi thăm mộ, ba má anh em tôi đều nằm ở đó. Đường vào mộ vẫn đầy đất cát với những người xây dựng bày sòng bài, hay đong đưa trên chiếc võng treo ở những ngôi mộ đắt tiền có mái che. Không còn đường lối nào để đi, phải bước trên mộ người khác mới đến được mộ người thân, bởi vì giữa hai ngôi mộ là những bia nhỏ li ti mang tên Vô Danh chen chúc. Hoang đàng, sa đọa của xã hội hiện nay đã tạo ra sự kiện kinh hoàng này. Đáng thương thay cho đàn con cháu mai sau.


Giẫm trên mộ người đã nằm xuống là bất kính. Nhớ ngày còn bé ở quê nhà, mỗi khi có đám tang đi qua, Má tôi thường dặn “Con phải bỏ nón, cúi chào người đã chết”. Và cho đến hôm nay, trên đường lái xe, tôi vẫn cúi đầu khi đi ngang những nơi có cắm thập tự giá nhỏ và một vòng hoa l loi bên vệ đường, nơi có ai đó đã bất ngờ vụt bay ra khỏi mặt đất này ngoài ý muốn. Tôi cũng không muốn chết khi đang còn khỏe mạnh, nhưng nếu trở thành gánh nặng cho gia đình thì tôi xin được ra đi. Nơi sẽ đến thật là hạnh phúc vì được sum họp với gia đình, dù bên kia cửa tử. Chỉ mong sao ước nguyện của tôi  trở thành hiện thực như nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã viết :


Mai tôi đi như máu chảy ngoài tim
xin khấn nguyện cả mười phuơng tám hướng
cho quê hương, u mê ngày thức tỉnh
để dù xa có chết cũng vui mừng.

 

Peace Nguyễn - (Memorial Day 2021)
* Ảnh : Tác giả cung cấp


_____________________________________

1 comment:

  1. Chào chị H. (Peace Nguyễn)
    QN cảm ơn chị về bài viết xúc động, đầy tình cảm. Chung quanh mình có những điều tưởng chừng rất bình thường nhưng không phải ai cũng hiểu..
    Chúc chị những ngày vui/
    QN

    ReplyDelete