Sunday, July 23, 2023

Ăn Trưa Cùng Tony - Xứ Người Xứ Ta

Tui vốn mê xì gà, là một loại thuốc lá nhưng tuyệt đối không có hít vô phổi, chỉ hít vào miệng và nhả ra ngay lập tức, nhưng 1 chút đã say vì hàm lượng nicotin rất cao (giống thuốc lào bên ta). Hút xì gà khác thuốc lá hoàn toàn, do không hít vô phổi nên nguy cơ bệnh này nọ cũng ít hơn, các ông tài phiệt giàu sụ khôn bà cố chỉ hút xì gà còn thuốc lá thì không. 

Ở sân bay quốc tế hay khu vực phố Wall bên New York, có những phòng cigar lounge để người ta vô đó đốt tiền, một điếu Cohiba hơn trăm đô, còn trong mấy cái lounge thì gấp đôi gấp 3, và có thêm rượu mạnh. Nhưng không ai uống nhiều, chỉ 1 ly nhỏ xíu xiu với mấy viên đá vĩnh cửu (loại bằng inox hay bạc vàng gì đó, cứ bỏ trong ngăn đông lấy ra pha rượu, làm lạnh mà không làm loãng rượu, xài xong thì rửa và bỏ vào tủ đông, xài hoài nên gọi là vĩnh cửu).

Mấy cái xì gà họ không quảng cáo vì người có tiền xài cái này rất ít và đã biết cả rồi, chẳng cần giới thiệu hay quảng bá. Mình biết cái này là để nghĩ cách cung cấp cho họ, kiếm tiền. Dân xứ lạnh giàu nhiều, ưa dùng những thứ chỉ có xứ nóng mới trồng được như xì gà, cà phê, ca cao, cây agave sản xuất rượu tequila, đường mía làm rượu rum....

Xì gà là mỏ vàng của các nước vùng Caribe, tui mò sang để nghiên cứu về VN bày cho tụi nhỏ làm. Tui biết Panama miễn visa cho Việt Nam nên đi sang nước này trước, nghiên cứu sau đó bay vòng vòng các nước bên cạnh, tranh thủ đi. 60 tuổi còn thức đêm bay đường dài được chứ già nữa là cũng khó đi, tụt huyết áp này nọ phiền người ta. Khi xuống sân bay Panama, chu cha lớn nhen. Cô hải quan cầm hộ chiếu VN của tui xong, lật lật không thấy visa thì hỏi ông hải quan bên cạnh, ủa Việt Nam ở đâu ông biết không. Ông bên cạnh (có vẻ giỏi môn địa lý), liền nói 1 tràng tiếng Tây Ban Nha, mà tui nghe loáng thoáng là nằm giữa Hongkong và Singapore, chắc thấy tui giống tài tử xi-nê. Cô hải quan mỉm cười đưa lại hộ chiếu cho tui sau khi đóng dấu, nói Here you are sir, welcome to Panama, please spend as much money as you can in our country (vui lòng tiêu tiền càng nhiều càng tốt ở nước tụi tao nha) (còn tiếp, ai quan tâm lĩnh vực ký sự du lịch thì còm +/- để đọc).

* Trong chuyến đi thực địa ở đây, tui định là học cách làm xì gà, nhưng cuối cùng là quẹo sang mấy hướng khác. Anh bạn thân lúc học ở Mỹ có giới thiệu tui cho 1 ông kẹ (ông trùm giàu có ở trong vùng, kinh doanh đủ thứ, có farm thuốc lá và xưởng quấn xì gà, vệ sĩ có súng nhìn oai lắm), nên tui sang ở nhà ông kẹ này chơi luôn. Một buổi sáng, ngồi uống cà phê, tui lỡ miệng hỏi vùng hay bão như vùng Caribe (Caribe bão lớn vào ác liệt), người dân trồng chuối để bán sang Mỹ và Canada kiểu gì, thì ông kẹ nói tí đi coi với tao, tao có farm chuối và farm cà phê nữa.

Ở vùng Caribe, tụi tao trồng giống chuối lùn Dwarf Nam Mỹ, lùn lắm, cũng là giống Cavendish nhưng cây cao có 1.5m là ra buồng, không ngã đổ khi giông gió, tụi mày ở Vn nếu vùng có bão thì nên áp dụng giống này, nhanh và dễ thu hoạch nữa. 

Các bạn trẻ người Panama ở đây không có quẹt điện thoại ở quán cà phê nhiều, họ rủ nhau thành lập công ty cổ phần nông nghiệp, thuê đất hoang của bà con hay của nhà nước, xong đầu tư trồng chuối lùn, chuối ăn tinh bột (gọi là plantain chứ không là banana, trái to đùng như trái mướp, tinh bột này là tinh bột kháng không gây mỡ bụng). 

Trồng thuốc lá để làm xì gà, làm xưởng chế biến chuối chứ không chỉ bán tươi, hễ làm nông là phải có 1 cái packing house (nhà chế biến, bên Nhật hay Hàn hay Úc hay Mỹ hay Israel hay Thái Lan đều vậy, giờ chẳng còn nước nào nông dân chỉ thuần trồng và phụ thuộc thị trường cả). 

Mô hình này kiếm tiền bền vững, bạn nào chịu cực được, thấy thú vị thì còm (giới thiệu bản thân sơ sơ) để tui hướng dẫn làm. Giờ mà còn không chịu hùn hạp làm ăn gì, ngồi cà phê nói chuyện tào lao không thì nghèo bền vững nhen, tui bó tay, không giúp được. Ai có đất thì phủ xanh đi, đừng để trống uổng.



Plantain là quả này 
dùng nấu ăn như cơm của mình vậy.

Chúng là nguồn tinh bột chính của 
dân nơi đây





Nguồn: https://www.facebook.com/antruacungtony/

___________________________

No comments:

Post a Comment