Thursday, August 10, 2023

Một Tình Yêu

Trương Hữu Hiền

Hôm qua nhận được Đặc san "Bạn cũ trường xưa" của Hội ái hữu Cựu học sinh Phan Châu Trinh. Rất vui khi mình có bài đăng. Cám ơn người chị vừa quen khuyến khích mình gởi bài cho ban biên tập. Gởi 2 bài nhưng chỉ được chọn một. Cả 2 bài mình đều thích. Thôi tự an ủi, hình như mỗi ngòi bút chỉ chọn đăng một bài

Một Tình Yêu

Một lần Hoàng đến thăm Hạ. Cũng là rất tình cờ khi có việc cần đến một nơi chỉ cách thành phố nàng ở gần 2 giờ lái xe. Sực nhớ đến Hạ, Hoàng vội vàng nhắn tin muốn đến thăm. Hạ trả lời là rất vui khi được gặp chàng. Lần gần nhất Hoàng gặp Hạ cũng trên dưới 10 năm. Thời gian trôi nhanh quá, bây giờ chắc hẳn cả hai đã thay đổi khá nhiều.

Hạ. Như Hạ. Cái tên hiếm và lạ khiến cho một người thoạt nghe thế nào cũng thắc mắc về ý nghĩa của nó. Hạ là mùa hè, Như Hạ là dường như mùa hè. Rắc rối chữ nghĩa. Thời tiết nóng bức, những cơn mưa dông bất chợt đổ xuống thì hẳn là đang giữa mùa hè rồi chứ “dường như” gì nữa! Nhưng tôi thích cả tên và chữ lót của nàng. Như Hạ kêu lên nghe như hai nốt nhạc liền kề nhau, một trầm một bổng dễ thương và dễ nhớ.
Gặp nhau. Như bao câu chuyện giữa hai người từng chung trường, chung lớp thì quanh đi quẩn lại chỉ là nhắc đến những người bạn cũ, những kỷ niệm thời còn đi học. Bao nhiêu đó thôi mà lần gặp gỡ nào cũng bịn rịn tiếc nuối khi chia tay. Có những mẫu chuyện muốn nói cho nhau nghe rồi lại quên, hay một câu chuyện cứ đắn đo không biết có đúng lúc, đúng nơi và đúng tình cảnh để nói ra không? Cuối cùng thì vẫn giữ lại …
Hạ bật cười khá lớn khi nghe câu chuyện Hoàng vừa kể với nàng. Rồi cố làm ra vẻ hài hước Hạ cất giọng hỏi lại:
-Ông kể xạo Hạ phải không? Làm chi 50 năm rồi mà ông vẫn còn nhớ câu chuyện và cả chi tiết hồi còn nhỏ xíu đó, chuyện của chính mình mà sao Hạ chẳng nhớ chi hết cả!
Hoàng cũng cười vui theo mà trả lời:
-Nhớ chứ, chuyện riêng của tôi thì làm sao Hạ nhớ được!
-Vậy ông làm Hạ cảm động đó nghe! Mấy chục năm rồi mà có biết chi mô! Chuyện lạ bốn phương!
Vẫn lối đối đáp vừa cười vừa nói của Hạ làm cho câu chuyện bớt đi cái không khí ngượng ngùng hiện có. Người đàn bà trước mặt Hoàng, người đã qua thật lâu cái tuổi học trò xa tít ấy mà chừng như vẫn lao xao dị khi nhắc lại những kỷ niệm thời trẻ thơ. Gương mặt thoáng chút đỏ hồng của Hạ làm Hoàng hình dung ra ngay lại những năm tháng tươi đẹp, tháng năm có trường lớp, bạn bè, và có cả Hạ trong đó nữa, dĩ nhiên…
Hạ là vậy. Bình thường nàng gọi Hoàng bằng tên và xưng Hạ như các bạn cùng lớp thời Trung Tâm Giáo Dục (TTGD) Nguyễn Hiền Đà nẵng. ( Xin viết thêm: TTGD Nguyễn Hiền thuộc hệ thống TTGD của miền Nam trước năm 1975. Đây là hệ thống dành cho các trường trước kia theo chương trình Pháp do Bộ Giáo Dục Pháp điều hành, được chuyển giao cho Bộ Giáo Dục Việt Nam vào năm 1967. Ở Đà nẵng có TTGD Nguyễn Hiền, trước kia là Lyceé Blaise Pascal).
Nhưng những lúc tự dưng Hạ đổi giọng gọi Hoàng bằng “ông” như thế này là lúc nàng cố làm ra vẻ tự nhiên, để giấu đi cảm xúc ngượng ngùng. Câu chuyện Hoàng kể với Hạ đâu khác chi là thú nhận hồi còn học chung lớp Hoàng thích nàng.
Hạ xinh, dân trường Tây và thuộc hàng con nhà giàu nữa nên mới lớn đã có biết bao anh chàng săn đón. Không những mấy anh chàng cùng trường mà cả những anh trường khác nữa.
Đà nẵng hồi đó nhỏ lắm chớ chưa khuếch trương rộng lớn như bây giờ. Hầu hết những ngôi trường lớn của thành phố đều “chen chân” giữa một khu vực khá hẹp. Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản nằm trên đường Lê Lợi. Nữ trung học Hồng Đức nằm ngay góc Lê Lợi -Thống Nhất. Rẽ ngang một đoạn là Blaise Pascal và Nguyễn Hiền góc Quang Trung-Độc Lập. Rồi xa hơn khoảng nữa nào là Thánh Tâm, Bán Công, Sao Mai, Bồ Đề, Kỹ Thuật… Tất cả chỉ cách nhau vài đoạn đường ngắn ngủi.
Bởi vậy mỗi lúc tan học, trường nào có nữ sinh thì sao tránh khỏi bóng dáng vài anh chàng thập thò trồng cây si trước cổng. Mấy anh chực chờ đưa đón, hay chỉ để thoáng thấy bóng người trong mộng mà đêm về thầm nhớ. Ngôi trường TTGD Nguyễn Hiền trong đó có Hạ cũng không tránh khỏi ngoại lệ ấy. Mỗi ngày tan học, Hoàng biết có vài anh đợi rồi lẽo đẽo theo gót nàng. Điều đó làm Hoàng thoáng buồn.
Hoàng mê Hạ dạo đó. Nhưng suốt những tháng năm học chung lớp Hoàng có bao giờ dám hó hé tỏ bày. Hoàng thuộc tuýp người nhát gan giữa đám đông, huống chi khi đứng trước một cô con gái đẹp như Hạ.
Ấy vậy mà trời xui đất khiến, bỗng dưng hôm nay đã qua cái tuổi 60 rồi Hoàng lại kể cho nàng nghe một câu chuyện trẻ con giấu kín bao năm, bằng chứng thương nàng hồi đó. Mặc cho câu chuyện Hoàng vừa kể khiến Hạ bật cười và chọc chàng lẩn thẩn “xạo”, nhưng Hoàng thấy lòng vui vì dù sao cũng có một lần trong đời can đảm tỏ bày với Hạ.
Dạo ấy là thời gian Hoàng học chung lớp với Hạ ở TTGD Nguyễn Hiền. Đó là những năm cuối trước biến cố tháng Tư 1975. Mặc dù đang thời gian chiến tranh nhưng Đà nẵng vẫn tương đối bình yên. Mỗi cuối năm trường có tổ chức trại hè Tất niên xuân. Gần đến Giáng Sinh mỗi lớp lại tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ. Party có cả ca hát, nhảy đầm. Không khí vui nhộn những lần đó làm Hoàng nhớ mãi. Mà cũng phải ghi nhớ mãi thôi. Khi mình còn trẻ, vùng ký ức trắng xanh còn đầy rẫy trong trí, thì những gì đẹp đẽ nhất xảy ra sẽ tự chọn những nơi ấm áp an toàn nhất mà trú ngụ. Những nơi chốn mà sau này chúng ta dễ khơi gợi lại nhất.
Giáng sinh gần đến. Thành phố sáng đèn lấp lánh trên cây thông lớn ở nhà thờ con gà. Tiệm quán chưng bày cây bánh Bûche de Noël, những tấm thiệp Giáng sinh có cảnh thiên thần bay lượn quanh Chúa Hài đồng nơi máng cỏ. Giữa chiến tranh Đà nẵng như vẫn bình yên, ít nhất là trong đầu óc ngây thơ của lứa tuổi Hoàng.
Cả tháng trước, cô thủ quỹ của lớp đã lo thu tiền chi tiêu cho tiệc cuối năm. Gần đến ngày, mấy cô lo mua sắm bánh trái, giấy màu dùng trang trí phòng lớp. Đám con trai thì vô tư lắm, chỉ biết háo hức ngồi đợi. Hôm party, lớp Hoàng chưng cả dàn máy Akai để cùng nghe Christophe, Sylvie Vartan, Francoise Hardy… Năm nay đã 15-17 rồi, tuổi này đã biết mộng mơ, biết thưởng thức nhạc tình. Mấy cô, kể cả vài ông chưng diện, ăn mặc “à la mode” hơn ngày thường. Nhất là đám con gái, hằng ngày vận áo dài trắng hiền dịu, hôm nay điệu đà áo đầm, váy ngắn làm hớp hồn những “húi cua” trong lớp.
Hôm ấy Hạ đẹp quá, nàng sang cả tiểu thư khiến Hoàng không thể nào rời mắt. Hạ vô tư chẳng để ý đến những cái nhìn lén lút của anh bạn cùng lớp. Hoàng bồi hồi rung cảm. Tâm hồn chàng lao xao trên đôi mắt ấy, trên dáng dấp ấy. Và cứ vậy Hoàng mơ mộng. Mơ mộng đến tận cả bây giờ…
Đang ngẩn ngơ nhìn Hạ, chợt Hoàng giật mình khi có anh bạn chồm ngang nói nhỏ:
-Ê, mi thấy hôm nay lớp mình bé nào đẹp nhất không? Tau thấy con Hạ mặc áo đầm dễ thương nhất đó mi. Hihi, phải mi thích nó không?
Hơi mắc cỡ Hoàng phản ứng nói ngay:
-Chứ không phải mi à. Khai mau đi!
Mà phải công nhận hôm nay Hạ mặc chiếc áo đầm trắng xinh quá! Dáng nàng cao gầy hợp với chiếc áo. Nàng lại cài trước ngực một chiếc nơ cùng màu trắng như tô thêm nét ngây thơ, nhu mì.
Đó là mùa Giáng sinh cuối cùng Hoàng còn thấy Hạ. Cuối niên học tình hình chiến sự miền trung trở nên khốc liệt. Nhiều gia đình trong thành phố lo sợ nên đã dọn vô Sài gòn, trong đó có nhà Hạ. Đến niên học mới, ngày đầu tiên vào lớp Hoàng đợi Hạ mãi, nhưng chiếc bàn quen thuộc mọi năm nàng ngồi vẫn bỏ trống. Hoàng thất vọng. Chiếc ghế trống trơ như tâm hồn chàng trống trải buồn lạc mất niềm thương mến đầu đời. Hoàng nhớ Hạ! ...
Vậy đó mà đã gần 50 năm trôi qua, và bây giờ Hoàng gặp lại nàng nơi đây. Tháng ngày chất chồng dễ làm cho ta quên quên nhớ nhớ những điều từng xảy ra. Đã quá lâu cho một ký ức trở lại một cách thật ngay ngắn và rõ ràng. Dẫu vậy, chỉ riêng người đàn bà trước mặt Hoàng, Hạ giấc mơ ngày đó thì làm sao có thể quên hẳn đi được. Nàng như hình ảnh phản chiếu trong một tấm gương xoay có hai mặt, chàng xoay mặt nào thì vẫn thấy lấp lánh bóng dáng ấy. Cô bé với giải nơ gấp xinh xắn trên nền chiếc áo đầm trắng một ngày Giáng sinh. Vóc dáng, ánh mắt, nụ cười. Dù cho thời gian có cướp đi một chút gì ở vẻ ngoài tươi tắn, có hiện lên một chút gì để gọi là tàn phai. Với Hoàng, Hạ vẫn cứ mãi là Như Hạ!
Hoàng ngồi nói chuyện với Hạ nơi phòng khách nhà nàng. Căn phòng bày biện thật gọn gàng, mỹ thuật. Bộ sofa màu beige nhạt chính giữa, chiếc piano đứng mặt nâu mờ đơn giản sát tường, vài bức tranh sơn dầu trên vách. Tiếng chiếc đồng hồ treo tường gõ nhịp đều đều làm cho câu chuyện trở nên lắng đọng trầm trầm như từ cõi ký ức tù mù vọng lại.
Hạ chậm rãi kể về những ngày cuối cùng nàng còn ở Việt nam. Những ngày Sài gòn trong hỗn loạn đạn bom chiến tranh. Năm chị em Hạ dắt díu trên một trong những chuyến bay cuối cùng rời quê nhà. Nàng nói:
-Lúc đó ai cũng chạy đôn đáo tìm mọi cách rời Sài gòn. Kiếm được một chỗ di tản bằng máy bay là quá hiếm hoi, phần đông mọi người chạy xuống bến Bạch Đằng để tìm cách ra đi bằng đường biển. Vậy mà may làm sao chị em Hạ đã được vị hôn phu của chị thu xếp, gởi gắm trên một chuyến bay rời khỏi Việt nam vài ngày trước khi Sài gòn thất thủ. Hoàng thấy đó, số Hạ thật may mắn phải không?
Hạ ngừng một lát như để đưa trí nhớ trở về khoảng thời gian hãi hùng năm ấy. Đường phố hỗn loạn, người thân ly tán. Rồi nàng kể về những ngày tháng sau đó, những ngày đã an toàn ở bên kia bến bờ quê nhà, nhưng tâm hồn cứ ngơ ngác nhớ nhà khôn nguôi. Những lúc xem tin trên truyền hình thấy những cảnh tượng hỗn loạn khủng khiếp trong giờ cuối cùng của cuộc chiến. Rồi vài năm sau, thảm cảnh thuyền nhân trên đường vượt biên bằng đường biển, đường bộ. Những câu chuyện thương tâm mà nàng không thể nào quên nhưng cũng không muốn nhớ đến.
Hoàng thắc mắc hỏi về người anh rể của Hạ, người đã đưa mấy chị em nàng rời Sài gòn. Hạ chậm rãi thuật cho chàng nghe một câu chuyện cảm động:
- Anh rể và chị quen nhau vào năm 1972 lúc anh là nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ ở Đà Nẵng. Anh muốn tiến đến hôn nhân nhưng gia đình không đồng ý vì anh là người ngoại quốc. Thế là anh chị chia tay, và anh trở về Mỹ sau khi chấm dứt nhiệm kỳ làm việc ở Việt nam. Đến năm 1975, anh trở lại Việt Nam trong một nhiệm vụ đặc biệt. Anh báo cho chị biết về kế hoạch di tản của người Mỹ và sẵn sàng bảo lãnh cả gia đình rời khỏi Việt nam. Thế là với danh nghĩa hôn phu của chị, anh chuẩn bị cho năm chị em Hạ rời Saigon bằng máy bay quân sự Mỹ vào một trong những ngày cuối tháng Tư.
Theo lời Hạ, anh rể của nàng sau khi thu xếp cho mấy chị em rời Việt nam thì vẫn quyết định ở lại cho đến giờ phút cuối của Sài gòn, dù lúc đó không còn máy bay đưa nhân viên Hoa Kỳ di tản ra khỏi Việt nam nữa. Anh tìm mua một chiếc tàu khá lớn, gom hơn 300 người, gồm những nhân viên người Việt từng làm việc cho tòa lãnh sự Mỹ cùng thân nhân của họ, và đưa mọi người ra khơi vượt thoát. Anh cùng với tất cả những người này có lẽ là những thuyền nhân (Boat people) đầu tiên của làn sóng người Việt tị nạn sau này. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, giữa cảnh hỗn loạn như vậy thì quyết định của anh rể nàng, một nhân viên ngoại giao cao cấp người Mỹ là một hành động can đảm, tự trọng và đầy nhân tính.
Câu chuyện của Hạ kể vừa xua đi thắc mắc về hoàn cảnh ra đi của nàng lúc đó, vừa để lại trong Hoàng lòng cảm phục người anh rể của nàng. Ở giờ thứ 25 của cuộc chiến huynh đệ tương tàn, đâu đó vẫn còn tấm lòng của một người Mỹ nghĩ đến cưu mang những người Việt bị bỏ lại. Những người đang trong tình trạng sẽ rất nguy hiểm sau khi phía bên kia đến.
Có một khoảng yên lặng đồng cảm giữa hai người bạn sau câu chuyện những ngày cuối trước khi miền Nam thất thủ. Rồi như để xóa tan đi cái không khí trầm lắng, Hoàng cười dí dỏm nói:
-Trong số những người thiếu may mắn ở lại có cả Hoàng đó nghe Hạ!
Hạ đưa mắt nhìn Hoàng dò hỏi, như muốn lắng nghe. Hoàng kể cho nàng về câu chuyện đời mình sau cái ngày tháng tháng tư năm ấy. Đó là một khoảng thời gian thật sự chán chường và sợ hãi. Những ngày Hoàng và bạn bè như chẳng còn lối nào để thoát ra khỏi vòng vây tù túng của định hướng tư duy chính trị, của không gian cư trú mặc định bởi cái chủ thể mới gọi là nhà nước Xã hội chủ nghĩa. Tụi Hoàng thất vọng! Không, phải nói là tuyệt vọng thì đúng hơn, để chỉ còn cách chọn cho mình một con đường duy nhất là ra đi, dù biết giữa cái sống và chết chỉ là sự may rủi như trong trò cá cược sấp ngửa của đồng bạc cắc được tung lên. Tụi Hoàng chấp nhận hết...
Hoàng kể thêm với nàng về những ngày lê chân hết nơi này đến chốn khác mong tìm được một cơ hội ra đi. Và lần cuối cùng Hoàng vượt thoát trên một chiếc ghe mà nếu mô tả được, thì nó như chiếc lá trôi nổi giữa đại dương muôn trùng. Vậy mà như có một ơn trên thương xót đưa đẩy, một đêm có chiếc tàu lớn áp sát cứu vớt nhóm ghe của Hoàng, chỉ trước một vài giờ cơn bão tố đại dương ập đến. Hoàng và những người cùng chuyến hải hành năm đó sống sót từ một phép màu của ân sủng.
Và Hoàng nói với Hạ rằng:
-Cuối cùng thì Hoàng cũng được có cái may mắn như Hạ rồi phải không? Biết bao người đã ra đi mà chẳng biết đâu là bến bờ để cập đến, họ đã nằm yên dưới đáy mộ sâu trong lòng biển cả.
Câu chuyện giữa Hoàng và Hạ được bắt đầu bằng niềm vui khi nhắc về khoảng thời gian đi học cùng trường, về một lần party Giáng sinh trong lớp. Những ngày bình yên cuối cùng ở thành phố nhỏ bé có tên Đà nẵng. Rồi câu chuyện cuối cùng chuyển đến những ngày sau khi nàng rời Việt nam và Hoàng ở lại. Để cuộc chuyện trò giữa Hoàng với nàng trở nên buồn buồn trầm mặc hơn. Hơn 50 năm thì có biết bao nhiêu là đổi thay, vui buồn một đời người...
Thấy thời gian ghé thăm nàng đã khá lâu, Hoàng nâng tách cà phê lên nhấp một ngụm cuối rồi từ giã. Mùa hè, buổi chiều bóng tối đến muộn, gần 8 giờ mà những vạt nắng vẫn còn nhảy múa trên góc hiên nhà Hạ. Hạ tiễn Hoàng ra tận cổng, nàng nói khi nào có dịp sang Cali nhớ đến thăm nàng. Chắc còn phải lâu lắm vì chàng hơi ngán khi nghĩ tới đoạn đường bay từ chỗ chàng sang đây.
Chặng đi cộng chặng về đã mất hết một ngày trời. Tuổi này đi đâu xa cũng cần phải dừng chân một vài tuần cho lại sức. Thôi vài năm nữa, hẹn đến khi nghỉ hưu sẽ tha hồ đi đây đó thăm bạn bè.
Xe ra đến cổng Hoàng dừng lại, hạ cửa sổ vẫy tay chào Hạ. Nàng vẫn còn đứng nơi hàng hiên ngước nhìn từ giã. Ánh sáng hắt vào làm chói mắt Hoàng. Bất chợt chàng nhìn thấy có cả vài giọt nước sáng long lanh trên khóe mắt nàng. Hay Hoàng tưởng tượng vậy! Hạ đứng đó, giữa những lùm cây xanh, đưa tay vẫy chào lại. Tóc nàng bay bay trong gió, dáng gầy trong chiếc áo đầm trắng mùa hè. Có lẽ ký ức Hạ đang bay về tận khoảng trời trong xanh ngan ngát nơi từng có Hoàng, có nàng. Nơi ấy có cả mái trường chung Nguyễn Hiền thân yêu. Nơi ấy còn có câu chuyện chiếc áo đầm trắng Giáng sinh mà nàng đã mặc năm cuối trước khi rời Đà nẵng. Câu chuyện hơn 50 năm trôi qua như một dấu tích. Nay sương mù thời gian đã biến dấu tích ấy thành nỗi ngậm ngùi cho Hạ, cho Hoàng gặm nhấm. Dường như ánh nắng chói lòa cũng làm cho mắt Hoàng chợt cay. Chàng vội vàng rời đi. Chiếc xe đổ xuống hết khoảng đồi, bóng ngôi nhà của Hạ khuất không còn thấy nữa. Hoàng vừa rời khỏi nhà Hạ, rời khỏi một vùng kỷ niệm có nắng, có gió và có những cánh chuồn chuồn bay khắp sân trường! …
Một ngày cuối tuần tháng 10, 2022

Trương Hữu Hiền

________________________________

No comments:

Post a Comment