Friday, April 26, 2024

Thắp Cho Em Ngọn Nến

Trương Hữu Hiền - Hien Yuken


Chiến tranh là sự xung đột giữa những thế lực đối kháng một khi mâu thuẫn giữa chúng đi đến điểm cực hạn. Thế lực đối kháng đó có thể là hai quốc gia hay là hai lực lượng trong cùng một quốc gia, mà ta gọi là nội chiến. Thường thì sau một cuộc chiến, nếu có kẻ thắng người thua thì quyền lợi tốt hơn sẽ dành cho bên thắng cuộc và thiệt thòi ngả về người thua cuộc. Điều đó không tránh khỏi. Tuy nhiên ngoại trừ trong một cuộc chiến xâm lược, hết chiến tranh thì điều cần thiết nhất là xây dựng và hàn gắn. Xây dựng lại của cải vật chất bị tàn phá, hàn gắn lại lòng người từng chia rẽ vì bắn giết nhau.
Bỏ qua những thế lực bên ngoài trong chiến tranh Việt Nam. Sau 30 tháng Tư năm 1975, lẽ ra việc xây dựng và hàn gắn giữa những con người cùng màu da, cùng dòng máu là điều ưu tiên nhất. Nhưng những người chiến thắng trong cơn say quyền lực, cộng thêm cái mặc cảm tự ti thua sút khiến cho họ mang tâm lý trả thù. Đó là nguyên nhân sinh ra những chủ trương như “học tập cải tạo, kinh tế mới, đánh tư sản mại bản”, và cuối cùng là câu chuyện vượt biên, vượt biển.
Bao nhiêu gia đình của mảnh đất miền nam một thời bình yên nay tan nát vì những chủ trương đó. Con mất cha, vợ lìa chồng, cha mẹ ngậm ngùi đau xót tiễn con ra biển mà không biết chúng sẽ sống chết ra sao. Xã hội bị xáo trộn một cách khủng khiếp. Người cùng làng ở thôn quê, cùng xóm ở thành thị nghi kỵ, sợ hãi nhau. Trước đây rời bỏ chốn quê nhà là điều chẳng đặng đừng, nay đó là một nhu cầu để sống còn. Và những câu chuyện bỏ nước tha hương tương tự ấy vẫn còn đang xảy ra đến tận bây giờ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Câu chuyện của xóm tôi
Xóm nhà tôi trước đây ở Đà Nẵng nằm trên đường Ông Ích Khiêm, khoảng giữa chợ Cồn và chùa Tĩnh Hội. Mọi người hay nói đùa rằng, xóm tôi có một vị trí thật đặc biệt, khi vừa ảnh hưởng cái không khí xô bồ ồn ào chợ búa vừa ảnh hưởng cái tôn nghiêm nơi tĩnh lặng chùa chiền. Thời đó người trong xóm chăm chỉ làm ăn. Nhà nào buôn bán cũng tương đối phát đạt. Tuy thời chiến tranh mà mọi người vẫn bình yên thanh thản sống. Trong xóm người người thân quen, quý mến nhau.
Nhưng rồi tháng Tư năm 1975 ập đến. Vận nước đổi thay, xóm nhà tôi cũng không phải là ngoại lệ. Trước đây vui, thân tình bao nhiêu thì bây giờ đầy nghi kỵ, sợ hãi. Mọi người lặng lẽ lo toan cho riêng gia đình mình. Vài năm sau ngày mấy “ổng” về, lần lượt người xóm tôi lặng lẽ cho con cái hay cả nhà cùng nhau ra đi. Có gia đình thành công vượt thoát hết, nhưng cũng có gia đình đau đớn khi người thân chẳng bao giờ biết được tin.
Cô bé hàng xóm.
Bài viết tháng Tư năm nay tôi xin viết về cô bạn hàng xóm của mình. Cô bạn kế bên nhà mà tuổi thơ chúng tôi đã từng có những san sẻ thân thương. Biết bao nhiêu là kỷ niệm.
Khoảng mùa hè 1995 lần đầu tiên tôi về lại Việt nam sau thời gian đi xa. Ở Sài gòn mới hai hôm với gia đình người chị tôi đã nôn nóng mua vé máy bay trông vù về Đà nẵng.
Sáng sớm háo hức xách va li lên phi trường Tân Sơn Nhất, kiếm một ly cà phê nhâm nhi ngồi ở khu vực chờ. Thật bất ngờ tôi gặp lại hai bác Quốc Long từ Đà nẵng vừa đáp chuyến bay xuống. Chừng ấy năm xa cách vậy mà hai bác vẫn nhận ra tôi ngay. Bác gái vừa gặp mặt đã ôm chầm lấy tôi hỏi:
- Hiền đây hả, về hồi mô vậy con?
Tôi chưa kịp trả lời, bác đã ràn rụa nước mắt nói ngay:
- Đông nó mất tích rồi con ơi! Mấy chục năm chẳng có tin tức gì nó cả.
Tôi chỉ biết ôm bác vỗ về và nói rằng mình đã biết tin về Đông từ khi còn trong trại tỵ nạn.
Bác gái ngồi xuống cạnh tôi huyên thuyên hỏi chuyện. Còn bác Quốc Long trai thì chỉ đứng im lặng nhìn, giữ khoảng cách khá xa. Nhưng tôi cảm nhận trong ánh mắt bác một nỗi đau buồn bất tận. Nỗi buồn nhớ thương con tan nát. Đàn bà dễ than khóc cho một tai ương ập đến, nhưng thời gian sau có thể gượng dậy mà tạm quên đi. Đàn ông thì khác nhiều lắm, cứ vậy mà họ im lặng chịu đựng dai dẳng từ ngày này qua ngày khác, khó nguôi. Ánh mắt và sự im lặng của bác trai làm tôi không dám nhìn thẳng vào, tôi sợ cái cảm giác mình đang chạm đến nỗi đau quá sức chịu đựng của một con người! …
Vợ chồng bác Quốc Long là hàng xóm sát vách nhà tôi thời Đà nẵng, và Đông là cô con gái thứ của hai bác. Đông nhỏ hơn tôi hai tuổi, thân thiết nhau từ thuở nhỏ cho đến cả khi lớn lên. Hồi đó chuyện gì tôi và cô ấy cũng có thể kể cho nhau nghe, chuyện gia đình, rồi trường lớp, chuyện tình cảm bạn bè buồn vui. Sau này khi tôi đi học xa, mỗi mùa hè hay dịp tết Đông bao giờ cũng mừng khi tôi về Đà nẵng.
Vậy mà khi tôi vượt biển đến trại tỵ nạn Nhật thì mấy tháng sau Đông lại không may, cũng ra đi mà không bao giờ tới bến bờ. Cô ấy cùng với những người cùng chuyến ghe đã nằm lại đâu đó giữa biển khơi. Thời gian đầu còn hy vọng chuyến đi lạc vào một hải đảo nào đó, nhưng bao năm rồi vẫn biệt tin thì chắc chắn tất cả không còn.
Nhớ lần cuối tôi gặp Đông. Từ Sài Gòn tôi trốn về Đà nẵng chờ một chuyến đi. Tết đó tôi ghé nhà vài hôm. Sau tết, một buổi chiều tôi rủ Đông đi uống cà phê dưới phố. Lúc đó đã tuổi gần 20 rồi mà Đông còn ngại ngùng sợ hàng xóm dị nghị, cô ấy bắt tôi phải đạp xe đến tuốt cuối đường rồi mới lấy xe theo gặp.
Hôm đó Đông cho biết gia đình đã thỏa thuận với một tổ chức vượt biển, ngày Đông đi cũng không còn xa. Cô ấy rủ tôi đi chung nếu muốn. Tôi nói cứ nhắn với gia đình tôi khi đến ngày đi. Nhưng thật ra, ba mẹ tôi cũng đang liên lạc với một tổ chức khác. Tôi và Đông nói chuyện nhiều lần gặp đó. Cô ấy nói về ước mơ đi thoát nơi này, đến một nơi không còn những kỳ thị thù hằn giai cấp, ước mơ được trở thành cô sinh viên cắp sách đến trường. Tôi thương những ước mơ bình dị của cô ấy. Con gái thường hay mơ mộng mà quên đi những gì thực tại. Tội nghiệp cho những ước mơ của Đông chẳng bao giờ thành hiện thực.
Tuần sau tôi có hẹn ra khơi, chiều sẩm tối tôi bắt phà ngang sông Hàn, ngoái nhìn phố phường bờ tây lần cuối giã từ. Chuyến đi lênh đênh nguy hiểm nhưng may mắn cuối cùng được tàu Nhật cứu đưa về trại tỵ nạn Okinawa. Mấy tháng sau hai cô em gái tôi cũng vượt biển đến được Hồng Kông. Và qua thư của hai cô em tôi biết tin Đông đã ra đi trước đó nhưng chẳng biết tin tức gì. Tôi rất buồn và luôn cầu nguyện ơn trên cho cô ấy được bình an sống sót ở một nơi nào đó. Hơn 40 năm trôi qua! …
Lần đầu qua Mỹ thăm gia đình, câu chuyện trong nhà hay nhắc đến Đông. Ba tôi nói nghe tin có chuyến tàu ra đi tận những năm đó, rồi lạc vào một hoang đảo và những thuyền nhân đến sau này mới được tìm thấy. Ba nói, “Biết đâu Đông nó vẫn còn sống”. Nghe như chuyện hoang đường ấy. Nhưng điều đó chứng tỏ mọi người đều quý mến mà thương tiếc Đông, một cô gái nết na hiền lành trong xóm.
Lần gặp hai bác Quốc Long ở phi trường năm đó cứ ám ảnh tôi mãi. Bây giờ hai bác đã mất nhưng tôi vẫn nhớ đến những giọt nước mắt ràn rụa của bác gái, cái thinh lặng và ánh mắt tan vỡ u buồn của bác trai. Thật tội cho hai bác.
Chuyện mất tích trên đường vượt biển của Đông làm tôi còn liên tưởng đến một mất mác khác, cái chết oan ức của anh trai cô ấy.
Khoảng mùa hè năm 1973, tuy đã ký kết hiệp định Paris nhưng chiến tranh vẫn diễn ra mãnh liệt hơn. Ngoài chiến trường là vậy, còn ở thành phố chuyện khủng bố, ám sát, nổ mìn lựu đạn vẫn xảy ra hằng ngày.
Một buổi chiều, anh trai của Đông tên Quốc đang nói chuyện với tôi trước nhà thì cô cháu anh ấy từ bên kia đường sang rủ anh đi chơi. Anh Quốc lấy chiếc xe Yamaha đèo cô cháu đi, nhưng chạy được một đoạn thì tôi nghe một tiếng nổ thật lớn. Mọi người sợ hãi nhón nháo nhìn về hướng phát tiếng nổ, có lẽ là ở quán chè cách nhà tôi hơn trăm mét. Tiếng la hét, rồi lát sau tiếng xe cấp cứu hú còi náo loạn.
Có người chạy về và la lớn rằng anh Quốc bị thương và đã đưa đi bệnh viện. Thời gian ngắn sau, có tin anh Quốc mất vì mảnh văng của lựu đạn của khủng bố ném vào quán chè khi anh ấy lái xe ngang qua. Cha mẹ. anh em anh Quốc khóc ngất.
Buổi tối đưa xác anh ấy về tẩm liệm. Tôi không quên được hình ảnh, suốt đêm bác gái Quốc Long ôm tấm mền đi lang thang ngoài đường, vừa đi vừa khóc cứ nói đem mền cho con trai mình đắp thêm cho ấm.
Hai cái tang quá trẻ bên hàng xóm nhà tôi. Cái tang của anh trai Đông năm ấy, và cái tang của chính Đông bây giờ. Một cái chết vì một mảnh lựu đạn oan nghiệt của kẻ khủng bố, và bảy năm sau là một cái chết khi trốn chạy chế độ độc tài do kẻ khủng bố ngày đó thành công dựng nên. Chừng ấy năm cho hai cái tang của con cái, đớn đau nào cho người cha, người mẹ có thể chịu nỗi. Tận bây giờ tôi cứ mãi ám ảnh về hai cái chết của hai người con gia đình bác Quốc Long. Rồi tôi liên tưởng đến những cái chết của dân tôi trong chiến tranh và sau chiến tranh. Oan khiên chồng chất những oán hờn ...
Đời người vài ba mươi năm thì dài hay ngắn làm sao chúng ta biết được. Có những vi sinh vật chỉ sống được vài ba giờ, và có những loài trường tồn hàng chục thế kỷ. Nhưng tất cả cũng được gọi là đời sống dù cho ngắn hay dài theo đơn vị thời gian.
Và rồi cuối cùng tất cả đều tan biến trong cái gọi là “hố đen vũ trụ”, chắc hẳn gồm cả sinh vật lẫn linh hồn chúng. Tuy nhiên, con chim sống hết đời hồn bay về trời là điều hạnh phúc, cá dưới sông dưới biển chết đi hồn chúng tan vào sóng nước là điều đương nhiên may mắn. Con người sinh ra nơi đất ở, chết đi gửi hồn vào đất là lẽ thường ước muốn cuối cùng. Nhưng có những cái chết như Đông, cô bạn tôi, và những nạn nhân oan ức trong hải trình may ít rủi nhiều, hồn họ sẽ bám víu vào đâu khi phải xa rời đất mình sinh ra. Chúng ta nghĩ đến đã đau xót huống gì người thân của họ. Đau buồn biết chừng nào, hằng đêm hằng ngày trằn trọc thương nhớ.
Có những thời kỳ mà tàn nhẫn lên ngôi để chúng ta không còn tìm được nơi sống dù ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Để bất hạnh, những mảnh đời chôn thây giữa biển khơi, chết ngạt không còn nhận kịp hơi thở cuối cùng. Tôi vẫn nhớ đến Đông ở lần gặp cuối cùng. Đã bao nhiêu năm, bao nhiêu lần tôi muốn viết vài dòng về cô ấy nhưng đặt bút xuống sao có cảm tưởng mình đang nhẫn tâm chạm đến nỗi tủi buồn của một linh hồn. Rồi không sao viết nổi. Thôi thì lần này, gần 50 năm rồi còn gì, tôi gắng cặm cụi viết lại câu chuyện thương tâm này như thắp lên một ngọn nến cầu nguyện cho cô ấy mãi ngủ giấc bình yên, ở một nơi nào đó!
Còn một năm nữa là chẳng chòi nửa thế kỷ của cái ngày 30 tháng Tư định mệnh dân tộc. Nhưng thật đau đớn khi vẫn còn cảnh người người cố ra đi để vượt thoát khỏi đất nước mình. Họ ra đi bằng bất cứ giá nào với nhiều hình thức khác. Xin đi lao động nước ngoài, trốn trong thùng đông lạnh vượt biên giới, xin đi du học, du lịch rồi ở lại. Và mới đây nhất, có người tốn cả vài chục ngàn đô cho tổ chức đưa họ đến biên giới Mexico để trèo rào vào nước Mỹ. Không còn gì để giải thích cho một người đánh đổi cả mạng sống quyết định rời quê cha đất tổ, ngoại trừ họ và gia đình họ không sống nổi vì những bất công, chèn ép và nghèo đói triền miên nơi quê nhà.
Một ngày trước 30 tháng tư, 2024
Trương Hữu Hiền

____________________

2 comments:

  1. Cám ơn Ánh đã chia sẻ giúp bài viết của tôi đến với bạn đọc trang nhà. Chúc Ánh và gia đình luôn an yên nhé!

    ReplyDelete
    Replies
    1. A Hiền ơi! Ánh phải cảm ơn anh thì đúng hơn. Vẫn luôn dõi theo trang FB của anh. Những bài anh viết rấtt có chiều sâu. HAY !
      Mến / QN

      Delete