Saturday, April 7, 2012

Đinh Tấn Khương - MỸ DU .



 Author: Đinh Tấn Khương .

Từ lâu, chúng tôi đã đặt kế hoạch cho một chuyến Mỹ du, dự tính sẽ đến Mỹ vào khoảng cuối tháng 6 năm nay, sẵn dịp để tham dự buổi họp mặt cựu học sinh CĐNTH được tổ chức tại Houston.  Dự tính nầy đã phải thay đổi vì một lý do bất ngờ, nên cần phải đi sớm hơn!


Vé đã book xong, gọi điện thoại báo tin đến anh Tạ Chí Thân, một người bạn đã gặp tại trang nhà cdnth6875. Anh bảo, đến Las Vagas mà không đi xem hai kỳ quan Hoover Dam và Grand Canon là một thiếu sót lớn. Vì thế, lịch trình lại phải thay đổi, đành cắt bỏ chuyến đi tới San Francisco, để có đủ thời giờ lưu lại Las Vagas lâu hơn. Thế là mất đi một cơ hội để mong gặp được anh bạn Lực CA ở San Francisco (như lời giới thiệu của anh bạn họ Tạ). 

Hoover Dam
Book vé lại, chuyến bay từ LA tới Las Vagas  đã hết vé theo ngày thích hợp. Đành phải thay đổi phương tiện di chuyển theo ngả đường bộ, bằng xe đò.
Anh bạn Tạ Chí Thân tỏ ra rất nhiệt tình, hỏi tôi có muốn được đón tại phi trường LA hay không?  Biết tôi tỏ ý e ngại, nên anh đã nói:
-         Sợ bị làm phiền thì không phải là dân Nẫu đấy nhé!.
Nhưng tôi vẫn sợ làm phiền anh thật, nếu anh phải bỏ cả công việc vì chuyện không đáng thì khó coi quá, vả lại chúng tôi cũng đã book sẵn dịch vụ  đến đón tại phi trường xong xuôi cả rồi.
Anh bạn “Trăm Ký” cũng cho biết sẽ dành cho chúng tôi một ngày, đưa về thăm vùng nhà và chở đi Holywood xem Avenue of Stars cùng một vài nơi khác. Cảm kích trước lòng nhiệt tình của anh, tôi im lặng nhận lời, mặc dù tôi đã book sẵn các tours!

Thoạt đầu, chúng tôi định về ở khách sạn gần Dysneyland nhưng anh bạn họ Tạ đã khuyên là nên chọn khách sạn ở Orange County, vừa gần nhà người thân và cũng gần Little Saigon cho tiện. Cuối cùng, khách sạn Ramada đã được chọn.
Xe chở về khách sạn có sơn màu vàng chói, tôi hỏi người tài xế, có phải đây là khách sạn của người Ấn hay không? Người tài xế trẻ cho biết đây là khách sạn do một người Việt Nam làm chủ, chủ trước của khách sạn nầy là người Đại Hàn. Nghe như vậy nhưng tôi không tin là như vậy, bởi vì cái màu sơn nầy nó quá quen thuộc với tôi, màu cà ri chẳng sai chạy chút nào. Nhưng có hề gì nếu là của Đại Hàn hay là Ấn Độ!?
Sau nầy tôi mới biết, ông chủ khách sạn  là một người Việt Nam, đến Mỹ du học trước 75, có tên là Phạm Bắc, cũng là anh của bác sĩ Phạm Hoàng Trung. Dù đã nghe nói nhiều, nhưng thực tế nầy đã xác minh, nước Mỹ là một vùng đất có nhiều cơ hội, quả không sai!?

Đứng chờ trước cầu thang máy, nhìn lên thì thấy có treo một bức tranh, Bức tranh thật đơn giản, vẽ một thiếu niên, cố sức trì kéo một con trâu, dáng trông thật khỏe, đang muốn thoát chạy.
Thấy tôi đang nhìn vào bức họa, cai tù hỏi ngay:
-         Anh có nhận ra bức tranh nầy không?
Thấy tôi còn lớ ngớ thì cai tù nhắc:
-   Đây là một trong mười bức “thập mục ngưu đồ”  đấy!
Tôi chợt nhớ và tự hỏi, không biết chủ nhân khách sạn cho treo bức tranh nầy với một chủ tâm? Nếu quả là vậy thì tôi rất thán phục, phải chăng đây là một lời nhắc nhở  gởi đến khách vãng lai:
-         Hãy cố chăn  giữ  cái tâm thích đi hoang của mình, một khi bước vào đây, nhé!?
Có lẽ nghi ngờ cái tâm của tôi còn “quá động”, cai tù liếc nhìn tôi với một nụ cười cảnh giác. Tôi thầm nghĩ, đi cạnh cai tù thì cái tâm của tôi cũng đã bị thuần hóa mất rồi, chẳng cần phải mất công để chăn với giữ mà làm chi cho nó mệt, nên cũng ráng gượng cười đáp lễ!

Sau thủ tục nhận phòng, nghỉ ngơi được một chút thì thấy còn sớm và có nắng ấm. Chúng tôi quyết định gọi taxi chở tới Little Sàigòn để ăn trưa và tham quan khu thương mại người Việt.
Chúng tôi ghé lại quán bánh cuốn Tây Hồ, theo như lời giới thiệu của một người bạn  tại Úc. Trước khi đến đây, trong trí chúng tôi, cứ tưởng bánh cuốn ở quán nầy sẽ giống như  bánh cuốn Tây Hồ ngày nào của Sài Gòn xa xưa. Thế nhưng, tôi đã không tìm lại được hương vị của đĩa bánh cuốn, như ở cái quán lụp xụp ngày nào!
Cũng chẳng hề gì, tự nhủ lòng mình, tại sao lại cứ phải nhớ về ngày xưa làm chi cho nó phiền cái tâm và mệt cái trí như thế nhỉ!? Nghĩ vậy, chúng tôi tiếp tục ăn trong thái độ cởi mở, chấp nhận hiện tại. Tuy nhiên, đĩa bánh chất đầy với miếng bột chiên đẫm dầu, khiến cho sự phán xét của khứu giác bị sai lạc!?. Nhìn nét mặt, đoán được cảm nhận  của vợ tôi, tôi nhắc:
-         Chắc là mình vừa mới trải qua một chuyến bay đường dài cho nên tâm- thân đang mệt mỏi, vì vậy mà ăn  không được ngon miệng đấy mà!
-         Có lẽ như vậy! Vợ tôi nói thật nhỏ, vừa đủ nghe.
Khu shop Phước Lộc Thọ hôm ấy thật vắng vẻ, số nhân viên bán hàng có phần nhiều hơn là lượng người đi dạo. Chúng tôi tự hỏi, kinh tế Mỹ xuống dốc đã ảnh hưởng đến cộng đồng Người Việt tại Mỹ nhiều đến độ như vậy sao!? 

Lúc chưa đến đây, được nghe nhắc đến khá nhiều, chúng tôi cứ ngỡ khu Phước Lộc Thọ là một khu shop có tầm cỡ, giống như khu thương mại Westfield tại Úc.  Nhưng thực tế không phải là như vậy, khiến cho chúng tôi hơi ngỡ ngàng! Tuy nhiên, chúng tôi rất ấn tượng về sự trải rộng của các khu thương mại của người Việt tại Nam Cali. Chúng tôi thích cách thiết kế của các khu shop, rộng rãi, có nhiều chỗ đậu xe. Và hơn hết, tôi nhận thấy rõ, sự thành công vượt bực của cộng đồng người Việt tại Mỹ, so với cộng đồng người Việt tại Úc.
Chúng tôi được cho biết, sở dĩ khu shop Phước Lộc Thọ khá vắng vẻ trong thời gian nầy, bởi vì các ngày lễ quan trọng ( Giáng Sinh, Tết tây, Tết ta, ngày lễ Tạ Ơn..) vừa mới qua khỏi, cho nên ít khách  đến viếng, ăn uống và mua sắm... Chúng tôi mới chợt hiểu, thì ra là như  vậy!

Bước qua phía bên kia đường, muốn chụp một tấm hình, có ghi hàng chữ Little Saigon trên bờ hồ nước phun,  để có dịp “khoe” rằng,  mình đã có lần đặt chân đến đây!
Một khám phá bất ngờ,  khi dạo qua khu shop gần đó, thấy tấm biển đặt ngay trước của tiệm có ghi hàng chữ, “foot massage: $15.00/giờ”. Ngạc nhiên quá, sao mà giá lại có thể bèo như vậy, ở Úc thì không thể nào tìm ra nơi nào với giá đó cả!
Chúng tôi bước vào, hỏi lại giá cả cho chắc chắn và được chủ nhân mời vào bên trong. Căn phòng khá rộng, có đặt nhiều chiếc giường trông  sạch sẽ, sạch sẽ hơn là ở một vài nơi tại Trung Quốc, Thái Lan.. mà chúng tôi đã có lần ghé lạị. Nhưng cái khác biệt đó là, căn phòng nầy được trang bị với ánh đèn màu, mờ mờ ảo ảo. Liếc nhìn vẻ mặt, thì tôi đoán chừng là cai tù đang lo, cái lo “hơi xa” đối với đa số phụ nữ người mình ở xứ người!? Nhưng không thấy cai tù phản ứng gì cho nên tôi cũng “mừng thầm”.
Điều ngạc nhiên hơn nữa là tấm bảng ghi “foot massage”, nhưng lại khám phá ra rằng, không phải là chủ yếu chỉ có massage chân, mà lại là massage toàn thân. Với ánh đèn màu mờ ảo, cùng tiếng nước róc rách, như đang len qua những khe đá, xen lẫn tiếng nhạc du dương trầm dịu đã đưa chúng tôi chìm vào giấc ngủ, thật êm, mặc dù các thớ thịt trên người đang chịu những cái đau do được xoa nắn bởi đôi bàn tay rất chuyên nghiệp.
Rời phòng massage với một thân- tâm thật thoải mái, chúng tôi nghĩ rằng sẽ quay trở lại thêm vài lần nữa, trước khi rời Cali. Nhưng điều mong ước đó đã không thể thực hiện được, bởi vì thời gian và hoàn cảnh đã không cho phép, rất tiếc!

                                                *****

 Tới Cali, chưa kịp mua sim điện thoại cho nên không liên lạc ngay với anh bạn “Trăm Ký”. Lúc đến thăm gia đình Cậu Mợ (Mợ tôi là em họ của Tạ Chí Thân) thì  tình cờ anh gọi đến hỏi tin về tôi. Thầm trách. sao mình có lỗi với người bạn họ Tạ nầy quá, cám ơn anh đã không giận! Chúng tôi hẹn ngày gặp nhau

Khách sạn chúng tôi đang ở thì gần với khu shop Đại Hàn, chúng tôi thả bộ dạo quanh một vòng, thấy ở đây có nhiều tiệm ăn người Hàn. Phát hiện một quán ăn viết toàn chữ Hàn nhưng lại thấy có hình bát phở. Vợ tôi đang thèm một tô phở nóng nên tính ghé vào ăn.Tôi cứ tưởng người Hàn không nghe được tiếng Việt nên oang oang:
-         Phở mà nấu bởi người Hàn thì chắc ăn chả ra làm sao đâu, tìm tiệm Việt mà ăn thì ngon hơn!
Bổng giật mình vì lúc đó có một người đàn ông trung niên bước ra và nói tiếng Việt:
-         Quán nầy là của người Việt chứ không phải người Hàn đâu, mời vào ăn phở Việt nhé!
Chúng tôi cười nói giả lả:
-         Tiệm của người Việt mà sao lại viết toàn chữ Hàn như vậy,  may mà chúng tôi chưa kịp nói xấu gì khác nữa!
-         Khách ăn của chúng tôi phần lớn là người Hàn nên phải viết chữ Hàn đấy mà!
Gặp lúc quán không đông khách lắm nên chúng tôi có dịp hỏi thăm được nhiều về cuộc sống của người Việt tại Mỹ.
Ở khu Đại Hàn nầy, chúng tôi còn tìm được một tiệm làm tóc rất ưng ý, ưng ý với tay nghề, phong cách tiếp khách và phục vụ rất professional nhưng giá cả thì cũng rẻ thật bất ngờ, khác hẳn tại Úc, Nhật, Trung Quốc cũng như ngay cả những tiệm làm tóc của người Hàn ở chính trên đất Hàn.  Chính nhờ vậy mà tôi thường dụ cai tù đi làm tóc, để tôi được dịp tự do lang thang một mình.
Khác với những lần về VN hay đi Trung Quốc, Thái Lan.., thì ở đây, cai tù đã nới lỏng sự kềm kẹp. Có nghĩa là, tôi được phép nằm nghỉ tại khách sạn hay đi lang thang một mình, hoặc đi cùng với người thân quen mà không bị giới hạn thời gian. Quả thật, nước Mỹ là một quốc gia tự do, ít nhất là cho riêng tôi vậy!?

Tôi được người cậu dẫn đến thăm anh chị Nguyễn An Phong, anh tặng tôi mấy quyển đặc san Liên Trường và Tây Sơn Bình Định. Qua đó tôi biết đến anh Lê Huy, một đàn anh và cũng là bạn cùng lớp với người cậu mà tôi đã có lần nhắc đến trong bài Tình Già. (Về lại Úc thì mới nhận được email của anh, rất tiếc là không gặp anh bên đó!)

                                                *****

Tour mà chúng tôi đã book on line trước đây, thì được báo cho biết là có sự thay đổi, do không đủ người tham dự (yêu cầu tối thiểu là 6 người). Chúng tôi được chuyển qua một tour khác, dù không thích mấy nhưng cũng đành phải chịu.
Xe đến đón chúng tôi tại khách sạn rồi
được đưa đến trung tâm chính, nơi đây có nhiều tours khác nhau, nhưng mỗi tour chỉ thấy lèo tèo chừng vài người. Lên xe mới biết tour của chúng tôi vỏn vẹn chỉ có 7 người. Ngoài chúng tôi ra thì còn có một cặp chị em người Mỹ đến từ tiều bang Florida, họ tham dự tour nhân ngày sinh nhật của người em, một cặp vợ chồng người Mỹ đến từ tiểu bang Michigan nhân kỷ niệm 35 năm sau ngày cưới, một thanh niên “độc thân tại chỗ” đến từ Pháp và cuối cùng là một phụ nữ, cũng độc thân tại chỗ, vừa đến từ Anh quốc.
Không giống với các tours ở những nước khác, ở đây người tài xế cũng lại chính là người hướng dẫn viên của tour. Anh ta còn trẻ (so với tôi) nói chuyện rất lưu loát mà không bị chi phối lúc đang lái xe với tốc độ nhanh và rẽ lối nhiều lần. Theo lời anh, hệ thống đường sá tại Cali được coi như là tốt nhất của nước Mỹ.
Chúng tôi rất thán  phục về tầm  nhìn thật xa và óc tổ chức của chính quyền Mỹ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại nước họ. Trên các xa lộ, xe chạy vẫn tấp nập, chúng tôi  không thấy không khí của một nền kinh tế đang thời trầm lắng, như từng  đọc và nghe được qua các mẫu tin loan tải, trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, người hướng dẫn viên cho biết, trước kia, trong lúc kinh tế Mỹ đang hồi sung mãn thì các xa lộ thường dễ bị kẹt xe trong giờ cao điểm, chứ không phải như bấy giờ đâu.  Anh cũng chia sẻ, công ty du lịch mà anh đang làm việc đã bị đóng cửa nhiều chi nhánh, bản thân anh đã phải bị điều phối chỗ làm đến 6 lần (có nghĩa là có 6 văn phòng bị đóng cửa), nhiều nhân viên bị cho nghỉ việc, riêng anh thì được công ty xét cho lưu dụng. Theo anh, đó là một may mắn cho gia đình anh.
Chiều hôm ấy, anh điện thoại về công ty và được cho biết, chưa chắc ngày mai anh sẽ có việc, bởi chưa có đủ người book tour. Anh cũng đã ngỏ lời cám ơn 7 người chúng tôi, đã cho anh được một ngày làm việc hôm ấy. Nghe nói vậy, chúng tôi mới tin là tình hình khủng hoảng kinh tế đã và đang ảnh hưởng đến nước Mỹ!


Khi đến Hollywood và viếng vùng Beverly Hill, chúng tôi được chỉ cho thấy cái khách sạn mà Michael Jackson đã chết trong đó, những bất động  sản, nhà riêng của những tài tử điện ảnh.. cũng như được giới thiệu về nếp sống vương giả, hào nhoáng nhất thời của họ.
Điều ngạc nhiên khi nghe anh ta nói rằng, ở Beverly Hill nầy,  cái gì cũng “có thể bán”, ngay cả đến cái chức vụ của một quan chức, một sĩ quan cảnh sát giao thông , bởi những đặc lợi lớn lao đến từ các tài tử nổi tiếng và giàu có. Tôi thầm hỏi, chuyện khó tin mà lại có thật như thế sao, cứ tưởng một đất nước như Mỹ quốc thì không thể nào có chuyện xảy ra như vậy được!?

                                             *****

Anh chị Tạ Chí Thân đã vượt đường dài đến với chúng tôi, thật cảm động trước  tình cảm của anh chị đã dành cho, dù chỉ mới quen nhau. 
Thời gian đi qua thật nhanh, rồi cũng tới ngày rời Cali. Trong bữa tối họp mặt, trước ngày chia tay, có người đã hỏi tôi:
-          Anh bạn họ Tạ, tóc bạc thiệt hay là được nhuộm trắng vậy?
Tôi trả lời:
-         Tóc bạc thật đấy!
Nhưng người nầy vẫn chưa chịu tin, lại hỏi tiếp:
-         Tóc đã đổi trắng mà sao cái hàm râu mép lại còn đen như thế nhỉ?
Tôi lắc đầu chịu thua, thầm nghĩ chắc là ông bạn "Trăm Ký" có bí quyết gì đó để giữ cho râu mãi còn đen. Tính hỏi cho ra lẽ, nhưng cũng hơi ngại chuyện riêng tư, nên đành thôi. Hy vọng có một ngày nào đó sẽ được TCT “giải mã” cho vậy!?
Gặp nhau để rồi phải xa nhau, chúng tôi đã rời Cali trong một buổi sáng trời mưa, cơn mưa không lớn lắm nhưng cũng đủ làm cho chúng tôi cảm thấy se lạnh sau những ngày dài nắng ấm. Chúng tôi đã rời khỏi Cali với một cảm nhận thật khó quên: “Cali nắng ấm tình nồng!”.

(còn tiếp)
______________________________________________________________________________
 ____________________________________________________________

Easter Friday 2012
Đinh tấn Khương.
 ___________________________________________________________

2 comments:

  1. Người trong nước thường không hình dung được sự khác biết giữa các nước , chỉ gọi chung là nước ngoài . Nhưng thực ra có sự khác biệt về phong tục, tập quán và cách vận hành ở mỗi quốc gia . Việt kiều ở mỗi nước cũng có cách sống khác nhau , từ cách làm ăn , đến sự suy nghĩ .
    Bác ấy từ Úc qua Mỹ mà đã thấy khác nhiều , hà huống chi ngồi ở VN đoán mò qua sách báo tuyên truyền một chiều , hoặc dùng trí tưởng tượng bé như cái muỗi , hoặc nghe nói kiểu trời ơi đất hởi ... thì còn sai be bét cở nào ...
    Cám ơn Bác viết bài , nhờ những người như Bác mà dân ở xa như tôi cũng biết được gọi là chút chút chuyện xứ Mỹ xa xôi .!

    ReplyDelete
  2. 20 năm trước khu Phước lộc Thọ trông vĩ đại lắm trong con mắt người Việt bấy giờ ,vì thời đó , mới chân ướt chân ráo tới Mỹ , sống tứ tán ai cũng còn nghèo . Nhưng sau hơn 20 mươi năm ,ở thời điểm này nhiều khu thương mại mới to lớn hơn , hiện dại hơn của người Việt mọc lên như nấm , nên với cặp mắt người Việt ở thời điểm này , Khu Phước Lộc Thọ chỉ còn là cái tên của một thời quá vãng . Anh Bạn tới đó vào thời điễm này thì làm sao thấy nó vĩ đại được ?
    Tuy nhiên nước Mỹ , dù đang bị ảnh hưởng đình trệ kinh tế toàn cầu , nhưng người Việt ở Mỹ vẫn sống hùng sống mạnh , sống vững chắc trong thế giói tự do phải không bạn .

    VNguyễn

    ReplyDelete