Tuesday, August 6, 2013

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM .

   Bác sĩ Phan Giang Sang 
 
Gái Miền Bắc:
               
Người phụ nữ Bắc phương rất duyên dáng, tình tứ, ăn nói khôn ngoan, dịu ngọt làm những chàng sinh viên Nam kỳ mê tít thòi lòi. Cho nên xưa kia, khi học thành tài hay không ra gì, khi trở về cũng không quên mang về một nường đất Thăng Long, ngàn năm văn vật, gọi là "tình Bắc duyên Nam" đó mà (1). Có nhiều mối tình tay đôi, tay ba choảng nhau ghê gớm lắm đó.

Gái lớn lên mà có người yêu là thư sinh thì còn gì tình tứ, lãng mạn bằng, cho nên họ cũng hay đem lời dịu ngọt khuyên lơn chàng hôm sớm dồi mài kinh sử. Nhưng họlại vừa khuyên vừa ép buộc vừa hối hả đe dọa. Đành rằng "văn ôn võ luyện", nhưng việc thi cử nó tùy thuộc tài trí và số mạng. Việc học tài thi mạng trước mắt là thi sĩ tài hoa nhà ta: Tú Xương. Giỏi như vậy mà đã vác lều chổng 6 lần vẫn trợt vỏ chuối mà.  

                                Em hằng khuyên sớm khuyên trưa,
                                Nếu anh chưa đỗ thì chưa động phòng.

Lời hay ý đẹp, khuyên lơn mà cũng đòi hỏi, mà cũng có điều kiện, ra lịnh phải "bảng hổ đề danh" mới được 
                              "Võng anh đi trước, võng nàng theo sau".

Lúc cần thì hiền hòa dịu ngọt, lúc hờn vận thì hơi cứng rắn, không nể sợ ai. Phải thì thôi, không phải là làm liền không vị nể, nhịn nhục một ai cả. Phải chịu khó tìm hiểu họ mới chịu và thấu nổi, vì biết rõ tâm tính với họ, may ra mới hòa hợp được.

                               "Ai ra Hà Nội mà coi,
                                Con gái người Bắc cầm roi dạy chồng".

Làm gì mà ghớm thế, như sư tử Hà Đông, ăn hiếp chồng dữ vậy, bộ không sợ người ta cười, không sợ mất người yêu, người chồng sao? Chuyện đâu còn có đó, từ từ mà nhỏ nhẹ khuyên lơn cho nó êm tai, "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" có phải hay hay không?

Thật ra gái Bắc, gái Trung, gái Nam gì đâu đâu cũng vậy, thế nào cũng có người tốt người xấu. Không hẳn là gái Hà Nội rất khôn ngoan lịch lãm, thì càng không có lý do gì họ lại biến đổi thành hung dữ như sư tử Hà Đông? Thế nào cũng phải có cái gì đó mới làm cho họ nổi tam tành. Nói đúng ra không có lửa làm sao có khói, phải không quý vị?

Nghe đâu, gái Bắc ở đây là Bắc Ninh kia mới nổi tiếng. Họ rất đảm đang, lo mần ăn buôn tảo bán tần, châm lo việc nhà, nhưng có điều là họ có tật hay lạm quyền bắt nạt mấy ông chồng ngồi chơi sơi nước, nên mới có câu trên.
Về việc nầy nó cũng gần giống như mấy bà tàu Hải Nam. Vì lúc nhỏ tôi đã từng sống chung với mấy bà, mấy cô Hải Nam nên mới biết rõ. Họ rất đảm đang, nhưng có tật hay lấn nước, qua mặt dấng phu quân một cái vèo, không kèn không trống.
Quý vị có biết tại sao không? Tại vì đàn ông Hải Nàm chỉ thích hưởng thụ, ăn ngon, chưng diện bảnh bao thôi. Ở Trung Quốc, người ta ví đàn ông Hải Nàm như xác thuốc Bắc. Ý muốn nói họ bị chê là vô dụng vì xác thuốc chỉ có đổ bỏ vào gốc cây thôi.

  Nói vậy chớ hiền thê của thi sĩ Tú Xương ngày đêm hết lòng buôn tảo bán tần, nuôi đàn con mà còn cung phụng cho ông hào hoa phong nhã rượu chè, mà ông còn đèo bồng hát ả đào, vân vân... kia mà.

                                Một trà, một rượu, một đàn bà,
                                Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
                                Chừa được cái gì hay cái nấy,
                                Có chăng chừa rượu với chừa trà!
                                                (Trong bài Ba cái lăng nhăng)

Cảm thấy mình tội lỗi, nên cụ tú nhà ta đành "nịnh đầm" khen vợ nhà một chút:

                                Quanh năm buôn bán ở ven sông,
                                Nuôi đủ năm con với một chồng.
                                Lặn lội thân cò nơi quãng vắng,
                                Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
                                Một duyên hai nợ âu đành phận,
                                Năm nắng mười mưa dám quản công.
                                Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
                                Có chồng hờ hững cũng như không.

 Thấy chưa, thi sĩ ta không bỏ tật hào hoa phong nhã, rượu chè say sưa cả ngày, nhưng bà xã ở nhà vẫn không phiền hà. Thật đúng là hiền thê tốt bụng! Thật là phước đức cho ông có được vợ hiền!
                                
Gái Miền Trung:

Nhân chuyến đi cứu trợ Miền Trung bị bão lụt tàn phá năm 1964, nhóm sv Y khoa chúng tôi có dịp từ Đà Nẵng ra thăm cố đô Huế. Tuy thành phố có vẻ cổ kính u buồn, nhưng phải nói là chúng tôi thật sự ngẩn ngơ trước sự quyến rủ của các cô nữ sinh Đồng Khánh tan học ra về.

Họ như tiên nữ vung văng, vung vẳng, tà áo phất phơ, kín đáo mặt úp úp hở hở sau chiếc nón lá bài thơ, dưới bóng mát của hàng cây phượng vĩ khoe những bông hoa đỏ, như làn môi son mộng mơ, lung linh huyền ảo dưới ánh nắng chang hòa... Ôi cảnh tượng đó nó huyền ảo mê hồn làm sao đó! Anh em chúng tôi trở nên ngây ngất và khờ dại. Phải chi hồi đó mà Huế có trường Y, chắc chúng tôi xin chuyển về đây quá. Hèn chi mới có ca dao tục ngữ như sau:

                                Quảng Nam hay cãi,
                                Quảng Ngãi hay co,
                                Bình Định hay lo,
                                Thừa Thiên ních hết!

Độc đáo hơn hết ở chỗ nầy:

                                 "Học trò xứ Quảng ra thi,
                                  Thấy cô gái Huế chân đi không đành"

Nếu như chúng ta là học sinh quê mùa, học hành chưa tới đâu mà mê gái thì thể nào cũng trợt vỏ chuối:

                                   Học trò ba chữ tèm lem,
                                   Thấy gái mà thèm, ba chữ trôi sông.
                                                             Ca dao Miền Nam

 Vì đất kinh thành, nơi mà bao nhiêu phụ nữ đẹp được tuyển chọn mang về đây, cho nên gái Huế rất xinh xắn, mỹ miều, dịu dàng, thùy mỵ đoan trang quyến rũ.
Nhưng ở đây là các bậc nho sinh "môn đồ cửa Khổng sân Trình", học cao hiểu rộng đi thi Đình chớ phải chơi. Trước sau vì họ cũng là quan to, bởi ngày xưa chỉ có ba trường thi: thi hương, thi hội và thi đình. Nó tương đương với tú tài, cử nhân và tiến sĩ.
"    Nếu đậu thủ khoa triều đình Huế sẽ được gọi là Trang   
      nguyên    (người đậu đầu),
"    Thám hoa người đậu kế còn
"    Bảng nhãn đậu thứ ba.
"    Còn những người khác là Phó bảng. Tên họ được khắc vào bia đá, được phong chức tước cao sang.

Còn may mắn nữa là lúc vinh qui về làng, đậu thêm bằng thứ hai tức hai niềm vui trong đời là vừa mới đậu lại được vua gả công chúa hay quận chúa!

              "Thế thì võng anh đi trước võng nàng theo sau."

Đó mới đúng là hai cái niềm vui, hai niềm vui gọi là song hỉ. Xin đừng lầm tưởng với chữ "xong hỉ", tức hết rồi hả của bà con ta ở "Huệ" nha.
 
Gái Huế đẹp đến đỗi ông Nguyễn Hữu Độ nhờ có ba cô "nường" duyên dáng, xinh đẹp tuyệt trần, mà trở thành bố vợ của ba nhà vua: Đồng Khánh, Hàm Nghi và Thành Thái. Thật là nhà phúc đức!

Đàng sau những đức tánh đó, xin hãy hiểu rõ là trai gái xứ Huế nổi danh là rất khỏe về việc phòng the mặc dầu, núi không cao và sông không sâu.

                              Non bất cao, thủy bất thâm
                              Nam đa trá, nữ đa dâm.

Thật ra câu nầy được chính chúa Nguyễn Ánh lúc bị Nguyễn Huệ đánh bại phải bôn đào vào Nam lẩn trốn. Trong khi đó có bà phi sanh con. Nhưng vì bịnh hoạn yếu đuối nên không đủ sữa cho con bu, mới nhờ người giúp cho. Vì bị quân binh Nguyễn Huệ cấm đoán, nên không ai dám giúp đở cho bú thép. Cũng vì mất con, mất aí phi nên ông có lời phàn nàn:

                                Non bất cao, thủy bất thâm
                                Nam vô trí, nữ vô tâm.

Nhưng không biết sao ngày nay người đời ghen ghét như thế nào đó, đem sửa lại thành câu trên, cho nên ta chỉ biết có câu trên thôi.

Ngoài ra vua Thành Thái (?) cũng có những câu khác như:
                                               
                                 Núi Ngự không cây, chim đậu đất,
                                 Sông Hương vắng khách, đĩ kêu trời!
                                 Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
                                 Sông An Cựu nắng đục mưa trong.

Thật là trái ngược vì nước sông lúc trời nắng không bi khuấy động lại đục, còn lúc mưa nước lũ lại trong. Thật ra ý câu nầy muốn nói tánh tình thay đổi, khi vầy khi khác, không bất nhứt giữ lời.

Đàng sau hậu cung có cả tam cung lục viện, cung phi mỹ nữ biết bao nhiêu mà kể, thế "bệ hạ" nhà ta lại trốn qua bên kia Thành Nội, "du hành" tới xóm Kim Luông (Long) chơi. Tại vì nơi nầy tụ tập nhng giai nhân tuyệt sắc nhứt đất Thần Kinh? Những kỹ nữ đó làm đắm duối biết bao chàng trai anh hùng. Trong đó có cả bậc đế vương hào hoa phong lưu nữa, cho nên mới có ca dao:

                            "Kim Luông con gái mỹ miều,
                              Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi"
                                                                        Vua Thành Thái
                                                                               
Mặc dầu là thiên tử của một nước, là nghìn vàng thước ngọc để mọi thần dân noi theo mà cũng đam mê tửu sắc?

                                Thế gian ba thứ chẳng chừa,
                                Rượu nồng dê béo, gái vừa đương tơ.
                                                                         Tú Xương

Có phải chính vì họ quá đẹp, chim xa cá lị, đến vua cũng mê cầm lòng không nổi nên hằng đêm cũng "leo rào dạ hành"? Như vậy, các bậc vua chúa cũng có khác chi ai? Họ cũng là con người, tức cũng có thất tình lục dục như ai chớ, phải không quý vị?
Thật ra ở đây không phải vậy:
Vua Thành Thái lấy cớ ăn chơi, nhưng kỳ thật là chiêu mộ các phụ nữ vừa đẹp vừa khỏe đem vào hậu cung tổ chức, luyện tập đoàn nữ binh để chống Pháp. Ông là nhà vua thật lòng yêu nước, muốn làm một cái gì cho đất nước chớ không phải ăn chơi, như ta tưởng. Hành động yêu nước không đạt, vì không che mắt được bọ tay sai theo dỏi. Vì hành động kín bị đổ bể, nhà vua bị Tây bắt.

Tuy lên ngôi lúc 7 tuổi, Vua Duy Tân đã có ý chí quật cường, làm cách mạng chống Pháp, cứu dân lầm than vì đã thấy Tây truất phế và đày ải vua cha Thành Thái. Lòng ông rất đau khổ, uất hận không kham nổi nhục đất nước mất tụ do.

Khi thấy tay ông chơi cát dơ, tên cận vệ đem nước cho ông rửa. Ông hỏi người cận vệ:
"Tay nhớp lấy nước rửa. Thế nước nhớp lấy gì rửa?
Anh ta lúng túng không biết sao trả lời. Ông nói:
"Nước nhớp thì phải lấy máu mà rửa. Nhà ngươi hiểu chưa? (2)

Nền triết lý Đông phương đã ăn sâu vào đầu óc, tâm hồn nhà vua tí hon. Nhà vua thích sang Kim Luông (Kim Long) là vì nơi đó cô gái xinh đẹp Mai Thi Vang mà ông nhứt quyết cưới, là muốn tỏ lòng biết ơn thầy Mai Khắc Đôn, thầy dạy Hán văn và văn chương, đã rèn ý chí cho Ngài. Điều nầy cho thấy Ngài rất trọng nghĩa khí và đầy tinh thần Nho giáo"tôn sư trọng đạo."

Chuyện Ngài "dạ hành" như vua Càn Long du Giang Nam, là để liên lạc với Việt Nam Quang Phục Hội của Trần Cao Vân. Tây phát giác vì bọn mãi quốc cầu vinh làm bộ bảo hoàng hơn vua phản bội, phản chúa Nguyễn Văn Trứ đưa đi trốn, rồi điềm chỉ cho Tây, nên ông và đồng chí bị bắt.
Khi gặp tên Trứ  ở tòa Khâm sứ, ông mắng "Đồ phản quốc". Tuy bị đe dọa khuyến dụ yên thân làm vua, Ngài vẫn một lòng bất phục nên bị đày cùng vua cha Thành Thái sang Phi Châu. Còn Trần Cao Vân và mấy chí sĩ khác bị xử tử.

Nói về người phụ nữ cũng hay trách móc bọn tu mi:
                 "Họa hổ họa bì, năn họa cốt
                  Tri nhơn tri diện, bất tri tâm.
                  May mô may chút nữa em lầm
                  Khoai lang khô xắt lát, tưởng Cao Ly sâm bên Tàu"

                 "Đứng trên cầu Tràng Tiền ngó xuống dưới nước
                   Xanh như tàu lá, ngó về đập đá, ph xá nọ nghinh ngang,
                  Kể từ ngày Tây lại, sứ sang anh ham ba đồng xu,
                  Bạc giá bỏ nghĩa nàng bơ vơ."

                 "Nước sông Gianh chảy quanh sông Vinh,
                   Ông trời kia đã định, nước chảy vòng cung
                   Nào ai thương khó với cùng,
                   Kẻo chim khôn lỡ lứa, trai anh hùng lỡ đôi"

Gái Miền Trung tuy xinh dẹp, ngoan hiền mà tại sao lại có câu nầy:
                                               
                         "Ai về Bình Định mà coi,
                          Con gái cỡi ngựa, ra roi đi quyền"
Hay:
                           Ai về Bình Đinh mà coi,
                           Con gái Bình Định bỏ (ra) roi đi quyền."
                                                                            Ca Dao 

 Phải chăng con gái Miền Trung cũng hung hăng, đấm đá chưa hết nư, còn cầm gậy gộc nện mấy anh chồng tham lam, đèo bồng?  Nếu vậy họ ăn đòn cũng đáng kiếp! Nhưng kỳ thật, ở đây không phải vậy. Câu nầy có ý, con gái Bình Định luyện tập võ nghệ cao siêu lưu truyền, một bí quyết côn, quyền và cước đặc biệt của tỉnh nầy.

Họ học võ để làm gì? Họ học võ nghệ để chia xẽ cùng chồng, bảo vệ non sông gấm dóc của ông cha ta dựng nên bằng xương, bằng máu. Họ cũng khuyên chồng gia nhập cuộc khởi nghĩa như vầy:

                              "Chàng ơi đưa gói thiếp mang'
                                Đưa gươm thiếp vác để chàng đi không"

Một trong những người phụ nữ anh hùng tài danh đáng nể nhứt là nữ tướng Đô Đốc Bùi Thị Xuân:

                               "Hoa đào đôi má thắm tươi,
                                 Lưng cài song kiếm, tay thời cầm cương..."

Cây gươm mà bà đeo là kỷ vật của nội tổ của bà, Thái sư Bùi Đắc Tuyên, cha của Bùi Đắc Kế. (3)
Đô Đốc đã cùng chồng là Tướng Trần Quang Diệu, đã đem tài đức giúp anh em nhà Tây Sơn, thống nhứt sơn hà và đánh đuổi bọn xâm lăng Trung Hoa chạy công đuôi về Tàu.

Cũng vì vậy mà người đời mới tặng cho bà câu ca dao sau đây:

                              "Ai về Bình Định mà coi,
                               Con gái Bình Định cưỡi voi diệt thù"
                               (Vì bà cũng luyện tập và dạy các nữ binh của bà cỡi voi ra trận)

Vậy câu "Ai về..." nầy nói người phu nữ luyện tập võ nghệ để kề vai chia sẻ cùng chồng, theo tiếng gọi non sông, đầu quân diệt giặc. Họ theo Quang Trung, Nguyễn Huệ để khôi phục đất nước và chống xăm lăng.
Đại thắng họ chiếm một vùng Vân Nam. Nhưng vua ta rất khôn khéo, muốn sống trong hòa bình an cư lập nghiệp, nên không những rút lui mà còn gởi sứ thần giảng hòa. Đây là một nghĩa khí anh hùng mã thượng hết sức là "quân tử Tàu", mà còn chơi trội đàn anh Ba Tàu, rõ ràng ta đây tuy nhỏ mà không dễ bị bắt nạt. Hãy coi chừng ta nhá!

....

Còn tiếp một kỳ
.
Bác sĩ Phan Giang Sang ____________________________ _____________________________________________________
______________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment