Saturday, May 10, 2014

Thư gửi Sinh Nhật Má

Phạm Thiên Thu




Má thương yêu,

Hôm nay là Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm, là sinh nhật lần thứ chín mươi bảy của Má và cũng lại là ngày hầu như cả thế giới này mừng kính các bà mẹ của riêng mình, ngày để các người con có dịp nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của các bà mẹ.

Là dịp để những người con đang tất bật với thế giới cơm áo gạo tiền, thế giới của bon chen danh lợi có được những phút giây ngắn ngủi hầu lắng tâm hồn mình để nhớ đến người Mẹ già đã khuất núi của mình, hay người mẹ vẫn còn đang tần tảo đâu đó ở một miền quê nghèo xa lắc, xa lơ… cũng là dịp để những người con trai đã rời xa áo mẹ có dịp nhớ lại câu thơ cũa Đỗ Trung Quân :     
                                             
               Ta làm thơ cho đời và cho biết bao nhiêu người con gái
               Có bao giờ thơ cho mẹ ta không
               Những bài thơ chất ngập tâm hồn
               Đau khổ - chia lìa- buồn vui- hạnh phúc
               Có những bàn chân đã dẫm xuống trái tim ta ác độc
               Mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
               Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
               Giọt nước mắt già nua không ứa nổi
               Ta mải mê trên bàn chân dong ruổi
               Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
               Khi  gai đời đâm ứa máu bàn chân
               Mấy kẻ đi qua, mấy người nhìn lại
               Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
               Trái tim âu lo đã vội vã đi tìm
               Ta vẫn vô tình, ta vẫn thản nhiên ?
…   …   …

Và cũng là dịp để những đứa con gái như chúng con có dịp nhớ lại lời ru bú mớm nâng niu ngày xưa của mẹ:

                Ví dầu cầu ván đóng đinh,
                cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
                Khó đi mẹ dắt con đi,
                con đi trường học, mẹ đi trường đời

Cái trường đời mà ngày xưa còn bé chúng con cứ tưởng là tươi đẹp lắm, tưởng là vui vẻ lắm; chỉ khi chúng con có con cái, chỉ khi chúng con phải tự mình bươn chải thì mới hiểu thấu những khó khăn khổ cực của những người làm mẹ, đó là những người mẹ may mắn có cạnh mình sự chia sẻ của các đấng lang quân, còn những bà mẹ đơn thân thì nỗi nhọc nhằn làm sao kể cho hết…

Má thương yêu,

Hôm nay chắc chắn là các cháu tổ chức sinh nhật cho bà ngoại rình rang lắm, cho dù bà ngoại cũng chỉ ra ngồi chụp hình và nói vài câu chuyện còn thì chẳng chịu ăn gì như thường lệ… Và lẽ ra con phải là người ở cạnh má trong ngày sinh nhật này mới phải, nhưng… như ông bà ta thường nói  “nước mắt chảy xuôi” nên giờ này con phải ở canh các con và cháu của con, không phải để chúng mừng Ngày Của Mẹ mà ngược lại để con mừng đứa cháu nội đầu tiên của mình.

Con cũng đang ở Linh Địa Đức Mẹ Tapao, chuyến hành hương này cũng là để nguyện cầu cho má được bình an và vui khỏe, dĩ nhiên là cái khỏe của người "hàng chín" là chúng con cũng đã mãn nguyện rồi.

Má yêu thương,

Hôm nay Sinh Nhật má, con muốn gửi đến má lời cám ơn vì má đã là má của con trong bằng ấy năm trong cuộc đời này… Có nhiều người nói con không phải là con ruột của ba má mà chỉ là đứa con rơi rớt của ai đó mà má đã nhặt về nuôi, con cũng không biết điều này có đúng hay không nhưng nếu đúng như lời đồn đại thì con lại càng thương ba má gấp nhiều lần hơn, bởi vì nhờ ba má mà con không phải nếm mùi tủi thân của đứa trẻ không nhà, không cha mẹ, người thân…

Chính nhờ ba má mà con có tên, có tuổi, có dòng họ bà con, chính nhờ ba má mà con được học hành, được mọi người yêu thương và được nhiều người gọi là “tiểu thư”, là “công chúa” chứ không phải vất vưởng sống dưới gầm cầu hay vỉa hè phố chợ như những người kém may mắn, không phải than thân trách phận bằng câu “Tôi ra đời dưới một vì sao xấu... ”.

Má yêu thương,

Má đã cho con một tình yêu thương không bờ bến, chính vì con mà đôi khi má phải chịu đựng những khó khăn trở ngại của cuộc đời, vì thương con nên má đã phải nhiều lần thức khuya lo cho con bên giường bệnh vì từ nhỏ con vốn là đứa trẻ èo uột, đau ốm rề rề chứ không những đứa trẻ mạnh khỏe khác… Và cũng chính vì con mà nhiều lần má phải hy sinh hạnh phúc của mình để con được trọn niềm vui.

Má yêu thương,

Những vất vả, hy sinh của má dành cho con không thể nào đếm hết cho dù có đong hết nước biển Đông cũng không thể nào đầy bằng tình thương ba má dành cho con. Con nhớ những ngày còn bé, đi đâu cũng được ba má bồng ẵm trên tay, dù lúc đó con đã học mẫu giáo… Có những món đồ chơi mới ra, những con poupé mở mắt nhắm mắt, những chiếc áo đầm thật đẹp, những đôi giày mới được trưng bày nơi phố chợ là con đã được má mua về rồi… Cả đời con chưa bao giờ phải vòi vĩnh má bất cứ điều gì vì chưa đòi thì má đã mua cho con rồi.

Ngay cả khi con đã lớn khôn, khi con đã dại dột quyết định đời mình không theo ý má nhưng khi con đau khổ trên đường đời thì con lại “Tấn về nội, thối về ngoại” như lẽ thường tình của cuộc đời… thì má, thì NHÀ MẸ luôn là chốn nương thân cho con và các cháu.

Bốn năm chục tuổi đầu mà ba má vẫn là người phải gánh cho con và các cháu từng đôi nước để tắm khi nhà mình đi vượt biên không thành bị mất hết nhà cửa, phải che tạm mái nhà lá trên miếng đất không có điện nước… Cũng ở tuổi  bốn mươi khi ba má đi HO chỉ còn ba mẹ con ở lại quê nhà, má đã lo kiếm từng đồng, để dành từng khúc vải, từng hộp kẹo chocolate gửi về cho con và hai cháu. Ở vào tuổi ba má lúc đó, nếu là một gia đình có đông con cháu thì ba má đã được hưởng nhàn bên đàn con cháu thì ngược lại, giống như các bà mẹ Việt Nam tần tảo ở xứ người, làm nghề nâng chân, sửa tay cho người ta để lo cho con ăn học. Má không thể làm nail như những bà mẹ Việt Nam còn trẻ thì má lại làm nghề trông trẻ để kiếm tiền gửi về cho hai cháu học hành. Má muốn cho các cháu của má bằng con người ta, má muốn cho con đỡ vất vả vì phải một mình nuôi con, má cũng sợ không có ba má con và các cháu sẽ bị người ta bắt nạt, dưới mắt ba má con vẫn luôn là đứa trẻ dại khờ cần sự bảo bọc và chăm sóc, thế nên có nhiều lúc má không ngủ được vì lo cho con và các cháu…

Lo lắng nhiều khi đi cả vào giấc ngủ khiến nên má nằm mơ thấy những điều gì đó không may xảy đến cho con và má cặm cụi viết thư, má hối ba đi mua thẻ gọi về VN (vì lúc đó chưa có Internet hay điện thoại Majic Jack như bây giờ). Sự lo lắng của má khiến nhiều khi con bật khóc, và con tự nhủ nếu con có dịp được ở gần má thì con sẽ không bao giờ làm điều gì cho má buồn và con sẽ nói với má mỗi ngày rằng “Má ơi, con yêu má !”. Thế nhưng khi ở gần má thì con lại chưa bao giờ nói được với má những gì con muốn nói, con cũng không nói được với má những câu mà những người khác đã nói với má vì con cứ thấy nó giả tạo thế nào ấy…

Và, cũng như con đã nói đó “nước mắt luôn chảy xuôi dòng”. Má lo cho con, con lại lo cho con, cho cháu của con… Nhiều khi phòng con đối diện phòng má mà con chỉ vào khi má thức dậy để pha ly café rồi con lại tất tả lên lầu lo đánh răng cho cháu ngoại, lo thay áo quần cho đứa lớn đi học, lo cho đứa bé bú, lo đưa  đón cháu đi học… Nói chung là những công việc của một người bà đã làm con mệt lả… Tối đến là con không còn hơi sức đâu mà làm gì nữa, nên đúng ra là con phải vào nói chuyện với má, xem phim với má thì con lại rút vào phòng riêng để trả lời email cho bạn bè hay nghe điện thoại của thằng con trai bên Việt Nam gọi sang…

Má thương yêu,

Thật lòng mà nói, có nhiều đêm con thảng thốt khi nhớ tới tuổi trời của má và hối hận vì sự thiếu sót của mình nên con âm thầm rơi l trong đêm. Sáng hôm sau con muốn vào phòng ôm má và nói với má là con xin lỗi và con vô cùng yêu má, nhưng rồi sự tất bật lại cứ lập lại, rồi với bản tính tự lập của má, má thấy con bận rộn với con cháu của mình thì má lại tự lo cho má… Cứ thế mà thời gian lại lặng lẽ trôi và điều con muốn nói lại chẳng bao giờ nói được…

Má thương yêu,

Một lần nữa con lại tự hứa nhưng chẳng biết rồi có thực hiện được hay không. Dù sao thì con cũng sẽ cố gắng hết sức tỏ bày để mai này không phải hối hận vì không có má bên mình.

Ngày Sinh Nhật má con chúc má bình an và có nhiều, thật nhiều sức khỏe để vui với con cùng các cháu, má nhé !

Xin má nhận nụ hôn của con gái má, và tình yêu thương của con dành cho má nhé, má yêu !

Phạm Thiên Thu - (Mother’ s Day 2014)


_____________________________________________________

No comments:

Post a Comment