Sunday, May 25, 2014

Chứng đau gót chân

BS Nguyễn Thị Nhuận

Không ít người đã từng bị chứng đau gót chân hành hạ. Một buổi sáng đẹp trời, bạn vừa thức giấc và đặt chân xuống sàn nhà thì bị đau thốn ở gót chân, đôi khi có thể đau đến không đi được, và mỗi lần bàn chân chạm đất là mỗi lần bị đau. Vậy là bạn đã bị chứng đau gót chân mà nguyên nhân thông thường nhất là viêm dây gân ở lòng bàn chân (plantar fascia). Dây gân này chạy dọc lòng bàn chân của bạn, nối xương gót với các ngón chân.
Sưng dây gân lòng bàn chân (plantar fasciitis) sẽ làm gót chân bạn đau như bị dao đâm, thường xảy ra với những bước chân đầu tiên vào buổi sáng. Khi thả lỏng bàn chân, bạn thấy bớt đau, nhưng cái đau có thể trở lại khi bạn đứng lâu hoặc đứng lên sau khi ngồi lâu.

Chứng này rất thường thấy nơi những người hay chạy (runners). Ngoài ra, những người cân nặng quá khổ, phụ nữ đang mang thai và những người hay mang giày không chắc chắn cũng dễ bị chứng đau này.

Triệu chứng

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân có những triệu chứng sau:

-Đau ngày càng tăng

-Chỉ đau một chân, mặc dù bệnh có thể xảy ra ở cả hai chân cùng một lúc

-Đau xẩy ra với các bước đầu tiên sau khi thức dậy, mặc dù cũng có thể xẩy ra khi đứng lâu hoặc đứng lên từ tư thế ngồi.

-Gót chân đau như bị đâm

Nguyên nhân

Thông thường, dây gân lòng bàn chân hoạt động như một dây cung hấp thụ chấn động, hỗ trợ vòm cong của bàn chân. Nếu dây cung này bị căng quá độ, nó có thể bị các vết xước nhỏ. Nếu cứ bị căng và xước nhiều lần như vậy, dây gân sẽ bị viêm, sưng.

Ai dễ bị sưng dây gân?

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sưng dây gân bao gồm:

-Tuổi: Người trong độ tuổi từ 40 và 60 dễ bị nhất

-Phái tính: Phụ nữ bị nhiều hơn

-Cách tập thể dục: Những hoạt động đặt nhiều sức căng trên gót chân và những mô kèm theo- chẳng hạn như chạy đường dài, múa ballet và nhảy aerobics - có thể góp phần gây ra sưng dây gân.

-Cấu tạo bàn chân có “vấn đề”: Bàn chân phẳng (flat foot), vòm chân quá cong hoặc tướng đi bất thường có thể ảnh hưởng đến cách trọng lượng phân phối khi bạn đứng và tạo thêm căng thẳng trên dây gân.

-Béo phì: Trọng lượng thân thể quá nặng tạo thêm sức đè và căng thẳng trên dây gân bạn.

-Nghề nghiệp: Công nhân nhà máy, giáo viên và những người phải đi bộ hoặc đứng trên các bề mặt cứng trong thời gian dài khi làm việc có thể gây thương tích cho dây gân của họ.

-Mang giày thiết kế không đúng cách: Nên tránh giày lỏng lẻo, có đế mỏng, cũng như những đôi giày không có phần hỗ trợ cho vòm cong của bàn chân hoặc không có phần lót đầy đủ để hấp thụ sốc. Nếu bạn thường xuyên mang giày cao gót, dây gân gót chân (Achilles tendon) của bạn có thể co rút và bị ngắn lại, làm những mô xung quanh gót chân bị căng và dễ tổn thương.

Biến chứng

Bỏ qua không chữa bệnh sưng dây gân có thể đưa đến đau gót chân kinh niên gây cản trở cho những hoạt động thường xuyên của bạn. Bạn cũng có thể bị đau chân, đầu gối, hông hoặc lưng vì sưng dây gân khiến bạn thay đổi cách đi của mình. Nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình và bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa bàn chân hay y khoa thể thao.

Phương pháp điều trị và thuốc

Khoảng 90% những người bị sưng dây gân bàn chân hết bệnh với các phương pháp điều trị thông thường trong một vài tháng.

Thuốc: Các loại thuốc để giảm bớt các triệu chứng:

-Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Ibuprofen (Advil, Motrin, những hiệu khác) và naproxen (Aleve), có thể làm giảm đau và viêm, mặc dù không điều trị tận gốc.

-Corticosteroid: Bác sĩ có thể dùng phương pháp Iontophoresis: dán thuốc trên chỗ đau và cho một dòng điện không đau chạy qua để giúp hấp thu thuốc. Hoặc bác sĩ có thể chích thẳng thuốc vào chỗ đau. Không nên chích nhiều lần vì có thể làm suy yếu dây gân hoặc dây gân bị vỡ, hay phần chất béo bao quanh xương gót chân bị nhỏ lại.

Phương pháp điều trị khác


Stretching, các bài tập làm tăng sức mạnh hoặc dùng những dụng cụ đặc biệt có thể làm giảm bớt triệu chứng.

-Thể lý trị liệu: Các bài tập căng dây gân lòng bàn chân, dây gân Achilles và làm mạnh các cơ cẳng chân khiến ổn định mắt cá và gót chân của bạn. Dùng băng dán đúng cách cũng có thể giúp hỗ trợ lòng bàn chân của bạn.

-Đeo nẹp ban đêm: Bác sĩ có thể khuyên bạn đeo một thanh nẹp trải dài bắp chân và vòm cung bàn chân trong khi ngủ. Nẹp giữ dây gân lòng bàn chân và gân Achilles thẳng trong một thời gian dài, giúp căng những dây gân này.

-Dụng cụ chỉnh hình: Bác sĩ có thể kê toa cho mua dụng cụ hỗ trợ vòm bàn chân để giúp phân phối áp lực trên chân đồng đều hơn.

Nếu tất cả các phương pháp thông thường trên không có kết quả, có thể phải giải phẫu để chữa bệnh, nhưng điều này ít khi xảy ra.

Những phương pháp khác

-Châm cứu được cho là có thể giúp chữa bệnh sưng dây gân lòng bàn chân rất hữu hiệu

-Những dụng cụ hổ trợ vòm bàn chân có chứa nam châm được quảng cáo là hữu hiệu nhưng không có chứng cớ gì cho thấy điều này đúng.

Tự giúp


Nên theo những cách sau để làm giảm đau và khó chịu ở bàn chân của bạn:

-Nghỉ không đi lại một vài ngày khi bị đau nhiều

-Chườm đá: Chườm túi đá lên vùng đau trong 15 đến 20 phút, ba hoặc bốn lần một ngày hoặc sau khi hoạt động. Hoặc thử xoa bóp bằng nước đá. Lăn một ly giấy chứa đầy nước đá trên chỗ đau trong khoảng 5-7 phút. Thường xuyên xoa bóp bằng nước đá có thể giúp giảm đau và viêm.

-Bớt đi bộ hay chạy cho đến khi khỏi đau

-Tập thể dục bằng những môn có tác động thấp (low impact): Thay vì đi bộ hoặc chạy bộ thì nên đổi qua đi xe đạp hay bơi lội. Bạn sẽ có thể trở lại hoạt động trước kia nếu giảm bớt đau gót chân. Tuy nhiên, một số người thấy rằng cách duy nhất để tránh đau trở lại là ngưng tập những môn có tác động cao (high impact), chẳng hạn như chạy bộ và nhảy.

-Đeo thêm dụng cụ hỗ trợ vòm bàn chân trong đôi giày của bạn.

-Tập những động tác làm căng vòm bàn chân.

Phòng ngừa


Bạn có thể theo những cách sau đây để ngừa bệnh đau giót chân

-Giữ cân nặng vừa phải khiến giảm thiểu sự căng thẳng trên dây gân.

-Chọn giày tốt: Tránh đi giày cao gót. Mua giày thấp hoặc cao trung bình, có phần hỗ trợ vòm lòng bàn chân tốt và hút sốc. Đừng đi chân đất, đặc biệt là trên các bề mặt cứng.

-Đừng mang giày thể thao đã mòn. Nên mua giày mới sau khi đã sử dụng khoảng 500 dặm.


(VienDongDaily.Com - 16/05/2014)

BS Nguyễn Thị Nhuận  ________________________


_____________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment