Tuesday, June 13, 2017

MÁU LẪN TRONG TINH DỊCH

BS: Đinh Tấn Khương




Máu lẫn trong tinh dịch là một vấn đề thông thường xảy ra trong bất kỳ độ tuổi nào. Người nam có thể lo lắng rất nhiếu một khi thấy có máu lẫn trong tinh dịch, nhưng hầu hết mọi trường hợp sẽ trở nên khả quan mà không cần điều trị can thiệp. Tuy nhiên, một khi thấy có máu trong tinh dịch thì tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ của mình.



Máu lẫn trong tinh dịch có phải là điều bình thường?



Máu lẫn trong tinh dịch không phải là điều bình thường nhưng xảy ra rất thông thường. Máu có thể là màu nâu hay đỏ tươi lẫn trong tinh dịch. Đa số không thấy đau đớn hay dấu hiệu gì khác mà thường chỉ thấy (máu trong tinh dịch) sau khi xuất tinh.

Có nên lo lắng thái quá một khi phát hiện có máu lẫn trong tinh dịch?

Người nam thường rất lo lắng khi phát hiện có máu trong tinh dịch nhưng đa số trường hợp thì không phải do bởi nguyên nhân trầm trọng. Tuy vậy, cũng nên đến gặp bác sĩ để được xác định nguyên nhân một khi thấy có máu lẫn trong tinh dịch.

Nguyên nhân có máu lẫn trong tinh dịch?

Tinh trùng được sản xuất ở tinh hoàn, một khi đạt khoái cảm lúc giao hợp tinh trùng sẽ được di chuyển từ tinh hoàn vào ống dẫn tinh (bởi những cơn co thắt cơ). Túi tinh và tuyến tiền liệt bổ sung thêm một lượng dịch lớn (90%) (để bảo vệ tinh trùng) trộn lẫn với lượng tinh trùng (10%) tạo thành tinh dịch. Từ đó, tinh dịch được dẫn dọc theo niệu đạo để phóng ra ngoài.

Máu trong tinh dịch có thể gây ra do bởi một chấn thương, viêm hay nhiễm trùng hệ thống sinh sản của nam giới (bao gồm tinh hoàn, ống dẫn tinh, túi tinh & tuyến tiền liệt).

Nếu máu lẫn tinh dịch là triệu chứng duy nhất thì được gọi là máu lẫn tinh dịch sơ phát (primary haematospermia)

Trong một số trường hợp, máu lẫn tinh dịch đi kèm với một vài triệu chứng khác thì được gọi là máu lẫn tinh dịch thứ phát (secondary haematospermia)

Nguyên nhân máu lẫn trong tinh dịch có phải là do bị chấn thương hay là do bởi giao hợp thô bạo (rough sex)?

Người nam có thể phát hiện có máu trong tinh dịch (của mình) trong lúc hay là sau khi giao hợp, nhưng ngay cả nếu có giao hợp một cách mạnh bạo thì đó cũng không phải là nguyên nhân gây chảy máu.

Máu lẫn tinh dịch có phải là do bởi những bệnh lây truyền tình dục (sexual transmitted diseases)?

Máu lẫn tinh dịch rất ít khi gây ra bởi một bệnh lây truyền tính dục. Một vài bệnh lây truyền tính dục có thể truyền qua máu hay tinh dịch, nhưng thường chúng không phải là nguyên nhân gây ra máu lẫn tinh dịch.

Máu lẫn tinh dịch sơ phát (primary haematospermia) là gì?

Một khi máu lẫn tinh dịch chỉ là một triệu chứng duy nhất thì được coi là máu lẫn tinh dịch sơ phát.

Sẽ không có máu lẫn trong nước tiểu, và khám lâm sàng cũng không phát hiện được dấu hiệu/triệu chứng nào khác, thường thì không phát hiện được nguyên nhân.

Máu lẫn tinh dịch thứ phát (secondary haematospermia) là gì?

Máu lẫn tinh dịch thứ phát là trường hợp khi có một sự nghi ngờ hay biết rõ nguyên nhân chảy máu. Nguyên nhân có thể là sau lần sinh thiết tuyến tiền liệt, nhiễm trùng đường tiểu hay là nhiễm trùng tuyến tiền liệt.

Một số nguyên nhân hiếm gặp, có thể là:
- Phình tuyến tiền liệt lành tính
- Ung thư tiền liệt tuyến, ung thư tinh hoàn
- Lao, nhiễm ký sinh trùng hệ sinh dục nam
- Chảy máu bất thường do thuốc loãng máu, bệnh gan hay bởi yếu tố đông máu.

Điều trị chứng có máu lẫn trong tinh dịch:

1. Máu lẫn tinh dịch sơ phát thường không cần điều trị một khi nó chỉ là triệu chứng duy nhất và khám lâm sàng cũng như xét nghiệm nước tiểu đều bình thường.

Máu lẫn tinh dịch có thể tiếp tục tái phát, nhưng thường thì sẽ tự ổn định mà không cần một can thiệp trị liệu nào. Chứng máu lẫn tinh dịch cũng không làm tăng nguy cơ những bệnh nào khác cho chính họ cũng như không gây tai hại gì cho người phối ngẫu.

2. Máu lẫn tinh dịch thứ phát thì tùy thuộc vào nguyên nhân mà được điều trị, có thể bằng phẩu thuật hay dược liệu

Hãy đến gặp bác sĩ của mình để được chẩn đoán, điều trị và trấn an một khi phát hiện có máu trong tinh dịch.

(Viết theo tài liệu: “Blood in semen- a common problem for men at any age” from Newsletter of Andrology Australia, issue 61- 2016)

BS: Đinh TấnKhương

_______________________________________

No comments:

Post a Comment