Saturday, January 30, 2021

Hành trình sống tối giản của một mục sư

Joshua Becker là diễn giả hàng đầu về xu hướng sống tối giản hiện đại với nhiều bài viết được đăng tải trên các tạp chí danh tiếng: Times, Wall Street Journal, Guardian, Success... Ông là tác giả hai cuốn sách best-seller do tờ Wall Street Journal bình chọn, gồm Simplify (Đơn giản hóa), Clutterfee with Kids (Dọn dẹp với trẻ con). 


Trong cuốn "Sống tối giản: Tối thiểu để đạt tối đa", mục sư Joshua Becker cho rằng, việc sở hữu nhiều đồ đạc không giúp con người hạnh phúc. Trái lại, chúng còn khiến ta rời xa niềm hạnh phúc thật sự.

Tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Nebraska (Ohanma) và có bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Thần học của Trường dòng Bethel tại St. Paul (Minnoseta), Joshua Becker từng là mục sư suốt 15 năm tại các nhà thờ nổi tiếng trước khi theo đuổi đam mê kêu gọi cộng đồng khám phá lợi ích của lối sống tối giản.

Ông tin rằng, ý nghĩa quan trọng mà chủ nghĩa tối giản đem lại là việc hình thành nên lối sống tích cực, hơn là cảm giác nhẹ nhõm khi vứt bỏ đồ đạc dư thừa khỏi tủ quần áo.

Bạn sở hữu đồ đạc hay bị đồ đạc sở hữu?

Joshua Becker còn nhớ ngày thứ Bảy của dịp lễ Quốc tế Lao động 12 năm trước. Đó là một ngày trời trong nắng ấm, anh cùng cậu con trai 5 tuổi Salem quyết định tổng dọn dẹp nhà cửa, bắt đầu từ nhà để xe bụi bặm chất đầy đồ đạc của gia đình.

Xui xẻo cho ông bố trẻ, khi ra hiệu cho con trai kéo chiếc thùng rác nhựa phía góc nhà, cả hai bắt gặp những món đồ chơi cũ của Salem được cất giữ từ mùa Hè năm trước.
“Bạn có thể hình dung, ngay khi thằng bé vừa đoàn tụ với mớ đồ chơi biệt tích suốt mấy tháng trời, nó không mảy may muốn giúp tôi dọn nhà nữa”, Joshua ngán ngẩm kể lại. Salem vớ lấy quả bóng Wiffle và cây gậy bóng chày rồi tót ra sân chơi sau khi cố nài nỉ cha chơi cùng mà không được.

Trong lúc cặm cụi lau chùi và sắp xếp đồ đạc, ông trò chuyện với June - bà lão hàng xóm có mái tóc muối tiêu luôn nở nụ cười hiền hậu trên môi.

“Dọn dẹp là niềm vui của chủ nhà đấy - bà lão nói đùa khi nhìn thấy vẻ mặt bực bội của Joshua - nhưng con gái bác cũng thường nói, mẹ không cần giữ hết mọi đồ đạc trong nhà đâu”.

Câu nói ấy vang vọng trong đầu Joshua khi ông ngoảnh nhìn thành quả lao động sáng nay: một đống đồ đạc dơ bẩn phủ đầy bụi, chất đầy lối đi. Cùng với đó là hình ảnh đứa con trai 5 tuổi đang lủi thủi chơi một mình ngoài sân sau.

Joshua không ngờ khoảnh khắc ấy cùng lời nói của bà lão June đã khắc sâu vào tim ông, thôi thúc vị mục sư trẻ theo đuổi lối sống tối giản và cùng gia đình nhỏ của mình trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Trong vòng 6 tháng, ông cùng vợ bắt đầu bán, đem cho, cũng như bỏ đi hơn một nửa đồ đạc không cần thiết. Thậm chí, Joshua còn lập một trang blog mang tên “Become Minimalist” (tạm dịch “Trở thành người sống tối giản”) để những người muốn sống theo lối sống tối giản có thể cập nhật hành trình của gia đình ông.

Ban đầu, ông chỉ xem đây là một trang nhật ký online nhưng với số lượng độc giả từ vài người thân quen lên đến hàng trăm, cho đến hàng triệu người… khiến ông nhận ra những lợi ích thiết thực mà lối sống tối giản này đem đến cho cộng đồng.

Có ít lại, để được nhiều hơn
Quyết định sở hữu ít đi đã đem lại nhiều thay đổi cho cuộc đời Joshua hơn là việc giúp tủ quần áo và ngăn kéo được gọn gàng. Ông có thêm thời gian rảnh bên gia đình nhỏ của mình, thường xuyên tham gia các hoạt động của nhà thờ, thoải mái theo đuổi mối quan hệ của mình với Đấng tạo hóa một cách tự do và ít phân tâm hơn.

Trong cuốn Sống tối giản: Tối thiểu để đạt tối đa, Joshua viết, sở hữu đồ đạc không đồng nghĩa với có được hạnh phúc. Càng sở hữu nhiều đồ đạc, ta càng bị đồ đạc sở hữu. Do đó, việc bỏ bớt những món đồ không cần thiết sẽ giúp chúng ta tăng cơ hội theo đuổi những điều mà ta quan tâm.

Xuyên suốt hơn 300 trang sách, độc giả sẽ bắt gặp cuộc đời của những người đã và đang theo đuổi chủ nghĩa tối giản. Đó là Troy, người đã bắt đầu chuyến phiêu lưu đến với lối sống tối giản từ những hình vẽ bị tróc trên bậu cửa sổ.

Là Annette, cô phóng viên đam mê du lịch vòng quanh thế giới hơn sở hữu nhà cửa. Hay Ali, người đã quyên tặng những món trang sức quý giá nhất của mình, và qua đó đã làm thay đổi cuộc sống của những người ở nửa bên kia của Địa cầu.

Thông qua cuốn sách, tác giả cũng chỉ ra những quan niệm sai lầm về lối sống tối giản tồn tại lâu nay. Chẳng hạn, ông luôn lấy làm lạ khi một số người cho rằng tối giản nghĩa là vứt hết mọi thứ, hoặc hầu hết mọi thứ bằng bất cứ giá nào.

“Điều này hoàn toàn không đúng. Sự thật là lối sống tối giản chỉ đề cập đến việc sống với ít đồ đạc hơn mà thôi, và ít hơn không phải là không có gì”, ông giải thích.

Rõ ràng, bản thân chủ nghĩa tối giản là một hành động không vị kỷ khi nó sử dụng ít tài nguyên hơn và nhường phần cho những ai cần đến phần còn lại. Cuộc sống của bạn quý giá đến mức không nên lãng phí nó vào việc theo đuổi của cải vật chất, mà hãy thử trân trọng nó bằng cách đem lại lợi ích cho những người xung quanh như cách Joshua Becker đang làm.

Vân Thảo/ Theo First News
_________________________________

No comments:

Post a Comment