Friday, January 22, 2021

Mùa Xuân Của Ông Ngoại

 Trích bài viết của Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

1.  

... Hai ông cháu đến ngồi bên lò sưởi ấm áp. Tôi sửa lại khăn quàng trên cổ áo cho ông, rồi pha cho ông một ly trà nóng. Ông khề khà như người uống rượu :

“Bé Na muốn nghe chuyện về những chiến hữu của ông không ?”.

“Dạ muốn”.

“Ông nói chiến hữu, là do ở cùng một chiến tuyến. Trên chiến trường, mọi người chiến đấu bên nhau, ý chí chiến thắng như nhau, xác suất gặp nguy hiểm như nhau, không phân biệt cấp bậc. Chưa hết, nỗi lòng thương nhớ gia đình cũng giống nhau. Cấp chỉ huy cũng có cùng tâm trạng với lính của mình, nhất là trông ngóng thư rơi theo dù”.

“Thư rơi theo dù là sao hở ông ngoại ?”.

“Câu này nằm trong một bài hát mà ông chỉ nhớ mang máng. Con hãy tưởng tượng những người lính đang trông ngóng thư nhà. Thư từ, bưu phẩm được máy bay chở đến, thả dù xuống các tiền đồn. Những lúc đó vui lắm con ạ !”.

“Con hiểu rồi, ông ngoại ! Và chắc là những người lính cũng viết thư gửi theo các chuyến bay ạ ?”.

“Ừ”.

Đôi mắt ông ngoại trở nên xa thẳm. Tôi cố gắng hình dung ông ngoại của tôi lúc còn là chàng trai trẻ. Ước mộng của chàng trai là dọc ngang trên chiến trường. Và thật, ông ngoại đã có một thời ngang dọc. Hơn thế nữa, ông là một cấp chỉ huy được lính mến dân yêu. Ông mang trong người những vết thương sau các trận chiến khốc liệt. Và đến một ngày, ông cùng các chiến hữu đi vào nơi rừng sâu núi cao, chịu cảnh tù tội nhục nhằn. Tôi, sau ngày ông hồi phục, đã đôi lần ngồi bên ông để nghe ông kể về những đoạn đời ấy. Giọng ông ngậm ngùi xót xa, rồi có lúc phẫn nộ. Ôi, ông ngoại của tôi, cuộc đời của ông có quá nhiều sóng gió! Tôi chỉ biết lắng nghe, không biết làm sao để chia sẻ với ông. Tôi là đứa cháu gái sống ở vùng biển ấm, còn ông sống ở phía đông bắc, mùa lạnh chiếm hầu hết năm. Thời gian rỗi rảnh tôi chỉ muốn bay lên ông để nghe ông kể chuyện. Chuyện của ông, chuyện về một quê hương xa lắc tôi chưa hề đến.

 “Ông ơi, ông hát đi ông !”.

“Hát gì ?”.

“Hát những bài nhạc viết về người lính đó !”.

“Ừ, để ông nhớ lại. Trí nhớ của ông bây giờ kém lắm !”.

“Không, con thấy ông nhớ rất nhiều. Nếu ông muốn thì con sẽ mở máy ra tìm lời cho ông”.

“Không, hãy để ông tự nhớ”.

Tôi để ông tự nhớ. Tôi vui mừng khi ông cất tiếng hát mà không cần xem bài. Đó, cái tuyệt vời của bộ óc con người là vậy ! Những người trải qua một lần stroke thường gặp khó khăn trong việc diễn tả bằng lời nói, nhưng khi họ hát thì có thể rất trôi chảy. Khi ông hát những bài hát về người lính, về chiến trường, nét mặt của ông như chìm vào một quang cảnh xa vời nhưng rất thân quen với ông. Ông ngoại của con ! Con không biết chia sẻ, chỉ biết lắng nghe.

2.

Tôi khoe ông ngoại bài văn tôi vừa đăng báo. Tôi không còn quá nhỏ để dự thi thiếu nhi viết văn Việt. Nhưng thú thật, đây là thành quả đầu tiên của tôi về viết chữ Việt. Tôi cũng không ngờ mình viết được. Mà tôi lại viết về ông ngoại ! Ông cầm tờ báo lên, nét mặt cảm động.

“Cháu ngoại của ông giỏi lắm ! Chữ in trong báo nhỏ quá, ông xem không rõ, con hãy đọc cho ông nghe”.

Tôi đọc. Chà ! Tôi lại có dịp trình bày bài của mình qua hình thức truyện đọc, nghe cũng không tệ. Ông gật gù, ra vẻ hài lòng.

“Con có biết, con đã chia sẻ với ông rất nhiều không ?”.

“Ông ngoại ơi, con không biết chia sẻ, chỉ biết lắng nghe”.

“Con lắng nghe, và con viết ra được, thế là đã chia sẻ quá nhiều. Những người lính như ông, có còn gì ? Hồi tưởng quá khứ ? Có đấy ! Nhưng nếu thấy trong hiện tại mình được cảm thông, thì đó là điều tuyệt diệu. Con không chỉ viết về ông ngoại, mà là viết về những người lính. Ít ra, trong lớp bạn trẻ cùng lứa tuổi với con, đã có người nghĩ về những người lính thuộc thế hệ của ông. Ông vui lắm !”.

Hai ông cháu lại ra đứng trước sân, bên cây Thuja. Mùa thu đã hết, sắc lá của cây vẫn xanh mướt. Nắng chiều đã xuống, mái tóc bạc của ông ngoại vàng ánh lên. Tôi bâng khuâng ngắt nhẹ một nhánh lá Thuja, ngắm nhìn những cọng lá hình vảy no đầy như ươm cả một sức sống mạnh mẽ bên trong. Tôi không học nhiều về thực vật nên chưa hiểu gì về loại cây này. Tôi chỉ biết giống cây Thuja có mặt ở nhiều nơi trên đất Mỹ, miền ấm áp cũng như miền lạnh lẽo. Nhiều nhà trồng cây này như một hàng rào tự nhiên với những ngọn cây vút cao có thể thấy được từ rất xa.

Ông ngoại ngồi xuống băng ghế, nói :

“Loại lá này, thế hệ của ông lúc tuổi học trò gọi nó là lá thuộc bài con ạ !”.

Tôi reo lên :

“A ! Hay quá hở ông ? Sao gọi là lá thuộc bài ?”.

“Ông không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng học trò hay ép một nhánh lá vào tập vở, hơi dị đoan một chút, tin rằng nó sẽ giúp mình học bài mau thuộc”.

“Ồ! Rồi… ông có làm vậy không ?”.

Ông cười :

“Không. Chỉ có con gái mới làm vậy ”.

“Còn con trai có chơi bắn súng không hở ông ?”.

“Có người thích, có người không. Ông không chơi bắn súng”.

“Vậy ông thích chơi gì ?”.

“Ông thích giả làm thầy giáo dạy học cho mấy đứa con nít, hoặc giả làm bác sĩ nghe tim cho bệnh nhân”.

“Ô, vậy là ông cháu mình giống nhau. Con cũng thích làm bác sĩ, nên con đi học Y khoa. Con cũng thích đi làm volunteer ở những xứ nghèo. Ủa, nhưng sao ông không làm bác sĩ hở ông ?”

“Ông có học Y khoa chứ ! Nhưng rồi ông thích đi theo binh nghiệp”.

“Vậy là ông tình nguyện vào quân đội hở ông ?”.

“Đúng vậy”.

“Con hiểu rồi !”.

Rồi thôi. Nếu tôi còn cố hỏi nữa, tôi sẽ là một đứa không hiểu gì hết. Hai ông cháu ngồi yên lặng bên nhau. Gió thổi nhè nhẹ. Tôi nghe chừng như cây Thuja đang cất lời ca.

3.

Như một nguồn động lực giúp tôi mạnh dạn viết văn Việt, chính là đời lính của ông ngoại. Hai chữ “đời lính” cũng là do ông ngoại nói với tôi. Người ta chỉ cần một khoảng thời gian nào đó, dù ngắn ngủi, cũng đủ gọi là một đời. Hai chữ “đời lính” gom hết cả tuổi thanh xuân trong đó. Tôi tìm hiểu nhiều hơn về những người lính, trong sách báo, phim ảnh và cả ngoài đời thực... Nơi đâu, tôi cũng bắt gặp những gương mặt rắn rỏi, những bộ quân phục làm dáng người mạnh mẽ. Và nói đến người lính là phải nói đến những trận mạc rực lửa. Cả tuổi trẻ của họ là đó ! 

Nhưng rồi tôi rất xót xa khi nghĩ đến “đời lính” của ông ngoại và những chiến hữu của ông. Đời lính của họ chấm dứt trong đau buồn, khi tuổi xuân chưa cạn. Mộng ước của họ về một đất nước thanh bình thật sự… đã không thành. Những bước chân hiên ngang của họ trở thành những bước hụt hẫng đi vào chốn rừng sâu núi cao, chôn vùi tự do, chôn vùi tuổi trẻ. Họ không còn mùa xuân !

Tôi trò chuyện với ông ngoại nhiều hơn. Những lúc phải về trường, đi làm thiện nguyện, tạm xa ông ngoại, tôi vẫn thường gọi điện thoại để nói chuyện với ông. Càng ngày ông nói năng càng rõ ràng, lưu loát. Ôi, ông ngoại của tôi đã phải cần đến mười năm để trở lại tương đối bình thường ! Còn đôi chân của ông thì yếu hẳn, ông phải gắn liền với chiếc xe lăn. Ông và mọi người đều chấp nhận cái tương đối ấy. Dù sao, so với ngày ông tỉnh lại sau khi bị stroke, sức khỏe của ông bây giờ là tuyệt vời lắm rồi! Ông nói chuyện không còn ngọng nghịu. Ông nhớ được hầu hết chuyện xưa, vui cũng như buồn. Và ông hát nhiều bản nhạc theo trí nhớ. Ông sử dụng lại computer, viết email bằng tay trái, tự làm các việc cho chính mình bằng tay trái. Ông cũng không muốn người thân và bạn bè ái ngại cho mình.

Ông thường nhắc đến những chiến hữu của ông, khập khiễng trên chân nạng, khó khăn hơn ông rất nhiều. Ông bảo tôi hãy tìm hiểu về họ, nhất là những người còn ở lại quê nhà. Có người còn không có chiếc nạng tốt mà đi ! Có người mất ánh sáng, lần mò trong tối tăm vô vọng. Họ đã cống hiến tuổi xuân, cống hiến một phần thân thể cho quê hương và giờ đây đang sống mòn mỏi trong sự quên lãng.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(VVNM/Việt Báo Online - Cuối năm 2019)

 



No comments:

Post a Comment