Saturday, January 2, 2021

Sự thật về ngõ nhỏ phố nhỏ Hà Nội

 Một con ngõ trên phố Mã Mây.

Huỳnh Mai


Để tiếp tục kể chuyện đời sống trong ngõ nhỏ Hà Nội, tôi đã mò vào một con ngõ trên phố Mã Mây.
Những túp lều trong ngõ cổ
Chỉ có khoảng chưa đến 10 ngôi nhà trong ngõ này. Hai ba ngôi nhà rộng và khang trang nhất, được khoảng 15-18 m2 sàn, xây cao ba bốn tầng. Số còn lại là những căn phòng bé đến nỗi bếp và phòng tắm đều phải thiết kế dã chiến hết ở bên ngoài, dùng nhà vệ sinh tập thể từ vài chục năm. Và có hẳn một hay hai túp lều che bằng gỗ tạp, ván ép, bạt nhựa.
Mỗi ngôi nhà trung bình có hai gia đình sinh sống, mỗi gia đình ba đến bốn người (thế hệ cha mẹ và con cái), nhưng số người ở “túp nhà” đứng thứ hai về độ tồi tàn thì đến 20 người nhét trong khoảng chưa đến 20 m2 sàn.
Tôi rụt rè bước vào con ngõ, khá hồi hộp sợ bị dân trong ngõ mắng vì tò mò và có thể lắm chứ-vì khơi lại sự mặc cảm của họ. Thế nhưng hoàn toàn trái với hình dung, bất chấp tôi nhiều lần tự giới thiệu là khách du lịch phương xa, họ nhất định thống nhất rằng tôi là người của công ty bất động sản nào đó.
Chủ ngôi nhà khang trang thứ nhì xóm ngồi trên thềm nhà, cũng ngay sát mặt ngõ, vừa rít điếu thuốc lá vừa cười bảo: “Cậu giấu làm gì, tớ nhìn biết ngay. Mua đi, mấy nhà trong kia họ muốn bán lắm rồi đấy. Mà năm nay Cô vít cô veo, có ma nào đi mua nhà đâu.”
Chẳng bảo nhau nhưng khi đến một con ngõ dài hun hút quanh co ba bảy lần ở một con phố cổ khác, tôi lại nghe lặp lại những lời y như thế.“May quá nhà tôi không ở đó”
Con ngõ này cũng có mặt ngoài rộng khoảng 1,5m; bên cạnh lại là một sạp hàng bán bún đậu, tổng cộng cũng phải rộng đến gần 3 m. 3 mét chiều ngang là rất rộng, nếu bạn biết trung bình những con ngõ ở các phố Hàng Cá, Chả Cá, Hàng Bạc, Hàng Đường, Mã Mây… chỉ khoảng 40 phân, bằng đúng 2 ô gạch, vừa đủ một người lách vào.
Bà cụ mẹ của các chị gái bán hàng ăn ở đầu ngõ vui vẻ dẫn tôi vào ngõ. Ngoắt một cái, vừa qua khỏi đầu ngõ, con ngõ bày ra như một ma trận kiến trúc xuống cấp tối tăm.

Hình minh hoạ. Một ngõ nhỏ trên phố Hàng Buồm. Reuters


Dọc ngõ, bức tường trở thành tủ bếp của sạp bún đậu: chén bát thìa đũa cất trên những chiếc giá gỗ hẹp ngang đóng kín mít trên tường, các túi thực phẩm đựng trong túi nilon treo lủng lằng. Một ngã ba nhỏ chia con ngõ làm hai. Nhánh trái chính là dãy nhà vệ sinh tập thể của cả ngõ. Vẫn cái màu trộn lẫn giữa nâu và xám không thể gọi tên của những công trình xây dựng không được sơn lại và nấp kỹ khỏi ánh nắng mặt trời đã hàng chục năm. Bề mặt những bức tường như rỗ li ti, vừa gồ ghề vừa có vẻ như bóng nhẫy và luôn luôn ẩm ướt, trông bẩn thỉu đến mức tôi thu hết người lại, cố tránh không để chạm phải. Dưới chân, cống nước lộ thiên lặng lẽ chảy. Chỗ nào cũng ướt át.

Ngó lên phía trên, dăm bẩy chiếc áo quần treo phơi một cách gắng gượng. Gọi là phơi nhưng chúng phải ép sát vào nhau và được treo lên cao khoảng 2 mét thế thôi, chứ trong con ngõ chịu chết không có lấy một giọt ánh sáng trời hay một vẩy gió. Cả ngày lẩn đêm, quanh năm suốt tháng, chúng được chiếu sáng bằng vài bóng đèn vàng nho nhỏ nhờ nhờ.

Nhánh thứ hai ngoặt gần như vuông góc vào phía trong. Chỗ này trần ngõ rất thấp, chỉ khoảng 2 m, vì phía trên đều là nhà. Nó hẹp đến nỗi chỉ có thể đi khẽ khàng qua được một người, nếu xe máy thì chỉ là loại 90 phân khối và người phải ngồi gọn trên xe, gương chiếu hậu bẻ cụp vào trong mới có thể lọt qua.

Qua đoạn ngõ này, chợt có ánh sáng trời. Con ngõ mở ra một khoảng sân vuông chừng 5 m2, ở giữa có hai ba chiếc xe máy dựng vào một bể cá cạn có hòn non bộ rêu phong. Xung quanh là ba chiếc cầu thang hẹp bắc tứ phía lên các nhà phía trên. Sau đó, nó tiếp tục ngoằn ngoèo vào sâu tiếp bên trong.

Tôi đã chui địa đạo Củ Chi và xem nhiều clip về các địa đạo thế giới, nhưng có lẽ chẳng có công trình kiến trúc nào sánh nổi về độ kỳ quặc của những con ngõ này. Tôi bắt gặp một khoảng lõm vào tường ở bên trong con ngõ khoảng 10 m. Thoạt nhìn, nó chỉ là một khoảng lõm, giống như hốc tường lớn. Nhìn kỹ, ô kìa: nó được xây bậc thang chắc chắn. Bước lên vài bước, hóa ra không phải chỉ vài bậc thang mà nó là hẳn một chiếc cầu thang ngắn dẫn lên hẳn một ngôi nhà nữa trong ngõ. Do vặn xoắn vỏ đỗ nên những bậc thang cuối hoàn toàn bị che khuất.

Kết thúc khoảng sân, con ngõ lại tiếp  tục trở lại thành chiếc ống hẹp. Qua khoảng 5 m nữa, nó lại mở ra một khoảng sân nhỏ hơn. Có dấu vết nắp giếng cũ và tán cây xa xưa. Đặc biệt, trên cao khoảng 2 m, một chiếc bàn thờ cực kỳ cũ kỹ được treo lơ lửng bằng cách thần kỳ nào đó tôi không nhớ rõ, bát hương đầy những chân nhang mới tinh và đĩa trái cây cùng hoa tươi.

Cụ chủ nhà kể đó là bàn thờ thiên của chủ nhà cũ, một người Tàu. Những người chủ mới không dám phá mà giữ nguyên nó ở đó, thành kính và đều đặn cúng vái. Sự tồn tại của chiếc bàn thờ Tàu cổ kính, to lớn, nghiêm trang và tỏa ra bầu không khí gia tộc trang trọng trong không gian đặc quánh những di chỉ thời bao cấp ăn ở chung đụng tập thể, trái ngược và kỳ lạ đến nỗi tôi chỉ biết cảm thán.
Cuối ngõ, sau vài lần rẽ ngoặt và những hốc tường lạ lùng, con ngõ dẫn thẳng vào một ô cửa hẹp. Ngay đó, có một người đàn bà nằm trên tấm đệm cũ trải thằng lên sàn, chiếm toàn bộ khung cửa và gần như toàn bộ không gian “ngôi nhà”. Nó chỉ độ hai đến ba mét vuông là cùng.

Các bức tường của “ngôi nhà” lặp lại ấn tượng của đầu ngõ. Toàn bộ vật dụng treo, mắc đầy trên nó, giống như một tủ chạp phô đầy mốc meo hoang phế.

Ở một con ngõ khác trên phố Hàng Tre, cũng những kiến trúc tương tự. Nhưng, trên nóc buồng vệ sinh tập thể ở cuối ngõ, tôi nhìn thấy một chiếc hộp bằng tôn và kính. Không phải hộp thì là gì nữa? Nó cao độ 1,2m; rộng khoảng 1,5m2. Úp ngay trên cái nóc xi măng cũ kỹ nên trông nó thật đặc biệt, đập ngay vào mắt.

Lạ lùng vậy, nhưng con ngõ này, những con ngõ tương tự và tổ hợp cư trú trong nó hoàn toàn giống với ngôi nhà, di sản kiến trúc Mã Mây tôi đã từng kể cho quý vị.

Vì sao những ngôi nhà ống kiến trúc cổ điển với ba bốn lớp nhà, lớp sân, thông gió và ánh sáng lại trở thành những con ngõ quanh co tối tăm?

Cuộc đổi thay vĩ đại
Là vì, vào năm 1945, tại miền Bắc, chế độ thuộc Pháp cũ đã bị đổi thành chính quyền mới. Những trí thức, quan lại, thương buôn, nhà giàu… lũ lượt đi vào Nam, sang Pháp, hoặc đơn giản không thể hành nghề được nữa trong môi trường mới. Những ngôi biệt thự, nhà riêng rộng rãi, cả xưởng và ruộng vườn của các thành phần này bị trưng dụng (dưới danh nghĩa vận động hiến nhà, hiến đất, thực hiện cải tạo hòa bình) để chia cho lực lượng tham gia kháng chiến mới trở về thành phố.

Một ngôi biệt thự được thiết kế cho gia đình bốn năm người chủ, cùng với người vài người phục vụ (lái xe, đầu bếp, làm vườn, làm việc nhà) liền bị chia nhỏ cho nhiều gia đình cùng ở. Người chủ cũ, nếu còn ở thì chỉ được chia cho một phòng ngủ, toàn bộ các thành viên của gia đình chen chúc vào đó mà sống.

Thường các gia đình sẽ ngăn mặt tiền của ngôi nhà thành hai phần. Phần lớn dành cho gia đình nào có quyền lực hoặc vị trí xã hội cao nhất. Phần còn lại biến thành lối đi vào bên trong nhà, nơi mỗi gia đình chiếm lấy một phòng, và dần dần biến luôn cả gara, hồ bơi, vườn tược, trên lầu… thành nơi ở.

Phần chật chội, phần không có tiền bạc và cả nền tảng văn hóa để duy trì nếp sống được định nghĩa là “tư sản”-là mục tiêu đả phá và gột rửa, cứ thế qua hàng chục năm, ngôi biệt thự biến thành một khu nhà tập thể ổ chuột tối tăm, nhếch nhác, bẩn thỉu và cha chung không ai khóc như những bài trước tôi đã kế, và quý vị  đã thấy. Những “ngõ nhỏ, phố nhỏ-may quá nhà tôi không ở đó”, chỉ lung linh thơ mộng qua trí nhớ của những nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc mà bản thân họ đã chọn cách đi khỏi thủ đô, kiếm một chân trời rộng lớn hơn tự bao gi

Huỳnh Mai /2020-12-31 - rfa.or
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/stories-behind-small-lanes-in-hanoi-12312020122908.html

___________________________

3 comments: