Saturday, September 18, 2021

GIÀU LÀ DO SỐ?

ĐINH TẤN KHƯƠNG



Ông Dũng lò vôi sinh ra trong một gia đình nghèo tại huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định. Khi chưa hoàn tất chương trình học lớp 12, ông Dũng đã tham gia công tác hậu cần tại quân khu 5 và quân khu 7, thực hiện tiếp tế cho chiến trường Tây Nam.
Sau khi xuất ngũ ông Dũng kết hôn với bà Tuyết con gái của ông ba Thu (nguyên giám đốc sở nông nghiệp tỉnh Sông Bé) và tiếp tục tham gia công tác phòng hậu cần Công an thị xã Thủ Dầu Một.

Ở thời điểm này, cuộc sống của hai vợ chồng rất kham khổ, ông Dũng quyết định nghỉ việc để chuyển sang kinh doanh lò vôi. Xí nghiệp nhỏ của ông chuyên sản xuất và kinh doanh các loại vôi quét tường, vôi bột. Nhờ khả năng thiên phú và sự chăm chỉ, hoạt động kinh doanh của xí nghiệp rất thành công và biệt danh Dũng “lò vôi” cũng bắt đầu từ đó.

Ông Dũng là chủ tịch Công ty cổ phần Du lịch Đại Nam. Doanh nghiệp nầy sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến nổi tiếng. Ông được xem là một trong những đại gia giàu nhất Việt Nam
(Trích nguồn Business Style)

Hành trình làm giàu của ông Dũng cũng đã được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, sự thật ông Dũng đã khởi nghiệp để làm giàu là như thế nào?

Có người cùng quê kể lại, ông Dũng tên thật là Huỳnh Phi Dũng quê quán tại Chợ Gò, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trước1975, địa danh Chợ Gò rất quen thuộc là nhờ đến lễ hội bán pháo vào ngày mồng một Tết và có làng vôi Trường Úc nổi tiếng.

Ông Dũng đã rời quê vào Bình Dương tránh lệnh gọi nghĩa vụ quân sự trong những năm chiến trường Tây Nam sôi động. Tại Bình Dương ông Dũng xin tá túc tại một lò gốm, hoc nghề với một người chủ đã lớn tuổi. Cơ duyên đã đưa ông Dũng gặp được ông Ba Thu, là một cán bộ công an tại địa phương thời đó. Ông Ba Thu muốn gả con gái của mình là bà Tuyết cho ông Dũng, bà Tuyết lớn hơn ông Dũng 6 tuổi. Hôn nhân được tổ chức với mọi chi phí được cha vợ lo liệu vì lúc đó ông Dũng còn rất nghèo. Nhờ ba vợ, ông Dũng được hợp thức hóa với cái tên là Huỳnh Uy Dũng và được đưa vào phục vụ công tác hậu cần, tiếp tế chiến trường Campuchia mà không bị đưa đi chiến đấu. Sau đó ông Dũng được chuyển công tác qua bên công an trước khi quay trở lại kinh doanh ngành đồ gốm và mở lò sản xuất vôi.

Ông chủ già đã sang lại lò gốm cho ông Dũng vì sức khỏe càng ngày càng yếu cũng như thu nhập không mấy khả quan trong thời bao cấp. Thế nhưng, vào những năm Việt Nam bắt đầu mở cửa kinh tế, nhiều người từ nước ngoài quay về đặt hàng nhập khẩu đồ gốm, cơ hội làm giàu đã đến với ông Dũng.

Đơn đặt hàng càng nhiều đã khiến ông Dũng phải quyết định mua thêm nhiều đất quanh vùng để khai thác làm đồ gốm. Đất ở Bình Dương có chứa nhiều đất sét, thường đào sâu đến 4 mét để lấy đất làm đồ gốm. Vì đất có chứa nhiều đất sét cho nên ít có giá trị trồng trọt cũng như thời kỳ mới mở cửa giá đất vẫn còn rất rẻ. Sợ rằng, nếu chần chờ không chịu mua đất quanh lò gốm của mình thì hậu quả sẽ bị thua thiệt về sau do thiếu đất khai thác hoặc nếu có thì quá xa lò sẽ gây trở ngại trong việc khai thác và di chuyển. Vì thế, ông Dũng đã quyết định thu mua rất nhiều đất quanh vùng trong một thời gian ngắn.

Trên những vùng đất đã mua có nhiều mộ hoang. Ông Dũng có nhiều đức tin vào thế giới tâm linh cho nên đã mời thầy phong thủy, thầy Ba Bình Định vào lo giúp việc khai táng các mộ hoang nầy. Chẳng biết có phải nhờ thế hay không mà công việc làm ăn của ông Dũng ngày một phát triển thuận lợi.

Dĩ nhiên làm ăn thì còn cần có người đỡ đầu, nhờ vào vị thế của cha vợ cũng như mối quan hệ với ông Nguyễn Minh Triết. Ông Triết nhận ông Dũng là “con nuôi” cho nên mọi công việc làm ăn đều được suông sẻ.

Thành phố Sài Gòn phát triển mạnh trong thời kỳ mở cửa kinh thế, địa ốc là ngành phát triển nhanh nhất. Công trình địa ốc càng phát triển thì những vật liệu phế thải càng nhiều, cần có địa điểm tiêu thụ. Đó cũng là cơ hội và là thời điểm để ông Dũng làm giàu thêm nữa qua các hợp đồng cho đổ phế liệu từ thành phố vào những mẫu đất đã được dào sâu khai thác làm đồ gốm. Nhờ vậy, ông Dũng có hai mối lợi, thứ nhất là thu phí từ nguồn phế liệu và thứ hai là san bằng được những mẫu đất của mình.

Mối quan hệ giữa ông Dũng và ông Nguyễn Minh Triết có nhiều gắn bó, ông Dũng đã đưa thầy Ba Bình Định đến nhà ông Triết xem giúp phong thủy. Có phải nhờ thế hay không mà sau đó ông Triết đã trở thành Chủ Tịch nước, ông Dũng có nhiều cơ hội thăng tiến hơn, quan trọng nhất là Bình Dương được trở thành khu công nghiệp. Những mẫu đất ông Dũng đã mua với giá rẻ mạt lại còn thu lợi qua việc khai thác đồ gốm cũng như thu phí đổ chất phế liệu mà bây giờ trở thành đất vàng công nghiệp thì không giàu sao được!

Trong thời kỳ mới mở cửa kinh tế thị trường, có một số sai phạm đã bị phanh phui, chẳng hạn có vài công ty xuất khẩu giày dép đã lót thêm “chất trắng” vào trong đế giày. Chính vì thế mà có người nói rằng ông Dũng nhận nhiều hợp đồng xuất khẩu đồ gốm là nhờ khai thác lò vôi, một thứ bột màu trắng giúp qua mặt được tầm ngắm. Câu chuyện nầy không có cơ sở kiểm chứng, phải chăng đó chỉ là tin nhảm do sự ganh ghét của người đời?

Không thể phủ nhận khả năng thiên phú và nổ lực bản thân trong quá trình làm giàu của ông Dũng. Tuy nhiên một số câu hỏi được đặt ra:

- Nếu không do thời cuộc thì liệu rằng ông Dũng có rời quê vào Bình Dương lập nghiệp hay không?

- Nếu ông Dũng không sinh ra tại vùng đất nổi tiếng khai thác vôi thì liệu ông Dũng có thành công như bây giờ hay không?

- Nếu ông Dũng không gặp ông Ba Thu và cưới bà Tuyết làm vợ thì liệu có giàu được?

- Nếu không có thời kỳ mở cửa kinh tế thị trường, không có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu đồ gốm thì liệu ông Dũng có làm giàu được như vậy?

- Nếu ông Nguyễn Minh Triết không trở thành Chủ tịch nước, Bình Dương không trở thành khu công nghiệp thì liệu gia tài của ông Dũng có được như bây giờ hay không?

Mọi chuyện đã diễn ra có trình tự dẫn đến sự giàu có. Phải chăng giàu là do số?

Sydney, ngày 18/09/2021
đinh tấn khương

________________________________

No comments:

Post a Comment