Saturday, September 11, 2021

Tưởng Là Dễ Quên...

Nguyễn Trần Diệu Hương

Hai mươi năm trước, vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, ở một góc Fitness 24 ở Sunnyvale, vào khoảng hơn 6 giờ sáng Pacific time, chúng tôi ngạc nhiên và đau buồn biết tin chuyến bay số 11 của  American  Airline bị không tặc đâm thẳng vào tòa nhà phía Bắc của World Trade Center của thành phố New York.

Chuyến bay 11 của American Airlines vừa rời Boston (Massachusetts) không lâu, là một chuyến bay thẳng đến Los Angeles (California) với bình xăng 20 ngàn gallons còn đầy lao thẳng vào một tòa building của World Trade Center (New York)  gây ra một cơn ác mộng kéo dài mãi đến bây giờ.

Với người lớn đã khó, với con nít, nỗi đau còn sâu hơn, ngay cả sau hai mươi năm.

* * *

Năm 2001, Max Giaccone 10 tuổi, đủ khôn để nhận biết lằn ranh vô hình, nhưng rõ ràng giữa sống và chết. Ba của Max là một trong 2,996 nạn nhân của biến cố không tặc ngày 11 tháng 9 năm 2001, ông qua đời ở tuổi 43.

Buổi sáng định mệnh đó, thầy giáo lớp 5 của Max, nhận được một cú điện thoại. Max còn nhớ khuôn mặt thầy tái đi sau cú điện thoại đó. Thầy bảo Max thu dọn cặp sách lên ngay văn phòng của trường. Max kinh ngạc nhưng vâng lời Thầy thu xếp ra về. Ở cửa văn phòng, Mẹ của Max đứng đó, khuôn mặt nhợt nhạt, thất thần còn hơn cả Thầy giáo.

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi có ai đó nói với Max "Chúng tôi rất tiếc, ba của bạn đã qua đời" - người đàn ông 30 tuổi đã buồn bã trả lời - "Không, ông bị giết chết bởi không tặc".

Mỗi năm, ít nhất là hai lần, Max đến đài tưởng niệm, nhớ đến Ba. Nỗi đau mất cha tưởng là đã giảm đi, lại nhói lên như chuyện mới xảy ra hôm qua.

 Với Max, cuộc đời của anh có ba giai đoạn : "Với cha, mất cha, và cuộc sống không còn cha".

* * *

Ngày 11 tháng 9 năm 2001 là sinh nhật thứ 7 của Amanda Tempesta. Sáng hôm đó, cô bé ngủ dậy muộn, Ba của Amanda đã đi làm.

Anthony Tempesta gọi về cho con từ nơi ông làm việc ở tầng thứ 105, building phía Bắc của World Trade Center. Ông chúc mừng sinh nhật cô con gái đầu lòng, dặn Amanda phải ngoan để chiều đi làm về ông sẽ có quà cho con.

Đó là lần cuối cùng Anthony còn nói chuyện với con, chỉ vài tiếng sau, ông đã tan vào cát bụi, không lâu sau khi chuyến bay số 11 bị không tặc và đâm vào tòa nhà nơi Anthony làm việc.

Tối hôm đó, Amanda vẫn có bánh Sinh Nhật do một số bạn bè của cha mẹ mang tới. Không màng đến thổi nến sinh nhật, cô bé 7 tuổi, dõi mắt ra cửa sổ mong thấy cái dáng quen thuộc của cha, nhưng không phải chỉ đêm đó, mà cả cuộc đời còn lại của Amanda, Ba của cô mãi mãi không về.

Lúc đầu, cô bé tự dằn vặt mình, cho là vì mình không ngoan nên Ba không về với quà Sinh Nhật như đã hứa. Mẹ của Amanda, làm cùng nơi với chồng, nhưng hôm đó vì bận việc, bà xin nghỉ buổi sáng, không ngờ đó là định mệnh an bài để bà sống sót nuôi hai chị em của Amanda 

Vào cuối ngày Sinh Nhật 11 tháng 9 của Amanda, hai chị em (Amanda và Matthew) được Mẹ ôm chặt vào lòng, thì thầm vào tai : Mẹ, và không một ai biết Ba con đang ở đâu. Ba có thể bị thương nặng, có thể chết , nhưng hai con phải nhớ là dù ở đâu, sống hay chết, Ba con vẫn luôn ở bên cạnh, thương yêu và chăm sóc Mẹ con mình.

Những giọt nước mắt ấm của Mẹ chảy xuống, đọng lại trên tóc, trên tay của hai chị em. Lần đầu tiên trong đời, Amanda khóc trong ngày Sinh Nhật. Và từ đó đến giờ, năm nay, đã 27 tuổi, Amanda luôn có những Sinh Nhật lặng lẽ, âm thầm, vì đó cũng là ngày hai chị em mất cha vì khủng bố.

Lúc sinh thời, ông Anthony vẫn khuyên các con nên nhìn trăng khi nào có thể vì trăng đẹp dịu dàng, không làm cho người ta chói mắt như mặt trời. Ngày nhỏ, Amanda vẫn nhìn trăng vào những đêm trăng tròn nhưng không thấy hết vẻ đẹp của trăng. Sau khi Ba mất, Amanda nhìn trăng cả vài tiếng đồng hồ không chán, vì với Cô, mỗi lần nhìn trăng, Cô lại nghe văng vẳng bên tai lời khuyên của Ba, và hình như ánh sáng dịu dàng của trăng rằm đưa Cô về gần với linh hồn của người cha quá cố.

* * *

Mỗi năm cả gia đình Wisniewski đều đến đài tưởng niệm những người thiệt mạng vì khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ít nhất là vài lần. 

Như trên dưới ba ngàn gia đình khác, Ba của Matt Wisniewski đã mãi mãi không bao giờ về sau ngày 11 tháng 9. Không có tang lễ, không có cả tro bụi, mà chỉ có giấy khai tử chứng nhận Ba của Matt đã chết vì khủng bố Sep. 11-2001. Xác thân của ông đã cháy tan, hòa vào tro bụi của các tòa building ở World Trade Center - New York, lẫn vào cát bụi của building, của gần ba ngàn người khác.

Đến thăm đài tưởng niệm, và đặt những bông hoa hồng màu trắng ở đó, với Matt như là cách đi thăm bia mộ của người cha quá cố.

Hai mươi năm sau, Matt đang theo học chuyên ngành Global Affairs với ước vọng sẽ được làm trong ngành kỹ thuật an ninh quốc phòng. Đó là cách một cậu bé mất cha vì khủng bố Al Qaeda tưởng niệm và nhớ đến người cha hàng ngày. Matt hy vọng sẽ không còn một em bé nào phải chịu nỗi đau không cùng như cậu đã trải qua từ hai mươi năm nay.

* * *

Theo bà Terry Sears, Giám Đốc của tổ chức bất vụ lợi Tuesday’s Children, có đến 3,051 trẻ em mất cha, mẹ, hoặc cả hai trong vụ khủng bố bằng không tặc ngày 11 tháng 9 năm 2001 như Max, như Amanda, như Matt...

Các em đã lớn lên, già hơn tuổi từ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Hai mươi năm trôi qua, ký ức của người lớn có thể đã nhạt nhòa, nỗi đau không còn mới, nhưng với các em, dù năm mươi năm nữa trôi qua, đến cuối cuộc đời, các em vẫn còn nỗi đau mất đi bóng mát lớn nhất của cuộc đời từ ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Nguyễn Trần Diệu Hương 

(Việt Báo Online - Sep. 11 2021)

Max and his Dad 


Amanda Tempesta with her father Anthony


______________________________________________

No comments:

Post a Comment