Sunday, November 27, 2011

TỪ CÔNG PHỤNG ,

một dĩ vãng, một giòng sông và một người thật...
  



Author: Nguyễn Thị Yêu Thương .


Sydney mưa cả tuần lễ nay, mực nước trong con lạch ở Canley Vale đang lên cao, nước chảy xiết cuồn cuộn mà nếu trời còn mưa mãi thêm vài ngày nữa có lẽ sẽ bị lụt như gần hai mươi năm trước. Hai mươi năm tưởng như xa nhưng nhìn lại thì chỉ là một thoáng qua, cũng như giòng nhạc Năm Mươi Năm của Từ Công Phụng mà tôi đã có dịp hân hạnh tham dự trong chương trình lưu diễn ở Úc của anh vừa qua. Tôi không phải là người sành về nhạc mặc dù dạo sau này tôi có tập tành đàn và hát, những ngón đàn vụng về luống cuống chưa quen phiếm, những tiếng hát ngọng nghịu lạc giọng sai tông chưa thạo, thoi thóp thiếu hơi như cá mắc cạn mà có người nhẫn tâm phê bình không sợ tôi buồn mới chết chứ! Cho nên tôi sẽ không dám bàn gì nhiều về giòng nhạc của anh, những năm mươi năm! Là một con số có trọng lượng cao, gần như số tuổi hiện giờ của mình! Là cả một đời người! Nghĩa là khi tôi vừa ra đời thì anh đã bắt đầu làm nhạc, sáng tác... đã là nghệ sĩ, nhạc sĩ. Là đã có mặt trong giòng âm nhạc Việt Nam, là đã đi sâu vào trái tim của bao nhiêu giới trẻ nam nữ thời xa xưa đó.


Có lẽ vì không thông thạo âm nhạc nên tôi ít biết về nhạc của anh hay có lẽ vì nhạc của Từ Công Phụng có một nét đặc biệt của riêng anh nên những kẻ khù khờ như tôi không có cơ hội biết đến. Mấy ngày trước khi có dịp họp mặt lần đầu tiên với anh, một người bạn đã hỏi tôi, "Có biết hát bản nào của Từ Công Phụng không? Có tập qua bài nào chưa?" Lúc ấy tôi mới ngỡ ngàng sực nhớ ra rằng hình như chưa thì phải! Thời gian tập tễnh bước vào lãnh vực âm nhạc của tôi chỉ vỏn vẹn vài năm sau này, khi tuổi đã 'lên' cao nên kể ra kiến thức còn quá thô sơ để thấm được giòng nhạc của nhạc sĩ tài hoa này, một giòng nhạc mà sau khi tôi có dịp hát qua rồi bản nhạc đầu tiên do anh sáng tác tôi mới ôm ấp và thông hiểu được những lời lẽ thật sâu sắc, kiêu sa của anh. Hồi xưa, nghĩa là vài năm trước đây, tôi chỉ hát cho có hát, tên bản nhạc còn không biết nữa nói gì đến tên tác giả. Chẳng hạn khi nói về bản nhạc nào thì tôi sẽ nói như thế này, "Có phải bản, 'Ngày xưa có ngọn Trúc đào' đó không?" thay vì biết đó là bài Trúc Đào! Dốt đặc! Nay thì khá khá hơn xưa, ít ra sau vài ba năm đàn hát tôi đã biết đến tên nhạc sĩ, tên bản nhạc, nhịp điệu, âm giai... tàm tạm đỡ dốt đặc như một nàng Mường Mán lang thang trong thế giới văn chương ca nhạc của người Kinh.

Dài dòng như trên để giải thích rằng nhạc Từ Công Phụng không phải dể hiểu, không phải ai cũng thông cảm được những sâu sắc và kiêu sa của lời, của âm giai, âm điệu, của lên bổng xuống trầm trong bản nhạc. Nhạc Từ Công Phụng như một cô tiểu thơ đài các con nhà giàu mặc dù nhạc sĩ có cố gắng làm cho 'bùn lầy lấm gót chân em...' nhưng cũng không tài nào che dấu được cái gót sen của cô con gái chưa hề lam lũ chợ đông. Từ lời lẽ đến giòng nhạc, những hoàn cảnh của một giòng sông có khi êm đềm lặng lờ, có khi thăng trầm mưa bão qua những chông gai trong cuộc sống như bản Mưa Trên Biển Vắng, mà có lẽ như đã nói trước, khả năng nhận định hạn hẹp của tôi không có để bàn xa hơn.


Tôi có duyên được gặp nhạc sĩ tổng cộng bốn lần. Lần đầu trong một buổi ăn tối, anh xuất hiện thật từ tốn nhẹ nhàng. Bước đi chậm rãi, nét cười ôn hoà, một hình ảnh của một con người thật! Không màu mè khách sáo, không xa hoa diêm dúa trong một chiếc áo khoác ngoài màu da bò, sơ mi nhạt màu không cà vạt, khuôn mặt điềm đạm, da sạm màu có vẻ chịu đựng của một người đã từng trãi qua những kinh nghiệm đớn đau trong cuộc đời. Và... có tóc! Điều kỳ diệu là anh vẫn còn tóc! Còn nhiều nữa là khác, trái hẳn với một số đông phái nam đã bước qua số tuổi năm mươi, mái tóc bồng bềnh vẫn còn mang nét nghệ sĩ đã cộng thêm vào những nét không... khác thường của anh và càng tạo cho anh một cái vẻ đơn giản, một vẻ rất thật với đời. Một hình ảnh dễ mang cảm thông, dễ hiểu hơn lời nhạc! Có lẽ đó là lần đầu và vì đói bụng nên tôi đã chú trọng làm hài lòng bao tử của mình mất hết cả thì giờ nên không có dịp nói chuyện nhiều với anh ngoài cái bắt tay xã giao thường tình và lời tự giới thiệu mình là ai. Dĩ nhiên là phải giới thiệu mình là ai chứ! Vì có ai biết mình là ai đâu!

Đêm anh trình diễn, tôi được giao cho nhiệm vụ tiếp xoát vé với ban tổ chức và được nghe anh thổ lộ tâm tình và hát những bản nhạc thật hay. Giọng hát trầm ấm nhưng thanh cao của anh là riêng biệt cho những bản nhạc của anh, không sai chạy vào đâu được cả! Những tâm tình thật nồng nàn và những lời lẽ chân thành với giọng nói hiền hoà, nhẹ nhàng và giọng cười hiền của anh đã cho khán giả đêm đó những mẫu chuyện bên lề về những hoàn cảnh và khung cảnh khi anh sáng tác, thật lôi cuốn và hấp dẫn. Anh có lối kể truyện có duyên và có hồn, không thêm thắt màu mè nhưng tràn đầy tình cảm. Tôi đã lắng nghe và đã cảm nhiều hơn một chút một Từ Công Phụng có thật, một con người thật chứ chưa hiểu sâu hơn về anh như một nhạc sĩ.

Vài ngày sau, lại thêm một buổi họp mặt nữa. Lần này tôi có dịp nói chuyện với chị Phụng và tôi đã đến chào anh, hỏi thăm anh thêm được vài câu hỏi, bảo rằng, "...anh quá may mắn đã thoát được cơn bệnh và đã trở lại bình thường ngay từ cách đi đứng, giọng hát, sức khoẻ và còn tóc... mặc dù đã hoá trị một thời gian... Anh may mắn hơn hai ông anh của Tuyết rồi, họ đã bỏ cuộc, đã chiụ thua đầu hàng số mệnh mới đây thôi." Tôi đã xúc động không dằn được nước mắt, đã khóc với những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên má khi lập lại với chị Phụng những lời trên, khi nhớ về hai người anh cũng đã bị thua cho căn bệnh ung thư và đã qua đời đau đớn xót xa. 

Tôi có hỏi anh những cảm tưởng giữa vực thẳm của cái chết và sự sống như thế nào và có luyến tiếc điều gì chưa làm được hay không thì anh bảo là, "Lúc đó tôi cũng nghĩ là cuộc đời mình đã có đầy đủ hết cả rồi, bây giờ nếu có chấm dứt có lẽ cũng không sao cả. Tôi hoàn toàn không mong muốn gì hơn. Bảo là tuyệt vọng chán sống cũng không phải vì nếu Ơn Trên cho tôi sống tiếp tục nữa thì tôi sẽ hân hoan đi tiếp. Nhưng nếu số mệnh đã định cho tôi đến giờ phút này là kết thúc thì tôi sẽ chấp nhận sự ra đi của mình không hối hận, luyến tiếc điều gì cả!" 

Tôi nhấn mạnh thêm một lần nữa, "Mà anh có còn khát khao một nguyện vọng nào khác chưa hoàn thành không? Anh có bối rối sợ hãi khi biết mình sắp ra đi không?"

Anh vẫn cả quyết, "Không, tôi không thấy mình cần làm gì khác hơn là cầu nguyện cho sức khoẻ phục hồi và rất bình tĩnh sẵn sàng ra đi nếu không thể phục hồi được! Không sợ hãi gì cả!"

Nghĩa là anh đã chấp nhận hoặc sống hoặc chết và không cảm thấy điều này là điều bận tâm, một sự bình tĩnh và can đảm mà có lẽ chỉ có những người đã từng trãi, đã từng đi qua những nẽo đường chông gai hiểm hốc của cuộc đời, đã từng nếm qua những mùi vị chua cay, ngọt bùi của tình người, tình đời và tình yêu chân chính mới có được. Có lẽ đúng, anh đã từng '...cầm tay em khẽ nói ngày mai anh đi rồi...', đã từng diễn tả trong lời nhạc những 'em' ngọt ngào đầy thơ đầy mộng, đã từng '...tay đan tay dìu nhau trên lối, đưa em đi nhè nhẹ vào đời...' thì có chết đi bao nhiêu bận cũng chả là gì!
 
Lần cuối cùng tôi gặp lại anh tối qua, sáng nay anh đã lên đường về Mỹ. Vì bận một buổi tiệc khác nên rất tiếc tôi đã đến trễ, mất một cơ hội nghe anh hát những bản nhạc kiêu sa, đài các của anh, chỉ lỏm bỏm những câu cuối cùng kết thúc chương trình anh hát ở Sydney, ở xứ Úc nắng ấm tình nồng.

Tôi có dịp hỏi anh thêm một câu, "Theo Tuyết thấy thì anh Phụng có rất nhiều 'em' trong những bản nhạc của anh, vậy anh có thể cho Tuyết biết là khi anh sáng tác thì những 'em' đó từ đâu ra? Một 'em' nào đó có thật trong cuộc đời của anh, ấp ủ trong tim của anh, một 'em' nào đó thoáng qua hay chỉ là một 'em' trong trí tưởng mà khi anh sáng tác hình ảnh 'em' này xuất hiện như thật?"

Có lẽ vì anh chưa chuẩn bị kỹ nên anh hơi lúng túng với câu hỏi này, bảo là, "...tôi biết là thế nào có lúc nào đó tôi sẽ bị rắc rối với chữ 'em' này!", nên anh cho tôi và những người bạn tham dự đêm đó một cách trả lời chung chung, và cái nghĩa 'em' cuối cùng chắc chắn là người vợ, là chị Phụng, đã cùng anh tranh đấu cho sự sống còn của đời mình. Mà chị đã nói với tôi, "Có những lúc chị đã phải mở tủ, chui đầu vào đó mà thét lên thật to, mà gào lên thật lớn chỉ vì quá tuyệt vọng mà không dám nói và không dám để cho anh Phụng nhìn thấy!" Chỉ có những người đã nhìn thấy người thân của mình tranh đấu cho sự sống của họ qua căn bệnh ngặt nghèo của ung thư mới thông hiểu được cái bất lực của mình khi nhìn người thân lùi dần vào cõi hư vô nếu không có cơ hội kéo về được.


Chị Phụng với niềm tin mãnh liệt và tình yêu nồng thấm, nhạc sĩ Từ Công Phụng với sự bình thản và lòng can đảm đã tiếp sức cho nhau đẩy ra xa cõi hư vô không cho anh vào vội ngay lúc này. Và đó là một kỳ công chỉ có sức mạnh của Tình Yêu, Tình Người mới thực hiện được. Vì anh vẫn còn phải sáng tác để cho ra những 'em' cho đời thêm ý nghĩa. Vì khi tôi vẫn ngoan cố hỏi anh thêm, không hài lòng với câu trả lời chung chung đó, tôi đã hỏi riêng anh,


"Theo Tuyết thấy thì khi sáng tác, một người yêu, một người tình, một hình ảnh, một 'em' chưa chắc đó chính là một em nào có thật trong cuộc đời, nhiều khi đó chỉ là hình ảnh trong trí tưởng của người sáng tác, một hình ảnh thoáng qua do óc nhận xét và quan sát của người sáng tác. Như Tuyết biết, anh có thể nhận xét rất nhiều những nhân vật trong đám đông hôm nay rồi lúc nào đó nó sẽ xuất hiện trong nhạc của anh. Có thật mà không thật. Một 'em' có thật ngoài đời nhưng chỉ là một hình ảnh và tất cả những suy diễn khác chỉ là do tâm hồn của người sáng tác đặt vào nhân vật đó mà thôi. Vì Tuyết có sáng tác nên Tuyết hiểu, tình cảm mà người sáng tác dành cho nhân vật nào đó là tình cảm ngay lúc ấy, cho hình dáng ấy, cho nét thật của nhân vật ấy nhưng ngược lại thì nó lại hoàn toàn không thật!"


Anh đã đồng ý và nhắc lại một câu trong bài Mùa Thu Mây Ngàn, "...như hình ảnh vết bùn lầy lấm gót chân trần của một người con gái đó, một hình ảnh rất thật rất đẹp mà chỉ nhìn thoáng qua là đã in sâu vào đầu rồi khi sáng tác nó cứ xuất hiện mà thôi!"


Khi chuẩn bị ra về, mọi người đùa cho rằng anh vẫn có nhiều 'em', Tuyết kết luận dùm anh là,"...đối với anh Phụng thì một 'em' chỉ cần là một gót chân, một đốt ngón tay, một sợi tóc... cũng có thể là 'em' được thôi!" Và tôi hỏi anh thêm về cảm nghĩ của anh khi trình diễn ở Úc, sự khác biệt của tình người dân Nam bán cầu và những nơi khác. Anh đã không ngần ngại trả lời mau mắn, "Đây không phải là lần đầu tôi đến Úc, mà điều kỳ lạ là mỗi lần sau là mỗi lần tôi cảm nhận được tình cảm nồng nàn của người dân nơi này mỗi lúc một tăng hơn. Sự nồng nhiệt đón nhận và tình cảm chan chứa đầy tình người của dân Úc rất khó mà so sánh được và khó tìm được ở nơi nào cả, ngoại trừ nơi này."

 Anh cũng nói thêm sau khi tôi tiếp tục hỏi rằng như vậy thì anh có thấy sự khác biệt của sự thưởng thức giòng nhạc của anh hay không? "Vâng, có chứ. Khi tình cảm người nghe cho ra thật nhiều như vậy thì dĩ nhiên sự thưởng thức của họ dành cho mình sẽ là nồng nàn và sâu đậm hơn nhiều chứ!"

Sáng nay tôi đã hát lại bài, Tuổi Xa Người của Từ Công Phụng, bản nhạc đầu tiên của nhạc sĩ mà tôi đã tập đàn và hát. Vẫn tiếng đàn ngập ngừng trên phiếm, vẫn giọng hát ngọng nghịu sai nhịp, thiếu hơi nhưng tôi đã xúc động thật nhiều và thật thấm thiá những tâm tình của người nghệ sĩ đã đặt vào lời hát và giòng nhạc của mình!


"Và giòng sông trôi đi vô tình mang tất cả, cuộc đời này của người hay tôi!"


NTYT 26112011 


Xin bấm vào link nếu có muốn nghe giọng hát thiếu hơi của tôi!
Hãy kiên nhẫn đợi vài giây trước khi tiếng nhạc mới thỏ thẻ lên được!


Tuổi Xa Người, Từ Công Phụng

______________________________________________

No comments:

Post a Comment