Wednesday, September 23, 2015

10 câu chuyện ấn tượng về động vật 2014

Tạp chí National Geographic (Mỹ) lựa chọn 10 câu chuyện ấn tượng về động vật năm 2014.  




1.   Câu chuyện động vật ấn tượng nhất 2014 do National Geographic bình chọn là trường hợp con trăn cái có tên Thelma 11 năm tuổi tại vườn thú Louisville, bang
Kentucky, Mỹ đã sinh sáu trăn con mà không cần giao phối. Kết quả kiểm tra ADN được công bố trên tạp chí sinh học của Hiệp hội Linnean, London (Anh) chứng minh Thelma là “phụ huynh” duy nhất của sáu trăn con. Chúng cũng đều là con cái. Hiện tượng sinh con không cần giao phối được ghi nhận ở động vật không xương sống, rồng Komodo, cá mập đầu búa và một số loài rắn khác. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên xuất hiện ở trăn – (Ảnh: Kyle Shepherd, Louisville Zoo)




2.  Cá thể hươu đực thuộc loài Capreolus capreolus có hộp sọ với duy nhất một sừng do thợ săn săn được ở vùng rừng Celje, Slovenia rất giống loài kỳ lân được mô tả trong truyền thuyết. Các chuyên gia động vật học cho biết con đực trưởng thành ở hươu Capreolus capreolus có gạc với cấu trúc đối xứng hai bên hộp sọ. Tuy nhiên, trong trường hợp trên rất có thể khi quá trình gạc mới nhú đã gặp phải một tai nạn hoặc bị chấn thương ở phần đầu, dẫn đến các tế bào sinh gạc bị đột biến, hai cấu trúc gạc hợp lại với nhau tạo nên một sừng duy nhất – (Ảnh: Eva Klevska, National Geographic – Slovenia)




3.  Lần đầu tiên các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu hải dương Monterey Bay, bang California (Mỹ) ghi hình được cá vây chân có chiều dài cơ thể khoảng 8,9cm bơi lội bên dưới vùng nước sâu khoảng 580m thuộc vịnh Monterey.
Đó là cá vây chân Black Seadevil thuộc gia đình cá vây chân biển sâu Melanocetus, rất hiếm bắt gặp do chỉ sống trong vùng nước sâu đen tối. Cá Black Seadevil có da đen kịt, miệng há rộng với hàm răng sắc nhọn và đặc biệt có “chiếc cần câu” phát sáng trên đầu đung đưa để nhử con mồi như mực hay cá nhỏ tới gần – (Ảnh: Monterey Bay Aquarium Research Institute)



 4. Các nhà khoa học cảnh báo các trường hợp con người phải đi cấp cứu nếu chẳng may đụng phải lớp lông cực độc của loài sâu bướm Megalopyge opercularis ở miền đông nước Mỹ. Triệu chứng thường gặp khi lông sâu tí hon ghim vào da là gây đau nhức dữ dội, cơn đau có thể lan đến vai và kéo dài trong 12 tiếng – (Ảnh: Donald W. Hall, University of Florida)




 5.  Các nhà khoa học phát hiện 14 loài ếch mới có “vũ điệu nhảy múa bằng chi” kỳ lạ trong mùa giao phối tại vùng rừng núi Western Ghats (Ấn Độ). Con đực thực hiện động tác hai chi trước và một chi sau trụ vững trên bề mặt đá gần các con suối, chi sau còn lại từ từ giãn ra, mở rộng màn chi kết hợp “đá ngoặt” sang phía sau và co về. Hành vi “đá chi” trên được lặp đi lặp lại, trong khi vòm miệng phát ra tiếng kêu liên tục để thu hút những con cái. Những con ếch đực to hơn sẽ có vũ điệu đá chi mạnh mẽ và hấp dẫn hơn – (Ảnh: SD Biju, Systematics Lab)




6.  Dữ liệu nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy chó sói Bắc Mỹ ngày càng thích nghi với cuộc sống khu vực đô thị. Cụ thể họ cho biết có khoảng 2.000 con đang sống theo từng nhóm nhất định và “thân thiện với con người” ở khu vực ngoại ô thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ) – (Ảnh: Screengrab of CritterCam video)





 
7.   Loài tatu nhỏ nhất thế giới Chlamyphorus truncatus sống ở Agrentina chỉ có chiều dài cơ thể (84-117mm). Loài động vật có vú này có mai – “áo giáp” bảo vệ cơ thể màu hồng và lông dày, mịn. Ngoài ra, móng vuốt của nó được cho là dài nhất trong gia đình tatu, khoảng 1/6 chiều dài cơ thể – (Ảnh: Nicholas Smythe via Getty)


8.  Con tôm hùm màu cam có hoa văn sọc đen nặng 0,6kg do ngư dân ở bang New Hampshire (Mỹ) bắt được “gây sốt” cộng đồng mạng. Các nhà khoa học nhận định sự xuất hiện màu sắc đặc biệt của loài tôm hùm này do sắc tố biến đổi gene với xác suất 30-50 triệu con tôm hùm mới có một con – (Ảnh: Ellen Goethel, Explore the Ocean World)




9.  Nói về nghi thức tán tỉnh độc đáo không thể không nhắc đến loài chim Otis tarda sống phần lớn ở châu Phi. Lần đầu tiên nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy “mối liên hệ” giữa chim Otis tarda trống và loài bọ có chất độc Berberomeloe majalis. Chim trống ăn nhiều bọ hơn trong mùa giao phối, các nhà khoa học tin chất độc của bọ giúp lỗ huyệt – cơ quan sinh sản của chim trở nên khỏe mạnh hơn, điều này giúp chúng tự tin hơn trong nghi thức giao phối – (Ảnh: Franz-Josef Kovacs)





10. Loài ếch tím Ấn Độ với chiếc mũi kỳ lạ như mũi lợn, có thể đào hang ngầm dưới lòng đất đến 3,7m và sống phần lớn dưới hang. Vào mùa mưa con đực mới cất vang những bản tình ca thu hút bạn tình – (Ảnh: SD Biju, University of Delhi)
Theo Khoa Học 

______________________________________________

No comments:

Post a Comment