Monday, May 8, 2017

Mùa crawfish

By Ngọc Linh

Khi vụ lúa thu đông vừa kết thúc thì người nông dân các tiểu bang miền Nam cũng bắt đầu cho mùa nuôi crawfish. Những mảnh ruộng lúa nước sau khi được gặt, còn chừa gốc rạ làm thức ăn và nơi trú ẩn cho loại này. Con crawfish giống thả nuôi tự nhiên cứ ăn gốc rạ và vi sinh vật trong ruộng nước mà lớn lên. Crawfish là loài giáp xác có khả năng sinh sản nhanh chóng, cho nên ngày nay, người nông dân gần như không còn nuôi theo kiểu truyền thống theo mùa nữa mà nuôi quanh năm. Một phần do nhu cầu ăn món crawfish ngày càng tăng ở nhiều tiểu bang khác, phần khác do giá trị lợi nhuận của loài tôm này không kém làm lúa nước ngắn ngày.






Phóng sự 2 kỳ – Kỳ 1

Crawfish bốn mùa
Nếu có dịp đi trên xa lộ 10 từ Beaumont (Texas) hướng về Lafayette (Louisiana) hay xa hơn trên các cánh đồng ở Arkansas, Mississippi, Missouri hoặc Alabama, Carolinas các bạn sẽ bắt gặp những vuông đất ngập nước được dùng để nuôi crawfish, chen lẫn những bụi bồn bồn hoặc những bụi cỏ lác khô rất đỗi hoang sơ. Nhìn những cánh đồng nước mênh mông không thấy bóng người dễ làm bạn nhầm lẫn đó là những vùng trũng ngập nước bỏ hoang của đồng bằng miền Nam rộng lớn. Nuôi crawfish không cần chòi canh bọn heo rừng chim trời quấy phá, không cần phun thuốc trừ sâu như trồng lúa, giảm thiểu công sức chăm sóc của người chăn nuôi. Cứ vài ba ngày đi một vòng thả thức ăn vào lồng. Thức ăn là mùn hữu cơ, phế phẩm của ngũ cốc, thực vật như cỏ, rạ lúa trộn với cá tạp xay nhuyễn. Crawfish là loài ăn tạp, dễ nuôi chóng lớn. Sau ba tháng đã đạt được giá trị thương phẩm cỡ 25 đến 30 con một pound.

Lồng bắt crawfish chờ khách hàng đến nhận. Ảnh: Trang Nguyên

Ngành nông nghiệp ở các tiểu bang này không còn gọi những người nuôi crawfish là nông dân mà chính thức gọi là fisherman (ngư dân) theo đúng nghĩa. Vì rằng, nghề nuôi crawfish truyền thống trước đây qua nhiều thế hệ từ khi người nông dân gốc Pháp Cajun xen canh với lúa sau ba vụ mùa gần như không còn. Những thế hệ sau đã chuyển sang nuôi dạng chuyên canh công nghiệp quanh năm bốn mùa do nhu cầu tiêu thụ bùng nổ khoảng 3 thập kỷ gần đây. Theo thông tin của ngành ngư nghiệp Hoa Kỳ, một số nông dân của tiểu bang California cũng bắt đầu nhiều dự án chăn nuôi crawfish và hoạch định những vùng nuôi tôm rồng với quy mô khá lớn.

Chúng tôi đến vùng nuôi crawfish thuộc địa phận Crowley tiểu bang Louisiana vào cuối Tháng Ba, thời điểm mà ngư dân bắt đầu rục rịch thu hoạch tôm trên từng mảnh ruộng nuôi theo định kỳ để kịp cung cấp ra thị trường. Phải mất khá nhiều thời gian tìm đường vào những mảnh ruộng dọc theo hai bên xa lộ 10. Cuối cùng, chúng tôi cho xe rẽ vào một con đường làng. Xe chạy trên con đường làng vắng vẻ, có khi đi tắt vào con đường nhỏ còn trải đất để tìm nơi thu hoạch xem người ta bắt con crawfish ra sao. Không bắt gặp người đang thu hoạch nhưng lại tìm ra cơ sở nhỏ chuyên sản xuất lồng bắt tôm crawfish, kể ra cũng biết được thêm phương tiện bẫy bắt con tôm chuyên sống dưới ruộng nước mà chúng tôi cứ nghĩ theo kiểu bắt tôm thẻ trên những vuông nuôi của người nông dân quê nhà, tức là bơm nước trong vuông ra hoặc giăng lưới kéo.


Chuẩn bị cho chuyến thu hoạch crawfish (nguồn ảnh otrwjam.files.wordpress.com)

Chiếc lồng được làm bằng lưới sắt bọc nhựa polime theo khối hình thang có miệng tròn giống cái tĩn, phần đáy ở giữa có lỗ tạo thành ống chóp chụm đầu tựa như cái trúm bắt lươn của người nông dân xứ mình. Lồng có hai thanh sắt nhỏ tròn: một ngang qua lồng một dọc dài hơn cắm xuống đất định yên vị trí để không bị gió nước làm ngả nghiêng. Trong lồng có đặt mồi, con tôm háu ăn mon men tìm đến chui vào cái lỗ, bò lần lên lọt vào lồng nhâm nhi miếng mồi mà không biết rằng mình đã bị bắt. Khi thu hoạch người ngư dân đi trên chiếc xe chế biến thành hình dáng của một chiếc xuồng, cứ việc gỡ lồng trút tôm rồi đặt lồng trở lại sau khi bỏ thức ăn vào để vài ba hôm lại đi bắt. Cứ thế cho hết mùa thu hoạch. Sau khi phân loại, con nhỏ thì thả lại ruộng sinh sống chờ tiếp mùa sau.

Ðó là những gì ông Manuel Hermandez cho chúng tôi biết khi tình cờ gặp ông gần ruộng nuôi tôm. Ông sống tại vùng Crowley chừng bảy tám năm nay nhưng từng có thời gian thâm niên ở quê nhà Mexico làm nghề đan các loại bẫy crawfish bằng tre, xem ra bây giờ làm lồng bẫy bằng lưới kẽm cũng không có gì là khó. Thời gian trước ông làm công nhân lục lộ hợp đồng ở Beaumont, rồi một người Mỹ quen biết, đồng thời là chủ nhiều ruộng nuôi crawfish bỏ vốn sản xuất lồng bắt tôm ăn chia với với nhau. Chúng tôi cứ tưởng được xem một cơ sở sản xuất lớn, nào ngờ ông Manuel cho biết, đây chỉ là sản xuất thủ công nhỏ, chỉ mỗi mình ông vừa làm thợ mà cũng là người trông coi căn nhà nhỏ dùng làm cơ sở sản xuất giữa tứ bề ruộng đồng vắng lặng. Ông nói, nguyên liệu hầu như mua từ nơi khác về, chế tác thêm đôi chỗ theo yêu cầu chế biến thành chiếc lồng bắt tôm. Sản xuất không nhiều chỉ đủ cung cấp cho các chủ ruộng cần thay một số lồng hư hỏng, nhưng coi vậy mà có việc làm suốt ngày không rảnh tay.


Thu hoạch crawfish (nguồn ảnh otrwjam.files.wordpress.com)

Crawfish Trung Quốc và crawfish nội địa
Theo thống kê, Louisiana có hơn 800 nông trại nuôi crawfish trên diện tích tổng cộng 120,000 acre, mỗi năm thu nhập lên đến hơn 300 triệu USD. Tuy sản lượng crawfish tại tiểu bang này cung cấp cho thị trường nội địa lên đến hơn 90% nhưng nhu cầu tiêu thụ còn rất nhiều, một số tiểu bang khác nuôi crawfish từ hai thập niên gần đây nhưng vẫn không đáp ứng đủ.

Sản lượng crawfish của Louisiana và các tiểu bang miền Nam gộp lại cung cấp thị trường nội địa hơn 150 triệu pound mỗi năm. Con số này chẳng thấm vào đâu cho người tiêu dùng hoặc các nhà hàng cần có nhu cầu chế biến vì thế tự nhiên nó tạo một thị trường mở cho thịt và crawfish luộc đông lạnh nhập cảng từ Trung Quốc. Việc nhập cảng crawfish đã qua chế biến vào thị trường Mỹ xuất hiện từ đầu thập niên 1991 với quy mô nhỏ nhưng dần dần gia tăng đỉnh điểm vào những năm cuối thập niên với số lượng lên đến gần 25 triệu pound các loại sản phẩm với sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Một pound thịt crawfish đông lạnh của Trung Quốc nhập cảng chỉ có giá $3.50 trong khi tại Louisiana sản xuất, giá đến hơn $8 đã làm ảnh hưởng lớn ngành chế biến thịt crawfish đông lạnh của ngư dân. Tuy vào thời điểm những năm sau này, các tiểu bang miền Nam như Alabama, Carolina (Bắc và Nam) bắt đầu gia tăng diện tích nuôi crawfish nên sản phẩm nhập cảng của Trung Quốc giảm sút nhưng vẫn còn ở mức trên 15 triệu pound mỗi năm. Cho nên đến mùa thu hoạch rộ crawfish nội địa, buộc các ngư dân phải giảm giá để tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Tôm thịt crawfish nhập từ Trung Quốc vào Mỹ (Nguồn: Internet)

Thật sự cuộc chiến chống bán phá giá của ngư dân Louisiana nói riêng và các tiểu bang khác đã mở màn từ khi các sản phẩm tôm crawfish của Trung Quốc bắt đầu có mặt tại thị trường Hoa Kỳ. Nhưng cho đến nay qua nhiều năm chuyện ngã ngũ áp thuế nhập cảng lên các mặt hàng nhập cảng của Trung Quốc vẫn chưa được chính quyền liên bang giải quyết rốt ráo. Trung Quốc là nước nuôi và xuất cảng crawfish hàng đầu thế giới, kế tiếp là Tây Ban Nha nhưng sản phẩm của nước này chỉ xuất cảng các nước châu Âu chứ không vào Mỹ. Thịt crawfish đông lạnh tất nhiên là không còn ngon, thịt bở sau khi xả đông. Crawfish ngon chỉ khi nào còn sống. Do đó một ngư dân chuyên nuôi tôm trả lời trên tờ New York Times về chuyện con tôm crawfish làm ảnh hưởng thị trường tiêu thụ nội địa rằng: “Crawfish đầu mùa từ tháng 4 ở Louisiana thịt ngọt và ngon, người tiêu thụ nên mua để thưởng thức. Giữa tháng 5 rộ mùa thu hoạch, các ngư dân tiêu thụ không kịp phải chế biến thịt tôm đông lạnh bán ở khắp các tiểu bang. Khi mua thịt đông lạnh hoặc luộc rồi thì không còn ngon nữa. Giá đầu mùa tuy mắc nhưng tiền nào của nấy”.

Hẳn nhiên đồ tươi sống là ngon. Crawfish là loài ăn tạp sống nước ngọt và lượng thịt chỉ chiếm 20% trọng lượng nguyên con nhưng theo phân tích thịt tôm rất giàu protein và lipid cùng nhiều acid amin có lợi cho sức khoẻ chứ không như nhiều người vẫn nghĩ thịt tôm chứa nhiều chất bổ dễ tạo cholesterol xấu. Gần như lượng crawfish tươi nuôi bán tại thị trường nội địa Hoa Kỳ không sử dụng phần vỏ và đầu trong khi Trung Quốc có thể sử dụng tạo ra chế phẩm kitozan là chất sử dụng trong y dược, chất bảo quản thực phẩm và cả mỹ phẩm. Ðó là lý do tại sao Trung Quốc là nơi nuôi crawfish lớn nhất thế giới. Thậm chí hiện nay họ còn đi thuê đất nuôi loại tôm nhỏ bé này. Một số nông dân các tỉnh miền Bắc và miền Nam Việt Nam vài ba năm trước còn cho người Trung Quốc thuê đất và nuôi crawfish gia công. Tuy nhiên, crawfish có thể là mặt hàng thủy sản ngon ở xứ người lại là mối họa ở những vùng ruộng lúa phì nhiêu, không khác gì ốc bươu vàng phá hoại trên các cánh đồng ở miền Nam từ hơn chục năm trước.


Ngư dân Trung Quốc thu hoạch crawfish. Với gần 15 ngàn mẫu đầm nuôi, doanh thu khoảng $1.6 tỉ đô la/năm. Photo/Xinhua

(còn tiếp 1 kỳ)
 http://baotreonline.com/mua-crawfish/
______________________________________________________

No comments:

Post a Comment