Wednesday, September 30, 2020

Xóm tỵ nạn Motobu - Okinawa

Quinhon11


Lâu nay, nhiều người quen dùng từ trại tỵ nạn Motobu, nhưng tôi thích gọi là xóm tỵ nạn hơn. Vì chả có vẻ trại gì ở đây cả. Khu cư xá gồm nhiều dãy nhà hai tầng này được đúc bằng xi măng cốt sắt. Mỗi một dãy có nhiều khu, và mỗi khu có 4 phòng ngủ cùng chung một phòng vệ sinh. Trước khi có người tỵ nạn đến ở, cư xá này bị bỏ hoang đã nhiều năm. Nghe nói ông chủ nơi này vì làm ăn thất bại nên đã tự tử chết.
Cứ mỗi người đến đây, trước tiên được văn phòng phát cho một cái nệm bông, một cái mền và một cái gối. Ai cũng ngơ ngơ, ngác ngác nhận đồ, nhận phòng mà không biết mình phải làm gì? Sau một chuyến hải trình hung hiểm, phần chết nhiều hơn sống thì phải nói hồn vía mất bảy còn ba. Lên tới bờ, đôi chân đạp đất mà cảm giác phiêu diêu, bềnh bồng, còn tưởng đang nằm mơ. Rồi người đến trước dắt díu người đến sau, cái xóm tỵ nạn ở Motobu – Okinawa cứ thế dần thành hình. Một cộng đồng tỵ nạn với mấy trăm con người già trẻ, muôn hình vạn trạng, đầy đủ hỉ, nộ, á,i ố, đời thường bắt đầu từ đây. 

Thời gian đầu chưa ai đi làm, hầu hết cả ngày loanh quanh trong xóm. Ngày ba bữa xuống nhà ăn có tổ bếp phục vụ đầy đủ. Sau có mấy người Nhật vô xóm kiếm mướn người phụ việc. Rồi có lẽ thấy người Việt siêng năng, tiếng lành đồn xa nên thêm nhiều hãng xưởng địa phương tìm đến . Công việc đa dạng theo mùa. Nào là hái thơm, chặt mía, hãng trái cây đóng hộp, hãng đá xi măng, nhà hàng, khách sạn, rữa xe.. vô số công việc để mọi người kiếm thêm thu nhập. Tuy lương khá bèo, khoảng 2.000 đến 2.500 yen một ngày, nhưng được cho ăn trưa, có xe đưa đón. Vậy là quí lắm rồi, ai cũng ráng chịu khó đi làm.

Từ đó, ban ngày xóm trở nên vắng hoe, không khí 
nhà ăn buổi trưa đìu hiu, lác đác chỉ còn người già, trẻ em. Người đi làm, thì nhờ người ở nhà xuống lấy cơm đem về phòng dùm. Buổi chiều, sau một ngày vất vả làm việc trở về thì xóm mới nhộn nhịp. Nếu nhìn từ bên ngoài, hay từ phòng chúng tôi ở trên cao, thì hình ảnh những dãy nhà nhấp nhô bên dưới, những vuông cửa sổ chập choạng ánh đèn vàng. Tiếng nhạc cải lương, nhạc quê hương lẫn tiếng cười nói, tiếng cãi nhau vang vọng ồn ào.. Có thể nói, hình ảnh ấy không khác gì một thôn xóm bình dị ở quê nhà. Có những đêm khuya, tiếng dế, tiếng ve sầu nỉ non chen lẫn tiếng mưa rơi, tiếng gió rì rào.. những âm thanh não ruột đó, khơi gợi trong lòng nỗi quạnh hiu, nhớ nhà, làm tôi nhiều đêm mất ngủ. 
Nhật mộ hương quan hà xứ thị (TH)
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?

Thời gian chờ đợi đi định cư quá lâu làm người ta mòn mỏi. Lúc đó trong đầu mơ ước lớn nhất là được đi định cư. Ai có danh sách rời trại là mừng lắm. Những buổi tiệc thân hữu tiễn đưa nho nhỏ diễn ra theo nhóm. Có người vui, nhưng cũng có kẻ buồn. Chia ly, bao giờ cũng vướng víu ít nhiều xúc động. Không chừng còn có những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Rồi thì phn người đi, hay kẻ ở lại cũng phải tiếp tục sống. Buồn vui, yêu thương, ghét giận giờ chỉ còn là  kỷ niệm. Tất cả "được" cất vào ngăn tủ kỷ niệm, phủ bụi thời gian, rồi dần chìm vào quên lãng. Nợ áo cơm đời thường, trách nhiệm với gia đình còn kẹt lại trong nước, nỗi buồn nước mất nhà tan .. đã khiến chúng ta quay cuồng, nổi trôi theo số phận.

Thật lòng, ngày ấy tôi không thấy gắn bó nhiều với cuộc sống ở xóm tỵ nạn này, dù vẫn tích cực sinh hoạt. Trong tôi có quá nhiều thứ phải lo toan, chúng chiếm cả thể xác và tinh thần khiến tôi luôn trong trạng thái ngộp thở. Đêm nằm xuống, cứ thấp thỏm mong đến ngày rời trại. Làm sao có thể giúp được gia đình còn kẹt lại? các em bên cạnh còn trong độ tuổi đi học, nếu cứ chôn chân ở đây mãi tương lai sẽ ra sao? Bao nhiêu lo lắng cứ vướng víu trong lòng. 

Chẳng phải chỉ các em tôi, mà trong xóm tỵ nạn này còn nhiều đứa trẻ vượt biển một mình. Cùng đường, cha mẹ mới liều mình gởi con đi vào nơi gió  bão. Xa cha mẹ, bơ vơ lạc lõng, những đứa trẻ mặt mủi non choẹt mới 12-13 tuổi, trái xanh chưa kịp chín đã vội già. Cuộc sống tự thân làm các cu cậu trưởng thành sớm, bắt chước người lớn cũng bương chải kiếm tiền. Thật tội.

Ngày ngày, người lớn có xe đến đón đi làm xa, đám trẻ con cũng rủ nhau đi bộ ra bến đậu taxi gần xóm xin rửa xe, trong đó có cậu em tôi. Các ông tài xế người Nhật giàu lòng trắc ẩn, thấy tội nghiệp đám trẻ con nên ưu tiên giao việc cho chúng. Tiền trả cũng hậu hỉnh không so đo, nên các cu cậu kiếm tiền cũng kháTôi nhớ lúc đó ở phòng tôi, dưới tấm nệm có mấy phong bì đựng tiền. Nhiều đứa trẻ, trong đó có anh em Trường (?), không dám để tiền ở phòng chúng mà đem qua tôi gởi. Cứ mỗi ngày đi làm về, gom góp rồi đem qua phòng tôi tự động dỡ nệm cất vào. Tôi mặc nhiên trở thành nhà bank của đám trẻ mồ côi, làm người chị lớn săn sóc, đan móc từng cái mũ len, tấm khăn quàng, vì nơi chúng sẽ đến định cư là Canada, nghe nói lạnh lắm.

Thời gian qua nhanhmột lần chia tay thoáng chốc mà 40 năm, giờ cũng ở lứa tuổi trung niên, có lẽ các cậu ấy đã quên tôi rồi. Mong rằng đâu đó các cậu bình iên và có cuộc sống tốt bên gia đình. Mà trách sao, Bản thân  tuổi 60, trí nhớ đang dần lão hoá, tôi cũng lắm lúc quên quên, nhớ nhớ. Trong gia đình Bà ngoại tôi mất vì bịnh Alzheimer. Mẹ tôi mấy năm qua cũng đang bị căn  bệnh này hành hạ. Ai biết được người kế tiếp không phải là tôi. Một vài lần có dịp cùng chị em ngồi nhắc lại chuyện năm xưa, bỗng dưng một nỗi xúc động dâng trào. Một nỗi xúc động lạ lẫm mà mình không có trước đây. Có lẽ tuổi tác và những gió bão đi qua cuộc đời làm cho mình có cái nhìn chính chắn, sâu sắc hơn.

Gần đây, một vài nhắc nhớ dù bâng quơ, vẫn làm tôi nghĩ đến một người bạn. Nhớ cái nắm tay ấm áp, chở che trong một lần đi chơi. Mong rằng, nếu một ngày tôi bị bệnh si khờ quên hết mọi việc, thì bạn cũng đừng quên tôi nhé. Cánh hoa tuy đã héo, nhưng mãi còn vương vấn một mùi hương. Hương kỷ niệm.

Quinhon11 
Houston - Jul 21/2019



_________________________________

No comments:

Post a Comment