Thursday, May 7, 2020

Dung nhan thời COVID


Trần Mộng Tú

Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế làm trong các bệnh việntrên thế giới lúc nào cũng bịt mình từ đầu tới chân trong những y phục bảo hộ , xả thân ra cứu người. Trong hình là cô Julie Jacobson, một nhân viên y tế ở Sanford Health, Bismarck, North Dakota. (Hình minh họa: Tom Stromme/The Bismarck Tribune via AP)

Sáng nay, sau khi đánh răng, rửa mặt, chị nhìn mình trong gương, bỗng dưng chị thấy một phụ nữ lạ hoắc. Tóc chị, một đường ngôi trắng xóa như con đường nhỏ phủ sương muối giữa luống rau úa. Hai bên tóc đã quá dài, tóc đáng lẽ phải cắt từ cuối Tháng Hai, bây giờ gần cuối Tháng Tư, nên tóc đã chạm vai, so le, cái ngắn cái dài không như ý. Bất giác chị nhớ tới câu thơ :
“Sáng hôm nay em thấy ở trong gương
Đường ngôi lệch sợi tóc buồn vừa thức
Chiếc lược mỏng vùi trong vùng tóc ấm
Những hàng răng rẽ mãi một đường ngôi”

(Sợi Tóc, tmt)
Tóc mai của chị bây giờ không được nhuộm, đã trắng xóa hai bên thái dương. Kệ, trắng cứ việc trắng. Chẳng có đi gặp ai nên gội đầu xong cũng chỉ sấy cho khô, chẳng chú ý đến việc cuốn, chải. Da mặt thì hình như có thêm vài vết đồi mồi xuất hiện, cặp mắt bớt tinh anh, cái nhìn như nhòe đi, vết chân chim kéo gần tới mang tai, trán rõ ràng có nhăn thêm mấy nếp gấp.
Chị thấy trong có hai tháng mà chị trông lạ hoắc. Mình đã quên hay đã không làm cái gì nhỉ. A, không nhuộm tóc. Đáng nhẽ sáu hay bảy tuần phải nhuộm lại nếu không muốn nhìn thấy đường ngôi trắng xóa và để tóc dài thêm nữa mà không nhuộm thấy mệt mỏi, chán nản lắm. Tóc đã đến lúc phải cắt (không có tiệm nào mở cửa). Hay nhuộm tóc lấy, cũng không thấy có hứng thú, vì tự cách ly trong nhà không đi đâu (ai nhìn ?). Hóa ra từ trước tới giờ ta chăm sóc diện mạo là vì người khác nhiều hơn vì mình. Cá nhân mình thì chỉ cần giữ vệ sinh và sức khỏe. Chị mở ngăn kéo bàn phấn, mấy cây son khô lại vì cả hai tháng nay không đụng tới. Đã ít ra ngoài, mỗi khi ra ngoài lại đeo khẩu trang thì son phấn làm gì.
Ngay như chồng chị, chắc không thắc mắc, chú ý tới chị, có son hay không có son dưới lớp khẩu trang đó.
“Sáng nay em tô môi son đỏ
Chỉ tại rặng phong đã thay màu”

(tmt)
Câu thơ nồng nàn đó bây giờ đọc cũng chẳng ai muốn nghe, mọi người còn bận theo dõi con COVID nó lan tới đâu và lan nhanh như thế nào.


Trong hình, cô Mathilde Dumont, một y tá 27 tuổi, trong một ca trực đêm tại phòng chăm sóc đặc biệt dành riêng cho bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện Ixelles, Brussels, Bỉ.
(Hình minh họa: Aris Oikonomou/AFP via Getty Images)

Bất giác chị nghĩ tới các phụ nữ trong nhiệm vụ bác sĩ, y tá và nhân viên y tế làm trong các bệnh viện trên thế giới. Trong hai tháng nay những phụ nữ này lúc nào cũng bịt mình từ đầu tới chân trong những y phục bảo hộ, xả thân ra cứu người. Họ có thời giờ đâu mà cắt tóc, chải đầu, son phấn như những ngày trước đây. Họ có thời giờ đi nhuộm tóc, trang điểm không ? Có thời giờ nghĩ tới săn sóc, vỗ về cho chính bản thân mình không ? Câu thơ “Ai điểm trang mà em phấn son” của ai đó bỗng ngậm ngùi trong chị.
Những thỏi son khô và những hộp phấn của họ, nằm co mình buồn trong ngăn trang điểm không biết đến khi nào. Cầu xin cho những phụ nữ này mau mau được quay lại đời sống bình thường, để những thỏi son lại được tay ai chạm vào.
Cái giường ngủ của chị đối diện với tủ treo quần áo, bỗng dưng cũng buồn bã lắm. Cánh tủ xếp gấp lại sang một bên được, nên luôn luôn mở cho tiện. Đây là quần áo để đi nhà thờ, đi ra ngoài với bạn hay đến nhà con cháu ăn uống tiệc tùng gia đình. Những cái áo không làm dáng quá, nhưng tươm tất lịch sự. Chị mỗi tối đi ngủ vào giường đọc sách xong, lơ mơ nhìn những cái áo đủ màu treo trong tủ, tự nhiên thấy lòng chùng xuống. Đã hai tháng nay không chạm tới chúng, cảm giác như chúng không thuộc về mình, không từng ôm ấp hơi hướng mình.
Đã có lúc chị viết những câu thơ lãng mạn cho những chiếc áo:

“Áo rộng chẳng phải gầy đâu

Bởi tim bỏ ngực đi lâu với tình
Áo chật chẳng phải lên cân
Bởi tim ai dọn vào gần tim tôi”
(Áo Ca Dao, tmt)

Bất giác chị nghĩ tới các phụ nữ trong nhiệm vụ bác sĩ, y tá và nhân viên y tế làm trong các bệnh viện trên thế giới. Trong hình, cô Roxana Solano, một y tá ở North Miami, Florida, mặc đồ bảo hộ, cười thật tươi chơi đàn trong một phút nghỉ ngơi. (Hình minh họa: AP Photo/Lynne Sladky)


Bao giờ thì mặc lại những chiếc áo này để đọc thơ và sống lại những ngày bình thường ?

Đã hai tháng nay, không tới nhà thờ, không đi gặp bạn, ngay cả tiệc tùng trong gia đình cũng không có, chị cứ áo vải, quần thô ở trong nhà, có chạy vội ra chợ, hay xuống đồi đi bộ thì thêm cái khoác mặc ngoài thôi. Chị buồn buồn nhớ tới câu thơ:

“Sáng hôm nay hồn em như tủ áo

Ý trong veo là lượt xếp từng đôi”
(Xuân Diệu)
Cái cảm giác thơ mộng ngày trước mỗi khi vừa đọc thơ vừa dọn tủ xếp lại quần áo thấy không còn nữa. Cái tủ áo buồn hắt hiu vì bị bỏ quên.
Những đôi giầy nữa, gót cao, gót thấp, màu sắc khác nhau để làm dáng thêm cho áo quần, đã nằm ngủ quên hai tháng nay trong hộp, giấu mình trong những góc tủ. Chị chắc chúng đang nhớ bàn chân của chị lắm. Nhưng làm sao được, hai tháng nay chị chỉ dùng một đôi giầy vải duy nhất mỗi khi đi ra ngoài một chút hay đi bộ trong xóm.
Tất cả những tiện nghi và vẻ đẹp của vật chất bỗng dưng rủ nhau bốc hơi một lượt. Chị phân vân tự hỏi: “Liệu con người có cần tất cả những nhu cầu đó từ trước đến nay để được hạnh phúc hay không ?”. Chị không rõ ràng lắm, chỉ thấy mình đổi khác. Chị bâng khuâng, xa cách ngay với áo khăn, giầy dép, lạ lùng với phấn son đầu tóc và tưởng như mình đã thành một người khác trong chính ngôi nhà của mình.
Chị nhìn lại mình trong gương một lần nữa, tạm gọi đó là: Dung nhan thời COVID.
Trần Mộng Tú
(Người Việt Online, May 1 – 2020)

___________________________

No comments:

Post a Comment