Saturday, February 5, 2022

Gói thuốc Vàm cỏ

  - Hien Yuken



Cuối tháng chạp quê mình. Hương khói tất niên trầm thơm tỏa khắp, nắng đã hanh vàng mái ngói, hoa nở rộ khoe sắc, tiếng con chim sẻ kêu chiêm chiếp ngoài hiên. Sắp Tết bên nhà rồi, nhớ lắm cái không khí rộn ràng nao nao lòng thuở ấy. Bao năm đi xa, nhưng những hình ảnh và cảm giác ấy vẫn còn đọng lại mãi trong trí nhớ. Những ký ức tuổi thơ tôi.
Chợt nhớ mấy câu thơ trong “Khi em về” của Nguyễn Đình Toàn
“Kỉ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu
Rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá”
Vâng sắp tết rồi, kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên, và nghe trong gió đã “thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu” để lòng mình sao nhớ quá. Không nhớ sao được khi bên kia giờ này là nắng ấm, bên đây thì đang giữa mùa đông, nhiệt độ ngoài trời ít bao giờ vượt qua con số không ảm đạm. Tìm đâu ra một chút nắng ấm, một tiếng chim kêu giữa thời tiết này! Cánh cửa mùa đông im ỉm đóng ngăn cách trong và ngoài. Đóng luôn cả những giao tiếp tưởng chừng mãi gần gũi.
Mùa đông nơi sở làm vắng lặng. Ngoài tiếng người thầm thì to nhỏ thì chỉ còn thứ âm thanh đều đều khô khan gõ trên bàn phiếm. Thi thoảng lắm mới có tiếng động khác để mọi người vội ngẩn nhìn lên. Không bất ngờ lắm khi chỉ là tiếng cửa hé mở, rồi vội vàng có kẻ lách ra ngoài chỉ để rít vài hơi thuốc cho qua cơn thèm. Ở xứ này tật ghiền thuốc lá bao giờ cũng đem theo những phiền toái như vậy đó.
Nhưng cái hình ảnh mở cửa rồi sè sẹ bước ra ngoài cũng chính là hình ảnh thằng tôi hơn mười năm trước. Thời mà trong túi mình lúc nào cũng có sẵn bao thuốc lá và cái hộp quẹt. Hai vật bất ly thân tựa như cái điện thoại di động bây giờ. Thiếu chúng thì cứ bần thần lo lắng không yên. Điếu thuốc lá đã là bạn đồng hành với tôi hơn 30 năm chứ ít gì.
Tôi còn nhớ rõ, điếu thuốc đầu tiên mình miễn cưỡng làm quen cũng là lúc tập tành ngồi quán cà phê với mấy anh bạn lớn. Những ngày đó, không lẽ ngồi quán là đã muốn làm người lớn rồi mà chỉ nhấm nháp cà phê suông thôi sao. Vậy là nghe lời đàn anh, tôi cố bập điếu thuốc đầu tiên để rồi ho sặc sụa, ho đến trào nước mắt. Thú thật lúc đó tôi nghĩ chắc là sẽ không bao giờ dây dưa với nó nữa. Vậy mà ngày qua ngày mình lại ghiền chúng hồi nào không hay.
Bắt đầu tập hút thuốc tôi sợ ba mẹ biết lắm, chỉ dám lén hút khi ra khỏi nhà. Thành phố Đà nẵng ngày đó nhỏ nhúm lòng bàn tay, đi chơi thỉnh thoảng thấy bóng xe ba tôi từ xa là vội quăng điếu thuốc đang cháy dở ngay. Tôi sợ cái nghiêm của ba tôi, tôi sợ mẹ buồn vì còn nhỏ mà đã tập tành chuyện hút xách dễ nhiểm thói hư tật xấu. Đến mấy mươi năm sau, ba mẹ tuổi già còn mình thì đã có gia đình con cái, vậy mà chưa một lần tôi dám phập phù thả khói thuốc trước mặt người. Trong nếp văn hóa của người Á đông mình thì điều đó là không phải, là thiếu tôn kính đấng sinh thành. Mấy chục năm sau gặp lại ba tôi trên đất Mỹ, hai cha con ngồi ôn lại chuyện xưa, thỉnh thoảng có lúc xúc động tôi lại tránh ra sau nhà làm vài hơi cho thỏa mãn.

Hình Mẹ tôi ẳm chú Đức (Dr. Truong)

Mẹ tôi mất đã hơn hai mươi năm, kỷ niệm với người thì kể sao cho xiết. Mẹ là chỗ để tôi vòi vĩnh quà bánh khi còn nhỏ, lớn lên một tí là nơi tôi năn nỉ chút tiền còm để xài hoang với bạn bè. Hầu như mẹ đều thỏa mãn những xin xỏ của tôi dù trước đó thế nào cũng rầy la để tỏ ra nghiêm khắc với con. Mẹ còn là nơi để tôi gởi gấm những lúc tâm tư vướng mắc. Lúc tôi vui hay buồn. Xa đã lâu nhưng mỗi lần chợt nhớ đến mẹ cũng dễ làm tôi xúc động. Cứ tưởng mình như còn nhỏ hoài trước hương linh mẹ.
Nhớ cái Tết cuối cùng ở Việt nam, từ Sài gòn về Đà nẵng đợi ngày vượt biên, tôi trốn nơi nhà ngoại ở đường Thống Nhất. Gần Tết tôi liều lĩnh ghé thăm nhà vài hôm để đón năm mới với gia đình. Những năm đó là thời bao cấp ở Việt nam, theo chính sách phân phối nên mỗi gia đình được cấp lương thực phẩm bằng tem phiếu, dựa theo nhân khẩu. Dịp Tết nên ngoài thịt thà, gạo nếp nhà nước còn chia cho mỗi gia đình một gói thuốc lá gọi là hưởng xuân. Lần đó thuốc phân phối là một gói Vàm Cỏ, loại thuốc lá đen được sản xuất trong nước. Lúc đó ngoài nhãn hiệu Vàm cỏ còn có thêm Hoa mai, Phù đổng, Lao động… Những điếu thuốc XHCN có mùi khét nẹt, hút vào vàng đen cả đầu mấy ngón tay.
Thường thì nhà chỉ giữ lại những phần lương thực còn thuốc lá thì bán chợ đen kiếm thêm chút tiền. Vậy mà lần này mẹ kêu tôi lại, dấm dúi gói thuốc vào tay nói giữ để hút với bạn bè. Điều thật lạ vì tuy không nói ra nhưng mẹ chưa bao giờ chấp nhận cho con mình hút thuốc. Như bao bà mẹ khác lo lắng những điếu thuốc sẽ làm vàng đen phổi con, hút thuốc sẽ làm con sa ngã theo những thói xấu khác. Cầm gói thuốc mẹ cho trên tay tôi vội quay mặt đi. Tôi muốn tránh cho mình nỗi xúc động trào dâng nước mắt. Mẹ đã gởi gấm cả tình thương của người dành cho đứa con sắp phải đi xa, biết còn có ngày gặp lại hay không. Gói thuốc, vật vô trí giác nhưng lại gói ghém cả một nỗi niềm của người, mẹ muốn cho tôi những thương yêu cuối cùng khi còn gần trong tầm tay. Bao nhiêu năm sau, hút biết bao điếu thuốc trong đời mà mỗi lần nhớ đến tình thương của người dành cho mình ngày đó tôi đều muốn bật khóc. Mẹ tôi và gói thuốc Vàm cỏ Tết năm đó thì làm sao tôi quên được trong khoảng đời còn lại.
Chiều cuối năm nhớ mẹ. Nhớ những ngày mình trốn chui trốn nhủi đợi có chuyến đi xa. Ngày nào mẹ cũng đến chùa cầu Phật, khấn ơn trên. Mẹ nói tôi mà ra đi thành công thì mẹ sẽ cạo đầu ăn chay cả tháng. Sau này mấy đứa em kể lại, dạo toan tính vượt biển, mỗi lượt anh chị em tôi có chuyến ra đi mẹ lo lắng đứng ngồi không yên. Sáng hôm sau không thấy con trở về, vậy là mẹ đội nón cả mấy ngày đi loanh quanh gần bãi “đáp”. Mẹ lận theo vài lạng vàng, tính kế để lỡ con có bị bắt thì chạy ra ngay để khỏi chịu tù tội lâu. Ôi, có lòng thương con, có sự đau đớn nào bằng mẹ khi chịu hy sinh tiễn con mình ra biển thời khốn khổ và khốn nạn ấy…
Tôi bỏ được tật hút thuốc lá đã hơn 10 năm nhờ vào lời khuyên cộng thêm răn đe của vị bác sĩ gia đình. Những ngày đầu cai thuốc vất vả lắm, ngồi đâu làm gì cũng tơ tưởng đến nó. Cảm giác buồn chán, thời gian trôi qua sao vô vị. Đến phải mất mấy tháng sau tôi mới quên được hoàn toàn những điếu thuốc đã một thời gian dài làm bạn đồng hành với mình mọi lúc mọi nơi.
Chiều cuối năm, nỗi buồn nhớ quê nhà và nỗi buồn nhớ mẹ cứ chực cùng trào dâng. Tôi đã bỏ thuốc lá từ lâu thì làm sao cho vơi bớt buồn thương! Tôi đã không còn giữ lại những sợi khói thuốc để mà ngả vàng phai đi những tiếc nhớ. Thì chỉ còn biết ngồi đây, tôi ngồi nhìn đôi bàn tay mà tẩn mẫn đếm ngược xuôi từng ngón, như đếm những mảnh vỡ vụn tâm hồn của chính mình. Tôi sợ một ngày chúng lỡ lạc trôi đi, tôi sẽ mất những kỷ niệm về mẹ. Uớc sao, tôi được mẹ dấm dúi vào tay mình gói thuốc lá Vàm cỏ một lần nữa như năm nọ!
“Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo” (Nguyễn Đình Toàn)

Boston, một chiều sắp Tết
- (https://www.facebook.com/hien.yuken)

__________________________________________

No comments:

Post a Comment