Sunday, October 14, 2012

ĐI TÌM THẦY CŨ – Phạm Văn Nộ

                                                                      Phần #1

.

Chúng tôi tự hứa, lần này về Việt Nam dù có bận gì cũng sắp xếp chương trình, thời gian tìm thăm Thầy Bùi Khương, giáo sư Anh Văn và Cô Hoa giáo sư Pháp Văn – phu nhân của Thầy. Thầy là người mà chúng tôi ngưỡng mộ nhất, người tự đặt mình như người anh cả và học trò như đàn em nhỏ dại, Thầy luôn ngửa mặt lên trời khi sửa lỗi lầm của chúng tôi. “Nhìn lên để tránh sự ngượng nghịu cho trò”, rồi Thầy từ từ hỏi đầu đuôi cớ sự, đoạn ôn tồn khuyên bảo, dạy dỗ khi chúng tôi phạm lỗi lầm. Thường khi bị quở trách, ta hay có lòng buồn giận oán trách, nhưng riêng với Thầy, chúng tôi lại thầm cám ơn. Thầy luôn quan tâm đến chúng tôi; ở Thầy toát ra sự bảo bọc của người anh cả, lòng quảng đại bao dung của người thầy và thêm vào đó cái cao ngạo của người bất cần đời. Tất cả những thứ trên cộng lại làm cho chúng tôi xích gần đến Thầy hơn.

Đó là không nói đến việc Thầy chẳng bao giờ quan tâm đến tiếng kẻng đổi giờ, tan lớp mà chỉ lo giảng cho xong bài học hôm đó, hoặc kể cho hết câu chuyện còn dở dang. Thầy còn có thói quen hễ đến trường là đi thẳng đến lớp dạy, không bao giờ ghé vào văn phòng trừ những khi có chuyện cần. Thầy cố gắng giành hết mọi giây phút cho học trò.

Vì cảm tình đặc biệt với Thầy nên chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo cho mọi việc, như trước khi về Việt Nam tôi đã điện thoại hỏi thăm anh Lê Khánh, cách đây mười mấy năm anh có biết Thầy ở khu vực nào. Anh Khánh đã tận tình hướng dẫn chi tiết và cho thêm số điện thoại của vài người khác cũng biết về Thầy như anh. Thế là về đến Sài Gòn tôi bắt tay vào việc ngay, tôi điện thoại cho anh Cần để hẹn gặp anh, nhờ chỉ đường đến nhà Thầy Khương. Cả hai vợ chồng chúng tôi chiều hôm đó đói meo vì đến nơi anh Cần vừa dùng cơm xong, không nhận lời mời của chúng tôi ra tiệm, anh đâu biết bao tử của chúng tôi đang cồn cào. Anh Cần cho biết cách đây cũng trên mười-lăm năm, anh có gặp Thầy, nhưng phần thời gian quá lâu, phần sau khi đau dậy đầu óc anh không còn tinh tường lắm, nên chỉ cho biết những gì anh nhớ được. Anh đề nghị hôm sau sẽ chở tôi đi tìm Thầy. Chúng tôi nhận thấy sức khỏe anh Cần không khả quan lắm – anh bị tai biến mạch máu não năm 2004 – nên đã chân thành cám ơn anh và không dám làm phiền anh.

Ngày hôm sau, theo hướng dẫn của anh Cần, một mình tôi đi taxi đến Trung Tâm Ung Bướu Gia Định, có con đường nhỏ bên hông, rồi từ đó tôi lần mò đến văn phòng Công An Phường 7 theo lời anh Khánh và anh Cần, tôi hỏi thăm về ông thầy đầu tóc bạc trắng phơ, đạp cyclo từ 1975 đến 1985. Ông đồn trưởng cho biết, ổng làm việc ở đây mười-lăm năm rồi nhưng chẳng nghe ai nói đến người này cả. Mấy cô thư ký nói: “Chúng tôi mới làm từ mười năm trở lại, còn những người làm ở đây từ nhiều chục năm trước đã về hưu hết rồi, thôi thì ông cứ đi tìm trong xóm may ra có người biết”. Tôi đi loanh quanh và tấp vào một quán nhỏ có vài người ngồi uống nước, hỏi thăm họ thì họ chỉ đi vào đường này có ông thầy tóc bạc dạy Anh Văn cho nhiều học viên, trước nhà có treo tấm bảng “Dạy Anh Văn cho nhiều cấp lớp”. Nhìn thấy bảng tôi rất mừng vội vào sân và đến gõ cửa thì có người tóc bạc trắng ra chào, nhưng không phải Thầy Bùi Khương.


Tôi không nản lòng, cứ loanh quanh trong vùng đó tìm hỏi, cuối cùng, một ông chủ quán đứng tuổi hỏi lại khi nghe tôi hỏi thăm tìm người: “Ông ấy có phải người cao, tóc trắng, dáng trí thức nhưng đã từng có lúc đạp cyclo không? Nếu phải thì ông ấy ở gần đây. Anh đi đường này đến ngã ba quẹo trái đi vào, đến lúc thấy quán bán đồ ăn quẹo phải, đi sâu vào đến khi gặp trường trẻ em Măng Non, bên trái hông trường có con hẻm nhỏ thì quẹo trái, trong con hẻm này có chừng bốn cái nhà và cái nhà cuối cùng là nhà của ông Thầy anh đó”.

Tôi theo lời chỉ dẫn đến nơi, thì may quá, đúng là nhà Thầy; may hơn nữa là chiều hôm đó Thầy đang ở nhà vì không có lớp. Tôi xúc động rơi nước mắt và lòng hân hoan như mở hội. Tôi tự giới thiệu: “Em là Phạm Văn Nộ, học sinh trường Cường Để Qui Nhơn, và đã gần bốn-mươi năm nay em luôn để tâm tìm Thầy Cô, nhưng không ai biết tin tức gì về Thầy Cô cả”. Thầy vô cùng xúc động khi nghe tôi tự giới thiệu và Thầy nói: “Anh làm tôi cảm động quá. Mấy chục năm nay có ai tìm đến thăm tôi đâu. Tôi không ngờ trong số học trò cũ còn nghĩ, còn nhớ đến vợ chồng tôi”.

Tôi hỏi thăm sức khỏe Thầy Cô, tình trạng gia đình hiện nay và cuộc sống của các em, con cái của Thầy Cô ra sao? Được Thầy cho biết các em lớn lên trong thiếu thốn nhọc nhằn nên ai cũng nổ lực vươn lên, luôn coi học vấn là căn bản tiến thân, thành ra ngày nay các em đều có địa vị khả quan trong xã hội. Phần Thầy vẫn chưa nghỉ hưu dù đã tám-mươi tuổi. Thầy dạy mỗi tuần ba ngày, mỗi ngày ba giờ và nhận được khoảng bảy-triệu đồng lương. Sau một lúc lâu thăm hỏi trò chuyện, tôi xin phép cáo từ và hẹn ngày mai sẽ đưa Thủy cùng mấy người bạn đến thăm Thầy Cô.

Thế là sáng hôm sau chúng tôi rủ nhau đến sớm vì 2 giờ trưa Thầy có lớp dạy, vả lạ chúng tôi muốn có đủ thì giờ cùng nhau đi thăm Cô Bích; tiếp đến 12 giờ trưa chúng tôi lại có hẹn với một nhóm bạn khác. Không kịp rủ đông hơn nên chỉ có một ít anh chị em như Trâm Anh, Ngọc Kiều, Diệu Huyền, Trần Văn Bốn, Thủy – Nộ. Sáu chúng tôi sau khi mua sắm quà biếu xong là gọi taxi đến nhà Thầy Khương trước. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ tíu tít, thăm hỏi sức khỏe, gia đình con cái từng người rồi tới chuyện “lao động là vinh quang”


Thầy từ từ kể: “Năm 1975 khi miền Nam sụp đổ, gia đình tôi một nách tám đứa con dại trong khi tiền bạc không có, phương tiện cũng không, đành bó tay chịu trận, không dám nhúc nhích chạy đi đâu vì nếu ra khỏi nhà là mất chỗ ngay. Hơn nữa cứ thầm nghĩ là hai vợ chồng, ngày ngày đứng trên bục gỗ dạy học chắc cũng không đến nỗi nào. Dè đâu họ sưu tra ra là trước 1975 tôi có phiên dịch một số tài liệu cho quân đội từ Anh Ngữ ra Việt Ngữ nên họ cấm không cho chúng tôi dạy học nữa. Số tiền vợ chồng dành dụm nuôi mười miệng ăn chẳng được bao lâu thì cạn sạch, trong nhà chẳng còn gì để bán, thậm chí mấy viên gạch lót nền nhà cũng đã cạy bán hết. Biết làm nghề gì kiếm ra tiền nuôi vợ con đây? Suy nghĩ nát óc, cuối cùng tôi đành liều, mướn cái cyclo chạy xem sao. Dè dâu cũng không khó lắm, chỉ cần dùng hết sức bình sinh, còng lưng tôm, dồn hết sức lực xuống đôi chân, đạp toát mồ hôi hột là khỏi chết đói.



Mời đọc phần #2 : ĐI TÌM THY CŨ #2



Lê Huy (chuyển tiếp) ________________________________
______________________________________________________

No comments:

Post a Comment