Sunday, October 30, 2011

"QUÊ HƯƠNG" TRÊN ĐẤT KHÁCH .





  Author: BS Lê Văn Lân.

Người Việt mình , trên bước đường lưu lạc tỵ nạn tha hương , có cái điểm đặc thù mà ít dân tộc khác giống , ấy là "mang quê hương của mình ra đất khách". Hoa thiên lý chính là một trong những góc kín quê hương mà dân Việt bất ngờ mang theo đó . 
Bài bút khảo này chủ ý đương nhiên là dành cho hoa thiên lý, nhưng tôi cũng nhân dịp này nói vài lời nhập đề lang bang chi bộ về mối tình quê hương mà dân Việt đang vô tình đem nhập cảnh trên con đường sinh sống ở xứ người .

nụ tầm xuân/QN11
Khi nói „quê hương“, tức là tôi muốn nói bao gồm cái tập tục, cái thói ở , cái nét ăn , cái tính tình , cái văn hóa . Tựu trung , trên xứ người thì "quê mình" mang theo có lẽ rất nhiều điểm ưu , nhưng tất nhiên không tránh vài điểm khuyết . Ví dụ như một điểm khuyết nho nhỏ điển hình là cái tính xấu ít khi đến đúng giờ trong những buổi hội họp lễ lạc cộng đồng . 

Tuy chưa hẳn như thơ Hồ Dzếnh ,  em cứ hẹn , nhưng em đừng đến nhé“, người Việt ta thường đến rất trễ trong các tiệc cưới xin để đến nỗi người ta phải than vãn trong một câu ví là :
"không say không phải Mễ , không trễ không phải Việt Nam“. 

 Bù lại khi nói về điểm ưu thì cũng là vẻ vang dân Việt trên một vài phương diện .
 Riêng trên khía cạnh ẩm thực , người Việt đã chinh phục được phần nào khẩu vị các thực khách xứ người .  Trong đó vòng hoa chiến thắng phải dành ưu tiên cho các món như phở , chả giò ..., nhất là phở đã từng chiếm hàng nhất một năm nào đó trong sự quyến rũ dân Mỹ , đương cự với Pizza gốc Ý và với Sushi của Nhật , Chaomien của Tầu . Chính con người hảo ngọt Bill Clinton khi viếng Việt Nam đã xơi ngon lành một hơi hai tô phở và một dĩa gỏi cuốn kia mà ! 

 
QN11
 Chính vì lòng cưu mang quê hương trong lòng (hay bao tử) , dân Việt đã mang ra xứ người biết bao là thứ đặc biệt hiện đang bầy bán ê hề trong các quầy hàng thực phẩm Á Đông từ các ngọn rau dấp cá , rau răm , dọc bạc hà , sầu riêng ... đến những chai nước mắm Phú quốc , Phan thiết , những lọ mắm Vĩnh Long , Châu Đốc .  Trong sự làm vườn hay bầy biện nhà cửa , dân Việt tỵ nạn thế nào cũng kiếm trồng cho mình một cây đào hoa đỏ ửng , một chậu ngọc lan thơm dịu , một chậu kim quất nặng trĩu trái vàng khi xuân về tết đến .

Đương nhiên là họ không quên trồng ở khoảnh vườn khiêm nhượng , những thứ cây tầm thường nhưng triu mến như mướp ngọt, khổ qua, húng thơm rau đủ loại . Trên đất khách , người ta kỵ nhất xơi món cờ tây , nhưng ai cấm dân Việt trồng dây mơ-lông vô hại để ăn bù khú riêng với lòng heo luộc chấm mắm tôm nhỉ . Cái màn trân quí này thì dân Mỹ còn lâu mới xơi nổi .

Ôi thôi, chỉ mới có 25 năm kể từ ngày mất nước bỏ xứ ra đi , nước Hoa kỳ - một xứ rất chặt chẽ trong việc di thực các thứ thảo mộc lạ - hình như ở các nơi có cộng đồng Việt đã tràn lan những cỏ cây nhập cảnh . 
Trong các thứ cỏ cây này , oái oăm thay , lại có thứ mà dân Việt rất chuộng ăn nhưng trong vài hoàn cảnh sinh thái xứ người , nó trở thành đồ „ nhiễu hại“ (pest) .  

Điển hình nhất là cây rau muống ở tiểu bang Florida , một tiểu bang sống nhờ du lịch !  Rau muống do các vị tỵ nạn Việt thả trồng trong các lạch mương trong vườn riêng đã mọc tràn lan trên các hồ , khiến biết bao thuyền của du khách không còn chỗ du ngoạn nên tiểu bang Florida phải bỏ ra hàng triệu dollars để khai quang và do đó đã cấm ngặt bằng phạt tiền cả mấy ngàn đô , phạt giam vài tháng cho những ai trồng hay bán rau muống . 

Do đó , trong khi dân Việt ở nơi khác còn tì tì xơi rau muống chấm tương chao thì dân Việt Florida đành nhịn thèm cái món rau , "quốc cấm" thôi . Chính sách của Hoa kỳ ngó tưởng là phóng khoáng tự do , nhưng không hẳn thế, dân Việt mình cứ xơi mắm chưng thoải mái , nhưng hãy chịu khó đóng cửa lại mà ăn , đừng để bay mùi qua hàng xóm để họ gọi 911. Ít ai có thể tưởng tượng lòng nhung nhớ quê hương lại gây ra một hậu quả như thế , nhưng đó là một sự thực đã xảy ra . 

MỘT GÓC VƯỜN "BỎ TÚI" .

Một góc vườn vườn / QN11
 Bài bút khảo này tôi viết  về  "cây dây leo hoa thiên lý“ mà tôi nghĩ hé lộ một vài điểm lý thú mới về tâm lý những người Việt thích nhập cảnh quê hương vào đất khách .

Trong hơn 25 năm ở Mỹ , có lẽ đã nhiều người tỵ nạn đã giống nhau trên điểm , cố gắng gây một khoảnh vườn nhỏ trồng vài thứ cây cỏ Việt Nam mà tôi ví von là một thứ "quê hương bỏ túi " của chúng ta. 
Do đó , tôi vẫn thường dáo dác tìm những thứ liên quan đến kỷ niệm thuở ấu thời của tôi . Ngoài những tầm thường dễ trồng như cỏ dại gieo xuống là mọc như rau thơm , húng , răm , dấp cá , mơ lông ... tôi vẫn nhung nhớ một vài cây cao cấp hơn như hoa ngâu , hoa dạ lý hương , hoa quỳnh , hoa ti-gôn , hoa phượng ta ... để trồng trong vườn lúc về hưu . Các thứ này tuy hiếm thấy ở các tiểu bang lạnh miền Bắc Mỹ , nhưng ở các vùng miền Nam hay dọc bờ biển Cực Tây như Cali với khí hậu ấm thì tôi dần dà cũng kiếm ra đủ trong các vựa bán cây (nurseries) của người Mỹ .

Riêng về hoa quỳnh, thì người Việt thường hay trồng loại hoa trắng gốc Á châu mà tôi tạm gọi là "dạ quỳnh" vì chỉ nở trong vòng vài giờ trong một đêm rồi hoàn toàn héo rũ khi bình minh ló rạng , đặc biệt trong khoảnh khắc ngắn ngủi lúc hoa mãn khai , nó tỏa ra mùi hương ngào ngạt như vanilla . Do đó , tên Mỹ của nó nôm na là „ Queen of the night“ (Hoàng hậu của màn đêm) , tương tự như cây hoa dạ lý hương -còn gọi là dạ lài hương- chỉ thơm ngát về đêm được mệnh danh là "Lady of the night" (Nữ Công tước của đêm) . 

Vì dạ quỳnh chỉ nở yểu mạng trong một đêm, nên người Việt lại thích trồng thêm vài loại hoa quỳnh gốc Nam Mỹ khác nở lâu vài ngày , không tỏa mùi hương nhưng lại sặc sỡ với nhiều màu mà họ gọi là " Nhật quỳnh" , kể ra cũng thú vị . Tôi vừa gầy được một chậu "Tiểu Quỳnh" với rất nhiều hoa nho nhỏ thơm ngát .

Một loài hoa khác mà tôi thích trồng trong vườn nhà là " hoa ti-gôn" mà tôi ví von là hoa  "trông dáng như tim vỡ“ của TTKH , có tên khoa học rắc rối là Antigonon leptosus , nhưng tên Mỹ lại bình dị là „ Coral vine“ (loài hoa mọc leo màu san hô) .

Còn hoa phượng ta , có tên khoa học là Cáesalpinia pulcherrima, Linn .  cũng dễ trồng . Hoa trông giống hình chim phượng hoàng đủ cánh và đuôi hơn là hoa "xoan tây“. (Còn gọi là Phượng vỹ hay Điệp ,  hoặc loài hoa của lũ học trò vào mùa thi , nở đỏ rực trong tiếng ve kêu) . Hoa phượng ta thường dùng để cúng nên còn có tên là "phượng hay điệp cúng" .

THIÊN LÝ : MỘT LOÀI HOA QUÍ ! 

Phần lớn những thứ hoa trên lại không gây cho tôi nhiều nhung nhớ như loài hoa thiên lý mà tôi gần nửa thế kỷ mới gặp lại , vì hoa thiên lý chỉ quen trồng ngoài Bắc trên những giàn lớn vừa làm cảnh , vừa để hái ăn .
Ở Huế - nơi mà tôi sống hai mươi năm tuổi nhỏ , hoa cũng có trồng nhưng không nhiều như ngoài Bắc , tuy nhiên mẹ tôi ở Huế theo thói tục người Bắc vẫn thỉnh thoảng mua được , nấu canh hoa lý với tôm khô hay giò sống cho gia đình ăn .  Vừa rồi , nhân coi cuốn Video quay về Thú ăn chơi Hà nội , tôi mới thấy lại cảnh trên hè phố những phụ nữ bán rong hoa thiên lý đựng trong thúng . 

Bạn sóc trong vườn QN11
 Một điều khiến tôi càng nhớ đến hoa thiên lý là bài thơ Mùa Xuân chín của thi sĩ Hàn Mặc tử khi chưa nhuốm bệnh Hansen để rồi bỏ mình tại Trại Cùi Qui Hòa lúc mới 29 tuổi xuân xanh . 

 Bài này nằm trong tập Hương thơm bên cạnh những bài thơ trong sáng khác như Đà lạt trăng mờ , Đây thôn Vĩ Dạ , Say nắng v.v.. Đoạn mở đầu của bài Mùa xuân chín đọc rất là thơ mộng với màu sắc , âm thanh và hương thơm .



Trong làn nắng ửng, khó mơ tan .
 Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng ,
                                                   Sột soạt gió trêu tà áo biếc ,
    Trên giàn thiên lý - bóng xuân sang

Trong hơn 20 năm tha hương tại Mỹ , tôi vẫn gửi lòng nhớ quê nhà khi mùa xuân đến và thèm có một giàn hoa lý ở đây . May sao , lúc mới hồi hưu về Austin Texas miền nắng ấm , một ông bạn bỗng cho tôi một giây thiên lý ... Cái vụ ông bạn tôi đem một giây thiên lý từ Việt Nam nhập cảnh vào cái hàng rào quan thuế cấm mang thảo mộc tươi vào xứ này cũng khá ngộ nghĩnh . Nó cũng giống một giám mục đem những trứng tằm tơ ra khỏi xứ Trung quốc bằng cách dấu chúng vào cái gậy giám mục của ông khi qua những cửa ải khám xét rất nghiêm nhặt lúc hồi hương theo con đường bộ tơ lụa từ Tràng An Trung Quốc về hải cảng Alexandria ở Địa Trung hải Âu châu . 


Ông bạn tôi đã mang trong mình một giây thiên lý dài hơn một thước tây cắt từ Hà nội . Luật Hoa kỳ về nông phẩm phạt rất nặng những ai vi phạm , phạt sơ sơ năm sáu trăm đô la thôi . Biết thế , ông liều lĩnh buộc cái giây thiên lý này vào cạp quần tây ... thay cho cái nịt da . Nhờ sợi giây thiên lý lọt hàng rào kiểm soát nên ông đã gầy ra nhiều cây thiên lý cho những bằng hữu ở Mỹ , trong đó có tôi .

Cây thiên lý là cây gì mà tôi phải nặng lòng như thế ! Tên khoa học của nó là Telosma cordata Burm.f thuộc họ Thiên lý Asclepiadaceae.. Ngoài tên Thiên lý , nó còn có tên là Hoa lý , hay Dạ lài hương .

Trong miền Nam , có câu hát rất huê tình : 

             Tóc em dài, em cài bông hoa lý,
Thấy em cười, anh để ý ... anh thương ! 

Tôi nghe bà má vợ tôi hồi sinh tiền buôn cẩm thạch thường nói đến những thứ nước như nước lý , nước bí , nước đậu thì tôi nghĩ rằng nước lý là cái nước lục nhạt của hoa thiên lý . Cây thiên lý là một loại dây leo có cành non hơi có lông , có nhựa mủ trắng . Lá hình tim , đầu nhọn , mép lá thường cong lên . Hoa khá to, nhiều . màu vàng lục nhạt , mùi thơm dễ chịu , mọc thành xim dạng tán ở nách lá , có cuống to , hơi có lông mang nhiều tán rất sít nhau . Quả thuột quả đại
Cây thiên lý được trồng ở các nước Đông dương , Inđônêxia , Malaixia , Thái lan , Trung quốc . Ở Âu châu , người ta đã trồng cây Thiên lý từ năm 1748 để làm cây cảnh và lấy hoa . Riêng tại nước ta , Thiên lý được trồng nhiều trong các vườn gia đình vùng đồng bằng cho leo giàn lây bóng mát vào mùa hè , hoa thơm mát về đêm nên do đó còn có tên Dạ Lài hương . 


Dân Việt thường dùng hoa và lá nấu canh với thịt ăn như một loại rau cho bổ mát . Trong những ngày hè nắng bức , một bát canh chua Hoa Thiên lý là phương thuốc giải nhiệt rất hay , không bị rôm sẩy hay mẩn da . Ăn canh hoa Thiên lý người ta có cảm giác khoan khoái , dễ ngủ và ngủ ngon giấc , bớt đi đái đêm và đỡ mệt mỏi đau lưng . Có thể xem hoa Thiên lý là một vị thuốc an thần .
Nếu tra sách thuốc thì ta thấy hoa thiên lý  có vị ngọt , tính bình , tính chống viêm làm tan màng mộng , xúc tiến lên da non , thường được chỉ định trị viêm kết mạc cấp và mãn tính , viêm giác mạc , mờ đục màng mắt , viêm kết mạc do sởi . Hoa thiên lý còn trị giun kim .

Lá thiên lý được dân quê giã đắp lên đinh nhọt . Nó còn trị lòi dom trĩ và sa dạ con bằng cách giã 30 - 50 gr lá Thiên lý với 5% muối vắt lấy nước cốt , tẩm bông đắp vào hậu môn hay âm hộ (sau khi rửa sạch chỗ đau bằng nước muối) , mỗi ngày thay một lần , sau 2- 3 ngày thì có kết quả . (Những điều này tôi viết theo Đỗ Tất Lợi dựa theo phúc trình của bệnh viện Thái bình ( Bắc Việt) trong báo Y Học thực hành vào tháng 5, năm 1962 .

Rễ thiên lý có thể dùng chữa đái buốt có máu hay cặn trắng , mỗi ngày dùng 10 - 20 gr dưới dạng thuốc sắc .
  CÁCH GẦY MỘT GIÀN HOA THIÊN LÝ.

Qn11
Hoa Thiên lý quả là một loài cây quí : nó chính là hình ảnh của quê hương Việt Nam yêu dấu , qua những giàn hoa lá tạo bóng mát trong vườn , hoa lá của nó gợi cho ta những bát canh ngon của người mẹ hiền trong tuổi ấu thơ , và đi vào thi ca với dăm vần thơ hay câu hát ví ca dao . 

Tôi rất sung sướng và hãnh diện đã thành công trong sự gầy một giàn hoa thiên lý ở vườn sau . Theo kinh nghiệm của tôi với thời tiết Texas vùng 8 và 9 , thiên lý lên rất khỏe . Mới khởi đầu , chỉ cần giâm một nhánh thiên lý già - cắt dài khoảng 8 - 10 cm vào ly nước cho ra rễ rồi trồng vào một chậu nhỏ với potting soil , chờ sang giữa mùa xuân khí trời ấm thì xuống luống sau vườn . Nên dùng loại top soil loại tốt đã trộn sẵn( giá khoảng 3- 4 Mỹ kim một bao 40 pounds) thì cây lên khỏe . 

Giàn thiên lý thì nên làm cao khoảng hai thước và rộng tùy ý để cây mặc sức lan . Cây ra hoa vào giữa hè , tha hồ cắt hoa mà nấu canh ăn với giò sống và tôm khô . (Nếu bạn còn tình tứ với bà xã như tuổi thanh xuân , thì tại sao không hái một chùm hoa dắt vào mái tóc nàng mà ngắm nhỉ rồi miệng khẽ hát : Tóc em dài, anh cài bông hoa lý ! Tuy có vẻ cải lương như hiệu quả vô cùng ) . Cây thiên lý bắt đầu rụng lá vào đầu mùa đông nhưng rễ vẫn âm ỉ sống và lên lại mùa xuân năm sau nếu được dùng mulch ủ ấm rễ . 


Thân ái chúc quí bạn thành công với một giàn thiên lý sum xuê ở vườn sau trên đất khách .

BS Lê Văn Lân 

No comments:

Post a Comment