Sunday, January 6, 2013

Rủi - May hay là Nghiệp - Phước!

Người viết: đinh tấn khương 





Trong cuộc sống, nhiều khi có những chuyện xảy đến với chúng ta thường khi bất ngờ, không như dự tính, mà có thể coi đó là do sự may rủi, cũng có người lại tin là do nghiệp quả, duyên phước.
Xin kể một vài mẫu chuyện để làm rõ thêm:
   
        1. Câu chuyện thứ nhất:

Cách nay hơn mười năm, một trận động đất xảy ra ở  vùng New Castle, cách thành phố Sydney chừng 3 giờ lái xe, trận động đất nầy đã làm chết một số người,  trong đó có một thanh niên trong độ tuổi 30. Chuyện động đất và chết người thì chẳng có gì để phải bàn, nhưng cái chết của người thanh niên trẻ nầy là một chuyện hi hữu.
Chàng thanh niên nầy là chủ nhân của một cửa hàng cho thuê nhạc cụ và những vật dụng trang trí dành cho việc tổ chức những buổi họp, ra mắt các sản phẩm, của những công ty trong nước hay những mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Đúng ra thì cửa hàng của anh, không chấp nhận hợp đồng cách xa thành phố Sydney, nghiệt ngã thay, anh đã không thể từ chối với một công ty mà đã từng ký hợp đồng với anh trong nhiều năm qua (nghĩa là thân chủ ruột)!

Buổi sáng hôm đó, trong lúc sắp sửa lên đường đi giao hàng thì nhận được cú điện thoại của người bạn từ xa vừa mới trở về, hẹn gặp nhau tại một quán café quen thuộc, xong, thì anh tiếp tục công việc của mình.
Giao nhạc cụ và những thứ theo yêu cầu, anh sắp sửa ra về thì trận động đất bất ngờ xảy ra, trong lúc anh sắp ra khỏi building nhiều tầng, mà chỉ mỗi một cái building nầy là bị thiệt hại nặng, mạng sống của anh đã bị cướp mất!

 Thử đặt vấn đề: 
- Nếu không vì một thân chủ lâu đời mà anh đã phải ký một hợp đồng bất thường  thì anh ta đâu có bị mất mạng như vậy?

- Nếu không bất ngờ gặp người bạn cũ thì anh đã rời khỏi cái building nơi anh giao nhạc cụ sớm hơn!?
 Như vậy, chúng ta có thể kết luận  rằng, đó là một rủi ro, cũng có thể nói đó là do duyên nghiệp (nói nôm na là anh ta đã tới số) cho nên có sự xếp đặt ăn khớp với nhau như vậy, để dẫn tới cái kết quả đó!? 

  2. Câu chuyện thứ hai:

 Một cặp vợ chồng già ở tiểu bang khác sang Sydney du lịch, chọn khách sạn ở gần bãi biển. Buổi sáng hôm đó, hai vợ chồng dắt nhau ra biển, thả bộ trên đường phố, bận ngắm cảnh đẹp nên vô tình vướng chân và lảm ngã tấm bảng(tam giác) đặt trước một tiệm báo. Ông cúi xuống, sửa lại tấm bảng, thấy có ghi hàng chữ “Lô độc đắc hai triệu, xổ vào tối hôm nay, vé có bán tại đây”.  
Không biết nghĩ sao, ông ghé vào mua vé số thử thời vận, ông quyết định mua những con số theo lối “máy chọn tự động” (có nghĩa là những con số đã được chọn sẵn) và may mắn thay, tối hôm đó ông đã trúng lô độc đắc.
 
Thử hỏi:

        -    Nếu không chọn du lịch tại Sydney đúng vào thời điểm đó, không chọn vùng biển nầy để tạm ở, thì ông bà đâu có trúng lô độc đắc?
        -  Nếu không vô tình vướng chân vào tấm bảng quảng cáo thì ông bà đâu có ý định mua vé số, và nếu có ý định mua, nhưng không mua đúng vào thời điểm đó thì cũng đâu có trúng được lô độc đắc hôm ấy!?

Như vậy, chúng ta có thể kết luận, là, có sự may rủi hay là duyên phước?

        3.  Câu chuyện  thứ ba:

     Một thanh niên độc thân, cũng vào độ tuổi 30, phải nhập viện gấp vì chứng đau tim bộc phát. Anh không có thân nhân ở gần nhưng anh được một cô y tá tận tình chăm sóc (chức năng của một y tá trong giờ trực & như một thân nhân, ngoài giờ làm việc).
Anh bị rơi vào tình trạng hôn mê suốt mấy ngày liền, các bác sĩ đã quyết định rút ống thở và máy trợ sức, có nghĩa là “bó tay”, cô y tá đã khẩn khoản  xin cho một ân huệ, đề nghị chuyển anh lên một bệnh viện có điều kiện tốt hơn. Anh đã được chuyển viện theo yêu cầu. và cuối cùng, qua nhiều ngày “thập tử nhất sinh” anh đã tỉnh lại..và, anh đã được cứu sống.
Cảm kích trước những săn sóc, lo lắng của cô y tá dành cho anh trong suốt thời gian nằm viện cho nên anh đã quyết định chọn cô ta làm người bạn đời. Tất cả bạn bè anh, những y bác sĩ đều nói rằng,  anh là người may mắn nhất và hạnh phúc nhất. 
    Trong ngày đính hôn, anh đã quyết định mua một tấm số cạo, cầu may, vì tin rằng mình đang may mắn!?
Quả đúng là anh may mắn thật, anh đã trúng được mấy chục ngàn đô la. Câu chuyện may mắn của anh  lọt tới tai một đài phát thanh địa phương, vì thế mà một buổi phỏng vấn được sắp xếp. Đài phát thanh cũng có mời đại diện văn phòng  “số cạo”  đến dự buổi phỏng vấn, người thanh niên nầy đã cho biết, sống lại từ cõi chết, gặp được người vợ đáng yêu và lại trúng được một số tiền lớn.. quả thật là quá may mắn, may mắn chồng chất may mắn!
Đại diện văn phòng “ số cạo” quyết định tặng cho anh một vài tấm vé số cạo nữa, thử xem sự may mắn có còn đến với anh nữa hay không?
Và, anh cũng lại trúng số lần thứ hai!? Không ai dám tin đây là câu chuyện có thật đang xảy ra lúc ấy.

Thử đặt vấn đề:
         -  Nếu anh ta không bị đau tim thì đâu có gặp được cô y tá để trở thành người vợ của anh sau nầy!?
        -  Nếu không có cô y tá thì anh đã bị "khai tử" rồi?
        -  Nếu không có ngày đính hôn thì anh đã không mua tấm vé số cạo may mắn đó, phải không?
       -  Nếu câu chuyện của anh không lọt tới tai đài pát thanh địa phương thì anh đã không trúng số lần thứ hai?

Như vậy thì chúng ta sẽ kết luận ra sao, may mắn hay là duyên phước!?

4. Câu chuyện thứ tư:
 
Một bà cụ rất mê được trúng số, tuần nào bà cũng không quên ghi 6 con số mà bà từng “nuôi” trong cả chục năm qua. Cứ  theo thói quen, bà đã thuộc nằm lòng sáu con số đó, nó in sâu trong tiềm thức của bà lâu lắm rồi.
Một hôm, bà theo dõi kết quả thì biết được mình chỉ trúng được có năm con số, trúng giải an ủi, nên cũng thấy vui. Không lâu sau đó, bà lại nhận được cú điện thoại của Nha Xổ Số, báo cho bà biết rằng bà đã trúng giải độc đắc. Bà nghĩ rằng, mấy người bạn của bà đã đùa dai, vì hầu hết họ đều thuộc nằm lòng những con số mà bà đã từng “nuôi”. Nhưng bên kia đầu giây, cố thuyết phục, là, bà đã trúng lô độc đắc (bởi bà có đăng ký với sở xổ số). Qua kiểm chứng, quả thật bà đã trúng sáu con số, nhưng có một con số là không phải của bà từng nuôi, bởi hôm đó bà đã vô tình ghi nhầm hàng cột.

Thử hỏi, nếu bà không vô ý để ghi nhầm một con số thì bà đâu có có trúng độc đắc? Thế thì may mắn hay là duyên phước?

  5. Câu chuyện thứ năm:

Một người đàn ông trung niên theo số "nuôi" trong nhiều năm, có thói quen mua số tại một đại lý bán báo gần nhà, sau khi đi làm về, vào mỗi chiều thứ hai, cho lô xổ buổi tối cùng ngày.
Cũng như mọi  ngày, anh ghé lại đại lý bán vé số nhưng khi đó thì tiệm sắp sửa đóng cửa. Chủ nhân quen mặt, đành xin lỗi, do buôn bán ế ẩm cho nên quyết định đóng cửa sớm hơn nửa tiếng. Vị khách hàng quen mặt cứ nằn nì để mua cho được mấy con số mà ông ta đã nuôi, bảo rằng ông có linh tính sẽ trúng số vào tôi hôm ấy. Không thể mở lại để bán (do thủ tục phức tạp?) cho nên người chủ đã đề nghị khách hàng, lấy hai tấm vé số con mèo (giống như vé số bên VN, có in sẵn hàng số trên mỗi tấm vé) mà ông ta chưa bán hết, sẽ xổ vào đêm hôm nọ (do thủ tục hoàn trả rườm rà mà chỉ có hai tấm cho nên quyết định giữ lại).

Ông chủ cố thuyết phục:
- Nếu ông có linh tính sẽ thắng tối nay, thì ông thử lấy hai tấm vé số nầy đi. Hay là nhanh chân  tới một đại lý khác mua cho kịp giờ, vì đã sắp tới lúc "đóng sổ". Ông khách nầy miễn cưỡng nhận hai tấm vé số con mèo mà không phải trả một đồng nào vì chủ nhân có ý tặng, xem như bồi thường cho cái lỗi của mình (hai tấm vé chỉ là 4 đô  thôi mà).
Và, tối hôm ấy, người đàn ông nầy trúng lô độc đắc 2 triệu.

Thử hỏi:
- Nếu hôm đó, không bị ế ẩm, không đóng cửa sớm, không gặp khách hàng quen mặt đó, thì ông chủ đại lý đã ẵm trọn 2 triệu đô rồi, tiền đã nằm trong tay rồi mà lại năn nỉ đưa sang cho người khác!?
  
Cuối năm 2012
đinh tấn khương ___________________________________
____________________________________________

3 comments:

  1. Đọc bài này của anh Đinh Tấn Khương mình bỗng nhớ đến chữ Tuỳ Duyên của Thầy Minh Niệm trong quyển Hiểu Về Trâí Tim. Xin trích lại đây mời các bạn cùng đọc! Cám ơn anh Khương!

    Tuỳ duyên
    ( Thầy Minh Niệm - Hiểu về trái tim )
    Khả năng tuỳ duyên của ta càng lớn thì sự thanh thản trong tâm hồn sẽ càng lớn.

    Muôn sự tại duyên.
    Mọi sự trong thế gian và vũ trụ này đều tạo thành bởi nhiều điều kiện, ngay cả hạt điện tử là đơn vị cực nhỏ cũng không phải là một thực thể riêng biệt. Những điều kiện tạo thành ấy chính là duyên sinh. Nhìn một cơn mưa thì ta biết cánh đồng lúa vừa tiếp nhận thêm duyên là nước và trên bầu trời cũng bớt đi duyên là mây.

    Tiến trình vận hành đến đi của duyên sinh vô cùng kỳ bí, chúng không có tướng trạng cố định, có khi chúng chỉ ở dạng năng lượng, nên ta không thể dùng con mắt thường hay kỹ thuật của khoa học mà biết được. Có chăng khi ta vượt thoát ý niệm sai lầm về cái tôi riêng biệt và phá vỡ được ranh giới hạn hẹp ấy thì tầm nhìn của ta vượt qua phạm vi thời gian và không gian có thể tính được, ta sẽ thấy rõ cơ chế duyên sinh từ nơi chính mình và vạn sự vạn vật. Tuy nhiên, mọi duyên đều tuân theo nguyên tắc nhân quả, nên còn được gọi là nhân duyên. Nhân là cái đã xảy ra trước đó. Nghĩa là không bao giờ có cái duyên hoàn toàn mới lạ, mà luôn có một số duyên nhỏ trong đó đã từng gặp gỡ nhau. Vì thế duyên hôm nay chính là nhân cho tương lai.

    Người xưa hay nói muốn làm nên việc gì thì cũng phải hội tụ đủ ba yếu tố quan trọng là thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời là điều kiện thích hợp từ vũ trụ đưa tới, địa lợi là hoàn cảnh xã hội phù hợp với việc ta làm và nhân hoà là nhận được sự yểm trợ nhiệt tình của mọi người chung quanh. Và người xưa cho rằng thiên thời thì không bằng địa lợi, địa lợi thì không bằng nhân hoà. Có nhân hoà thì sẽ dễ dàng có được hai yếu tố còn lại, vì yếu tố nhân hoà nằm ngay trong chính ta, ta có thể chủ động tạo ra. Chỉ cần ta buông bỏ năng lượng cao ngạo và đố kỵ, hết lòng kính trọng và nâng đỡ mọi người chung quanh, tức là sống có phước có đức thì tự nhiên ta sẽ kết nối được hai yếu tố kia. Dù ta có tài năng và bãn lĩnh đến đâu mà thiếu một trong ba yếu tố này, đặc biệt là không thu phục được lòng người, thì ta cũng không thể nào thành công. Nếu có thì mau chóng thất bại. Nên nhớ duyên có hợp có tan, có đến có đi. Ta đừng tin chắc rằng những gì ta có hôm nay sẽ cố định mãi mãi. Tuy ta không thể hoàn toàn chủ động tạo ra mọi nhân duyên cho mình, nhưng ta có thể tạo ra sự liên kết để nhân duyên duy trì hay tan rã.

    ReplyDelete
    Replies
    1. ( tiếp theo )
      Bởi vì tâm ta là một cơ chế rất kỳ bí. Mỗi ý niệm tốt sẽ phát sinh năng lượng tốt và mỗi ý niệm xấu sẽ phát sinh năng lượng xấu. Chúng sẽ liên kết trực tiếp với những năng lượng tốt hay xấu khác đang bàng bạc trong vũ trụ, khi gộp đủ nhân duyên sẽ tạo ra những hiệu ứng lớn. Cho nên tâm ta chính là nguồn gốc tạo ra hầu hết nhân duyên tương ứng với ta. Nhưng ta không đủ sức phát huy được ưu thế của tâm để bồi đắp thêm nhân duyên mình đang có thì ta phải chấp nhận để cái nhân duyên ra đi, cũng như ta không quyết liệt đi tìm nhân duyên khác như ý mình muốn – thái độ không chống đối hay mong cầu ấy chính là tuỳ duyên.

      Tuỳ duyên là hoan hỷ chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại, ngừng tranh đấu và bình thản chờ đợi nhân duyên thích hợp hội tụ. Nhiều khi chính thái độ ngưng tranh đấu và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với những nhân duyên tốt đẹp khác. Ta đừng quên khi một việc thành thì phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, nên chỉ cần thiếu một duyên thì nó cũng có thể bại. Thật ra không có gì là bại cả vì bại nghĩa là mất trắng, trong khi đó chỉ là tình trạng chưa hội tủ nhân duyên mà thôi. Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải nghiệm thì trong vài trường hợp ta có thể đoán biết được mình nên làm gì và không nên làm gì để nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại và nhân duyên xấu sớm tan biến đi.

      Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những duyên thuận với ta nhưng nghịch với kẻ khác và có những duyên thuận với người khác nhưng lại nghịch với ta. Đó là chỉ nói trong phạm vi con người trong khi nhân duyên xảy ra với vạn vật trong khắp vũ trụ. Cho nên bản chất của nhân duyên không có thuận nghịch, tốt xấu, nó chỉ hội tụ hay tan rã thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể.

      Ấy vậy mà thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn muốn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, khi còn gặp nghịch duyên thì cảm thấy khó chịu và tìm cách né tránh hay loại trừ. Nhưng chưa hẵn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc thật sự hay nghịch duyên sau này, hay nghịch duyên ban đầu sẽ mang đến khổ đau thực sự. Nhiều khi thuận duyên ban đầu sẽ biến thành biến thành nghịch duyên sau này hay nghịch duyên ban đầu lại chính là thuận duyên tương lai; và có khi thuận duyên khiến ta yếu đuối còn nghịch duyên khiến ta trưởng thành. Tất cả đều tuỳ thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta. Vì thế ta không cần phải khẩn trương thay đổi những nhân duyên mà ta không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những nhân duyên an lành thì những duyên tương ứng sẽ tự động đến. Mà sự thật khi tìm được sức sống nơi chính mình rồi thì ta sẽ không còn quan trọng giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả.

      Delete

  2. Cám ơn chị Đông Oanh đã cho đọc đoạn trích "Tùy Duyên" của Thầy Minh Niệm.
    Thực hành được như vậy thì tâm chắc chắn sẽ an, dù gặp phải hoàn cảnh nào!?

    ReplyDelete