Monday, January 14, 2013

Một Miền Quê


Irene


Sau những ngày mưa dầm, lạnh lẽo của mùa đông. Trời chỉ còn se se lạnh của những ngày cuối mùa. Mây bàng bạc khắp trời, sương mù vẫn còn giăng phủ trên những dãy núi xa xa.

Đây là lần đầu tiên tôi biết đến quê chồng từ khi chúng tôi cưới nhau. Xuống xe tại chợ Bình Định, anh đạp xe chở tôi theo con đường đất đỏ về quê. Cơn mưa nhẹ đêm qua làm cho cây cỏ tươi mát. Hai bên đường những cánh đồng xanh ngát chạy dài, những đàn trâu, bò đang thung thăng gặm cỏ, những vườn rau mơn mởn, những mái nhà nằm rải rác khuất sau hàng cây xanh. Gió thổi lành lạnh mang theo hơi hướng của đồng nội. Không khí thật trong lành. Đi đến đâu anh cũng giảng giải về những địa danh…

Xế trưa thì đến An Thái. An Thái thuộc xã Nhơn Phúc huyện An Nhơn Bình Định. An Thái là một làng rất thơ mộng và cổ kính với những ngôi nhà của người Hoa đến đây từ thế kỷ18. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh có thầy giáo Hiến mở lớp dạy học trong đó có ba anh em nhà Tây Sơn theo học.

Dừng lại quán nước ở bến đò, chờ chuyến đò qua sông. Trên bãi cát ven sông Côn, những trại xay rất nhiều. Thì ra nơi đây đặc sản bún Song Thằng ( Song Thần ) :

“Nón ngựa Gò Găng, bún Song Thằng An Thái
Lụa đậu tư Nhơn Ngãi, xoài tượng chín Nhơn Long”

Theo truyền khẩu thì bún này có từ thế kỉ 18 lúc người Hoa đến An Thái sinh cơ lập nghiệp phát triển nghề làm bột đậu xanh và nghề làm bún. Nước dùng lắng bột phải là nước trong và mát. Người ta còn nói rằng chỉ có nước sông Côn mới xay được bột tốt, nhất là nước lấy ở đoạn sông chảy qua An Thái. Mà cũng đúng như thế . Đoạn sông này, lòng sông toàn là cát sạn sạch nên nước trong như được lọc sẵn.

Nước sông Côn trong xanh. Hai bên bờ sông những hàng tre chạy dài xanh mướt xõa bóng xuống mặt nước :

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre” - (Tế Hanh )

Con đò đưa mọi người qua sông. Dòng sông chảy êm đềm, nước trong vắt trông thấy rõ những chú cá tung tăng bơi lội.

Đò cập bến! Bước lên mấy bậc tam cấp. Đây là An Vinh quê chồng tôi. An Vinh thuộc xã Tây Vinh huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. An Thái và An Vinh cách nhau đôi bờ sông Côn và cách Qui Nhơn khoảng 40km.

Hàng tre hai bên đường tỏa bóng mát rượi. Từ bến đò đi bộ chừng mươi mét thì đến nhà. Đẩy cái cổng rào bên trong là một cái cổng gạch tường phủ rêu phong có một vài chỗ đổ nát vì bom đạn của chiến tranh. Một hồ nuôi cá rô phi với những hòn non bộ. Đi vào nhà trên con đường nhỏ. Một bên là vườn rau, một bên là vườn cây ăn trái. Ngôi nhà lọt thỏm dưới những hàng cây cao. Cây canh ki na, cây xoài, cây nhãn, cây mận…  Xung quanh vườn là những  khóm tre, khóm trúc bao phủ. Nghe tiếng chó sủa, mẹ chồng tôi vội bước ra :

- Các con về rồi à!

Chúng tôi theo bà vào nhà. Bước ra sau nhà rửa mặt, cái giếng bằng đá ong xây từ lâu đời. Nước mát làm cho tôi thấy khỏe hẳn lên. Những bụi chuối tiêu ở góc vườn với những buồng trĩu quả. Những giàn mướp, bầu, bí …trái lủng lẳng xanh non. Giàn đậu ngự chi chít trái, luống rau muống, rau cải tươi tốt…


Tôi thấy thích thú với cảnh vườn tược…Khi quay vào thì mẹ  đã dọn sẵn trên bàn một mâm : Dĩa rau tươi xanh non vừa mới hái trong vườn, dưa leo, khế, rau răm, rau thơm…trái cà. Dĩa trứng chiên vàng. Chén mắm đục dằm trái ớt xanh, rau muống luộc, tô nước rau vắt chanh trong veo. Mấy con cá rô chiên giòn. Bánh tráng nhúng. Đậm đà hương vị quê hương. Đói bụng tôi ăn ngon lành. Mẹ ngồi kể chuyện đồng áng, chuyện bà con làng xóm…mẹ còn kể cho tôi nghe : Mẹ về làm dâu khi mới mười tám tuổi. Ba chồng tôi là thầy Thông Vinh, chữa bệnh nổi tiếng một thời ở An Vinh. Tuy nhà chồng khá giả nhưng bà lúc nào cũng lam lũ. Bây giờ cũng thế!  Chồng chết, một mình nuôi con ăn học. Chiến tranh, bà dẫn đàn con xuống Qui Nhơn chạy chợ mua bán, lo cho con ăn học. Anh lớn là bác sĩ. Chồng tôi học Sư phạm Qui Nhơn Khóa 5, ra trường dạy ở Phan Thiết rồi An Khê cuối cùng là Qui nhơn. Các cô em chồng cũng lần lượt là cô giáo. Sau 75 bà trở về lại quê nhà chăm lo việc đồng áng.

Mẹ chồng tôi làm việc không ngơi tay. Buổi trưa không nghỉ lưng. Bà lục đục hết ngoài vườn rồi lại vào trong bếp. Buổi chiều, khi mọi người cơm nước xong, bà ra vườn cắt rau bó thành từng bó, cắt bầu bí…Rồi khi sáng sớm tinh mơ, gà vừa gáy sáng, bà đã gánh rau ra chợ cho kịp phiên chợ. Có mấy thửa ruộng, một năm mấy vụ lo gieo, sạ, gặt, phơi…bận bịu suốt ngày. Năm nào mưa thuận gió hòa đủ gạo ăn cả nhà và còn để dành được một ít. Thấy đứa nào túng thì lại cho con. Cũng giống như bao nhiêu bà mẹ quê khác, tính bà chân chất, chắt chiu, hi sinh lo lắng cho con

"Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền" - (cao dao)

Câu ca dao này đã nghe nhưng lúc trước tôi chẳng để ý gì về võ nghệ. Cho đến khi tôi nghe kể và được chứng kiến: Tây Sơn có những võ đường nổi tiếng : An Thái, An Vinh, Thuận Truyền, Suối Bèo, Trường Định. Phía làng bên là An Thái cũng là một làng võ có võ sư nổi tiếng là cụ Tàu Sáu. Nơi đây có những lò võ lớn là Bình Sơn-Hải Sơn-Bình Thái-Hồ Hoành.

Còn An Vinh cũng là nơi đất võ :

Trai An Thái, gái An Vinh
Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh.

An Vinh là cái nôi của đất võ có võ sư Hương Mục Ngạc, Cai Bảy, Hương Kiểm Cáo, Kiểm Mỹ…Trong làng có một phụ nữ nổi tiếng tinh thông võ nghệ sức địch muôn người, đó là cô Tám Cảng ( con ông Hương Mục Ngạc ). Cô Tám Cảng là người khởi đầu cho hình tượng “gái An Vinh”. 

Buổi chiều đi dạo trong làng. Mùi bùn đất rơm rạ rồi những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Những mái nhà tranh tỏa khói lam chiều. Lũy tre xanh với những ngọn tre cao vút. Hàng cau thẳng với những buồng cau. Những vườn cây trái xanh tươi : cây xoài, cây bưởi, cam, sabôchê…sai quả. Phù sa con sông Côn đã bồi đắp màu mỡ cho đất đai. Nước sông Côn thấm đẫm tình quê hương vào máu thịt hun đúc nên con người ở nơi đây chân chất nhưng đầy khí phách anh hùng của một vùng đất võ. Anh dẫn tôi đến nhà võ sư Nguyễn Giao ở xóm An Khánh có người con gái tên là Nguyễn Thị Cúc.Năm đó (1979) bà khoảng 50 tuổi. Bà kể : "Tôi học võ khi còn nhỏ. Cha tôi thường bảo rằng: “Thời buổi loạn lạc, con gái biết chút ít võ nghệ để hộ thân. Nhưng đừng giỏi võ quá như bà Tám Cảng lại khó lấy chồng. Cho nên ông chỉ dạy tôi mấy bài cơ bản".

Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng khi bà Cúc biểu diễn bài “ Thảo Tay ” mới thấy sức mạnh trong từng cú đấm, cú nhảy, rút tay về... Với tác phong lanh lợi, bà tung những cú đấm nhanh gọn gàng, mạnh mẽ “ lên đài ”. Mắt sáng quắc, khuôn mặt bừng bừng cương nghị. Thật tuyệt!

Tôi còn được xem bà Hoàng Sự múa “ Bài Kiếm 12 ”. Bà tên thật là Phan Thị Bốn. Bà khoảng 40 tuổi, am tường về ca dao tục ngữ, ngâm thơ, hô Bài Chòi rất hay…tôi thật sự rất ấn tượng với bài múa kiếm. Múa xong, bà còn di di đôi gót chân, ứ ự ừ ư một hơi bát bộ. Có tận mắt chứng kiến mới thấy cái hay, cái thâm thúy, cái hồn của võ cổ truyền.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi xem thắng cảnh của non nước Bình Định. Những con đường đất đỏ au. Anh chỉ cho tôi vị trí của Thành Đồ Bàn, bây giờ chỉ còn lại những đoạn bức tường bằng đá ong đổ nát, có hào, có đường lát đá hoa cương. Bên trong còn rải rác những di tích cũ của người Chăm như cái giếng vuông, con voi, bên cửa hậu có gò Thập Tháp…tôi nghe đâu đây tiếng người xưa vọng về :

“Rừng hoang vu, vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù. 
Ngàn sóng xô muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ…  
Chế Bồng Nga vượt Khơi”
(Hận Đồ Bàn )

Anh kể : Nguyễn Nhạc vua nhà Tây Sơn, sử dụng lại nền cũ của thành Vijaya để xây dựng thành Hoàng Đế. Đến đời Nhà Nguyễn thành Hoàng Đế được sử dụng lại gọi là thành Bình Định. Tôi đến thăm tháp Cánh Tiên : 

"Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên, 
Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm" - (ca dao)

Tháp cao gần 20m, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, hai con voi đá và nhiều tượng quái vật. Niên đại sau thế kỉ XI và đầu thế kỉ XII, nằm trong giai đoạn lịch sử triều đại Harivarman4 (1074-1081) đến triều Harivarman5(1113-1139).

Nếu đi theo hướng sân bay Phù Cát thì sẽ gặp tháp Dương Long cách thị trấn Phú Phong khoảng 11km, nằm giữa hai xã Tây Bình và Bình Hòa. Tháp Dương Long được xây dựng cuối thế kỉ XII gồm ba ngọn tháp được xây dựng theo kiểu kiến trúc Chăm, nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện với các đường nét thể hiện tinh tế. Qua thời gian cây cỏ mọc um tùm, rêu phủ.

Phú Phong có rất nhiều danh lam thắng cảnh, không sao đi hết được. Sau này, cứ hàng năm về quê, tôi mới lần lượt đi thăm. Phong cảnh sơn thủy thật là đẹp phải nói đến Hầm Hô. Cách Phú Phong khoảng 4km nằm ở thôn Phú Mỹ xã Tây Phú. Có núi non, sông nước địa thế hiểm trở, từng là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn và nghĩa quân Cần Vương chống Pháp Mai Xuân Thưởng.

Thác Đổ cách Phú Phong 10km về hướng Tây nam. Thác rất đẹp và hùng vĩ với vẻ hoang sơ. Hướng về phía Bắc là hồ Thuận Ninh nước trong vắt dùng trong thủy lợi.

Ngay tại Phú Phong có điện thờ nhà Tây Sơn và bảo tàng Quang Trung. Cứ vào ngày mùng 5 Tết có Lễ Hội Đống  Đa. Một lễ hội lớn nhất tỉnh Bình Định để tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa của Quang Trung-Nguyễn Huệ năm kỷ dậu 1789. Ngoài ra còn rất nhiều di tích lịch sử như Từ đường Bùi Thị Xuân, Lăng Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, lăng mai Xuân Thưởng…và những ngôi chùa cổ còn giữ được nhiều di tích hiện vật liên quan đến văn hóa Chămpa…


Về quê, tôi lại được thưởng thức những món ăn đặc sản nơi đây :

* Chim Mía.

"Ai về Kiên Mỹ Phú Phong
Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao"

Chim mía là loài chim nhỏ hơn chim se sẻ. Chim mía đầu nhỏ, mỏ ngắn. Đồng mía Tây Sơn lại ngút ngàn xanh tốt thuận lợi cho chim mía nảy nở sinh sôi. Chúng ríu rít bắt sâu bọ trong những đám mía. Từng đàn có khi lên đến hàng ngàn con. Người ta có thể nướng hoặc chiên giòn…thịt chim mía thơm và ngọt đằm đậm đà như mía.
* Dé bò nấu lá giang ăn với bánh tráng nướng. Đây là một đặc sản của Tây Sơn-Bình Định.
* Cá lúi Sông Côn: Món cá ám rất ngon…
* Cá cơm mồm nấu canh với lá giang hay rau đay có khi cải bẹ xanh hoặc tần ô nhưng nấu với bầu là rất ngọt …cá mồm có thể kho khô với ớt bột ăn với cháo.
* Bánh ít lá gai, bánh xôi đen, bánh in, bánh thuẫn…
* Rượu Bàu Đá : xóm Tân Long thôn Cù Lâm xã Nhơn Lộc huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Trong làng có một cái bàu rộng, trong bàu có nhiều hòn đá nhô lên nên gọi là Bàu Đá. Xóm này chuyên nấu rượu. Nhưng người thầy truyền nghề nấu rượu lại ở Tây Sơn. Năm 1947-1948 họ mời ông Hương Lễ Nghè, một nghệ nhân nổi tiếng về nghề nấu rượu ở làng An Vinh xã Bình An huyện Tây Sơn sang dạy nghề nấu rượu.

Những ngày giỗ chạp – Tết cổ truyền, con cháu nội ngoại về mừng tuổi ông bà có chén rượu Bàu Đá đặt lên bàn thờ, thắp nén nhang thành kính! Ta thấy không khí ngày Tết trở nên ấm cúng thiêng liêng.

Tôi muốn viết thật nhiều…thật nhiều… về miền quê “xứ nẫu” ấy! Nhưng tôi chỉ biết và chỉ nhớ bấy nhiêu thôi!

Bây giờ thì mẹ chồng và chồng tôi đã ra đi về một nơi nào đó rất xa xôi! Mang theo những hình ảnh và nhiều điều thú vị của một miền quê êm đềm nằm bên bờ sông Côn trong xanh hiền hòa để lại trong tôi những hoài niệm đẹp và hạnh phúc của một thời…

Thật bất ngờ! Hôm qua cậu con trai tôi nói :
- Mẹ ơi! Tết năm nay cả nhà mình về thăm quê nội. 

Irene 
Sài Gòn, 7/12/2011

2 comments:

  1. Một bài viết thấm đẫm tình quê hương! Cám ơn chị Irene!

    ReplyDelete

  2. Cám ơn tác giả Irene, cám ơn anh Phạm Lê Huy đã chuyển tiếp bài viết nầy, nhắc gợi nhớ hình ảnh quê hương!

    ReplyDelete