Thursday, January 24, 2013

Kỷ niệm thời học sinh

                                        Ngọc Cát





* Kính tặng thầy Vũ Linh Châu và bạn Nguyễn Thị Thanh Bình.

Khi bắt đầu lên trung học, tôi học hai năm Đệ Thất và Đệ Lục ở trường Bồ Đề. Đến năm Đệ Ngũ (1965) tôi chuyển qua Trinh Vương vì trường này chỉ toàn là nữ sinh nên Ba tôi thích cho học; hơn nữa là trường của các Soeur nên kỷ luật nghiêm minh lắm. Tôi không còn nhớ từ lúc nào mà bạn bè và nhà trường biết tôi thích hát, thế là tôi được vào Ban Văn Nghệ.


Mỗi năm đến ngày Lễ Bổn Mạng của trường là chúng tôi đuợc tập dợt văn nghệ, cắm trại và thi nấu ăn nữa. Tôi vẫn thường hát cho ca đoàn của trường ở nhà nguyện, và đến mùa Giáng Sinh tôi được qua Nhà Thờ Lớn để hát. Tôi còn nhớ năm Đệ Tam, thầy Vũ Linh Châu dạy Sử Địa soạn tập hoạt cảnh Hội Nghị Diên Hồng và tìm một người đóng vai Vua. Nhưng qua mười bạn thử vai vẫn không có ai đóng được, thầy tức giận bỏ đi và nói :

- Không tập nữa… Bỏ luôn !

Khi thầy bỏ đi chúng tôi buồn lắm và lo lắng chẳng biết phải làm sao bây giờ. Vai này khó quá, ai mà diễn được. Thấy vậy tôi bèn nhảy vô, nói :

- Thôi… Để tui làm cho.

Các bạn trố mắt nhìn tôi như thầm hỏi :

- Có được không đây ?

Tôi cười, nói :

- Ừ… Thì các bạn để tui diễn thử ra sao. Vì từ năm Đệ Ngũ đến giờ tôi chỉ hát được thôi, cả trường biết rồi.

Và, một bạn trong nhóm xướng to lời thoại :

“Toàn dân nghe chăng
Sơn hà nguy biến
Hận thù đằng đằng
Biên thùy rung chuyển…”

Khi nghe vang lên những lời ấy tôi diễn theo và thể hiện từ ánh mắt đến sự lo lắng hiện lên nét mặt của một vị Vua, hai tay đưa lên như đang nói cùng các bô lão và toàn dân cả nước. Diễn xong, các bạn thấy tôi làm được quá, giống như yêu cầu của thầy. Mừng quá cả nhóm reo lên :

- Ồ… Con Lựu đóng được rồi… Không ngờ đấy… ! Bây giờ khỏi lo nữa.

Thế là các bạn chạy đi kiếm thầy Châu để khoe và mời thầy lên xem tôi diễn. Thầy lên phòng tập, mắt vẫn còn cau có và bực dọc. Nhìn tôi thầy nói :

- Con này mà diễn được gì… Nó chỉ được có cái mồm hát thì giỏi thôi.

Các bạn nhao nhao lên :

- Xin thầy cứ để Lựu diễn cho thầy xem đã.

Rồi thầy bắt đầu xướng lời thoại, thầy xướng tới đâu tôi diễn theo tới đó. Vừa dứt, thầy reo lên :

- Giỏi… Giỏi lắm… !

Và thầy bế tôi quăng lên cao, cười nói :

- Con này diễn được đây !

Thế là cả nhóm cười vang lên, ai cũng mừng cả.

Sau đó thầy nhắn nhủ chúng tôi là, sau những giờ tan học phải ở lại tập kịch. Tôi chưa dám trả lời vì chưa đƣợc phép của Ba tôi. Ông cụ rất khó tính, thường bảo rằng : “Không chịu học hành mà cứ lo hát với kịch”. Tôi sợ Ba tôi nhất trên đời. Thế là tôi phải trình với Soeur Hướng Dẫn, nhờ Soeur đến nhà xin phép, Ba tôi đồng ý. Vậy là tôi được phép ở lại tập dợt sau buổi học, tôi mừng lắm. Và rồi cũng đến ngày trình diễn cho trường và một số quan khách được mời đến xem; có cả Ba tôi và các em tôi cũng được mời nữa. Khi đến tiết mục hoạt cảnh Hội Nghị Diên Hồng, màn mở ra là tôi đã ngồi sẵn trên ngai vàng rồi, ai cũng cười ầm lên hết. Gia đình tôi vẫn chưa nhận ra tôi đóng vai Vua. Khán giả cũng chẳng biết tôi đang làm… Vua.

Bên trong, trống bắt đầu đánh lên từng hồi, thầy Châu xướng to :

“Toàn dân nghe chăng
Sơn hà nguy biến
… … … ”

Vừa diễn tôi vừa nghe tiếng cười của các Soeur và các bạn trong cánh gà vì ai cũng thấy tôi lạ quá, nhưng tôi vẫn tự nhiên diễn, mặt tỉnh bơ chẳng run gì cả. Vừa dứt trình diễn, từng tràng vỗ tay vang lên, tôi vui mừng quá vì đã diễn thành công lần đầu trong thời học sinh của mình. Sau lần đó thầy Châu nói với tôi là thầy sẽ viết kịch tiếp cho tôi diễn, tôi vui lắm, cười híp cả mắt.

Qua năm Đệ Nhị (1968), lại đúng ngày Lễ Bổn Mạng của trường, thầy soạn một vở trường kịch thơ Tình Tiên Duyên Tục dựa theo một tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Thay vì thoại kịch thầy lại viết thành thơ nên khi đối thoại là phải ngâm thơ. Thầy chọn tôi và Thanh Bình; một đứa thì ốm cao lêu nghêu còn một đứa thì tròn và thấp, hai đứa tôi đứng cạnh nhau như con số mười. Tôi thì nhận vai lão tiều phu đốn củi, còn Thanh Bình thì vai tiên nữ đẹp như mơ. Lần tập kịch đó rất khó, khó hơn hoạt cảnh năm trước nhiều vì vở kịch vừa dài vừa diễn sao cho có chiều sâu; ngâm thơ chớ không nói vì vậy thầy trò chúng tôi phải mất nhiều thì giờ cho vở kịch này.

Cuối cùng rồi cũng đến ngày tổng dợt, cả nhóm văn nghệ ai cũng lo chạy sốt vó. Nhưng rồi chẳng may tí nào, khi chúng tôi đang tổng dợt thì nhà trường báo tin có đánh nhau lớn, đó là biến cố Mậu Thân. Thế là chúng tôi chạy tán loạn, và từ đó đến nay chúng tôi không còn cơ hội để diễn vỡ kịch thơ Tình Tiên Duyên Tục nữa. Thật là uổng, chúng tôi tiếc vô cùng. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in những cảnh trí cũ lúc tôi đang tập.

Năm sau tôi lại chuyển trường và rồi không gặp lại thầy và các bạn cùng lớp. Chiến tranh vẫn tiếp diễn trong những năm 1972… 1975, mọi người lạc nhau, kẻ còn người mất. Từ đó tôi hoàn toàn không được tin thầy và các Soeur của trường Trinh Vương nữa. Cho đến nay gần bốn mươi năm, tôi được qua Mỹ đoàn tụ với con. Tình cờ tôi đi dự ngày Hội Tây Sơn Bình Định, gặp lại thầy Châu và phu nhân của thầy, tôi mừng quá; có cả các bạn cũ ngày xưa ở Quy Nhơn nữa. Sợ thầy không nhận ra nên tôi nhắc :

- Thầy còn nhớ “Ông Vua Hội Nghị Diên Hồng” không ?

Thầy chợt nhớ ra và “À… !” lên một tiếng, thầy cười và nói :

- Nhớ rồi… Lựu đây mà… !

Tôi cảm đông và mừng vì gặp lại thầy. Tôi thấy thầy chẳng thay đổi gì mấy. Đúng là quả đất tròn thật, mấy mươi năm trôi qua không tin tức gì mà nay tình cờ thầy trò và bạn bè chúng tôi gặp lại nhau, biết bao kỷ niệm cũ đua nhau tuôn về tràn ngập hồn tôi.


Ngọc Cát
(Garden Grove, May. 13 - 2011) ___________________________

__________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment