Wednesday, February 28, 2018

Đằng Sau Một Nỗi Buồn

TRƯƠNG BẢN HH




Chiều cuối năm chợt nhớ mấy câu thơ hay trong bài “Khi em về” của Nguyễn Đình Toàn.

                        Kỉ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
                  Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
                  Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu
                  Rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá  (Khi em về_NĐT)

     Tháng hai bây giờ đã là vào xuân nơi quê nhà. Thoang thoảng trong gió đã “thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu” để “rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá”. Tháng hai nắng chiều hanh vàng óng mái ngói, cành hoa mai vừa chớm đâm chồi nở nụ lộc non. Và tháng hai về có tiếng chim sẻ gọi ướm mồi cho đàn con ngoài hàng hiên. Những chú chim non còn chưa mọc đủ lông cánh, chìa chiếc mỏ be bé ra khỏi tổ náo nức chờ đợi mảnh mồi từ mẹ. Tiếng chim kêu chiêm chiếp vang trong chiều và những vệt nắng rọi qua khung cửa sổ chập chờn nhảy múa trên tường hòa thành bản giao hưởng rêu vui đón chào chu kỳ giao mùa mới của đất trời. Tháng hai mùa xuân quê nhà đẹp bình yên trong từng tiếng động, trong từng hơi thở mùa màng.

     Tháng hai bên này thì đang giữa mùa đông, nhiệt độ ngoài trời ít bao giờ vượt nổi qua khỏi con số không ảm đạm. Tìm đâu ra một tiếng chim kêu giữa thời tiết này! Chim trốn biệt tăm thì con người cũng chỉ muốn co ro vùi trốn lạnh nơi ngóc ngách nào đó. Cuối tuần ở riết trong nhà nếu không có điều gì cần thiết để ra ngoài. Giữa tuần cũng vậy, vào sở làm là không muốn bước chân ra khỏi cửa. Cả ngày cứ nghe đều đều tiếng máy sưởi chạy rì rầm làm đầu óc nặng nề mệt mỏi. Cánh cửa mùa đông đóng im ỉm ngăn cách trong và ngoài, đóng luôn cả cánh cửa giao tiếp giữa con người để họ trở nên khép kín lặng lẻ hơn. Im ắng là không khí thường trực nơi sở làm mùa này. Ngoài tiếng gỏ lóc cóc trên bàn phiếm mang theo thứ âm thanh khô khan buồn nản, thỉnh thoảng mới có thêm tiếng cửa khe khẻ mở rồi đóng lại vội vàng. Rất ư là vội vàng! Dể biết ngay là có kẻ đang liều lĩnh lách ra ngoài để rít vội vài hơi thuốc lá cho qua cơn ghiền. Lát sau khi họ trở vào, hơi lạnh tràn vào phòng cộng thêm mùi khói thuốc quyện nồng làm vài đồng nghiệp ngẩng đầu lên nhìn và tỏ vẻ khó chịu. Ở xứ này tật ghiền thuốc lá bao giờ cũng đem theo những phiền toái cho người hút vậy đó.

     Nhưng cái hình ảnh thỉnh thoảng mở cửa rồi sè sẹ bước ra ngoài cũng chính là hình ảnh của tôi hơn mười năm trước. Thời mà trong túi mình lúc nào cũng có sẵn bao thuốc lá và cái hộp quẹt. Hai vật bất ly thân tựa như cái điện thoại di dộng bây giờ. Thiếu chúng thì cứ lo lắng bần thần không yên. Bao năm thân thiết quá đổi. Nếu tính từ lúc tập tành rít điếu thuốc lá đầu tiên cho đến khi quyết định bỏ và giao hết cả “tút” thuốc cuối cùng cho người bạn là hơn 30 năm. Trung bình của cả nửa đời người chớ ít gì đâu! Trong khoảng thời gian đó thì biết bao nhiêu câu chuyện đã xảy ra cho đời mình. Chuyện nhỏ lẩm cẩm có, chuyện hệ trọng ảnh hưởng cả đời có.

     Tôi còn nhớ rõ, điếu thuốc đầu tiên mình miễn cưỡng làm quen cũng là lúc tập tành ngồi quán cà phê với mấy anh bạn lớn hơn mình vài tuổi. Những ngày đó, không lẽ ngồi cà phê là đã muốn làm người lớn rồi mà chỉ nhấm nháp suông cái chất sóng sánh màu nâu sửa đăng đắng và miệng nhai đậu phụng rang khan sao! Còn chi là ra vẻ người lớn đã “trưởng thành”. Vậy là nghe lời ông anh kế bên nhà, tôi cố bập điếu thuốc đầu tiên để rồi ho sặc sụa, ho đến trào nước mắt. Thú thật lúc đó tôi đã nghĩ là thôi không dây dưa với nó nữa cho lành. Nhưng dần dần ngày lại qua ngày rồi quen mất và ghiền luôn hồi nào không hay. Nhất là lúc đó thời vừa ở tuổi mười sáu, bắt đầu biết yêu thầm nhớ trộm cố nhân gần nhà. Chiều nào cũng chịu khó đi ngang qua nhà nàng, tôi nhát gái nên phải cố lấy trớn và cần can đảm mà bước tới. Thì còn cách chi hay bằng cầm điếu thuốc lá trên tay, thỉnh thoáng làm ra vẻ lãng tử rít một hơi cho bớt thừa thải lóng cóng chân tay. Cả năm trời đi mòn cả dép trên chỉ một đoạn đường ấy, để rồi ghiền luôn thứ khói nhựa vàng tay. Đó là kỷ niệm của tôi với những điếu thuốc lá đầu tiên.

     Ngày bắt đầu tập hút thuốc tôi sợ ba mẹ biết lắm, chỉ dám lén hút khi ra khỏi nhà. Thành phố Đà nẵng ngày đó nhỏ nhúm trong lòng bàn tay, đi loanh quanh thỉnh thoảng thấy xe ba tôi từ xa là tôi đã vội quăng ngay điếu thuốc đang cháy dở đi. Tôi sợ cái nghiêm của ba tôi, tôi sợ mẹ buồn vì còn nhỏ mà đã tập tành chuyện hút xách dể nhiểm thói hư tật xấu… Cho đến mấy mươi năm sau, ba mẹ đến tuổi già còn mình thì đã có gia đình con cái, vậy mà chưa một lần tôi dám phập phù thả khói thuốc trước mặt người. Tôi đâu còn sợ ba mẹ buồn nhưng trong cái tâm thức, trong cái văn hóa suy nghĩ của người Á đông thì điều đó là không phải, là thiếu tôn kính đấng sinh thành. Những ngày gặp lại ba tôi trên đất Mỹ, hai cha con ngồi ôn lại chuyện xưa, thỉnh thoảng có lúc xúc động tôi lại tránh ra sau nhà làm vài hơi cho thỏa mãn.

     Mẹ tôi mất đã hơn hai mươi năm, kỷ niệm với người thì kể sao cho xiết. Mẹ là chổ để tôi vòi vĩnh quà bánh khi còn nhỏ, lớn lên một tí là nơi tôi năn nỉ chút tiền còm để xài hoang với bạn bè. Hầu như mẹ đều thỏa mãn những xin xỏ của tôi dù trước đó thế nào cũng rầy la chút để tỏ ra nghiêm khắc với con. Mẹ còn là nơi để tôi gởi gấm những tâm tư khi đã trưởng thành, kể cả những năm tháng đã đi thật xa khỏi tầm tay bảo bọc thương yêu của người. Mẹ luôn hiện diện trong tôi mọi lúc mọi nơi, khi có niềm vui lẫn lúc chịu điều buồn.

     Xa đã lâu nhưng mỗi lần chợt nhớ đến mẹ cũng dể làm tôi chảy nước mắt. Cứ tưởng mình như còn nhỏ hoài trước hương linh mẹ. Nhớ cái tết cuối cùng ở Việt nam, từ chổ trú nấp đợi ngày vượt biên tôi liều lĩnh ghé nhà vài hôm để đón năm mới với gia đình. Những năm đó là thời bao cấp ở Việt nam nên theo chính sách phân phối kiểu XHCN, mỗi gia đình được cấp lương thực phẩm bằng tem phiếu theo đầu người. Nhân ngày tết nên ngoài thịt thà, gạo nếp nhà nước còn chia cho mỗi gia đình một gói thuốc lá gọi là hưởng xuân. Mấy đứa em sắp hàng cả buổi mới nhận được phần cung cấp mùa xuân của gia đình, trong đó có cả một gói thuốc Vàm Cỏ, loại thuốc lá đen được sản xuất trong nước phổ biến thời đó. Tôi nhớ hình như ngoài nhãn hiệu Vàm Cỏ lúc đó còn có thêm Hoa mai, Phù đổng… Những điếu thuốc này chỉ qua chế biến thô sơ nên có mùi khét nẹt, hút vào thì vàng đen cả đầu mấy ngón tay.

     Thường thì nhà chỉ giử lại những phần lương thực còn thuốc lá thì bán chợ đen kiếm thêm chút tiền. Vậy mà lần này mẹ kêu tôi lại, dấm dúi gói thuốc vào tay, thầm thì nói tôi giữ lại để hút với bạn bè. Điều thật lạ vì tuy không nói ra nhưng mẹ chưa bao giờ chấp nhận cho con mình hút thuốc. Như bao bà mẹ khác hay lo lắng những điếu thuốc sẽ làm vàng đen phổi con, hút thuốc sẽ dần làm con sa ngã theo những thói xấu khác. Cầm gói thuốc mẹ cho trên tay tôi vội quay mặt đi. Tôi muốn tránh cho mình xúc động như những lần tránh nhìn mặt mẹ vì không chịu nổi những giọt nước mắt người khóc tiển mỗi lần tưởng tôi sắp có chuyến đi xa. Bao nhiêu năm sau, hút cả biết bao là điếu thuốc trong đời mà mỗi lần nhớ đến cử chỉ thương yêu ấy của người ngày gần tết đó tôi đều muốn bật khóc. Mẹ gởi gấm cả tình thương của người dành cho đứa con mà mình biết sắp phải đi xa, biết có còn có ngày gặp lại hay không. Gói thuốc, vật vô trí giác nhưng lại gói ghém cả một nỗi niềm của con người, mẹ muốn cho tôi những thương yêu cuối cùng khi còn gần trong tầm tay. Mẹ tôi và gói thuốc Vàm cỏ tết năm đó thì làm sao tôi quên được trong khoảng đời còn lại. Nay dù mẹ đã đi thật xa, dù một ngày tôi đã từ biệt người bằng nắm đất lặng lẻ bỏ xuống huyệt sâu, nhưng bao giờ mẹ vẫn còn như gần gũi quanh đây trong tâm tưởng của riêng mình…

     Tôi bỏ được tật hút thuốc lá đã hơn 10 năm. Những ngày đầu cai thuốc cũng rất vất vả vì ngồi đâu, làm gì cũng tơ tưởng đến nó. Cảm giác rất buồn chán, thời gian trôi qua sao vô vị. Có thể ví theo khái niêm trong toán học, mình lúc đó như là một tập hợp hoàn toàn “trống”, một tập hợp tôi “cô đơn”, hiện hữu mà tựa rổng không giữa đời sống. Đến phải mất mấy tháng sau tôi mới quên được hoàn toàn những điếu thuốc đã một thời gian dài là bạn đồng hành mọi lúc mọi nơi với mình. Thú thật ngày đó tôi bỏ được thuốc lá cũng là nhờ nghe theo lời khuyên của vị bác sĩ gia đình, khi những cơn ho dai dẳng của mình kéo dài hằng tháng trời không dứt…

    Chiều cuối năm. Nỗi buồn nhớ nhà ngày sắp tết, nỗi buồn nhớ mẹ đã mất cứ chực cùng trào dâng trong cái lạnh mùa đông đất khách. Tôi đã bỏ thuốc từ lâu để không còn giữ lại những sợi khói mà ngả vàng tiếc nuối trên đầu ngón tay, không còn giữ mãi được cái chất nhựa nicotin mà xoa dịu cho vơi đi nỗi niềm sâu kín. Chỉ còn biết một mình ngồi đây, ngồi soi lấy hai bàn tay mà tẩn mẫn nhẩm đếm ngược xuôi từng ngón, như đếm những mảnh vở tâm hồn mình đã rơi rụng từ lâu lắm. Tôi sợ có một ngày chúng sẽ lạc mất đi như lần mình đã vĩnh viễn lạc xa mất mẹ. Ngày cận tết, sao tôi ước ao được một lần nữa mẹ dấm dúi vào tay mình gói thuốc lá Vàm cỏ như năm nọ!

                      Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
                      Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
                      Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
                      Đi qua dần khi nước mắt buông theo

                                                                   (Khi em về_NĐT) 

TRƯƠNG BẢN HH 

____________________________

No comments:

Post a Comment