Saturday, February 15, 2020

Bệnh Tâm Thần Kinh Hoảng - Panic Disorder

BS: Nguyễn Văn Đức

Bệnh tâm thần kinh hoảng (panic disorder) là bệnh tâm thần gây những cơn sợ hãi, kinh hoảng rất đặc biệt. Bệnh xảy ra thường lắm, nhiều không kém bệnh suyễn. Dựa theo những trường hợp bệnh được báo cáo, người ta cho rằng cứ trong 100 người, có 1 đến 3 người mang bệnh này (1-3%). Trên thực tế, có lẽ con số này còn cao hơn, vì có nhiều trường hợp bệnh bác sĩ định lầm thành bệnh khác (tưởng rằng bị bệnh suyễn, bệnh tim…).
Bệnh hay bắt đầu trong khoảng tuổi 18 đến 45.
Bệnh tâm thần kinh hoảng gây những ảnh hưởng tai hại trên đời sống của người bệnh, ngang ngửa với bệnh trầm cảm (major depression): cuộc sống mất vui, khả năng làm việc suy giảm, gia đình xáo trộn. Theo một báo cáo, số ngày nghỉ việc của người bệnh tâm thần kinh hoảng cao hơn số ngày nghỉ việc của người bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận.
TRIỆU CHỨNG
Bệnh gây những cơn kinh hoảng rất đột ngột (panic attack). Trong những cơn kinh hoảng, người bệnh cảm thấy khó chịu, sợ hãi, căng thẳng tinh thần dữ dội, đồng thời có những triệu chứng thể chất đi kèm. Những cơn kinh hoảng thỉnh thoảng mới xảy ra, hoặc có thể đến viếng người bệnh vài lần mỗi ngày. Thường chúng kéo dài vài phút đến một tiếng, nhưng thỉnh thoảng, cũng có nhiều trường hợp chúng kéo dài đến vài giờ đồng hồ.
Trong một cơn kinh hoảng như vậy (có khi nhẹ, có khi nặng), người bệnh thường có ít nhất 4 trong các triệu chứng sau đây, xảy ra một cách đột ngột, và nhanh chóng tăng cường độ trong vòng 10 phút:

– Hồi hộp, thấy tim đập mạnh hay nhanh.
– Toát mồ hôi.
– Run rẩy tay chân.
– Cảm giác ngộp thở.
– Cảm giác bị nghẹn (choking).
– Đau ngực hay thấy khó chịu trong ngực.
– Buồn nôn hay thấy khó chịu trong bụng, đau vùng bụng trên.
– Thấy chóng mặt, không vững, choáng váng hoặc xỉu.
– Cảm thấy không thực (feelings of unreality) hoặc có cảm giác thoát xác, mình tự thoát ra khỏi mình (being detached from oneself).
– Sợ không còn kiểm soát được chính mình hay muốn phát điên lên.
– Sợ chết.
– Bị tê (mất cảm giác hay có cảm giác như kiến bò).
– Ớn lạnh (chills) hay ngược lại, thấy nóng phừng (hot flushes).
Điều đáng sợ là người bệnh cảm thấy được cơn kinh hoảng sắp xảy ra mà vẫn không tự trấn tĩnh được. Các triệu chứng hoàn toàn vượt ra ngoài sức kiểm soát của người bệnh.
Triệu chứng xảy ra trong cơn kinh hoảng giống triệu chứng của nhiều bệnh thể chất như bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh thần kinh, bệnh các tuyến nội tiết… Điều này lại càng làm người bệnh thêm căng thẳng trong cơn kinh hoảng, vì sợ mình đang bị một bệnh thể chất quan trọng, nhiều vị đi khám bác sĩ hoài hoặc thường xuyên chạy vào phòng cấp cứu. Và chẳng trách bác sĩ có thể định lầm là người bệnh bị heart attack (chết cơ tim cấp tính), lên cơn suyễn v.v… Không ít người bệnh đã đi khám vô số bác sĩ, vào ra phòng cấp cứu, và sau nhiều năm, bệnh mới được tìm ra.
Cơn kinh hoảng có khi như từ trên trời rơi xuống, tấn công người bệnh bất ngờ, không báo trước, cũng không do một nguyên nhân chi rõ rệt. Ngược lại, có những cơn kinh hoảng xảy ra trong một hoàn cảnh, hay với một ý nghĩ đặc biệt nào đó. Có người cứ lái xe trên đường lại lên cơn kinh hoảng, đến nỗi sợ không còn dám lái xe đi đâu. Thét rồi, người bệnh cố tránh ngay cả ý nghĩ ra khỏi nhà, vì nhà đã trở thành một tổ ấm an toàn, rời khỏi nó lỡ cơn kinh hoảng đến bất thình lình thì biết làm sao.

Có những cơn kinh hoảng tai ngược hơn, thích đánh thức người ta dậy lúc đang ngủ, để bắt làm bạn với nó một lúc. Chúng cũng dữ dội không kém, khiến người bệnh cứ nghĩ đến việc đi ngủ là đâm sợ, hoặc nặng hơn nữa, lên cơn kinh hoảng ngay lúc vào giường, khi nghĩ đến việc mình sắp thiếp ngủ, sắp phải đương đầu với cái cảm giác khủng khiếp mình đã từng bị. Có người nặng đến độ đâm bi quan và thất chí, đi tìm một chỗ yên tĩnh hơn bên kia thế giới, nơi không có bóng dáng của chứng bệnh kinh hoảng.
Nguyên nhân đích thực nào gây ra chứng bệnh lạ lùng này, y học chưa khám phá ra. Nhiều giả thuyết cho rằng bệnh xảy ra do sự làm việc lung tung, lộn xộn của một số vùng đặc biệt trong óc ta, hoặc do sự hoạt động bất thường của các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) trong óc.
CHỮA TRỊ
Hiện nay chúng ta có nhiều cách trị căn bệnh tâm thần kinh hoàng.
Các thuốc an thần Benzodiazepines:
Các thuốc an thần thuộc nhóm benzodiazepines (như Xanax, Valium, Klonopin, Ativan, Serax…) rất hữu hiệu để chữa bệnh kinh hoảng, dùng ngắn hạn. Thuốc mau chóng làm các triệu chứng thuyên giảm, nhưng có bất lợi là hay gây nghiện. Đang dùng thuốc loại này, nhất là với liều lượng cao, bạn không nên bất ngờ bỏ thuốc, nếu không có ý kiến của bác sĩ.
Valium, một thuốc an thần benzodiazepines vang bóng một thời, cũng đã từng được dùng để chữa bệnh kinh hoảng. Nhưng Valium nay đã nhường bước trước những đàn em như Xanax, Klonopin, Ativan, những thuốc hiện đang được dùng nhiều để chữa bệnh kinh hoảng.
Thuốc chống sầu buồn (antidepressant):
Đây là một nhóm thuốc rất quan trọng. Đầu tiên, người ta tìm ra những thuốc này để chống bệnh sầu buồn (depression). Dùng thuốc lâu, người ta lại khám phá thêm những “tài hoa” khác của loại thuốc này. Chúng chống được cả các tình trạng căng thẳng tâm thần (anxiety), nhiều tình trạng đau nhức, và nay với bệnh tâm thần kinh hoảng, chúng cũng trị luôn.
Thuốc chống sầu buồn ít khi gây phản ứng bất lợi, không làm bạn mất sự tự chủ (lose control), cũng không khiến bạn thay đổi tâm tính. Chúng lại không gây ghiền như các thuốc an thần benzodiazepines, nên có thể dùng dài lâu, có khi nhiều năm.
Hiện có nhiều thuốc thuộc loại này được dùng để chữa bệnh tâm thần kinh hoảng, xin kể ra đây vài tên thuốc: Tofranil, Elavil, Pamelor, Anafranil, Prozac, Paxil, Venlafaxine… (thuốc tây không giống “thuốc bắc”, có tên có tuổi đàng hoàng). Có thuốc tác dụng trong vòng vài ngày, có thuốc trong vòng vài tuần. Bạn nên kiên nhẫn.
Thuốc monoamine oxidase inhibitors:
Các thuốc thuộc nhóm monoamine oxidase inhibitors cũng rất hữu hiệu, song vì chúng gây nhiều tác dụng phụ, người uống phải kiêng cữ một số thức ăn, tránh dùng một số thuốc khác, do vậy, nay chúng ít được sử dụng để chữa căn bệnh tâm thần kinh hoàng như trước.
Tâm lý trị liệu (psychologic therapy):
Nhiều cách tâm lý trị liệu đã được nghiên cứu để chữa bệnh tâm thần kinh hoảng. Các cách tâm lý trị liệu có mục đích soi sáng cho người bệnh biết rõ vấn đề của mình (cognitive therapy), giúp người bệnh từ từ tiếp xúc với những hoàn cảnh hay gây cơn kinh hoảng, rồi giúp họ quen dần với những hoàn cảnh này (exposure and desensitization) là ba phương pháp tâm lý trị liệu cho nhiều kết quả, nếu được dùng phối hợp.
Chữa bằng thuốc giúp người bệnh mau khỏe, triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm, tâm lý trị liệu giúp duy trì kết quả của sự chữa trị. Phối hợp cả hai phương pháp chữa trị, thuốc và tâm lý trị liệu, đưa đến kết quả tốt đẹp nhất.
Trong cộng đồng người Việt chúng ta, vấn đề là không có nhiều tâm lý gia (psychologist) nói tiếng Việt để làm tâm lý trị liệu cho những người bệnh tâm thần.
Sự chữa trị cần được kéo dài bao lâu? Còn tùy căn bệnh. Mục đích của việc chữa trị là làm thế nào để các cơn kinh hoảng không còn trở lại làm phiền ta nữa. Thường các triệu chứng sẽ thuyên giảm, bệnh dần được ổn định trong vòng 4 tháng, và chúng ta tiếp tục uống thuốc ít nhất 1 năm. Có người cần sự chữa trị lâu dài, có khi cả đời.
Kết luận: Bệnh tâm thần kinh hoảng hay xảy ra, gây nhiều phiền toái, tốn kém cho người bệnh và gia đình. Được cái, sự chữa trị thường rất hữu hiệu, giúp người bệnh trở lại đời sống bình thường, nhất là nếu người bệnh và gia đình cùng hiểu rõ về căn bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức. (www.saigontimesusa.com)
Chuyên khoa Nội thương. 
8748 E. Valley Blvd. # H, RosemeadCA 91770. (626) 288-3306

_________________________

No comments:

Post a Comment