Friday, May 7, 2021

Những điều mẹ dạy

.
Mẹ! Không phải đến những ngày lễ mẹ ta mới nhớ về mẹ. Mà nó là những dịp nhắc nhở sự vô tình của ta về tình yêu thương bao la trời biển mà mẹ đã dành cho ta. Cùng những điều mà mẹ đã dạy để chúng ta trở thành ta của ngày hôm nay. Mời bạn cùng đọc dăm câu chuyện về mẹ mà ắt hẳn mỗi người luôn có một, hay nhiều câu chuyện để kể. Về mẹ kính yêu của mình.


Phần cơ thể quan trọng nhất

Amol Harrison, IL

Từ nhỏ, mẹ tôi đã thường hỏi tôi câu hỏi rằng, phần nào quan trọng nhất trong cơ thể. Tôi thường trả lời theo điều mình nghĩ và đoán. Lúc bé tôi trả lời “đôi tai”. Mẹ tôi lắc đầu và bảo có những người bị điếc. Lớn thêm tí nữa tôi trả lời “đôi mắt”. Mẹ vẫn lắc đầu, khen tôi đã lớn hơn nhưng còn có người mù. Tôi lần lượt trả lời theo năm tháng của mẹ và lần nào mẹ cũng lắc đầu, dù bảo rằng tôi đã thông minh và có nhiều nhận xét hơn. Ðến một ngày ông nội tôi qua đời. Cả nhà đều rất buồn, đến cả ba tôi cũng khóc. Và đó là lần thứ hai tôi thấy ông khóc kể từ khi bà nội tôi qua đời.
“Bây giờ con đã hiểu phần nào trong cơ thể quan trọng chưa?”. Tôi hết sức ngạc nhiên khi mẹ lại hỏi lúc này, cứ ngỡ đó là câu chuyện đùa vui giữa hai mẹ con từ nhỏ. Nhưng mẹ tôi bảo rằng, “đây là câu hỏi rất quan trọng bởi nó sẽ chỉ cho con cách sống như thế nào trong cuộc đời này. Hôm nay là ngày mẹ nói cho con biết”. Tôi hồi hộp, ngẩng đầu chờ đợi. “Ðó là đôi vai, con gái thương yêu của mẹ”, mẹ tôi nói trong nước mắt. “Con thấy ai cũng sẽ có lúc nào đó đau khổ trong cuộc đời và họ cần một bờ vai để dựa. Mẹ luôn mong con có đủ những yêu thương và những người bạn tốt quanh mình để con có thể dựa vào vai họ khi cần hay làm chỗ dựa cho khi họ cần đến”.
Ðó là bài học của mẹ mà tôi mang mãi trong lòng. Bộ phận quan trọng nhất cơ thể không phải cho riêng mình mà cho người khác, để thấu hiểu nỗi đau người khác. Như ai đó đã bảo, người ta rồi sẽ quên những điều bạn nói, rồi sẽ quên những điều bạn làm và chỉ còn nhớ những gì bạn đã chạm vào cảm xúc của họ – AH

Lòng mẹ âm thầm

Selina Chouhuri, Bangladesh

Nói thật là tôi thù ghét mẹ tôi, ngày nào tôi cũng nguyền rủa bà. Tôi không hiểu tại sao trên đời này lại có một người mẹ nhẫn tâm từ bỏ con mình lúc chỉ một tháng tuổi, khi mà tôi cần mẹ và giòng sữa mẹ ngọt ngào nhất. Tôi sống với bên nội, không có mẹ và cũng chưa bao giờ thấy tấm hình nào về bà. Nhưng không biết tại sao mà hình ảnh mơ hồ của bà cứ ám ảnh trong đầu tôi suốt cả thời niên thiếu. Ở đâu tôi cũng nghĩ đến bà với lòng giận dữ và đau khổ vì không có mẹ như bạn bè. Một ngày khi tôi bước qua tuổi 16 thì chú tôi đã chỉ tôi một người đàn bà gầy gò, đôi mắt đau khổ đứng phía xa nhìn tôi. Chú bảo đã đến lúc cho tôi biết đó là người mẹ đã sinh ra tôi. Lòng tôi chẳng có chút cảm xúc nào với bà. Hay đúng hơn là tôi đã nhìn bà với đôi mắt oán hờn, chẳng muốn bà đến gần và cũng chẳng muốn gặp lại bà thêm lần nào khác. Tôi thề với lòng mình vậy.
Vài chục năm sau, tôi đã có gia đình và quên bẵng đi chuyện cũ thì một ngày tôi nhận được lá thư. Ðó là thư của dì tôi, tức em gái của mẹ, báo tin bà vừa qua đời. Trong lá thư kể lại rằng, đã bao năm tháng nay mẹ tôi sống trong đau khổ, buồn tủi vì nhớ thương tôi. Bà sinh ra tôi là con gái và gia đình bên nội đã hăm dọa rằng, hoặc bà phải bỏ đi hoặc họ sẽ giết cả tôi. Bà âm thầm bỏ đi xa để tôi được an toàn, thỉnh thoảng tìm về nơi cũ để lặng lẽ ngắm nhìn tôi. Bây giờ tôi mới hiểu lòng mẹ trời biển thế nào, có khi chẳng thể nào nói ra nhưng nó vẫn luôn ở đó. Chỉ những đứa con như tôi mới không hiểu cho đến khi muộn màng – SC

Hãy là Thụy Sĩ

Abigial Woft, NJ

Tôi còn nhớ là ngày khai giảng lớp Một, mẹ dẫn tôi đến trường. Tâm trạng hồi hộp, bỡ ngỡ, lại vừa lo âu đủ thứ khi đến trước cổng trường. Tôi ngước nhìn mẹ và hỏi, “Con sẽ kết bạn mới làm sao hả mẹ”. Mẹ tôi âu yếm, vuốt tóc tôi mà trả lời câu hỏi tôi còn nhớ đến bây giờ, “Hãy là Thụy Sĩ” (“Be Switzerland” – thành ngữ chỉ sự ôn hòa, trung lập – ÐYT chú thích).  Tôi hiểu là mẹ tôi đã dạy rằng hãy làm bạn với mọi người, đối xử với mọi người công bằng và bình đẳng. Tôi đã mang câu nói của mẹ suốt thời học sinh, sinh viên của mình. Rồi đến ngày đầu tiên nhận nhiệm sở, chuẩn bị bước vào một môi trường mới hoàn toàn khác biệt, tôi đã hít một hơi thở thật dài và nhủ thầm trong đầu, “Hãy là Thụy Sĩ” trước khi kéo cửa bước vào hãng – AW

Báu vật của mẹ

Wendy Pat, MN

Ðến một ngày tôi biết việc gì đến sẽ đến. Tôi biết và hiểu rằng nó đang đến từng ngày, từng giờ nhưng vẫn cố tình né tránh, chẳng nghĩ đến hay chẳng muốn nghĩ đến cho dù đó cũng là điều tự nhiên với bất cứ ai. Ðó là ngày mẹ tôi bắt đầu yếu và lẫn đi nhiều. Có là bao nhiêu tuổi, tôi vẫn cứ thầm mong mẹ sẽ mãi còn mạnh khoẻ, sẽ luôn là mẹ như từ bấy lâu nay. Tôi bắt đầu xem xét giấy tờ, coi lại những thứ mẹ tôi cất trong tủ, chuẩn bị hậu sự. Trong cái ngăn tủ ngay đầu giường mẹ tôi nằm là một hộp nhỏ chứa vài món đồ kỷ niệm của bà. Ðiều bất ngờ làm tôi xúc động đến chảy nước mắt là, những bài thơ nho nhỏ tôi viết cho mẹ từ hơn 50 năm trước được bà xếp cất ngay ngắn trong chiếc hộp. Tôi đọc lại những bài thơ, câu viết vụng dại, non nớt của mình mà thấy thương mẹ vô hạn. Bà nâng niu, cất giữ chúng như báu vật trong suốt vài chục năm qua. Có phải những đứa con là báu vật của những người mẹ, phải không mẹ ơi? – WP

Sự độc lập

Sonna Lawrence, OK

Từ nhỏ mẹ tôi đã tập cho tôi tính độc lập. Bà bắt tôi phải tự mình làm điều này, điều nọ, những điều mà có những người mẹ khác làm cho con mình. Thật tình lúc đầu tôi cũng không thích lắm vì chỉ muốn mẹ làm hết cho mình mọi chuyện, nhưng rồi tôi bỗng quen với việc tự mình xoay trở lúc nào không hay. Ðến trưởng thành tôi mới thấy mẹ là đúng và cảm ơn mẹ nhiều về điều này. Bà làm điều đó không phải cho bà mà cho chính tôi. Tôi mạnh mẽ hơn, biết tự mình quyết định nhiều việc dù tôi vẫn biết rằng mẹ tôi luôn bên cạnh để sẵn sàng đưa ra những lời khuyên mỗi khi tôi cần, điều tôi vẫn thường làm. Những lời yêu thương của mẹ giúp tôi thêm cơ hội suy nghĩ và quyết định những chọn lựa của mình được đúng đắn hơn – SL
Óc hài hước
Robet Hynes, NY

Thú thật mẹ tôi là người có óc hài hước và bà đùa giỡn với mọi việc. Phải là một người mạnh mẽ, thông minh lắm mới làm được điều đó. Ngay từ nhỏ tôi đã còn nhớ rằng mẹ tôi hay bông đùa, làm mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn và không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ. Tôi còn nhớ khi trả bill mà mẹ tôi cũng cười. Tôi cứ hỏi, trả bill thì có gì vui thú mà cười? Khi nhìn những hàng chữ bà viết phần dưới của tấm chi phiếu trả bill, quả thật cũng mắc cười. Ví dụ trả bill điện, bà ghi thêm bên dưới hàng chữ “Cảm ơn đã thắp sáng đời tôi”. Trả tiền nhà thì bà viết, “Ðã trả thêm được bốn cục gạch vào căn nhà”.  Trả tiền điện thoại thì bà viết, “Dịch vụ rất tốt cho đến khi có người gọi đòi nợ”. Ðại loại là những câu dí dỏm như vậy.
Bây giờ khôn lớn tôi thấy quả thật là sự hài hước mà tôi học từ mẹ tôi là cần thiết. Nó giúp cho đời sống tôi được vui tươi, nhẹ nhàng đi rất nhiều, hóa giải được những việc tưởng đâu chừng ghê gớm. Nó cũng giúp tôi dễ dàng kết được bạn, hòa mình vào đám đông vì ai chẳng muốn mình có được sự vui vẻ và những nụ cười – RH

Lời mẹ dặn

Nhà thơ Phùng Quán, Việt Nam
                               ...
                                 Con ơi một người chân thật
                                 Thấy vui muốn cười cứ cười
                                 Thấy buồn muốn khóc là khóc.
                                 Yêu ai cứ bảo là yêu
                                 Ghét ai cứ bảo là ghét
                                 Dù ai ngon ngọt nuông chiều
                                 Cũng không nói yêu thành ghét.
                                 Dù ai cầm dao doạ giết
                                 Cũng không nói ghét thành yêu.
                                  ...

Nguồn: Parents Magazine
ĐYT chọn và dịch

__________________________

No comments:

Post a Comment