Friday, December 17, 2021

Có Ai Còn Nhớ Hàng Rào Ẩp Chiến Lược

 Nguyễn Đình Tính

 


 

Vừa rồi tình cờ biết được ở quận Bình Tân có con đường tên là Ấp Chiến Lược. Thành phố có các tên đường như đường Đồng Khởi, Nam Kì Khởi Nghĩa là bình thường; nhưng sao lại có đường Ấp Chiến Lược thì tôi chưa biết. Vì đó là tên một quốc sách thời Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Những người U60 thì chắc là không biết đến ÂCL, hoặc có nghe nhưng không biết nó là gì. Còn đối với tôi thì tuy lúc có quốc sách ÂCL tôi còn nhỏ nhưng vẫn còn nhớ nhiều.
Nói đến từ ÂCL thì nó gắn liền với một số thứ như trụ sắt ÂCL, radio ÂCL, … . Mấy thứ này là hình thành từ chính sách ÂCL. Như trụ sắt ÂCL là lọai trụ sắt dùng để làm hàng rào dây kẽm gai, mặt cắt của nó có hình lòng máng; nhưng hồi đó cha tôi mua về nối lại để làm đòn tay lợp tôn mái nhà, rẻ hơn mua đòn tay gỗ rất nhiều (vì thường là hàng ăn cắp đem ra bán). Còn cái radio (đài bán dẫn) ÂCL chỉ có một băng tần sóng trung, trang bị cho cán bộ ÂCL. Nó là hàng viện trợ của Mỹ, có gắn cái huy hiệu hình 2 bàn tay nắm chặt nhau; nhà tôi cũng có mua 1 cái.



Nhưng có một thứ to lớn hơn, có tính chiến lược là hàng rào ÂCL.
Để thực hiện mục tiêu ÂCL thì chính quyền ông Diệm cho làm hàng rào dọc theo ranh giới các xóm làng, nhằm ngăn chặn “VC nằm vùng” ban đêm không đi lại và hoạt động được. Có nơi làm hàng rào bằng tre hoặc dây kẽm gai, nhưng ở quê tôi thì làm bằng cây săng (?) chặt từ trên núi. Cây săng có đường kính chừng cổ chân người lớn, dài khoảng 3-4 mét, chặt xong đem về chất rải rác trong xóm. Nhiều cây còn nguyên dây leo quấn quanh thân. Chất thành đống, trẻ con chúng tôi trèo lên kê mũi hít cái mùi thơm là lạ của cây rừng. Ngay lúc viết mấy dòng này tôi vẫn còn tưởng tượng ra cái mùi thơm đó.
Người ta dựng hàng rào theo cách ghép các thân cây theo hình chữ X, sau khi đã vót nhọn đầu. Chỗ giao nhau thì gác lên đó một cây nằm ngang rồi dùng dây mây buộc chặt. Cứ 1 mét dài hàng rào phải cần đến khoảng chục cây săng, mà một thôn (ấp) có mấy cây số hàng rào thì số lượng cây cũng nhiều ghê lắm.
Hàng rào đựơc dựng theo ranh giới giữa 2 thôn hoặc 2 xóm. Khi ranh giới là một con sông hay con mương thì phải chọn một bên chứ không làm hàng rào ngay giữa sông được. Như cái ranh giới giữa ấp Biểu Chánh của tôi và ấp Quảng Nghiệp kề bên là con sông Biểu Chánh thì chọn bờ sông phía bên ấp tôi làm hàng rào. Tôi cảm thấy thiệt thòi cho bên ấp tôi vì trâu bò bên tôi không xuống tắm và uống nước được, nhưng má tôi nói thì bù lại ấp mình được lợi phía bên sông Gò Chàm (giáp ấp Tân Long ở phía bắc), trâu bò xóm mình tới đó tuy phải đi xa một chút.
Hàng rào làm xong thì chính quyền chia ra từng đoạn, giao cho các gia đình để trông coi. Người ta treo lên hàng rào những tấm biển nhỏ ghi tên gia trưởng. Bọn trẻ chúng tôi chạy đi tìm đoạn hàng rào nhà mình, khi đã tìm ra thì óc tư hữu bản năng nổi lên, xem đó như của riêng mình. Chúng tôi cãi nhau cho rằng hàng rào nhà mình đẹp hơn chẳng hạn, thậm chí còn không cho đứa khác đựơc chạm vào hàng rào mình. Thỉnh thoảng tôi còn chạy từ nhà ra xem thử hàng rào mình có bị đứa nào xâm hại không!
Hàng rào ngăn giữa 2 ấp chạy đến chỗ có đường đi thì tại đây người ta làm một cái cổng như cổng chào nhưng đơn sơ. Phía trên cổng có 2 hàng chữ, ví dụ như cổng ở đầu cầu gần nhà tôi thì một bên ghi “Ấp chiến lược Biểu Chánh”, bên kia ghi “Ấp chiến lược Quảng Nghiệp”. Cổng cũng có 2 cánh cổng, buổi tối sẽ đóng lại. Gần cổng ngay ngả ba đường, có dựng một nhà sàn bằng tre lợp tranh, gọi là “nhà gồm”. Buổi tối, lính dân vệ nằm gác tại đây, còn ban ngày thì là chỗ cho chúng tôi chơi đùa.
Hàng rào ngăn giữa 2 xóm, xóm Trong và xóm Ngoài của ấp Biểu Chánh thì chạy dọc theo con mương và chạy ngang trường làng mà tôi học. Tại đây có một cái cổng đình bằng gạch đã bỏ hoang, người ta tựa vào đó để dựng một cái chòi cao. Buổi tối cũng sẽ có lính leo lên gác trên đó. Đứng ở nhà tôi có thể thấy họ hút thuốc, chốc chốc lại lóe ánh đỏ.
Tôi rất muốn được leo lên chòi nhưng lúc đó tôi còn nhỏ quá chưa thể leo lên được. Có những buổi chiều hè, tôi và anh tôi ra đó chơi, anh tôi leo lên dễ dàng. Anh đứng nhìn các hướng, lấy bàn tay khum khum che mắt cho khỏi chói rồi nói “A, tao thấy nhà chú Dư rồi” hoặc “A, tao thấy trường Thánh Giu Se của tao rồi” làm tôi đứng bên dưới rất náo nức. Sau này thì tôi mới biết đó chẳng qua là anh muốn chọc tôi chứ thực sự thì không thể nào thấy được.
Sau khi chính quyền Tổng thống Diệm bị lật đổ rồi thì chính sách ÂCL cũng tiêu vong. Cái hàng rào ÂCL dần hư hỏng mà không được quan tâm nữa. Ví dụ như hàng rào ngăn 2 xóm sát trường tôi, một bên thì cắm trên bờ mương, còn một bên thì cắm xuống mương; bên cắm xuống mương dần dần bị tróc gốc. Giờ ra chơi, học trò chúng tôi thường trèo lên, 2 tay nắm 2 cây bên nhánh cắm phía bờ mương, chân thì liên tục đạp vào nhánh bị tróc gốc để cho cây này đập lên xuống mặt nước văng tung tóe. Chúng tôi thi nhau vừa đạp vừa reo hò làm Thầy chúng tôi phải chạy ra la mắng mới thôi.
Đến một hôm, tôi nghe tiếng ồn ào ngoài xóm. Thì ra mọi người trong xóm kéo nhau ra phá hàng rào để lấy về làm củi. Chỉ trong vòng mấy giờ là không còn dấu vết cái hàng rào ÂCL nữa.
Không biết các bạn già của tôi có ai còn nhớ cái hàng rào này không?

Nguồn: fb Nguyễn Đình Tính
Tuyết Vân chuyển tiếp

__________________________________

No comments:

Post a Comment