Friday, June 30, 2023

Mùa hè, hoa phượng và gỏi gà

 Trần Hoàng Vy 


Mùa hè, nói chuyện hoa phượng có vẻ… “xưa rồi Diễm”, bởi lứa tuổi học trò của quê mình, từ hồi nẳm đã thuộc nằm lòng những câu hát: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” rồi “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng… Màu hoa phượng thắm như máu con tim…” trong bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” của cố nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác từ những năm 1963 của thế kỷ trước.

Không biết từ bao giờ, các trường học ở Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng, trong sân trường, hoặc trước sau, các lớp học đều có trồng những cây hoa phượng, vừa để lấy bóng mát, vừa như một… chứng nhân của các cô cậu học trò, với biết bao kỷ niệm của một thời “cắp sách đến trường”,  “ mài đũng quần trên ghế nhà trường”, đặc biệt là với lứa tuổi chớm lớn, vừa mới dậy thì, với biết bao mơ mộng…

Thuở ấy, miền Nam đang trong cuộc chiến tranh, sự ly biệt, chia lìa có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Nhất là mỗi khi tiếng ve bắt đầu dậy lên khúc ca “hè về, hè về” nức nở, rồi phượng hồng rực đỏ, “thắp lửa” sân trường. Ba tháng nghỉ hè, đăng đẳng chia xa, người đi về quê, tứ tán, có khi năm học tới không trở lại trường bởi bom đạn và khói lửa chiến tranh.

Mùa hè, hoa phượng bỗng trở thành đề tài thật buồn và cũng thật lãng mạn trong văn chương và nhạc, họa. Ghi dấu một thời kỷ niệm không thể nào quên… 

2.

Hoa phượng màu đỏ thắm, dĩ nhiên rồi. Cho dầu những năm gần đây, Ðà Lạt, xứ sở ngàn hoa đã có thêm phượng tím, thậm chí phượng trắng và cả phượng vàng! Song trong ký ức mỗi người, hoa phượng vẫn luôn là màu hoa đỏ, duy nhất trên mỗi đóa hoa đỏ thắm, có một cánh hoa lấm tấm màu trắng hoặc vàng. Cánh hoa duy nhất mà lứa tuổi thơ học trò, mỗi khi hái xuống, thường ngắt ra và đưa lên miệng… nhấm nháp cánh hoa, nghe mùi vị, nhân nhẩn lẫn chát chát, chua chua thích thú và thú vị, nhưng chỉ nhấm nháp vài cánh cho vui. Không ai… dám ăn hết hoa phượng, hay một lúc nhấm nhiều cánh hoa, cho dù có lúc đói, khát, hay thiếu thốn thức ăn?

Hoa phượng tàn, những trái phượng non, dài và dẹp bắt đầu nhú ra theo thời gian, xanh mướt mát, treo lủng lẳng trên cành, khi đã gần cuối hạ! Bọn nhóc học trò gọi đó là “kiếm phượng” và cũng thường hay hái trái làm kiếm, chơi trò chơi trận giả “đấu kiếm”, kiếm gãy, hay bị chẻ hai, sẽ tước ra, và lấy những hạt non xanh phía trong, chia nhau ăn… cho vui? Hạt có mùi hăng hắc, nhưng ngọt và bùi. Nghe “người lớn” nói, ăn nhiều có thể trị… giun, sán nhưng bị “say”? Nên cũng chẳng có đứa nào dám ăn nhiều để thử cảm giác bị say như thế nào. Trái khi già khô lại, lớp vỏ màu đen, vẫn có thể chẻ ra, lấy hạt, nấu như nấu các loại đậu, chín ăn dai dai, bùi bùi, nhưng trẻ con lúc ấy, nhất là các cô cậu “tuổi mới lớn” cũng rất ít khi ăn và không hiểu vì sao? Có lẽ sợ “say” hoa phượng, hạt phượng thì ít mà sợ… trúng độc “hoa tình” như trong truyện chưởng của Kim Dung, một loại truyện “kiếm hiệp kỳ tình” đang bán “đắt như tôm tươi” vào thời buổi bấy giờ chăng?

3.

Tuổi đời ngày càng thêm chồng chất, vì tự do và cuộc sống mà chân bôn tẩu khắp nơi, song kỷ niệm xưa vẫn luôn sống dậy trong tâm trí mỗi khi nghe có tiếng ve ran, hay nhìn hoa phượng nở đỏ ở đâu đó… Bất chợt một hôm trở về cố quận, buổi chiều bạn rủ ra quán ven sông đãi món “Nhộng ve lăn bột” mà… buồn quá đỗi! Bỗng thương tiếng ve, đang trổi lên rền rĩ trên tàn cây si cạnh quán. Từ những ấu trùng ve, đang còn là những con nhộng, chưa mọc đủ chân, cánh, đã bị đào lên từ lòng đất, đem tẩm một lớp bột và chiên giòn, làm món nhậu “độc” cho thực khách. Sợ một ngày nào đó, tiếng ve cũng sẽ không còn, thì còn gì ý nghĩa ý vị của mùa hè như câu thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ, mà lớp học trò chúng tôi ngày xưa còn nhớ mãi: “Lần đầu ta ghé môi hôn/ Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang…”

Rồi nhiều năm trôi qua, chỉ vừa mới đầu hè năm nay, trên các mạng xã hội và Tiktok lại nóng lên với chuyện… “Gỏi gà hoa phượng” trong các tiệm ăn từ bình dân đến sang trọng ở quê nhà. Nhắn tin hỏi cô bạn thân hồi nẳm, cô bạn hồn nhiên gửi cho mình một lúc vài ba tấm hình chụp những dĩa gỏi gà hoa phượng đỏ au, bắt mắt mà nhà hàng cô cũng mới vừa chế biến, cô còn… “hồ hởi” gửi luôn công thức làm một dĩa gỏi gà hoa phượng với lời nhắn: “Chuyển chị để làm cho ông anh ăn… cho đỡ nhớ quê hương nha nha?”.

Ngồi nhìn ảnh dĩa gỏi, lòng chợt ngổn ngang trăm mối? Nghe mắt cay, rưng rưng. Cổ họng nhân nhẩn, chát đắng mùi vị hoa phượng năm xưa… Thương và xót cho những cánh hoa phượng cũng đang bị… bóp trộn, xé tơi tả như những miếng thịt gà kia. Cái “độc lạ” của món ăn, từ suy nghĩ của con người nhiều khi cũng rất “quái lạ”? Chợt nhớ đã đọc đâu đó tác phẩm “Hoa phượng đừng đỏ nữa” của nhà văn Nhã Ca viết đâu ở nước ngoài từ những năm 1989, lại thêm bao nỗi nhớ…

Có một thời đói đến rã ruột, vàng mắt, phải ăn độn khoai, sắn, bo bo, nhưng không ai nghĩ đến bắt nhộng ve để ăn, và cũng không ai nỡ đi vặt từng cánh hoa được mệnh danh là “Hoa học trò” để ăn, vậy mà…

Trần Hoàng Vy 

___________________________________________________

No comments:

Post a Comment