Thursday, January 31, 2013

Tiếng Hô Bài Chòi Đêm Cuối Năm



                          Nguyễn Mỹ Nữ

Tôi v li xóm hi chiu. Mi hơn năm gi mà tri đã sm. Mùa đông mau ti lm. Ch tan. Người bưng, k gánh hp tp đi qua đường đt đ, qua cu r vào li nh đ ri mt hút vào trong nhng ngôi nhà.

Quê tôi tại đây nhưng tôi đâu có ở luôn. Chỉ một năm vài ba lần về, hồi giỗ chạp, hoặc khi có công chuyện gì đó. Nhưng tôi ưa nhất là được về trong những dịp tết và khoảng thời gian cuối năm. Tháng chạp nơi một cái vùng nửa quê, nửa chợ như nơi này có nhiều cái thương lắm và lạ lắm, quen lắm và cảm động lắm. Người dân quê tôi vốn chắc thiệt. Muốn “ăn” tết thì phải lo làm vì tiền đâu mà đi mua. Với lại, bột, đường, gạo, nếp, kiệu, gừng… nhà nào cũng có sẵn. Trồng được, chế biến được và từ đó mà có: thẩu kiệu mặn, chảo gừng rim, chục đòn bánh tét, mấy phong bánh đậu…

Bình thường ban đêm ở nhà quê hay đi ngủ sớm nhưng đêm tháng chạp mọi người đều thức, cả xóm đều thức. Thức để làm mứt, “dện” bánh, xay bột… Trong rất nhiều âm thanh của những đêm cuối năm, tôi thích nhất tiếng rang của bỏng. Bỏng là gọi theo người Bắc chứ người miền Trung của tôi thì kêu là nổ và nổ ở đây chính là nếp. Người ta rang nếp để đóng bánh khô. Chỉ với một chảo nếp rang mà tôi nghe được rất nhiều âm thanh. Tiếng đũa đảo qua đảo lại cứ xào xào, xào xào. Tiếng củi nổ lép bép, lép bép. Và thú vị nhất là tiếng lụp bụp, lụp bụp của những hạt nếp lúc đã rang tới. Những âm thanh khi thưa thớt, lúc liên hồi. Tôi quấn mền thật chặt, nằm thật im, lắng nghe. Rồi tiếng gió rít trên những lùm cây và cái lạnh căm căm khi giáp tết. Tất cả: những âm thanh, những tiếng động… thân quen, gần gũi ấy đã đưa tôi vào giấc ngủ say trong rất nhiều đêm tháng chạp, thuở còn ấu thơ và cho đến bây giờ.
Ngoài bánh nổ còn gọi là bánh khô, người dân quê tôi còn làm rất nhiều loại bánh khác như: bánh tổ, bánh đậu xanh, bánh rế, bánh hồng…Trong số ấy, đặc biệt nhất là bánh in được gói bằng giấy xanh, đỏ, tím, vàng và còn được gọi là bánh “táp lô” vì khuôn đóng bánh không khắc bất cứ một cái gì, chỉ trơ trụi là cái hình chữ nhật. Nguyên liệu cũng chỉ có bột nếp, đường, mè nhưng “dện” bánh phải thật chặt tay rồi sấy, phơi cho kỹ. Cái bánh ngó chắc nụi và cứng ngắt nên để được rất lâu, bởi đó đã có người nói dỡn là cắn bánh mẻ răng và liệng bánh bể đầu. Đây là loại bánh mà người dân quê tôi rất thích nên gia đình nào cũng lo “dện” thật nhiều. Cỡ rằm tháng chạp trở lên đi ngang qua khoảng sân của tất cả những ngôi nhà ở đây, tôi luôn có cảm giác dễ chịu, sung sướng khi bắt gặp những hàng bánh in đủ sắc màu được phơi rất thứ tự, ngay ngắn nằm khoe mình trong cái ấm áp của nắng xuân.

Chính vì rất thích cái không khí, hơi hướng, sự chộn rộn, trời đất ở quê vào những ngày cận tết nên tôi hay có cái lệ về sớm, để được hưởng nhận cho bằng hết những gì mà quê nhà đã đem đến, đã ban cho. Trong đó không thể không kể đến sự đón chào, ngóng đợi của tôi đối với những tiếng hô bài chòi của một người đàn ông ở chợ Tân Thành vào giữa đêm giao thừa. Những tiếng hô bài chòi mà chỉ cần nhớ đến cả người tôi đã bắt nổi da gà. Tôi biết người đàn ông hô bài chòi ấy vì nhà ông Năm Đống ở sát bên nhà nội của tôi ở dưới Cửu Lợi. Dù ở cạnh nhau nhưng hoàn cảnh của hai nhà thì rất là khác biệt. Nhà nội tôi bề thế, khá giả chừng nào thì nhà ông Năm lại nghèo khó, túng bấn chừng đấy. Nội cái nhà trường mà ông tôi cất cho ba có chỗ đàn đúm bạn bè, đàn ca tài tử chơi cũng lớn gấp mấy lần căn nhà của gia đình ông Năm Đống, vậy mà phải nhét đến bẩy, tám con người ta gồm mẹ ông, vợ chồng ông và năm đứa con lít nhít. Má tôi vốn tính hay thương người thấy vậy đâu có đành lòng nên cứ lén đút qua hàng rào hồi tộ bánh canh, hồi đĩa bánh xèo vỏ, hồi soong cháo. Hiểu ý nhau rồi nên chỉ cần nghe má tôi “ới” lên một tiếng là mấy đứa nhỏ bên đó đã lật đật chạy ra và bưng đồ vô nhà. Hồi rảnh thấy bà cũng có bện xơ dừa chút đỉnh, còn ông Năm Đống thì làm đủ chuyện và chuyện nào làm cũng giỏi. Ông leo dừa thoăn thoắt và hái dừa cũng thiệt lanh. Ông đi biển cũng được vì đã quen với sóng nước đâu từ hồi nhỏ. Thôi thì mùa nào cá nấy, không sót một loại nào: cá hố, cá ngừ, cá sơn thóc, cá hồng, cá bè, cá thu… Cá thu thì có thu ảu, thu ngừ, thu bông… Ông nội tôi ưa ăn cháo cá rựa và má tôi làm món này rất khéo. Má bằm thật nhuyễn con cá kể cả xương, ướp gia vị rồi tao sơ, chế nước và bỏ nắm gạo, chừng cháo chín nêm nếm xong má còn khử dầu phộng thơm lựng và phi hành vàng rộm chế lên mặt nên ngó hấp dẫn lắm. Khi ăn rắc thêm một chút tiêu cho nó cay cay mới đã cái miệng. Bà nội tôi lại ưa cá ngừ nấu ngọt ăn bún tươi. Cũng nấu kiểu quê tôi nghĩa là bắc soong nước nấu cho thiệt sôi mới bỏ cá vô, vớt bọt hạ lửa không quên thả mấy trái ớt bự đỏ xoe chừng ăn mới dầm. Nước được nêm muối chứ không nêm mắm, sợ chua và phải ăn nóng. Chan nước vô chén bún, vừa lua đều đầu đũa, vừa vẻ từng miếng cá ngừ chấm với nước mắm nhỉ nguyên chất. Ngon thiệt là ngon! Cái ngọt lừ của nước và cái thơm béo của cá cứ nằm mãi trên đầu lưỡi, kẻ răng không tan đâu cho được.

Hình ảnh ông Năm Đống đối với tôi, hồi đó có rất nhiều và đậm nét. Mỗi lần nhớ và nghĩ đến ông là tôi hình dung ra ngay một người đàn ông cao lỏng khỏng, cái đầu cạo trọc lóc nhưng lại để râu ria xồm xoàm. Ngó bắt ghê! Tụi nhỏ như tôi hồi đó đâu có đứa nào ưa ông nếu không muốn nói là sợ, vậy mà ông nội tôi hết mực thương quí ông. Trúng nhà tôi đâu còn ai. Cô, chú tôi tập kết ra bắc. Nhà chỉ có cô út, còn nhỏ nên đâu biết gì. Ba tôi lại mất sớm, khi má tôi hãy còn nằm cữ và tôi mới được đúng một tháng tròn. Nên mọi công chuyện đều phải cậy nhờ tới ông Năm Đống. Làm cái gì nội tôi cũng biểu, sai ông. Tôi lớn dần lên với sự hiện diện thường xuyên của một người đàn ông rất là dị hợm ở ngay trong ngôi nhà của mình. Một con người mà không có cách gì tôi ưa cho nổi. Hồi đó tôi cũng thuộc loại “ngon lành” ở quê chứ đâu phải là thường. Với người ngoài tôi là cháu đích tôn của một dòng họ danh giá, còn với trong nhà tôi là “hủ mắm treo đầu giàn” của ông bà nội, má và cô út. Ai cũng tìm cách gây cảm tình với tôi, lấy lòng tôi ngoại trừ ông Năm Đống. Bởi vậy ông ở nhà trên, tôi ở nhà dưới, ông Năm đứng ngoài ngõ tôi lại ở trong vườn…Và cái kiểu đó thiệt không khác gì như trốn tìm, đuổi bắt nhau vậy. Thấy ớn sao đâu!

Giao cho ông Năm coi khu vườn mộ của gia đình tôi đầu năm trước thì năm sau ông nội tôi mất. Tôi còn nhớ đám tang của ông nội tôi lớn lắm. Nhà đông nghịt người. Có rất nhiều người bà con tới giúp đâu cần gì ông Năm vậy mà ông như ra vẻ ta đây, đi đứng “đình huỳnh” lắm. Chỉ có cái bộ lầm lì thì vẫn như hồi giờ, khiến tôi đã bất mãn sẵn lại thêm phần bất mãn hơn nhưng phải công nhận ông đã giúp cho má và cô út tôi rất nhiều công chuyện trong nhà. Có ông khu vườn mộ được coi ngó thiệt là kỹ lưỡng. Lũ chăn bò hết dám vô phá và nói gì tụi nó, ngay cả lũ học trò tụi tôi cũng sợ ông đến tái cả mặt. Ông luôn có mặt ở khu vườn mộ chỉ trừ mấy bữa đi biển. Mấy bữa đó ông giao cho con trai là anh Đấu. Trúng anh Đấu làm biếng sao mà làm biếng, cứ chui vô cái chòi nhỏ được cất ở cuối khuôn đất, ngủ khì mặc sức cho tụi tôi “hát bộ”. Có một lần tôi đi theo đám bạn cùng lớp vô khu vườn mộ, hái chuối mới chín hườm hườm ăn chơi. Ăn xong không hiểu sao mấy đứa đều nổi đau bụng dữ quá và rủ ra một chỗ khuất, tụt quần… Không may ông Năm Đống phát hiện ra chuối bị bẻ, xách cây roi đi lùng và bắt gặp. Thấy ông tụi tôi sợ quá. Chết cha một cái tội phá cây trái đã tày đình, lại thêm cái tội “ị giấc” vầy có nước mà chết với lão Năm Đống. Ngó cái roi của lão mới ớn mình, ớn mẩy làm sao và có lẽ quá khiếp nên phân không cách gì ra được mà nước tiểu lại ra. Tụi tôi không sao nín nổi nên đành phải…tè. Ông cúi người, chò hỏ săm soi cái mông của từng đứa một, hết nhìn phía trước lại nhìn phía sau và ngặt ngẽo cười: “Lũ bay…đái hé! Tao tưởng bay ỉa tao quánh óc”.
Bộ dạng của ông khi đó thiệt tụi tôi đã “tè” hết nước chứ nếu còn, chắc… và mãi về sau này, nhớ lại tôi vẫn còn phải tủm tỉm cười, khi có một mình, còn với số đông thì bật lên những trận cười sảng khoái, khi nghe tôi kể lại. Đó cũng là lần duy nhất tôi được nhìn thấy ông Năm Đống cười. Sợ là vậy mà tôi vẫn rất ngạc nhiên vì không ngờ ông cười rất là đẹp và có duyên, coi bộ đâu có hung lắm, ngó hiền hiền mà cách cũng dễ gần thôi. Từ bữa đó trở đi, tôi có hơi ưa ông Năm Đống. Thấy ông tôi đã không còn quỵt cái mặt, lít lít bỏ đi như trước đây nữa và có đôi lúc còn dòm chừng coi ông làm cái gì và chăm bẵm dõi theo một cách thích thú. Bữa chiều nếu không mắc công chuyện, sau khi ăn cơm xong, tôi thường thấy ông bận bộ bà ba đen ra ngồi chồm hổm ở ngoài hiên nhà mình, dòm sững về phía trước như ở đó có một cái gì hay lắm vậy, vì miệng ông khi ấy há ra, hàm râu rậm thì động đậy liên hồi mà hai bàn tay thì vặn vẹo, bức rức không yên. Đó cũng là khoảng thời gian tôi sợ nhất trong ngày vì theo lệnh của cô út, tôi phải lên gian nhà trên vô gian thờ thắp nhang. Chạng vạng. Không khí ở đó thâm u, mờ tối và lành lạnh làm sống lưng tôi nổi hết gai ốc, bởi đó bữa nào cũng vậy tôi ráng bậm gan làm cho xong rồi ù té chạy. Nếu như đó là thứ công chuyện mà tôi ghét nhất thì việc theo má đi coi hái dừa để xin những trái dừa rớt xuống bị nứt, bể ra chia cho đám bạn và trông tới đám giỗ, canh ông Năm Đống mổ heo xong, cho cái bong bóng heo thổi chơi lại là mấy chuyện tôi ưng nhất trên đời. Cũng may một tháng tôi có đủ ba mươi cái chạng vạng phải lên gian thờ thắp nhang thì nhà nội tôi cũng có được một, hai cái đám giỗ và dừa của gia đình tôi thì có mà bạt ngàn.

Chiến tranh ào tới vùng quê yên tĩnh và thanh bình của tôi, bắt đầu bằng những tiếng súng nổ thưa thớt ở cả hai bên, rồi ngày một dày đặc hơn. Ở ngoài đường lộ đã có bóng dáng lính Cộng hòa vào ban ngày, còn ở trong thôn xóm đã xuất hiện du kích vào ban đêm. Má xin phép bà nội đưa tôi về phía ngoại ở Qui Nhơn để tránh đạn, bom. Bà nội tôi hoảng hốt. Cô tôi thì giận dữ. Năm đó tôi đã mười hai tuổi, đã kịp hiểu ra những gì cần phải hiểu nhưng tính tình thì rất khác mấy đứa trong xóm hay cùng trường. Tôi rất thương nội, má và cô út nhưng không biết vồ vập ồn ào, cũng không biết âm thầm thủ thỉ. Tôi thấy khó nói ra cho người khác hiểu cái ý của mình nên nín làm thinh cho rồi và càng ngày nín làm thinh càng nhiều hơn. Trong nhà không ai hỏi tôi lấy một tiếng là tôi muốn đi hay ở lại và thích được ở với ai để tôi có thể trả lời. Chỉ thấy mọi người đều khóc. Má tôi vốn rất mềm yếu nên khóc nhiều nhất và khóc không cần dấu giếm. Bà nội của tôi thì khóc lặng lẽ hơn. Còn cô tôi vốn tính “bổng chảng” nên khóc ào ào. Chỉ có tôi là không làm sao khóc được. Tôi cũng chẳng hiểu được vì sao.

Sự việc trong gia đình tôi dằng dài như thế thêm một thời gian ngắn nữa thì một sáng ngủ dậy, ngó sang bên cạnh chỗ má nằm thấy trống không.Tôi chợt hiểu ngay và vùng dậy, băng qua ngõ, chạy ào qua mấy cánh đồng và hướng về phía cổng ga xe lửa ở chợ Tam Quan. Nơi tôi vẫn thấy người ta đón xe đi ra Quãng Ngãi hay vô Qui Nhơn, mỗi lần được má hay cô út chở ra quốc lộ. Ra đến nơi, tôi ngồi phịch xuống hè đường và lơ láo ngó xe chạy ra rồi chạy vô được một đổi thì thấy cô tôi hớt hải đi kiếm, gặp được và dẫn tôi về. Suốt con đường trở lại nhà nội cô tôi khóc dấm dứt, còn tôi thì làm thinh. Chiều đó. Một mình tôi ra khu vườn mộ và thấy ông Năm Đống đang ở mộ của ba. Cái đầu trọc lóc của ông sao cứ gục xuống tấm bia? Khi tôi đến sát gần, nghe động, ông nghếch mặt lên và tôi thấy trên đó là đầm đìa nước mắt. Chiều đó. Tôi ngồi miết ở mộ ba rồi qua mộ ông nội ngồi tiếp nhưng không hề khóc. Cứ ngồi im như vậy rất lâu mà trong nhà cũng không có ai đi kiếm nhưng tôi biết có một người luôn trông chừng tôi. Những chiều sau. Tôi không ra khu vườn mộ nữa. Đi học về tôi xuống phía sau nhà, đứng lì bên cạnh chuồng heo và ngóng về hướng Qui Nhơn. Rồi một chiều có một người đặt tay lên vai tôi, bóp khẽ và nói bằng cái giọng cụt ngủn, khàn khàn, đứt quãng: “Thôi, vô nhà đi con. Vô ăn cơm kẻo nội và cô mày trông”. Đó là lần đầu sau bao nhiêu năm sống gần ông Năm Đống, tôi được nghe một câu nói nhẹ nhàng nhất của ông và câu nói ấy đã khiến tôi bật lên tiếng khóc nức nở. Đó cũng là chạng vạng lần thứ nhất tôi lên nhà trên vô gian thờ thắp nhang mà không hề thấy run sợ một chút nào nhưng thật đau buồn, tôi đâu còn được những chạng vạng như vậy nữa trong cuộc đời của mình, vì sau đó không bao lâu, quê tôi chìm ngập trong đạn, bom khói lửa. Cô út đành đưa nội và tôi rời Cửu Lợi, vội vã đến mức không gặp được ông Năm Đống để từ giã lấy một câu.

Sau 1975 tôi về Tam Quan ngay nhưng phải đến năm 1986 tôi mới được ăn tết ở đây. Đó là cái tết đầu tiên đánh dấu cho cuộc sống bình yên của tôi, sau cả một quãng đời lao đao với quá nhiều khốc liệt, kể từ lúc bỏ Cửu Lợi mà đi. Ngày ấy tôi là một thằng nhỏ nhà quê ưa nín làm thinh và không sao giống được những đứa bạn cùng lớp, cùng thôn xóm với mình thì năm, bảy năm sau, mười, mười hai năm sau tôi cũng thế. Có khác chăng là thằng nhỏ đó đã lớn hơn. Lớn hơn với sự cô đơn sâu và rộng hơn, nỗi trầm tư dày hơn và lạ hơn cùng bước song hành với những hư hỏng dữ dội, những hoang đàng kinh khủng. Tôi đã trả giá đắt quá cho những trải nghiệm đắng cay, những cuồng ngông chát chua và những mê đắm chết người bằng cả một phần đời đáng ra là tươi đẹp nhất của mình nên ngậm ngùi xiết bao khi về lại Tam Quan, vào những ngày cuối cùng của tháng chạp, khi mà nhà cửa, vườn tược của gia đình tôi dưới Cửu Lợi đã bị tàn phá tan hoang và phải đón năm mới ở Tân Thành. Một ngôi nhà mà gia đình cô tôi đã mua lại ở gần cầu, đường cái và chợ.

Đêm cuối năm ở quê nhà xao xuyến quá! Tôi không sao chợp mắt được dù lúc chiều có uống mấy ly rượu trong mâm cúng rước với ông dượng. Thường ngày uống sần sần tôi rất dễ ngủ và tôi luôn cho rằng không có cái sướng nào bằng cái sướng được đánh thẳng một giấc không biết trời trăng là gì cả khi đã ngà ngà say. Thế mà đêm cuối năm đó, cái trạng thái ấy cũng có và sự mất ngủ cũng có luôn. Trằn trọc, thao thức mãi trên giường, tôi lắng nghe thật rõ tất cả những âm thanh ở chung quanh mình: tiếng võng đưa kĩu kịt từ một ngôi nhà hàng xóm, tiếng chó sủa, tiếng ai mớ mê sảng trong đêm, tiếng một cành cây dòn khô, khẽ gãy. Đêm ba mươi ở đây mọi người đều ở hết trong nhà và phải tới gần nửa đêm tất cả các ngôi nhà mới mở rộng cửa để sửa soạn cúng giao thừa, bởi đó bầu không khí bên ngoài hết sức yên ắng. Và bỗng nhiên trong cái tĩnh lặng ấy có tiếng hô bài chòi, nhừa nhựa khàn khàn, giọng hô đích thực là của một người đàn ông, có những chữ bị nuốt, tiếng không thoát ra được, cứ như nghẹn. Tôi lắng nghe thêm và nhận ra tiếng hô bài chòi đó phát xuất từ phía chợ. Tôi không thích bài chòi dù là dân ở đây nhưng giữa cái không khí u trầm, sâu lắng của một đêm cuối năm, giữa giấc ngủ không sao tới được, giữa những trăn trở ngổn ngang, giữa khi giờ giao thừa cận kề tiếng hô bài chòi như thể đánh thức tất cả các giác quan có ở trong con người tôi. Và thật mãnh liệt, như có một ma lực nào đó, khiến tôi tung mền ngồi dậy mở cửa bước ra ngoài. Cái lạnh dữ dội ập đến làm tôi phải cúi gập người xuống một lát mới tiếp tục đi được. Tôi lần theo tiếng hô bước dần ra phía chợ. Đứng tần ngần rất lâu ở cổng rồi nghĩ sao tôi lại quay đi. Suốt chặng về tiếng hô bài chòi cứ đuổi theo, bám riết lấy khiến toàn thân tôi gờn gợn cái cảm giác nhột nhạt, bức bối, khó chịu đến vô cùng. Không đừng được tôi trở ra chợ một lần nữa và quyết tìm cho ra người hô bài chòi. Không hiểu người đàn ông ấy đang ngồi, nằm ở đâu, trong cả khu chợ tối tăm và ẩm thấp này. Tôi lần mò qua từng sạp hàng, lều quán, chân, tay, trán và mình va đạp lên hết cái này đến cái khác. Không sao tìm ra!!! Đến là quỉ quái thật. Ở bên ngoài tiếng hô theo gió vang xa nghe to hơn ở ngay trong chợ, nghe cứ âm âm nên rờn rợn, đảo chao. Tiếng hô bài chòi như sóng đánh dập dềnh lên tâm hồn làm cho tôi bước đi ngả nghiêng, chới với. Đi không vững đã đành mà đứng ngồi lại cũng vẫn thấy lắc lư. Những tiếng hô như thả lơi, như níu giữ. Lúc nghe thật xa đâu như không phải trong chợ mà có khi như sát ngay bên giơ tay ra là nắm được. Lần quần miết không thấy gì tôi đành rời chợ với cái mệt rũ, nỗi buồn và sự thất vọng…Tôi châm thêm một điếu thuốc nữa rồi trở về nhưng khi đi qua nhà, tôi không muốn vào mà đi luôn ra cây cầu gần đó và đứng lại dòm xuống mặt nước đen ngòm bên dưới. Cái lạnh cộng với sương đêm và những làn hơi nước từ dưới sông phả lên thấm hết vào trong người, buốt căm. Đã vậy, gió lớn quá, ở tứ phía thổi lên tôi tới tấp. Từ một chỗ đứng trên cầu, tôi dõi mắt hướng về phía chợ, về tiếng hô bài chòi vẫn đang cất lên trong đêm, rười rượi và thảm thiết.

Năm đó, năm 1986. Tôi đã đón giờ phút linh thiêng nhất của một năm không phải ở nhà với cô dượng và các em tôi mà ở trên cầu Tân Mỹ một mình. Có một điều lạ là sau mười hai giờ đêm, tiếng hô bài chòi thật não nề và oái oăm đó bỗng nín bặt một cách khó hiểu và lạnh lùng. Sớm mùng một Tết, ngồi chụm lửa với cô nơi gian bếp nhỏ, tôi hỏi về người đàn ông hô bài chòi ở chợ đêm hồi hôm. Cô lặng im rất lâu, thở dài rồi mới đủng đỉnh kể. Thì ra là ông Năm Đống! Mấy năm chiến tranh ác liệt, ông và gia đình quyết bám trụ ở quê không chịu tản cư lên trên Hoài Sơn, Hoài Châu mà cũng không vô Bình Định, Qui Nhơn, dù cả thôn Cửu Lợi đã bỏ đi hết. Mẹ, vợ và năm đứa con của ông đã chết trong một trận càn. Ông may mắn sống sót nhưng lại hóa điên. Sau đó không thấy ông về Tam Quan, ngoại trừ đêm ba mươi, mà cũng không ghé tới đâu dù ở đây họ hàng, bà con của ông cũng còn nhiều. Chỉ nép mình trong chợ và hô bài chòi khan khan. Qua nửa đêm là đi.



Tôi ngồi nghe mà chết điếng, cô tôi cũng buồn thiu. Có ý nghĩ như tiếng hô bài chòi của ông Năm Đống từ hồi hôm hãy còn vương lại cho mãi cho tới sáng này. Từ một đêm cuối cùng của năm cũ vẫn còn vọng âm qua tận buổi sáng đầu tiên của năm mới và để lại trong tâm hồn của cô cháu tôi bao nỗi niềm ẩn trắc. Một người cùng quê. Một người láng giềng. Những câu bài chòi. Một khu chợ và một đêm ba mươi. Cái lạnh giá và những kỷ niệm về người đàn ông đó… Cả một vùng ký ức quay về nơi tâm hồn tôi, từ một giọng hô bài chòi nhừa nhựa, khàn khàn. Và bởi tất cả những điều đó, tôi đã trải qua một cái tết hết sức ngẩn ngơ và ngậm ngùi. Rất may rồi cảm giác ấy cũng qua đi như ý muốn tìm cho ra ông Năm Đống cũng đã không còn, dẫu tôi vẫn về Tam Quan ăn tết. Vẫn có những đêm cuối năm lạnh cóng, đứng lóng ngóng trước khu chợ lô xô hàng quán và lều sạp. Lô xô gió và bóng đêm. Lô xô tiếng hô bài chòi và hoài niệm…Những tháng chạp của năm 87, 88, 89… rồi đến 98 tôi đều có mặt ở quê. Tôi về bằng xe Honda nên nổ máy ồn ào trên quốc lộ và nổ to hơn khi rẽ qua con đường đất đỏ để dừng lại ở một ngôi nhà gần cầu. Có một người đàn ông cũng về quê nhưng không ầm ĩ như tôi. Rất lặng lẽ kín thầm và nép ở đâu đó trong khu chợ tồi tàn và tối tăm nhưng những tiếng hô bài chòi đêm cuối năm của ông thì làm chuyển động tâm hồn của tất cả mọi người. Cái rưng rức sao mà trĩu nặng đến thế, ám ảnh đến thế… Còn với riêng tôi, vẫn là nỗi bàng hoàng y hệt như lần đầu được nghe.

Cô tôi đã mất. Tôi có những đêm ba mươi đứng ở cầu Tân Mỹ, một mình, dõi mắt nhìn về Cửu Lợi, về nhà nội và khu vườn mộ mà nước mắt ứa ra. Trong cái lạnh căm của thời tiết. Cái lồng lộng của những luồng gió từ dưới sông phả tới. Tiếng hô bài chòi của người đàn ông ấy vẫn vẳng đến tận chỗ tôi đứng, lẻ loi. Tôi nhận ra mỗi năm giọng hô của ông Năm Đống một yếu hơn, hụt hơn hay bị đứt hơi, tắt nghẽn giữa chừng và trái tim tôi như bị ai bóp chặt, nhói đau khi hình dung đến một đêm ba mươi nào đó. Tiếng hô bài chòi ấy bỗng nhiên nín bặt.
                                    
Nguyễn Mỹ Nữ  __________________________________
_________________________________________________

No comments:

Post a Comment