Thursday, January 17, 2013

Vòng cước - vòng đời


Nguyễn Mỹ Nữ

 
( Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần )

Ba má của bạn tôi có nghề quay cước và các cụ theo đuổi công việc này gần 40 năm nay. Nhà bạn ngày đó ở ven đô và sát biển với chòm xóm xúm xít vây quanh là dân bám sóng nước, ghe lưới, khơi xa. Chính bởi đó mà nghề này rất thuận lợi và phát triển. Nhiều năm về trước vào những chiều hè khi sự oi bức, nắng nôi của phố phường khiến nhoài mệt, tôi hay đạp xe về nhà bạn chơi. Biển ngắt xanh ngay phía sau nhà với gió lồng lộng, miên man, bãi cát chạy dài hút mắt và sạch sẽ vô cùng.

 
Thời tiết đẹp, ba má bạn đem dàn đồ quay cước ra hè sau làm việc. Hình ảnh một cặp vợ chồng qua tuổi trung niên, ông đã hói đầu và mái tóc bà nhuốm nhiều sợi bạc, thư thả bên guồng cước quay rin rít, trong những câu chuyện trao đổi nhỏ nhẹ, tiếng cười khe khẽ, cho tôi có cảm giác biển thật bình yên và cuộc đời phẳng nhẹ đến nao lòng.

Tôi còn đến đó trong những hôm mùa đông, đứng trước biển, lạnh run bởi bốn bề khắp phía gió tấp tới. Cảm nhận rất rõ mình nhỏ bé trước một biển như thế, tiết trời như thế nhưng thật hạnh phúc. Vì được thỏa thuê ngắm sóng hung dữ đập bờ và cát, hút hết hồn vía. Cát lùa vào nhau, níu lấy nhau, từng dãy từng chùm chạy lô xô, rượt đuổi nháo nhào mỗi khi có luồng gió mạnh tạt tới. Cảnh tượng đẹp khiến mình không cách gì nhấc chân ra khỏi bãi. Tôi cứ chôn chân mãi cho đến khi cả người tê cóng mới chịu quay vào.

Gió thông thốc theo bước chân chạy lấp vấp. Gió giật tung tàu dừa, bần bật mái tôn chái bếp nhưng chân vừa chạm đến thềm sau của nhà là một cảm giác hết sức an bình. Vì đã nghe được tiếng guồng cước quay và biết ông bà đang làm việc bên nhau. Họ vẫn như thế mà... Hằng bao nhiêu năm, cả mấy chục năm, kể từ sau ngày giải phóng. Khi ông rời bỏ đời công chức và bà thôi thư thả với chức danh nội trợ của mình để cùng nhau lao vào việc kiếm tiền hầu có thể duy trì cuộc sống no đủ cho gia đình.

Họ đã đến với những sợi cước và guồng quay như thế! Trong muôn vàn sự lựa chọn của chuyện mưu sinh, họ đã chọn một công việc phù hợp với nơi mình ở, với nếp nhà lâu nay và với chút hạnh phúc lứa đôi mà họ vẫn có. Các cụ khiến tôi nhận ra những giá trị vô biên ở cuộc đời này trong sự trân trọng tổ ấm gia đình, trong cách kiếm tiền... Ngoài hai anh chị lớn nhất nhà đã tốt nghiệp đại học từ trước năm 1975, cô bạn tôi và các em, các cháu của mình đã được học hành tử tế, có công việc làm đàng hoàng từ chính những đồng bạc kiếm được một cách lương thiện như vậy đó!

Tôi thêm kính trọng hai bác ở cái cách họ nương nhẹ vào đời nhau, ở sự tha thiết được gắn bó với nhau, mỗi ngày, trong sự cần mẫn và lao nhọc. Quay cước đâu có nhẹ nhàng dù cũng chẳng có gì là nặng nhọc. Chân tê, tay mỏi, lưng đau và mắt nhức là chuyện đương nhiên. Dẫu là vậy hay có thể hơn thế nữa, tôi vẫn nhận ra sự hài lòng của cả hai với công việc mình theo đuổi.

Sau này, gia đình bạn đổi chỗ ở vì khu vực ấy bị giải phóng mặt bằng. Hai bác vẫn không bỏ nghề dù chẳng còn sống ở một nơi sát biển. Cứ bình tâm bên nhau và cặm cụi làm việc, mặc cho tuổi cao sức yếu và con cháu trong nhà không ít lần đề nghị các cụ nghỉ ngơi. Chẳng sao đâu mà... Làm cho vui và nhặt nhạnh thêm được đồng nào cũng tốt. Nào có hề gì! Khỏe làm nhiều. Mệt làm ít. Như cước có những khi bị rối, có hồi không được xếp đều. Như guồng có khi bất chợt dừng quay hoặc bị vấp lỗi.

Cứ thế! Chẳng bao lăm tuổi bảy mươi của các cụ rồi cũng đi qua. Và tám mươi vội đến. Mừng, vì cả hai vẫn được sống bên nhau. Vẫn có nhau, kề cận, khi ăn, ngủ, giải trí và... quay cước. Bận bịu nhiều và lười, tôi ít đến thăm các cụ hơn, chỉ hỏi thăm qua cô bạn là chính nhưng lạ lắm kìa! Cứ hình dung đến hai con người này là lòng mình nhẹ bẫng.

Mới đây, một cơn đau tim đã khiến cụ ông ra đi. Ông mất rất nhẹ nhàng trong vòng tay bà và các con. Sau tang lễ mươi hôm, bà đòi đem đồ nghề ra và một mình trầm ngâm với... cước. Mấy đứa cháu thay vào chỗ ngồi của ông và cùng với bà, lơ là làm việc. Mà chẳng cứ gì bọn nhỏ, ngay cả bà, cái mải miết cái cặm cụi khi không còn ông, nghe chừng cũng đã bỏ đi... Tuy vậy, tôi biết cụ bà sẽ không khi nào rời khỏi guồng quay cho đến tận khi không còn có thể...

NGUYỄN MỸ NỮ
_____________________________________________________

6 comments:

  1. Đọc Vòng cước-Vòng đời cho mình cảm giác bình yên pha lẫn ngậm ngùi! Đời người quay vòng... quay vòng... thương cho người ở lại!!!
    Cám ơn Nguyễn Mỹ Nữ đã đồng ý cho đăng tải những tác phẩm trên trang nhà Quinhon11.
    Chúc năm mới an lạc!

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Chị Đông Oanh đã đưa bài viết hay lên trang nhà.
    QN thay mặt độc giả chào mừng chị Mỹ Nữ đến với QN11. QN vẫn hay đọc bài của chị trên đặc san Cường Để& Nữ trung học nhiều năm qua và rất yêu thích những đoản văn của chị.
    Cám ơn chị nhiều và hy vọng trong tương lai sẽ còn được đọc thêm nhiều bài viết hay khác của chị trên trang nhà.
    Thân mến ./QN

    ReplyDelete
  3. Chị Đông Oanh ơi! lúc này post bài chiến quá rồi nghen, sắp hơn thầy rồi ... QN có lời khen ..hihihi

    ReplyDelete
  4. Hihihi! Cám ơn QN! Bạn làm mình nở mũi thành mũi kì lân rồi nè! Hổng dám hơn thầy đâu! Thân mến!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không phải khen chơi đâu nghen chị. Thật đó, quá sức giỏi luôn ..do chị cũng biết trước rồi mới vậy,chứ không thì mất thời gian hơn nhiều .
      Mến ./QN

      Delete

  5. Cám ơn tác giả đã cho đọc một câu chuyện chứa đựng hình ảnh rất hạnh phúc dù có cuộc sống thật đơn giản nhưng chứa chan tình cảm.

    Cám ơn Chị Đông Oanh đã chuyển tiếp bài viết đến với độc giả trang nhà quinhon11.com

    ReplyDelete