Monday, January 9, 2012

CHUYỆN CON NÍT .# 2


Author: RongChơi

Trở về trên một con đường khác, Tý cũng biết vì đây là gần nhà thằng Công, bạn học cùng lớp 4 của nó. Chạy thẳng một chút là gặp cái rạch nhỏ thông từ ruộng ra sông, nên có nhiều lục bình trôi ra trôi vào theo con nước.
Ông ngừng xe mở lấy bao dây tơ hồng đem xuống rửa, thật ra loại đó mọc trên ngọn dúi thì đâu có gì mà dơ nhưng Ông nói, "làm thuốc nên phải rửa bụi bặm cho sạch, loại dây tơ vàng này sâu không ưa nên chỉ rửa nước lạnh không cần ngâm muối".

Ông hỏi Tỷ biết lội không, sao không lột đồ xuống tắm, nó nói Ba không cho ra sông chơi nên chưa biết lội, Ông cười nói, "Ba mày nghịch quá, bây giờ sợ mày bắt chước nên cấm đủ thứ, xuống đây Ông dẫn bơi đi vớt lục bình, rễ này ủ cây tốt lắm, bông tím ăn cũng được ". Ông bảo nó hai tay cứ vịn vai Ông cho nổi rồi thẳng chân mà đạp nước, ngập tận cổ chỉ còn cái đầu ngoi lên, Tý bây giờ mới thấy trôi hết cái buồn từ trưa giờ.
Nó bám vai Ông theo vào đám lục bình trôi dập dềnh, Ông hình như đi dưới lòng sông êm ru, nhẹ nhàng vững chảy, không có đập nước bắn tung toé như nó, tay Ông vói hái những bông tím nở to bó lại bằng nắm tay, tuốt cọng cỏ mọc trên đám lục bình làm dây lạc buộc, chừng 5-6 bó Ông xâu lại rồi cũng quăng trên dề lục bình đó và bắt đầu lòn tay hái gốc quăng lên trên, "mớ rễ đen ướt như tóc trôi phiêu du trong nước, gom các chất phù sa nên ủ cây tốt lắm" Ông Tư nói vậy.

Ông đưa xâu bông tím cho Tý...ngậm lôi theo Ông, hai tay Ông ôm hết rễ lục bình đi lướt vào phía bờ. Vai Ông hằn dấu tay bám chặt của Tý, nó yên tâm lắm và tự nhiên thấy gần gủi thương mến Ông lạ thường. Ông nói, "bây giờ đi bộ nghe con, phải nhường chỗ cho đám rễ này". Về tới chùa là nhá nhem tối, Ba tý không còn ở đó, chắc trở ra tiệm của Ba rồi. Ông đưa cho Tý 3 bó hoa lục bình nói, "về cho Má con nấu canh chua, còn phần này Ông Hai sẽ xào chiều nay ăn cơm, con về nhà nhớ tắm lại cho sạch, trưa mai Ông cũng đi tỉa cây, con muốn theo thì lên đây".

Và từ đó suốt kỳ nghỉ hè, Tỷ theo bên Ông đi khắp các làng xóm tỉa cây gom lá thuốc về phơi. Lâu lâu có người đến chở đem đi đâu Tý không biết, chỉ đoán là những công việc mà nó theo Ông làm là rất hữu ích. 
Có lần đi ngang đình Thần nông giữa ruộng, Ông nói ghé vào nghỉ một chút. Khuôn đất nằm trên đồi cao và rộng nhưng ngôi thờ Thần khá nhỏ, xung quanh trồng nhiều cây sứ trắng, hoa rụng đầy, đình trống huơ trống hoác, bụi bặm như lâu rồi chưa có ai lau dọn.
Đình không có cửa, ba gian ngó ra đồng ruộng mênh mông, trong đình mọi thứ đơn sơ, tất cả bàn thờ đều bằng cây, không có tượng thờ, chỉ toàn chữ nho sơn đen trên nền mộc. Ly tách thờ cúng bằng sành sứ cũ xưa, giản dị, bình hoa khô rũ từ hồi nào, trong chậu cắm nhang có nhiều chân tăm mới cũ xen lẫn, có chân bạc màu trắng bệch, có chân còn son đỏ như mới cắm gần đây.
Ông Tư nói, "nông dân quanh vùng này ra đồng, thỉnh thoảng trưa có người ghé vào nghỉ và thắp hương vậy thôi, lễ hội cúng Thần là rằm tháng 11 do làng tổ chức, ai có ruộng gần đình đều chuẩn bị mâm xôi bánh, hoa trái cúng Thần để cầu mong mưa thuận gió hoà, bình yên ấm no. Đó tinh thần tín ngưỡng chung của dân mình từ xưa". Vừa nói Ông Tư vừa đi đốt hương, Ông kể đình thần này có rất lâu rồi nhưng được xây dựng lại cách nay hơn 8 năm, ngày xưa là nhà thờ làm bằng tranh lá, có một người trong làng đánh cắp linh vị thờ Thần đem theo trên chuyến tàu vượt biên, chú ấy tin tưởng đem sắc Thần theo sẽ được phò hộ nên bạo gan làm vậy, cũng may chuyến đi bình yên, gia đình chú xin sửa sang lại ngôi thờ như muốn tạ lỗi.
 

Có người nói sắc Thần mất rồi nên hết thiêng, cất đình mới cũng không ý nghĩa, chuyện xây dựng dang dỡ đó trì trệ một năm, bàn thờ để ngoài mưa nắng, trẻ con trong làng chăn trâu ngang qua chơi trò cất nhà cho Thần, chỉ tàu dừa, tàu chuối và ổi mận thôn quê nhưng chính bọn trẻ làm nhiều người lớn nghĩ lại, Thần Thánh đâu phải khúc cây hay miếng gỗ, hễ bê đi là mất, trong tâm có thành kỉnh, hiển nhiên có cảm ứng, chú ấy tin lực từ oai của Thần nên đem theo, Thần chẳng nở từ chối, nay trẻ con vui rước, Thần cũng đâu lẽ không về ? việc tín ngưỡng tâm linh đứng ngoài điều cố chấp. Vậy là ngôi thờ hoàn thành cuối năm đó, đúng dịp lễ hội Thần nông.

Tý đi theo nhìn Ông Tư bái lễ khắp các bàn thờ, chính giữa là Thần nông, trên bàn chỉ có chiếc hộp gỗ sơn đỏ, Ông Tư nói "bên trong là nhánh lúa mùa năm ngoái, mỗi năm đều thay vào một nhành lúa mới, chín đều. Đình bây giờ không có sắc Thần, cửa luôn mở, không còn gì để mất, nên cũng không phải giữ.
Trẻ con vùng này có một điều ngồ ngộ là hay đi trộm khoai đem ra sau đình nướng rồi cúng Thần, trò này không biết ai bày cho chúng nhưng Ông Tư nghĩ...chắc không ngoài thần thức hồn nhiên của trẻ. Ông Tư hỏi, "Ba má con có dắt đi lễ Hội Yến dịp rằm trung thu ở Tây Ninh chưa? " Tý nói, "có đi 2 lần", Ông hỏi, "con có xem Cộ tiên ?" Tý gật đầu, Ông nói tiếp, "theo sau là cộ Thần nông, con có thấy không?" Tý làm thinh nhớ lại có lẽ có nhưng bởi lúc đó nó chưa biết. Đến xá ở bàn thờ chiến sỹ, Ông nói nơi đây có nhiều người lính chết, cả 2 phe, bây giờ thờ chung hết, sống thì không hợp lý tưởng, khác chính trường nhưng khi phủi tay rồi ngồi cùng một bàn thờ, chắc là vui lắm, đánh đến mất mạng mới nhận ra là bạn, là cốt nhục linh sơn.

Khi thắp hương ở bàn thờ thứ ba, Ông hỏi, "con đoán xem mình đang cúng ai ?" Tý nhìn trên bàn thờ là một...giỏ rơm cỏ khô, Ông Tư nói tiếp, "đây là thờ trâu bò và những con vật phụ giúp cho nghề nông, có cả mục đồng bị chết non, có khi là té ao, trượt dưới sông hay...sét đánh nữa". Tý thấy sờ sợ cái bàn thờ này, Ông Tư cười nói mỗi người đều có duyên phận, có khi một cọng tóc rụng cũng do Thánh ý của Thượng Đế, nhưng tận nhơn lực mới tri thiên mạng, mệnh khó đổi nhưng nghiệp duyên có thể vời, tuỳ sự chuyển hoá của mỗi người. Tý nghe Ông nói chỉ đoán hiểu một chút, hình như Ông không phải nói cho Tý mà nói với chính mình.
Đình làng vào gần giáp năm đều có kỳ cúng Thần nông, có năm cũng vào rằm tháng chạp, chọn 1 thằng nhỏ (bây giờ chắc Tý phải gọi là ...Bác hay Chú gì đó), vì đứng chờ tế lễ lâu, tới phiên "nó" lạy và được hỏi..muốn gì, "nó" nhăn nhúm nói...con muốn ra gốc khế, nín nãy giờ...Mấy người lớn ai cũng mắc cười nhưng lo lắm, ko dè năm đó cái gì cũng trúng. Mấy Ông già còn nhắc...Thần Thánh cũng..hồn nhiên, chuộng miền chân thật...như trẻ nhỏ

Sau khi lễ hết các bàn thờ, Ông đến góc tường xách cái bao để sẵn tự lúc nào, Ông nói, "hàng ngày các Bác làm đồng vào đây nghỉ trưa, họ nhặt bông sứ rụng bỏ vào đây để thỉnh thoảng Ông ghé chở về làm thuốc, họ nói ai bảo Thần không linh thiêng, nước trà nấu từ mấy cây sứ này uống trị được nhiều bệnh lắm, thật ra hoa sứ nơi nào cũng vậy, nhưng lòng có tín ngưỡng, bỗng thấy tin tưởng tốt đẹp hơn".

Hai Ông cháu tiếp tục đi tỉa chùm nụm trong xóm gần đó, có một ngôi nhà xưa lớn lắm, tổ tiên từng là quan của triều đình Huế, lãnh nhiệm vụ vào nam khai khẩn đất hoang và thuần hoá dân sinh.
Biết Tý tò mò muốn nhìn vào trong xem cho biết, Ông Tư dặn dò không nên, đến nơi cao trọng thâm nghiêm mình càng phải dè dặt hơn. Nhà này có rất nhiều cây kiểng bonsai, si, sung, khế, tường vi cổ thụ...và nhiều hoa lạ lắm nhưng cũng um tùm vì thiếu bàn tay chuyên nghiệp uốn tỉa, Ông Tư chỉ cắt gọn hàng rào chùm nụm (bây giờ ít nhà trồng chùm nụm, chỉ có mấy chỗ xưa như vầy mới còn), Tý không phải lựa dây tơ hồng nên đứng hái trái chùm nụm chín ăn thư thả. Nó cũng không dám rời xa Ông Tư vì thỉnh thoảng nghe tiếng chó sủa phía sau.

Hàng rào dài và mấy gốc chùm nụm già khô cứng nên cắt tỉa một hồi Ông Tư mõi tay, ngồi dựa chậu hoa giấy nở đỏ tươi nghiêng hẳn một bên theo thế thác đổ, Ông im lặng nhìn vô định, Tý hỏi, "Ông khát nước?" Ông cười nói, "không, con đừng vào trong đi loanh quanh gặp chó đó". Ông nói, "nơi này năm xưa cũng quan quyền xe ngựa dập dìu, nay đìu hiu như vầy, bây giờ mình còn ngồi nghĩ về thời thế, mai ra đồi nằm rồi, ai nghĩ cho mình đây?" Tý mở một gói lá nhỏ đầy trái chùm nụm chín trong veo đưa cho Ông, Ông cười vuốt đầu nó nói, "con ăn đi". Tý là con trai, cũng nghịch bất kể trời đất nhưng khi đi bên Ông trầm lắng, nó như ít nói hơn nhưng Ông hiểu (rõ nhất là Ông biết nó có âm mưu khi hỏi Ông có khát nước không, còn Ông thì dù có nói ra Tý cũng không thể hiểu).

Rồi một lần Ông Tư dắt Tý đi bộ về phía xóm nó, đến ngay nhà Ông thầy giáo Kiểng, cũng để tỉa cây, thấy xe đạp học sinh dựng bên hè, có tiếng thước nhịp bảng ở phía sau nhà Thầy, lớp học ở đó, nhà Tý có anh hai và chị ba đều học với Thầy, hầu như ngày nào cũng có lớp, từ lớp 6 đến 12 Thầy đều nhận, nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc nhưng dạy giỏi, bởi vậy Tý không dám mon men lại gần lớp học để xem.
Cổng vào phủ vàng bông huỳnh anh, hàng rào râm bụt và dúi, lạ là không thấy có dây tơ hồng leo trên đó, chắc Thầy kỹ tính, vừa ngóc ra cọng nào, Thầy...xào cọng đó nên sạch trơn, vậy Ông Tư cắt tỉa dùm rồi ...lấy cái gì ? có thứ nào làm thuốc được đâu ? Tý cũng không có gì để ăn như chùm nụm hay khế nó ngồi gom sạch các nhánh lá Ông Tư vừa cắt tỉa.
Đang làm thì nghe lao xao tiếng nói cười, lớp học tan rồi, Ông Giáo Kiểng cũng ra, tay bưng bình trà và hộp tách, Ông Tư cười khà khà nghe sảng khoái, hai Ông đến ngồi ở băng ghế mây ở góc sân, Thầy chỉ tay phía Tý hỏi Ông Tư, "cháu Ông à?" Ông Tư cười, "là hàng xóm của Ông mà sao không biết?" rồi Ông Tư nói tên ba nó, Thầy cười xoà, "té ra con của học trò cũ". Tý nghe mà...rởn óc, vậy là cả nhà nó đều bị Thầy gõ đầu. 



Thầy ngoắc nó bảo ra sau hái mận ăn, trái chín nhiều lắm. Đám học trò cũng hom hem hoài những không dám hái đâu. Tý sướng rơn chạy nhanh ra sau, cây mận xanh, ruột đặc khác cây mận nhà nó trắng hồng nhưng hột to. Nó không dám leo, chỉ nhảy chấp chới hái vài trái thấp rồi trở ra phía trước, đi ngang lớp học, nó lén nhìn, bên trong bàn ghế san sát, có nhiều cửa sổ sáng trưng, bên kia là dây leo xanh biếc, cái bảng cao và dài hết cả bức tường, trên bảng còn mấy cái hình và chữ công thức, chỉ vậy thôi.
Tý để mấy trái mận lên bàn, phía Ông Tư như mời hai Ông, Thầy cười hỏi, "con học lớp mấy", Tý bớt sợ (vì mấy trái mận), nó trả lời, "dạ, mới lên lớp 6". Thầy nhìn Ông Tư nói, "được rồi, lớp học cũng hơn tháng, chắc nó có thể theo kịp". Ông Tư nói với Tý, "con về nói Má mua sách toán lớp 6, tuần sau con đến đây học, Ông Tư sẽ nói với Ba con, con cám ơn Thầy đi con". Nó tưởng cám ơn vụ mấy trái mận nên cười tươi tắn cúi đầu.

Khi về Ông Tư mới nói rõ, Thầy dạy nó một tuần ba ngày, miễn phí, nó phải lo học vì sắp hết hè. Nghe tới đó Tý buồn hiu, vậy là nó mất mấy ngày không theo Ông Tư tỉa lá thuốc, Ông nhìn nó là biết ngay, Ông nói "từ nay Ông cũng ít đi, chỉ ở nhà...học với con". Nó cười khoái chí, khoe hết hàm răng sún hai cái, Ông Tư cũng cười vò đầu nó. ....

RongChơi .
  

1 comment:

  1. Giọng văn, nội dung.. rặt Miền Nam. Giúp cho người đọc như được sống chung cùng với vùng đất được Trời đãi ngộ.

    Cám ơn Rong Chơi

    đtk

    ReplyDelete