Thursday, January 26, 2012

Tiểu thơ xóm đạo .

Chiếc xe Honda cũ trờ tới rồi dừng lại ngay trước hiên quán tạp hóa nhỏ ven đường. Cái nón bảo hiểm phủ đầy bụi càng thêm bạc màu dưới cái nắng nóng giữa ban trưa. Một chân ống quần nâu sậm được túm gọn bằng dây thun vừa thả xuống chống cái xe cồng kềnh những chồng nón lá, bánh tráng và muối ớt…những thứ xuất xứ từ Tây ninh. Cái người chèn giữa mớ đồ này như đứng không vững nên không vội bước ra khỏi xe mà vẫn ngồi như thế nghỉ thở cho cái đầu đỡ ngộp vì bị cái nón “nồi cơm” bít bùng lâu quá, rồi từ từ mới gỡ từng lớp khăn che mặt, bao tay. Một chị trong quán mới chạy ra ”Ủa! Mày hả Tư? Tao tưởng…” Lúc đó “tài xế xe thồ” mới lên tiếng nhờ đỡ dùm để đứng lên trở mình ra khỏi xe.

Đường xa, trời nóng như nung nên da của cô Tư dù đã che phủ mấy lớp áo khăn, găng tay mà vẫn đỏ như tôm luộc. Nếu không nói thì chẳng ai có thể nghĩ đây là cô Tư tiểu thơ xóm Đạo năm nào. Hồi đôi mươi cô Tư học nghề may nhưng không bao giờ chịu thực tập đồ jean, loại vải thô cứng, khó may vì tay cô yếu chẳng vuốt nổi, cô chỉ may áo bà ba cho cô mặc thôi vì may cho khách rất phiền toái, không việc gì cô phải làm dâu trăm họ.


Cô Tư xinh đẹp, yểu điệu nên không ít người âm thầm ngưỡng mộ, có người bạo gan sáng nào cũng đem treo trước nhà cô một túi giấy gói bên trong những cái bánh còn nóng hổi. Cô thong thả ngủ dậy và ăn ngon lành mà không cần biết là của ai, có lần cô nói với chị mình đang ngồi bán quán…”Mai chị ăn bánh dùm nha, em ngán, giờ thèm…hột vịt lộn, trưa nay bà Bảy hột vịt đi ngang, chị dặn bả lựa cho em mấy trứng mề nhỏ…”. Người đưa bánh không biết sao mà nghe được chuyện này, âm thầm không treo bánh nữa. Cô Tư chẳng buồn nhớ cho đến khi nghe…người ấy đi cưới cô bán bánh ở đầu chợ. Có lần cô Tư kể…”Một dạo gặp tui, ảnh hỏi…có thèm bánh không?”. Cô Tư không có kể là cổ trả lời ra sao nhưng thấy mắt cô dịu xuống nhưng không long lanh ngấn nước như mình tưởng tượng.

Cô Tư đang tháo dây thun ràng, chuyển từng chồng bánh tráng khô giòn cho người chị, cô hỏi “Bánh tráng trộn bán hết chưa? Nón lá có ai đặt thêm không?”. Chị của cô nói “Chuyến sau chở thêm mắm đậu nành, ai ăn chay cũng hỏi mua”. Cô Tư nhậm lẹ bưng chồng bánh cuối cùng vô quán luôn cho chị rồi vói tay lấy tấm bìa giá gạo mà chị cô cắm trong thau đầy vun ở góc nhà, cô phe phẩy quạt xua những giọt mô hôi đang rịnh trên trán chực lăn dài trên hai má ửng đỏ nâu vì nắng. Khác với hồi xưa là cô sẽ càm ràm với chị…”Sao cái quán lá của bà nóng quá!” rồi khi ấy cô sẽ tiện tay mở cửa cái tủ lạnh đựng mấy hộp sữa tươi, chai nước ngọt …để hơi lạnh phả ra làm dịu làn da hồng hào của cô, mặc cho chị cô rầy rà…”Mở cửa tủ lâu vậy tốn điện lắm”.

Nãy giờ cô Tư ra sau nhà tắm rồi vô ván nằm nghỉ, không gian im ắng, nghe rõ tiếng …crrrắc crrrắc… trên mái ngói làm cô chăm chú như đang…đếm những tia sáng chui qua từ khe nứt của từng miếng đất sét đang nung dưới nắng trưa này. Cô lim dim nhớ…cái nhà tranh của mình ở góc xóm nhỏ gần cổng số 7 Nội ô Tòa Thánh. Nhà của cô mỗi ngày mặt trời xé lớp mái tranh đổ nắng từng chùm tuôn xuống nền đất như mưa ánh sáng, ban đêm thấy tỏ sao trăng mà chẳng cần mở cửa sổ. Những ngày mưa…cô ít ở nhà vì chỗ nào cũng dột ướt.

Còn gian nhà ngói này của cha mẹ cô, nơi cô được sinh ra và lớn lên, nơi cô thênh thang với quãng đời tiểu thơ xóm Đạo vì nhà cô ở sát bên Thánh Thất mà cho đến khi Ba cô mất, cô mới biết bước vào Nội Điện cúng lạy thay vì chỉ đi quanh sân chơi hay coi tụi trai làng đá banh (thời đó sân Thánh Thất trưng dụng thành câu lạc bộ …vì sức khỏe thanh thiếu niên). Khi đồng Đạo đến nhà làm lễ tang Ba của cô, cô mới biết nhà cô có Đạo, hàng ngày Má cô cúng “Ai” trên bàn thờ và mỗi khi Ba Má vắng nhà, căn dặn cô thắp hương nhưng chẳng mấy khi cô để ý nhớ để làm.

Cô bắt đầu đi Thánh Thất thường hơn vì…cô mặc áo dài ai cũng khen. Trong Thánh Thất thời gian đó bắt đầu hoạt động trở lại vì được tự do tín ngưỡng hơn nhưng người Đạo ở xa xa thì…chưa hay. Thấy Cô ở gần bên, hễ có hữu sự cần đồng nhi thì chạy sang nhà gọi cô. Không hiểu sao dù vùng vằng khó chịu, sửa soạn trang điểm chậm chạp nhưng rồi cô cũng tham gia hành Đạo, không ít lần cô trễ xe và khiến cả đoàn dở khóc dở cười khi vì chờ cô mà đến nơi quá “giờ hoàng đạo“ để tẩn liệm, khiến gia chủ mém không chịu để Đạo tiến hành theo đúng nghi tiết. Nhưng cũng kể từ đó cô hiểu hơn “sự quan trọng đúng giờ của mình”.

Cô đã ngủ thiếp sau chặng đường dài mệt lã, nhịp thở nhè nhẹ như đang lắng đọng thành giọt những lo toan khó nhọc mà cô Tư đang chứa đựng trong đời mình. Sự bắt đầu là khi Thánh Thất mời Nhạc sỹ, Giáo nhi đến dạy ban bộ, cô Tư cũng theo học cho vui vì cô giáo nhi cũng khoảng tuổi cô Tư. Hàng ngày học kinh, tối mấy chị em đồng nhi cùng nhau ngủ ở Thánh Thất với cô giáo nhi cho đỡ sợ…ma. Tình cảm gắn bó, khắng khít ngày thêm nhiều, cho đến khi cô giáo nhi mãn khóa trở về Tòa Thánh thì có …3 chị em ở Thánh Thất đi theo về gia nhập vào Sở giáo nhi trung ương, trong đó có cô Tư. Tuy ba chị em xuất thân cùng quê nhưng khi đến Tây ninh thì mỗi người mới thấy rõ những điểm khác nhau của mình và ai cũng có khó khăn nên ít có điều kiện giúp nhau.

Cô Tư về tới Tây ninh mới phát hiện…mình có thể ăn chay trường, biết vui mừng khi ngồi cả buổi để xếp lá và chằm được …nửa cái nón, cô biết mình may mắn khi bắt thăm ngay bài kinh…Ăn cơm khi đi thi khóa giáo nhi giữa đàn “sơn ca Đạo” ở Tòa Thánh. Rồi cô biết mình dám ở ban đêm trong chái lều không có điện của mình ở cuối xóm Đạo mà chỉ…hơi hơi sợ ma. Sau này cô thanh thản tâm sự …”Bao lần muốn bỏ cuộc trở về nhà nhưng ngại…người ta cười nên ráng, ráng riết rồi quen, giờ chịu được và thích nghi với hoàn cảnh hiện tại”. Khi được báo là đậu vào khóa giáo nhi, cô không vui mừng lắm vì cô mong cho mình rớt để có cớ trở về quê nhưng…

Hè năm đó, Ban giáo nhi quyết định bổ những giáo nhi mới thi đậu đi dạy khi các địa phương yêu cầu. Thánh Thất Sài Gòn là nơi trọng điểm nhất của Đạo tại miền nam, và cũng là nơi “nổi tiếng” nên trong Sở Giáo Nhi ai cũng ngán khi được phân bổ đến đây. Một vài cô giáo nhi từ chối xin chuyển đến tỉnh khác, cô Tư là người cuối cùng trong danh sách phân bổ vì tiếng kinh của cô rất nhỏ, cô không là người được chọn đứng đọc kinh trong những đàn cúng lớn như Hội Yến hay lễ Vía Đức Chí Tôn nên Ban Giáo Nhi dường như…quên mất cô. Và bây giờ cũng chỉ còn Sài Gòn là chưa ai đi, vậy là cô Tư khăn áo lên đường làm nhiệm vụ dạy kinh kệ cho đồng nhi tại Thánh Thất Sài Gòn. Cô Tư nói ”Cảm giác như mình sắp vô…hang cọp”.

Cô Tư bây giờ không còn là tiểu thư xóm Đạo, cô hiền hơn và nhút nhát hơn giữa chốn đô thành. Cô biết mình gặp chỗ khó nên cẩn thận lời ăn tiếng nói, từng chút hành xử đều suy nghĩ kỹ, cô nhẹ nhàng và lễ phép với tất cả không phân biệt lớn nhỏ. Tiếng kinh của cô không trong veo, ngân dài hay cao vút như họa mi nhưng trầm ấm, nhỏ nhẹ đủ nghe làm thấm sâu vào lòng người. Lây lất rồi cũng mãn khóa, cô Tư trở về Sở Giáo Nhi.

Hè năm sau, Thánh Thất Sài Gòn trình đơn xin rước Giáo nhi và mong mỏi cô Tư trở lại dạy cho ban đồng nhi. Bấy giờ cả Sở giáo nhi mới ngỡ ngàng biết cô Tư dạy thành công, vì cô trở về im ắng, chẳng nói chẳng rằng về chuyến đi của mình, khiến ai cũng tưởng …Mọi người thấy cô cũng thầm lặng như mọi khi, đi đi về về cúng giữa Tòa Thánh và Báo Ân Từ mỗi sớm chiều, vẫn chằm nón, vẫn trở về mái nhà tranh của mình sau những ngày trực phiên.

Mãn liên tiếp 3 khóa dạy đồng nhi tại Thánh Thất Sài Gòn làm cô Tư…lanh hơn, cô về Sở giáo nhi biết đem nón mình chằm đến những chỗ xa hơn để gửi bán, hi vọng thu nhập khá hơn một chút, quả thật một chút thôi mà cô phải đi một quãng đường xa dịu vợi như hôm nay. Dần dần cô biết cách chở bánh tráng, muối đặc sản Tây ninh về cho chị của cô bán ở quê nhà, tuy lời không nhiều nhưng cũng giúp sở phí cho cô mỗi lần về thăm quê, viếng mộ cha mẹ.

Hiện tại cô Tư cũng còn trẻ lắm với cái tuổi 40 của mình, cô trở nên chịu khó hơn xưa rất nhiều, mỗi lần về nhà chỉ vài ngày nhưng cô vẫn đem theo nón lá để chằm. Ai cũng nói Cô khác xưa nhiều lắm, riêng cô Tư tự biết cô vẫn là tiểu thư xóm Đạo nhưng nay đã biết Đạo và đang sống Đạo.

Viết tặng Chị, một người hàng xóm Đạo tại quê nhà.
Mùng 10 tháng hai, năm Canh Dần

Rongchoi (Lê Thắm )

No comments:

Post a Comment