Friday, January 20, 2012

Tan theo mây .

**  Thay mặt bạn đọc , QN xin có lời cám ơn tác giả RongChoi , trong thời gian  qua đã cho phép chuyển tải những chuyện ngắn đặc sắc của Cô đến với blog QN11
... Cô có lối hành văn đặc biệt , mang âm hưởng miền nam mộc mạc , nhẹ nhàng mà sâu sắc , được rất nhiều độc giả ưa thích  tìm đọc , trong đó có QN . 
Rất cám ơn RongChoi và xin được chia sẻ cùng độc giả những tác phẩm của Cô trên trang nhà. / QN11 _________________________________________________________________


____________________________________________________________________________________

 
 Author: Rongchoi .

______________ Tiếng cái gáo dừa máng lên cành ổi đứng che bóng cho lu nước bên hè phía trước làm cho cô sáu Ngò vói giọng hỏi ra sân “Tám hả em?” Trả lời là tiếng bước chân còn ướt đẫm đi dinh dính trên nền gạch tàu ngoài hiên nghe mát rượi. Loạt xoạt tiếng giỏ đệm được mở miệng như thủng thẳng nói “Tui chứ ai” rồi cô sáu nghe nãi chuối được treo đu đưa cọ vào vách lá.

          Tám ôm trước bụng mớ rau càng cua ít lá cọng dài ốm nhằng gói trong lá sen đi thẳng ra sau chái bếp lấy cái rổ bỏ vô. Cô Sáu không ngó lên mà hỏi “Chừng nào đi vô rẫy?” Tám chậm rãi: “Mai”. Cô Sáu chống hai tay lên gối khum người đứng lên đi lắc nhắc vài bước cho rảng chân mới thẳng thóm được dáng đi nhậm lẹ của cô. Dở nắp cái chò đóng bằng cây mít cũ kỹ, cô bưng ra mấy hũ keo rồi rướn người lấy xuống từ cái chõng tre phía trên đầu xấp lá chuối còn xanh nhưng chắc nhờ hơi khói nóng nên lá dẻo mình như giấy, cô gói lại đưa cho Tám “Em tới đó đem biếu chú hai Mên”.

          Tám lặng thinh nhét mấy hủ đó vô giỏ như biết cô Sáu sẽ còn nói tiếp. “Thương chủ ở đó xa chợ, mấy hủ mắm đậu chay này cô xào với thơm sẵn rồi, có trái chuối chín hay mớ rau luộc là nuốt cũng trôi cơm”. Cô ngưng một chút rồi tiếp (tại Cô biết Tám sẽ chẳng nói gì) “Mấy hủ này có gài mớ lá thuốc dòi trên mặt nên để lâu mắm không trổ meo, em nhớ nói chủ chừng nào ăn thì gạt lá ra dích mắm rồi phủ lá trở lại, chừng nào ăn hết hủ mới bỏ lá nghen”. Tuy không nghe Tám ừ hử gì nhưng Cô biết anh không quên tại vì anh sẽ ở đó phụ với chú hai cho tới khi trồng xong rẫy khoai mỳ của Sở lương điền Phước Thiện.

          Ngôi nhà tranh này là phòng trù của Sở Huệ - nơi trồng bông cúng cho tất cả đền thờ Nội Ô Tòa Thánh. Cô sáu Ngò chỉ mới chuyển từ Sở Kiến Trúc qua làm ở Sở Huệ mấy năm sau này vì mắt kém, không đắp vẽ được. Cô biết Sở Huệ từ hồi chỉ là mái nhà tranh để làm kho cuốc xẻng, xung quanh trồng hoàn toàn là hoa đủ loại. Đúng với tên Sở Huệ, ngó mút mắt là những liếp đất dài xanh um bông huệ, nhìn thẳng tắp những đọt huệ xanh non, thỉnh thoảng điểm vài bông trắng nở sớm nhưng cũng đủ làm trong lành, thanh khiết cả vùng bát ngát.

          Hàng ngày từ lúc trời còn mờ mịt cô đã đội nón lá, quảy đôi thúng ra đám ruộng bông. Trời chưa tỏ, mắt kèm nhem nhưng cô vẫn chọn cắt bông đúng độ nở sáng sớm chở vào Tòa Thánh cúng. Cô đã nhắm mấy cái búp từ chiều qua khi gánh nước tưới, và sáng sớm mùi hương huệ trắng dẫn đường cho cô. 

        Những ngày qua rằm, trăng tàn muộn, 3 giờ sáng cô đã quảy gánh đi, ngang ruộng sen nghe lõm bõm tiếng chân xắn bùn của Tám đang hái bông. Bao giờ cũng vậy, Tám thường hay một mình, anh không nhanh nhẹn, nhưng cũng không trễ nãi, anh chẳng ngại ngùng tránh chỗ nhiều người nhưng ai cũng biết anh ưa yên tĩnh. Tuy không hay cười nhưng nét mặt không buồn, ai nhìn anh cũng thấy mình thanh thản, nhẹ nhàng vì ánh mắt của anh nhìn họ thật thà và chất phác. Tại vậy mà cô Sáu mới dám coi anh như em cháu của cô. 
          Từ hồi còn làm ở Sở Kiến Trúc, những khi không theo Ban đắp vẽ đi làm công quả xa Tòa Thánh, cô sáu Ngò hay kêu Tám gom hết mấy cái áo mặc làm cỏ của mấy chú trong Sở lương điền Phước Thiện cho cô vá. Mấy chú công quả bên Ban Kiến Trúc khá hơn vì thường đi nơi này nơi kia làm công quả, hễ mặc áo rách vai là có người thấy, có người nóng ruột tới nổi lột áo của họ, biểu thay liền mới chịu.

          Thật ra Sở Kiến Trúc toàn là phái nam, cô từ quê nhà ở Bình Trị, buồn việc gia đình nên khăn gói đi Tây ninh, xuống xe đứng trước cửa chợ Long Hoa, cô chưa biết mình sẽ nghỉ ở đâu đêm nay. Cô cũng chưa biết nhiều về Đạo, nhà có thờ Thầy mà cha cô cũng để bụi bám nhện giăng, ông mắc đào mương nuôi cá ở nhà bà ba, để cô với bà hai của ông cặm cụi với vườn chôm chôm, sầu riêng do má cô mất sớm để lại. Bà hai ở vậy chờ một năm, mong ba cô quay về không được, bà cũng đi, chắc là trở lại quê quán của bà trước đây. 

           Cô ở nhà thờ một mình chăm chút từng gốc sầu riêng, canh từng trái chín hái bán, cắc củm để dành lo hương quả thay cho mấy anh em trai gái của cô đã có gia đình tư riêng. Cô giỏi nhưng quê mùa, ăn mặc lem luốc giản dị, nhà có ruộng vườn nên tay cô càng chai sạn, mặt càng sạm nắng dày sương. Trai làng gần nhà cũng dần có bờ có bến, cô lầm lũi với công việc hàng ngày mà quên tuổi đời dần qua. Đến lượt những người đàn ông dang dỡ dòm ngó…mảnh vườn trù phú nhà cô, cũng có người chưa từng có vợ nhưng vì rượu chè lè nhè không ngước lên nổi để thấy ai, bây giờ họ cũng hay ngắm nhìn cô.

          Mấy anh em của cô bắt đầu lo ngại, nếu ai đó bước vào cuộc đời cô thì gia nghiệp này bị xâm phạm, họ bắt đầu toan tính và cha cô cũng quay về hạch hỏi khoản dành dụm của cô. Ai cũng thấy mình có phần trong khoản đó. Cô ngao ngán tình ruột thịt, nấn ná chịu đựng thêm ít năm thì mấy anh em cô đòi bán vườn sầu riêng, ba cô đồng ý mà không suy nghĩ vì ông đang cần tiền để bồi đắp cho vườn ao nhà bà ba. Cô không còn gượng ép mình tranh đấu như ban đầu, cô cũng đồng ý.

          Và cô đi, từ trạm xe đò ở vùng quê, chuyến xe đầu tiên ghé bến là chuyến Long Hoa-Tây Ninh. Cô không hiểu sao mình lên xe này để rồi xuống xe ngơ ngác. Cũng may cái chợ Long Hoa tám cửa trống huơ trống hoác này đã vãng từ lâu, người thưa thớt nên cô thấy giống chợ trời quê mình, chứ rủi mà cô đứng trước chợ Sài gòn, chắc còn bơ vơ hơn nữa.

         Đang bần thần chưa biết sao, cô thấy ở góc chợ có chiếc xe đạp loạng choạng đi ra, có lẽ cổ xe nặng mấy bó rau nên tay lái không cân bằng, thêm cái giỏ cần xé phía sau bị ràn nghiêng một bên. Người trên xe nhìn không rõ vì lụp xụp dưới cái nón lá cời, hai chân đang đứng kẹp cứng niềng xe, không dám bước ra khỏi xe đạp để sửa cái giỏ, sợ giữ không vững làm chiếc xe ngã kềnh thì dựng lên sao nổi. Cô sáu đi miết lại đỡ phụ, sửa cái giỏ ngay ngắn, thấy ông già trạc 70 coi tuy còn khỏe nhưng màu da men mét nổi gân xanh. Thấy cô đã sửa dùm cái giỏ và đang vịn xe, ông vội vàng bước ra khỏi xe, cô ngạc nhiên hỏi “Bác đi bao xa, sao không chạy”. “Gần. Qua không dám chạy nhưng sợ nó ngã nên phải leo lên giữ cho nó đứng”. Ông già chắc hơi lãng tai nên nói thiệt là lớn. Cô cười. Vậy là cô có cớ để đi, có người để theo dù không biết ông già này có giúp cho cô một chỗ nghỉ qua đêm không nhưng cô thấy an tâm khi nhìn ông bận bộ đồ ba ba trắng ngã màu, đã vậy còn dính lốm đốm mấy dấu xám đen, chắc nhựa chuối hay mủ rau trái chi đó. 

          Xe rau đi vô một cái cổng chùa (hồi đó cô nghĩ vậy), rồi từ cổng đi xa, đi sâu vô trong thấy thấp thoáng một ngôi Đền nguy nga rực rỡ, tuy nhiên chưa tới đó thì ông quẹo vô một dãy nhà ngói cũ, ông để cô đứng vịn xe, còn ông đi vô bên trong. Một hồi ông trở ra với một ông khác cũng mặc bộ đồ bà ba trắng ngã màu, ông này có xách cái rỗ tre lấy ít rau và nấm rơm. Bây giờ cô sáu mới để ý thấy trong giỏ rất nhiều rau củ nhưng toàn là cũ và héo, có thêm mấy cái đầu thơm đã vạt bớt lá, chắc đây là rau người ta bán không hết nên cho ông chở về chùa.

         Cô cũng cứ theo ông đi cho tiếp mấy dãy nhà gần đó. Ông có lẽ cũng mệt nên quên thắc mắc…tại sao cô rãnh rỗi để theo ông. Cho tới khi lưng lưng giỏ rau, ông nói “Ghé chỗ qua uống gáo nước, đi từ mơi giờ, khát quá”. Cô theo ông đi một quãng ngắn, rẽ vào một con đường đất cát nhỏ có hàng dừa dọc theo bờ rào. Ông dựng xe dựa gốc cây, bước đi trước. Cô sáu nhìn thấy một dãy nhiều gian nhà coi sạch sẽ, mở cửa rộng rãi nhưng vắng hoe, nhìn ngoài sân vô chóa nắng nên cô chưa tỏ rõ bên trong. Ông dừng trước một gian có lu nước, lấy cái gáo máng trên vách đưa cho cô. Nước hơi lờ lợ, không trong mát như nước quê cô nhưng đang khát, cô cũng uống thật nhiều cho tỉnh. Giờ cô mới nhìn rõ bên trong, cũng không có gì nhiều, giữa nhà có cái bàn với bốn cái ghế đẩu, không có vách buồng nên ngay phía sau bàn thờ và mấy cái tủ cây đứng, cô sáu thấy nhiều dãy giường, coi bộ chỗ này có người ở cũng đông. Trên bàn giữa có cái vỏ dừa khô đựng bình tích nước trà cho ấm, mấy cái chung men xanh úp chồng lên nhau cho gọn, không cầu kỳ. Chỉ có lạ một điều là giữa bàn có cặm một cây cờ nhỏ 3 màu vàng, xanh, đỏ. Trên vách thấy treo mấy tấm hình chụp đã mờ, cô đứng xa xa chẳng thấy rõ mặt người trong ảnh. Đang nhìn quanh quất thì ông già rau từ sau đi ra, ông cười nói “Quên hỏi bây ở đâu mà đi theo qua nãy giờ”. Cô sáu nói nhỏ nhỏ “Dạ, Bình Trị”. “Bình Trị là ở miệt nào cà?” Ông nhăn trán ngó cô nói tiếp “Bây nói tiếng nam mà, đâu phải ở Bình Trị Thiên ngoài ngoải”. Cô sáu không biết ông già nói Bình Trị Thiên là chỗ nào nhưng cô biết không phải quê cô. Cô nói: “Chỗ con có xe đò đi tới đây, con đi đại chớ không rành”. Ông ngó cô lom lom “Bộ bây không có bà con ở đây sao?” Cô lắc đầu. Ông chắc lưỡi: “Bây con gái mà cũng gan thiệt, nguy hiểm lắm, bây không sợ sao”. Câu nói của ông làm cô tủi rướm nước mắt, ba của cô chưa bao giờ nói một câu nào lo lắng cho cô tương tợ vậy. Ông thấy cô rưng rưng thì ngồi làm thinh, không hỏi nữa. 

          Hồi lâu ông nói: “Vậy tối nay là bây chưa có chỗ nghỉ phải không?”. Cô khẽ gật đầu, trong lòng nghe mừng mừng, mong ông nói câu gì cứu vớt dùm. Ông không nhìn cô mà nói “Chỗ này rộng rãi nhưng bất tiện là toàn phái nam, ban thợ hồ mà, tụi nó ngủ không có ngăn nắp, mạnh đứa nào nấy kiếm góc mà ngủ, không có phòng riêng”. Ông ngưng một chút rồi nói (còn cô nín thở chờ đợi) “Thôi để qua dẫn bây qua sở may, chắc có chỗ”, cô nghe nhẹ nhõm nhưng cũng thấy lo lo, tự nhiên cô cảm thấy mến ông già rau kỳ lạ. Người chưa từng quen biết mà cô cảm giác gần gủi, thương mến như ông bà của mình . 

                                                                    (Còn tiếp phần #2)


Rongchoi.

__________________________________________________________________________________


No comments:

Post a Comment