Tuesday, March 27, 2018

Stephen Hawking - một cuộc đời dị thường

Đinh yên Thảo


Stephen Hawking
tháng 1 năm 1993.
nguồn getty images
Cuộc đời của Stephen Hawking – một thiên tài vật lý học và vũ trụ học là sự biện minh cho sức mạnh phi thường về trí tuệ và thể chất của con người. Với năm mươi năm sống trong cuộc đời của một người bị tê liệt toàn thân không nói và đi được, Stephen vẫn tiếp tục nghiên cứu và đóng góp cho nhân loại những công trình khoa học to tát. 
Không chỉ viết sách trình bày những luận thuyết mang tính học thuật, ông còn mang kiến thức phổ quát đến đại chúng qua các dẫn giải về khoa học, vũ trụ trong một số ấn phẩm nổi tiếng thế giới. 

Để tưởng niệm Stephen Hawking vừa qua đời hồi tuần trước tại Anh quốc, hưởng thọ 76 tuổi, chuyên mục xin sơ lược về cuộc đời cùng những phương châm sống của ông trên số báo hôm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn, Stephen Hawking tâm tình rằng, “Nếu bạn bị tàn tật, có lẽ chẳng phải là lỗi của bạn, nhưng nó chẳng hay ho gì  khi đổ lỗi cho thế giới hoặc mong nó thương hại mình. Bạn phải có thái độ tích cực và sống tốt nhất trong hiện trạng của mình. Nếu một người bị khuyết tật về thể xác, làm sao đừng để bị tàn tật về tâm lý. Theo tôi, người ta nên tập trung vào các hoạt động mà theo đó một người tàn tật sẽ không phải là một phế nhân. Mặt khác, khoa học là một lãnh vực rất tốt cho người tàn tật vì nó chủ yếu tập trung vào trí tuệ. Sự tàn tật của tôi không phải là một trở ngại đáng kể trong lĩnh vực lý thuyết vật lý của tôi… Bất kể đời sống có khó khăn như thế nào,  luôn có những điều bạn có thể làm và bước tới. Quan trọng là bạn đừng bỏ cuộc”. Cuộc đời của ông đã gói gọn trong lời chia sẻ này. Hay còn hơn thế nữa, khi ông không chỉ vượt lên số phận của một người bình thường mà còn trở thành một vĩ nhân của thế kỷ.

Sinh ngày 8 tháng 1 năm 1942 tại Anh quốc, Stephen được bạn bè, thầy cô gọi là một Einstein lúc nhỏ, dù ông không phải là một học sinh “xuất sắc” về điểm học theo cách nhìn thông thường. Cha mẹ ông xuất thân trong những gia đình nghèo nhưng xuất sắc, từng được nhận học bổng theo học đại học Oxford, viện đại học lâu đời và danh giá nhất nước Anh, nơi huấn luyện nhân tài cho Châu Âu và thế giới nói chung. Là một bác sĩ, rồi trở thành một Viện Trưởng viện nghiên cứu, gia đình Stephen luôn đề cao giá trị của học vấn và cha ông mong muốn Stephen cũng đi theo y nghiệp.

Nhưng đam mê của Stephen chỉ nhắm vào toán học và vật lý. Năm 17 tuổi, Stephen cũng được nhận vào ÐH Oxford như cha mẹ mình và theo học đại học tại đây, nơi ông cảm thấy chương trình quá dễ dàng với ông. Ðỗ đầu Oxford, ông thi vào Viện ÐH Cambridge để theo học chương trình hậu đại học- nơi nhà bác học Issac Newton cũng từng theo học. Ðây là thời gian ông và gia đình bắt đầu phát hiện những triệu chứng bất thường về thể chất của ông khi giọng nói ông trở nên lắp bắp và chân đi không vững. 



Stephen Hawking và Jane Wilde trong ngày cưới,
 14 tháng 7 năm 1966.

Các bác sĩ chẩn đoán và phát hiện ông bị chứng teo cơ (ALS), sẽ không còn đi đứng, nói năng hay ăn uống được nữa. Họ đoán rằng có thể ông chẳng kéo dài đời sống quá hai năm. Thất vọng và trầm uất, Stephen tưởng đã bỏ học nhưng rồi ông vẫn cố gắng vượt qua. Người ta bảo rằng một phần nhờ vào tình yêu với Jane Wilde, người thiếu nữ ông yêu trước khi lâm bệnh rồi trở thành vợ và có ba con với ông sau này. Ðó là lý do ông từng bảo, “Nếu bạn may mắn tìm được tình yêu, hãy nhớ nó ngay đó và đừng đánh mất nó” hay “Vũ trụ chẳng ý nghĩa gì nếu nó không phải là ngôi nhà có những người mình yêu thương”.


Stephen Hawking, Jane và hai người con của ông, Robert và Lucy, tại nhà ở Cambridge, 1977 / Ảnh Ian Berry-Magnum

Tên tuổi chàng sinh viên trẻ trở nên lẫy lừng với các lý thuyết mới mẻ, cao siêu cùng các thách đố, tranh luận học thuật với các nhà vũ trụ học nổi tiếng đương thời. Ông ra trường tiến sĩ tại Cambridge năm 1966, lúc 24 tuổi với luận văn được trao giải là nghiên cứu toán học xuất sắc nhất trong năm của ÐH Cambridge. 

Câu chuyện còn lại là trong khi sức khỏe ngày càng suy giảm và phải chuyển sang ngồi xe lăn, dùng các thiết bị điện tử được chế tạo cho riêng ông để phát ra giọng nói…, ông bắt đầu lần lượt đưa ra các lý thuyết vật lý, thiên văn và vũ trụ học trong các đề tài lượng tử, thuyết tương đối tổng quan, Big Bang, hố đen vũ trụ, bức xạ Hawking…, trở nên một nhà bác học lừng danh thế giới như đã biết. 



Ông viết sách, dẫn giải các vấn đề vũ trụ theo ngôn ngữ mà trẻ em và người thường có thể hiểu được. Hoặc không. Nhưng thế nào thì cuốn sách “Lược Sử thời đại” (A Brief History of Time) được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã bán ra hàng chục triệu ấn bản. Những độc giả Việt Nam cũng được đọc bản dịch này cùng vài cuốn sách cho trẻ em của ông viết chung cùng con gái. Trẻ nhỏ và giới trẻ ắt sẽ có những niềm cảm hứng sâu xa với những điều như, “Hãy nhớ nhìn lên những vì sao chứ không phải nhìn xuống dưới chân mình” trong ước mơ vươn đến những vì sao của mình.

Theo sắp hạng của tạp chí Super Scholar dựa theo sự thần đồng thủa nhỏ, trí tuệ lúc trưởng thành, chỉ số IQ, thành tựu học thuật… của những người tên tuổi, ông từng được xem là người đương thời còn sống thông minh nhất thế giới (trong năm 2017, trước khi mất).


Vũ trụ mênh mông và huyền bí, các lý thuyết của ông cao siêu và phức tạp đến độ không ít khoa học gia cho rằng có những điều chính họ cũng không bắt kịp. Người ta không hiểu hết tất cả những điều ông đưa ra nhưng chỉ biết rằng chúng xuất chúng, vượt khỏi trí tuệ thông thường của con người và mở ra những hướng nghiên cứu về dải thiên hà cho nhiều thế hệ tiếp nối trong việc truy tầm nguyên khai của vũ trụ và giúp nhân loại hiểu về nó nhiều hơn. 

Và có lẽ vì điều này mà trong khi nhận được vô số các tưởng thưởng danh giá khắp thế giới, gặp gỡ nhiều lãnh tụ tôn giáo, nguyên thủ quốc gia…, ông chưa bao giờ nhận được giải thưởng Nobel, vốn thiên về những ứng dụng thực tiễn hơn là các công trình lý thuyết chưa được chứng minh cho đến nay. Nhưng thêm một giải thưởng danh giá có lẽ chẳng quan trọng hơn cho Stephen Hawking, người đã thu tóm cả “càn khôn vũ trụ” vào con người bé nhỏ trên chiếc xe lăn của mình. Stephen bảo rằng, “Chúng ta chỉ là một bầy khỉ tiến hóa trên một hành tinh bình thường của ngân hà. Nhưng chúng ta có thể hiểu được vũ trụ, điều đó làm cho chúng ta trở nên một điều gì đó rất đặc biệt”. Có lẽ ông là một trong những đại diện cho con người về “một điều gì đó rất đặc biệt”.

Nhưng điều người ta nói nhiều về ông là một tính cách dí dỏm, hài hước với nụ cười rộng miệng. Sự xuất chúng có thể là thiên khiếu nhưng tính cách này không phải là điều dễ dàng cho những người khiếm khuyết về thể chất. Và cả người bình thường. Một trong những câu nói của ông là, “Mọi người sẽ chẳng có thời gian cho bạn nếu bạn luôn gắt gỏng hay phàn nàn”. Có thể tính hài hước này không chỉ là tính cách mà còn là một vũ khí tinh thần để ông chống chọi lại bệnh tật như theo ông viết, “Cuộc sống sẽ bi thảm nếu không khôi hài”


Nhà vật lý lừng danh, Giáo sư Stephen Hawking, tập dượt cho một tiết mục ở lễ khai mạc Thế vận hội cho người khuyết tật London 2012 với chủ đề “Hành trình khám phá khoa học” – nguồn BBC


Stephen Hawking mất ngày 14 tháng 3 vừa qua, khi đương là Giám Ðốc Khoa Toán Học Ứng Dụng và Vật Lý Lý Thuyết, kiêm sáng lập viên Khoa Lý Thuyết Vũ Trụ Học của ÐH Cambridge và vẫn còn đang nghiên cứu các vì sao. Hiếm có sự ra đi nào mà được nhiều giới đồng bày tỏ sự kính mến với Stephen Hawking như vậy. Từ các lãnh tụ tôn giáo, các nguyên thủ quốc gia cho đến giới học thuật, điện ảnh, truyền thông… khắp thế giới cùng lên tiếng chia buồn.

Ngày sinh của ông trùng hợp đúng 300 năm ngày mất của nhà bác học Galileo và ngày mất của ông lại ngẫu nhiên trùng với ngày sinh của Albert Einstein, đều là những thiên tài thế giới muốn vươn đến các vì sao. Dường như vũ trụ vẫn còn lắm điều bí ẩn để lý giải. 

Là gì thì một vì sao rực sáng và dị thường như Stephen Hawking đã cho người ta cảm nhận được sức mạnh siêu phàm mà con người có thể làm được và mang lại niềm cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối nhắm đến những chân trời xa. Và cao hơn.


ÐYT http://baotreonline.com


_________________________________

No comments:

Post a Comment