Tuesday, May 22, 2018

Xơ mít muối chua

 Tạ Phong Tần




Tôi lên Sài Gòn học mới biết mít cũng có nhiều loại: Mít nghệ, mít dừa, mít tố nữ. Trường Ðại học Luật lúc đó ngay chân cầu Bình Triệu (Thủ Ðức), giáp ranh với Bình Dương, Ðồng Nai, Tây Ninh. Ðến mùa mít thì mít từ các tỉnh đó được xe chở tới đổ đống hai bên vệ đường để nhà vườn bán cho người qua lại, đống nào đống nấy bự như cái núi, trái mít nào cũng bự như cái bao cát, mà giá bán thì rẻ ơi là rẻ. Nhờ vậy, tôi mới được mấy đứa bạn học quê miền Ðông Nam Sài Gòn “chỉ giáo” cho “bài học vỡ lòng” về các loại mít và cách lựa mít sao cho ngon, loại nào ngon nhứt, loại nào ngon nhì, loại nào hạng bét. Chẳng phải bọn nó tử tế gì mà “chỉ giáo” cho tôi, mà bọn nó muốn tôi làm “đồng bọn”, đứa tung hỏa mù, đứa cản địa, đứa chôm chĩa mít. Tụi nó nói: “Ở đây bày đặt bán, chớ ở quê tao mít toàn xẻ ra liệng cho bò ăn chớ có ma nào ăn”. Tôi hỏi “Sao không ăn, bỏ uổng dị?”, nó nói “Nhiều quá ăn gì nổi mà ăn”.
“Huấn luyện” cho tôi xong, cứ chừng chục đứa kéo nhau ra mấy chỗ bán mít, lựa chỗ nào đống mít bự mà người bán thì chỉ có một hoặc hai người là áp vô làm lau nhau loạn xạ cả lên. Nào là vật tới vật lui bươi tung hết đống mít ra chài bài để lựa trái ngon, rồi hỏi giá, trả giá, chê mắc chê rẻ, chen lấn, giành giựt, cãi lộn loi nhoi… cốt cho “tình hình chiến sự rối ren”, thì những đứa có nhiệm vụ “bưng” (thường là mấy thằng có sức khỏe) cứ tự nhiên bê vài trái to đùng, ngon nhứt điềm nhiên đi thẳng ra nghĩa địa phía sau trường (sau đó cả bọn kéo nhau ra đó xẻ mít ăn), mấy đứa như tôi thì “cản địa”. Nếu người bán không phát hiện được thì tụi nó đi trót lọt, bọn còn lại chỉ trả tiền một, hai trái cuối cùng mà thôi. Lỡ bị tổ trác, người bán phát hiện thì thằng “bưng” thản nhiên chỉ mấy đứa còn lại nói: “Bạn tui trả tiền”. Hôm đó ăn mít “đúng giá” chớ không được “ăn thêm”. Nhiều khi thấy áy náy lắm, nhưng cũng tại sinh viên nghèo quá không có tiền mua ăn cho đã miệng nên phải chuyển qua “chôm” ăn đỡ. Nhưng đó cũng chỉ là cái trò của “nhất quỷ, nhì ma…” thôi. Vui là chánh!
Bí kíp” lựa mít như vầy:
Ngon nhứt là mít nghệ, múi vừa bự vừa dài, màu vàng nghệ sậm, ngay cả xơ mít cũng bự bự và có màu vàng sậm, nhai vừa giòn sần sật vừa ngọt lịm, mùi thơm phức. Bọn tôi “ăn tươi nuốt sống” luôn cả xơ mít sạch sành sanh. Mít nghệ khi chín tới vỏ có màu nửa xanh nửa vàng, vỗ vào trái mít nó kêu bình bịch rất lớn, gai mít nở bự gần bằng gai sầu riêng loại ngon, nhưng nó không nhọn như sầu riêng.
Kế đến là mít dừa, múi nhỏ hơn mít nghệ, màu vàng lợt hơn, cũng giòn nhưng độ ngọt ít hơn mít nghệ. Xơ mít dừa màu trắng ngà, vị lạt và dai, không ăn được.
Tệ nhứt là mít tố nữ. Ðọc sách thấy các thi sĩ, văn sĩ “nhà ta” ca ngợi mít tố nữ quá xá. Nào là thơm, ngon, hấp dẫn, mắc tiền, hiếm có, thanh cao, quý phái, v.v… Nói chung ví von mít tố nữ như cô gái đẹp con nhà “quý sờ tộc” kiêu sa, đài các như cái tên của nó. Nghe “các bố” mô tả mít tố nữ mà thèm chảy nước dãi, mong được một lần thưởng thức cho biết, nhưng không hiểu sao thời sinh viên chẳng thấy ma nào bán mít tố nữ trước cổng trường.
Sau này, tôi sống và làm việc ở Sài Gòn. Có lần tình cờ được một cô lớn tuổi tặng cho hai trái mít tố nữ, và nói thêm là mít ngon lắm nên cô đem từ Bình Chánh vô quận 3 cho tôi “ăn lấy thảo”. Nói thiệt chớ lúc đó tôi mừng hết lớn luôn á. Cô ấy dặn tôi khi nào mít chín ngửi thấy mùi thơm thơm, muốn ăn thì lấy dao cắt vòng quanh cái cùi (nhưng không cắt ngang), rồi nắm cái cùi rút mạnh là được, không cần xẻ banh ra như mít nghệ, mít dừa. Tôi cứ y lời dặn làm theo, rút ra một chùm múi mít giống y chùm nho. Má ơi, quất vô miệng một múi mít tố nữ mới thấy nó ướt chèm nhẹp, dai nhách, thịt lại ít nữa, độ ngọt cũng hơi hơi thôi, nói chung là ăn dở tệ. Từ đó về sau tôi không bao giờ ăn mít tố nữ nữa, mà ai cho cũng không lấy luôn. Kể lại chuyện này, tôi vẫn nhớ tấm lòng tốt của cô tặng hai trái mít cho tôi, nhưng không vì vậy mà khen mít tố nữ ngon được, nếu cô có đọc được bài viết này thì mong cô thông cảm.
Chính nhờ cái sự ăn uống tạp nhạp nhuốm màu “đen tối” của bọn sinh viên lớp tôi, mà tôi được mấy đứa quê nghèo “chó ăn đá gà ăn muối” miền Trung nó dạy cho làm món xơ mít muối chua, ăn bắt cơm đáo để luôn. Ngoài ra, bọn nó còn dạy tôi làm món xơ mít xào hành lá, xơ mít kho thịt ba rọi, xơ mít kho cá nữa, nhưng hôm nay tôi chỉ kể về cách làm xơ mít muối chua thôi.
Xơ mít dùng muối chua phải là xơ mít nghệ, các loại mít khác không ăn được. Miền Trung đã nghèo, Nghệ An có vẻ nghèo khổ nhứt, so với món ăn mấy đứa bạn học quê ở “khúc giữa” thì món gì dân Nghệ An cũng làm mặn hơn.
Kiểu Nghệ An, còn gọi là món nhút mít, thì như vầy: Tước xơ mít thành sợi, trộn thiệt đều với muối trắng, sau đó dồn vô hũ sạch ép cho thiệt chặt. Khi thấy xơ mít chuyển qua màu vàng sậm hơn, có vị chua, ăn thử thấy dai dai là được. Nhút mít thì phải chấm với chẻo. Chẻo tức là nước chấm được làm từ đậu phộng rang vàng giã nhỏ, thêm chút đường, chút nước mắm, chút bột ngọt, chút ớt chín bằm nhuyễn và trộn đều cho ra một thứ sền sệt hơi giống tương đậu nành xay nhuyễn của người miền Tây. Tôi đã ăn thử xơ mít muối kiểu Nghệ rồi, chỉ cần vài miếng xơ mít, chấm với chút chẻo thôi là đủ “cõng” đến mấy chén cơm trắng.
Còn làm theo kiểu “khúc giữa” là vầy: Xơ mít xé nhỏ rửa sạch để cho ráo hết nước. Nấu nước sôi pha muối hơi mằn mặn như ta muối cà pháo, muối dưa cải, xong để nguội. Cho xơ mít vô hũ sạch, lấy nan tre ém chặt xuống. Kiếm mấy cục đá rửa sạch phơi khô (chuẩn bị sẵn từ trước) bỏ vô hũ dằn đè xơ mít xuống. Xong đổ nước muối vô cho ngập xơ mít chừng 3 cm là được, lấy nắp đậy kín hũ lại cho bụi bặm khỏi rớt vô. Chừng bốn, năm ngày sau xơ mít lên men và bắt đầu chua là có thể đem ra nấu canh, kho cá, kho thịt ba rọi, xào ăn rất bắt cơm. Nếu thích ăn mặn thì chấm thêm chút nước mắm mặn có giằm chút ớt (không pha chế thêm chanh đường). Không có thịt, cá thì vẫn cứ lấy xơ mít này ra ăn cơm cũng ngon luôn. Ai muốn làm cất để dành thì pha nước muối hơi mặn hơn, khi muối lâu cọng xơ mít sẽ cứng lại, không sợ hư.
Mấy năm trước, đọc báo thấy có em học sinh quê miền Trung chỉ toàn ăn xơ mít muối chua thay thức ăn mà vẫn học giỏi, nghĩ buồn cho khoảng cách giàu nghèo của người dân Việt Nam ngày càng dãn rộng. Có người đã ví von rằng: Hồi xưa nghèo thì mấy chục người chia nhau một con gà, bây giờ thì cũng một con gà nhưng chỉ một người ăn, mấy chục người đứng nhìn.
Việt cộng chỉ “show” hình ảnh một người ăn một con gà để lừa thế giới bên ngoài và mị dân là Việt Nam phát triển kinh tế, còn mấy chục người đứng nhìn người khác ăn thịt gà mà thèm nhỏ dãi thì giấu tịt, ai mà “bươi” ra, chúng nó gọi là “phản động”.
TPT - baotreonline.com

____________________________________

No comments:

Post a Comment