Thursday, May 3, 2018

Một Thời Chinh Chiến Điêu Linh

Nguyên Nhung

* Viết cho anh tôi, người phóng viên chiến trường.



(ảnh Internet)
Anh là một phóng viên chiến trường, ngoài phần lương khô và vật dụng cá nhân trong ba-lô mang trên lưng như bao nhiêu người lính khác, anh còn phải đeo lủng lẳng cái máy quay phim và máy chụp hình trước ngực.
Hành trang anh chỉ có thế, mũ sắt trên đầu, cuốn sổ tay trong chiếc túi áo có nắp gắn hai chữ “Báo Chí”, hai tấm thẻ bài, một bộ râu tua tủa vì đã mấy ngày anh theo đoàn quân tiến vào trận địa. Người lính ra chiến trường đã có cây súng làm bạn, riêng anh, người phóng viên chiến trường đi vào vùng lửa đạn, chỉ vỏn vẹn có chiếc máy quay phim, đã ghi lại biết bao nhiêu hình ảnh trung thực của người lính sống thời chiến chinh gian khổ, trên mọi nẻo đường  đất nước.


Tiếng đạn bay líu chíu ngang đầu, anh thầm nghĩ: "Không biết sống chết lúc nào". Chiếc máy quay phim đã thu vào bao nhiêu thước phim giữa mặt trận khi nóng bỏng, lúc âm ỉ đến lạnh người. Ðoàn quân lầm lũi tiến vào rừng dừa trước mặt, phân tán mỏng theo lệnh viên sĩ quan chỉ huy. Những bóng người lầm lũi bước, đôi giày vải ướt sũng trên thửa ruộng xâm xấp nước, đói và mệt, chiếc ba lô trên vai anh như nặng trĩu xuống. Trong bóng chiều nhập nhoạng, thần chết như rập rình chiếc lưỡi hái trên thân phận người lính, cơn mưa chiều luồn những giọt tái tê vào lòng người chiến sĩ.

Anh nhớ lại trận đánh ở vùng Thới Lai, Cờ Ðỏ vào mùa mưa năm trước, trong một vùng dầy đặc cỏ lác và sông rạch. Không phải lần nào quân ta cũng thắng. Ðêm ấy, anh bị mất phương hướng, giữa bóng đêm chập chùng và ánh trăng khuya mờ ảo, anh lần mò ra được đường cái, ở đấy có một ngôi chùa nằm chơ vơ ven quốc lộ. Dưới ánh trăng mờ, ngôi chùa âm u không một ánh đèn, không một tiếng chuông tiếng mõ, chỉ có mùi dìu dịu của hoa sứ phảng phất giữa đêm khuya. Ðã mấy ngày mà trận đánh chưa kết thúc, sự yên tĩnh tạm thời để chờ một cuộc đụng độ tiếp theo, dân chúng hầu như đã tản cư ra quận lỵ, hoặc chạy theo phía bên kia vào những làng mạc xa hơn.

Ngôi chùa tương đối nằm ở khu khá yên tĩnh giữa hai lằn đạn, nhưng không có bóng dáng người dân nào ở đó. Trong bóng tối mờ mờ và yên lặng, anh lần mò men theo mấy bụi cây thấp trước cổng chùa, anh nhìn thấy nhiều thân người nằm la liệt trên sân, im lặng như một bãi tha ma. Họ đang ngủ, quá mệt mỏi cho nên anh chỉ kịp cởi ba lô vứt xuống đất, rồi cứ thế nằm vật xuống bên cạnh một người lính. Anh cần ngủ hơn tất cả mọi thứ trên đời, dù chưa ăn uống gì nhưng anh không cảm thấy đói, chỉ có giấc ngủ mới làm anh tạm quên đi tiếng đạn réo, tiếng bom rơi, tiếng đại bác rền rĩ trong những giờ phút căng thẳng của chiến trường. Anh thiếp đi thật mau, trong lúc ngủ mê hình như anh có đạp chân vào người lính kế bên nhưng không nghe tiếng chửi thề, hạnh phúc nhất của người lính có lẽ là những phút giây hiện tại, tạm quên đi nỗi nguy hiểm, cận kề với nỗi chết.

Chưa bao giờ anh có một giấc ngủ ngon lành đến thế. Không chiêm bao mộng mị, không giường, không chiếu, chỉ có một mặt đất ẩm lạnh và bầu trời nhấp nháy sao đêm. Gió đêm như được ướp mùi hương của những bông hoa sứ làm loãng đi mùi gì tanh tanh giống như mùi máu.

Sáng ra, ánh mặt trời rọi vào mặt anh khiến anh thức giấc, chim chóc hót líu lo chào một ngày vừa lên, sự sống của muôn loài vẫn diễn ra bình thường dù chiến tranh và sự chết đang hiện diện quanh quất, đó đây. Anh hoàn toàn tỉnh giấc, thèm một ly cà phê và điếu thuốc thơm buổi sáng, rồi lạ lùng ngó đám người nằm ngủ trên sân chùa, chợt một cảm giác lạnh toát chạy dài trên sống lưng người lính. Giờ thì anh đã hiểu, đêm qua anh đã ngủ một giấc ngủ tròn trịa và yên bình bên những người lính tử trận, xác họ ngày hôm nay sẽ được chở về nhà xác trên tỉnh lỵ, chờ thân nhân đến nhận.

"Không phải lúc nào ta cũng thắng", anh nghĩ như vậy khi nhìn những tử thi nằm lạnh lẽo suốt đêm trên sân chùa. Chiến tranh là vậy, thắng hay thua thì bên nào cũng có người nằm xuống, có những giọt nước mắt của mẹ già, vợ dại, con thơ, chỉ có điều thật buồn khi tất cả đều là người Việt Nam. Anh nghe có tiếng bước chân nhẹ nhàng của một tà áo đà lướt bên hiên chùa, và mùi nhang thoảng bay trong gió. Một vị sư già có lẽ là người duy nhất còn lại nơi đây, đang cầm một nắm nhang ra cắm xuống trước những thây người nằm la liệt dưới sân chùa, miệng lầm rầm niệm Phật. Ðôi mắt nhà sư thoáng một vẻ ngơ ngác và sợ hãi, khi nhìn thấy một người sống đang ngồi thu lu giữa đám người chết, cả hai cùng im lặng không nói được lời nào.

Năm 1969, anh theo cuộc hành quân miền biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, Cộng quân đang cố thủ trong vùng núi Cô Tô, Châu Ðốc. Người phóng viên chiến trường hơn ba mươi tuổi, đang độ chín muồi của nghề nghiệp, hăng say lao vào vùng lửa đạn khi Cộng quân dùng Campuchia làm bàn đạp thôn tính miền Nam.

Gia đình anh gốc gác miền Bắc, cả một thời ấu thơ và thanh niên anh gắn bó với quê nhà, may mà năm 1954 anh nhanh chân chạy thoát. Bố anh chết ngay năm đó, tất cả gia tài, sự nghiệp bỗng dưng mất hết trong một ngày khiến người cha phẫn chí mà chết. Mẹ anh dẫn ba đứa em dại, đầu quấn khăn tang lếch thếch lên chuyến tàu há mồm xuôi Nam. Một cuộn phim của dĩ vãng vừa hiện về trong trí anh, căn nhà gạch hai gian bề thế phố Cửa Tiền, rặng bàng trước cửa, hoa gạo đỏ mùa hè, giếng nước Tiền Hùng, cái ao sau nhà xanh um khóm chuối ngự, cả một tuổi thơ đầm ấm và mối tình đầu tuổi thanh xuân nằm lại sau lưng cho một tất tả bỏ chạy.

Từ trên máy bay trực thăng anh nhảy xuống theo gót chân người sĩ quan chỉ huy, máy quay phim chạy rè rè thâu vào hình ảnh núi non chất ngất, những người lính chạy lúp xúp nép vào những bờ đá cao tiến tới. Ðịch bắn ra như mưa, viên đạn đi ngọt như cắt từ một hốc núi bay thẳng tới ngực anh, anh chưa thấy đau vì tầm đạn đi nhanh quá khiến anh ê ẩm như bị một viên gạch ném tới đột ngột. Cho đến khi anh thấy ấm ấm và rát bỏng trên ngực áo, máu đã ướt thẫm hai chữ Báo Chí trên chiếc áo nhà binh. Anh loạng choạng ngã xuống với thước phim đang quay dở, chỉ kịp nhìn thấy loà nhoà hình ảnh người lính cứu thương bế anh lên chiếc trực thăng tải thương, đang phần phật đôi cánh quạt trên một vùng cỏ xanh.

Lần ấy viên đạn đi cách tim anh khoảng hai cm, nếu không giải phẫu kịp, máu ứ đầy phổi có lẽ anh đã nằm xuống ngay tuổi ngoài ba mươi. Anh thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, phải nằm trong Quân y viện mấy tháng trời, để được nhìn thấy sự hy sinh và đau đớn tận cùng của người lính trong thời chiến. Những hình ảnh ấy vương vấn trong hồn anh, mãi mãi về sau, tim anh vẫn thắt lại khi bất chợt hôm nào nhìn thấy trên vỉa hè, người thương binh lê đôi nạng gỗ, khập khễnh bước khi đôi mắt chất chứa nỗi bất hạnh cho cả một tương lai

Năm 1972, mặt trận lại sôi động ở vùng biển Long Toàn, Trà Vinh. Bom đạn rền rền át cả tiếng sóng biển rì rào, người dân Khờ Me sống ở những làng mạc hiền hoà với chùa chiền cổ kính, lại vội vã bỏ vùng quê đi lánh bom đạn. Nhà cửa đổ nát, vườn tược tan hoang, anh ứa lệ nhìn hai đứa bé lạc mẹ, mặt mày nhem nhếch nước mắt, nước mũi giữa cảnh khói lửa tơi bời. Giữa vùng giao tranh, chỉ có lằn đạn líu chíu trên đầu người thường dân vô tội, quê hương mình sao khốn khổ đến thế.

Anh nhớ lại một ngày năm 54, năm ấy anh mới mười tám tuổi và đứa em út mới lên sáu, mẹ anh trắng hai bàn tay làm lại cuộc đời trên miền Nam tự do. Những buổi chiều gió mưa, mẹ con ngậm ngùi nhớ về quê nhà. Khu phố êm ả có rặng bàng trở màu khi mùa thu đến, những buổi chợ phiên người trong các làng quê kĩu kịt gánh hàng ra chợ Nghệ.

Người phóng viên chiến trường đâu phải lúc nào cũng ngồi trên máy bay, đâu phải lúc nào cũng theo đuôi Tư lệnh để quay cảnh chiến thắng, gắn huy chương lên ngực áo người chiến sĩ. Anh đã phải ngắm nhìn chiến tranh như phải xem một bức tranh vẽ bằng máu, thâu vào hình ảnh và sự chiến đấu cam go của người lính nơi vùng lửa đạn. Trong khi ấy, chiến tranh quả là khó hiểu, những bàn tay giấu mặt như mụ phù thuỷ đang vẽ vời những lời nguyền rủa sấm sét xuống quê hương anh. Chiến trường này tiếp nối đến chiến trường khác, những cuộc hành quân liên miên từ tháng này qua tháng nọ, nghĩ đến đời sống gian khổ của người lính trong vùng đóng quân đầy những rủi ro bất trắc, anh chỉ ao ước một ngày nào chiến tranh chấm dứt. Một ngày nào đó những thước phim của anh chỉ là hình ảnh nụ cười dễ thương của trẻ thơ, là nét mặt vui tươi của người lính giữa khung cảnh ấm cúng của gia đình, là đôi mắt hấp háy của mẹ già không ứa lệ, khi đêm đêm vẫn thì thầm cầu nguyện sự an bình cho những đứa con.

Anh phóng viên chiến trường giơ ống kính lên, thâu bằng cận ảnh hai khuôn mặt ngây thơ, bốn con mắt ngơ ngác giữa khói lửa mịt mù của hai đứa trẻ thơ mà anh bắt gặp, khi cuộc chiến không bao giờ tính toán được sự bi thảm của nó. Những đôi mắt trẻ thơ sợ hãi, ngác ngơ khi địch quân dùng khu vực nhà dân làm bàn đạp để tiến quân, hai đứa bé còn lại khi cha mẹ chúng có thể đã ngã xuống bởi những lằn đạn vô tình.

Tình cảm giữa người và người bắt anh phải quên đi những thước phim, những tấm hình giá trị khi lọt vào tay bọn thông tấn nước ngoài. Hai tay bế hai đứa bé anh băng ra khỏi khu nhà đang rần rật cháy, giờ phút ấy anh chỉ có một ý nghĩ phải mang hai đứa bé ra khỏi vùng giao tranh, dù có thể lãnh một viên đạn của đối phương.

Suốt một đời làm lính và xông pha nơi những chiến trường nóng bỏng, anh phóng viên chiến trường đã bao phen đối mặt với tử thần. Anh còn bị thương một lần nữa trước khi chiến tranh kết thúc, chiếc máy bay trực thăng bị hỏa tiễn tầm nhiệt bắn trúng đằng sau đuôi, như một khối sắt khổng lồ rớt xuống cánh đồng ngập nước vùng Ðồng Tháp Mười. May là Thượng đế đã che chở anh, đã cho anh trở về với một xác thân lành lặn.

Ngày chiến tranh kết thúc, một kết thúc bi thảm khiến anh hụt hẫng. Người lính bại trận trở về miền quê với những vết đau âm ỉ mỗi lần nhớ đến bạn đồng đội cũ. Trong những chiều gió mưa, lòng anh bùi ngùi khi hồi tưởng đến một khoảnh khắc nào đó, bóng dáng những người lính năm xưa giờ như những bóng ma buồn bã trong dĩ vãng, và anh lặng lẽ nghe những giọt nước mắt buồn tủi chảy ngược vào tim buốt lạnh.

Từ đây cuộc đời bắt đầu là những chia xa, bạn bè anh tan tác mỗi người mỗi nơi mỗi ngả. Có những người nằm xuống trong giờ thứ 25 của cuộc chiến, đã bị quên lãng với mồ hoang mả lạc. Có những người ra đi làm  cánh chim cô đơn, gậm nhấm nỗi sầu vong quốc. Có những người đi vào chốn lao tù với đói khát triền miên, khi trở về chỉ là những chiếc bóng ngác ngơ, sợ hãi cả tiếng bước chân của chính mình.

Sau ba mươi năm ngày chiến tranh kết thúc, người phóng viên chiến trường năm xưa nay đã già, ngồi bán cá kiểng, cá đá cho trẻ con trước khuôn viên một trường tiểu học, cạnh ngôi giáo đường cổ kính. Mỗi lần nghe tiếng chuông ngân ban chiều, anh lại thì thầm đọc mấy câu kinh cho những linh hồn đã khuất.

Gia tài của anh chỉ có một hồ cá bằng thủy tinh với những con cá đủ màu bơi lội nhởn nhơ. Cả một xã hội cá quây quần bên nhau lượn lờ tranh sống, những cọng rong xanh, vài con lăng quăng sót lại từ bữa ăn chiều. Anh chép miệng, bầy cá đã no rồi, chứ lúc đói chúng nó cũng tranh nhau đớp mồi như đám người khốn khổ chen nhau chờ phát chẩn. Lúc này anh đâm lẩn thẩn như thế, chuyện cá chuyện người cứ lẫn lộn trong con mắt người phóng viên đã hết thời

Lúc ấy trời đã về chiều, hai đứa bé đánh giày độ trên mười tuổi vào hàng, ngắm nghía mấy con cá lia thia được rọng riêng trong những chiếc keo thủy tinh trên bệ gỗ, giữa mỗi cái keo đều có một tấm giấy cứng để che cho chúng khỏi nhìn thấy mặt nhau. Mỗi đứa chọn một con, chúng thò tay vào túi lôi ra những đồng tiền nhàu nát, đưa cho người bán cá. Hai thằng nhỏ bày ra cuộc đá cá ngay cửa hàng của người bán cá, tự nhiên anh cũng cảm thấy hào hứng muốn theo dõi trận đá cá của hai đứa trẻ con. Không biết ở đâu lố nhố mấy đứa trẻ nữa quần áo bẩn thỉu, chân đi đất, xúm vào bu xung quanh hai thằng nhỏ đánh giày, khiến anh tự nhiên hồi hộp như ngày xưa mỗi lần theo đoàn quân vào vùng lửa đạn.

Hai con cá trong một cái keo, không biết thù nhau tự kiếp nào xông vào nhau, hai cái thân cá mình xanh vây đỏ lúc ấy phồng lên những chiếc vảy óng ánh, mình chúng như to ra qua thành thuỷ tinh, xoắn lấy nhau đẩy ra những cú húc tơi tả. Lũ trẻ vây xung quanh nín thở, hai con cá lia thia mê mải tấn công nhau, thỉnh thoảng chiếc mỏ cá lại va vào thành keo đau điếng. Sau một lúc quần nhau dữ dội, một con như ngộp thở ngoi lên mặt nước hớp không khí, cái mình cá vẩy óng ánh màu xanh nay đã nhợt nhạt như màu miếng vỏ dưa cố chạy thoát thân, lũ trẻ đứng bên ngoài vỗ tay hét rộ lên những tràng cười khoái chí.

Tan cuộc, hai thằng nhỏ đánh giày bỏ hai con cá cho người bán cá, bưng hộp đồ nghề đi về ngả thành phố, chỗ “hotel” và mấy quán rượu có đông người ngoại quốc và đám Việt kiều về thăm quê. Trời giăng giăng những đám mây đen khiến phố xá chừng như tối xầm lại, bất giác anh chợt nhớ đến cơn mưa đầu mùa của tháng tư năm nào làm lòng quặn lên một nỗi buồn. Tự nhiên, người phóng viên chiến trường năm xưa cảm thấy ngùi ngùi, tưởng mình như con cá bại trận manh giáp tả tơi, bị vứt lại bên lề đường một cách thảm thương

Tội nghiệp anh, những cuộn phim của dĩ vãng như run rẩy theo làn khói thuốc, anh bập hoài điếu thuốc đen trên môi, những móng tay cáu vàng ám khói. Cơn mưa chiều đột ngột đổ xuống rơi lộp độp trên tấm poncho nhà binh che trên vỉa hè, gõ những nhịp trống vào đầu khiến anh nghĩ đến những cơn mưa nơi vùng hành quân năm xưa, khi anh còn là một người lính. Anh tưởng tượng lát nữa đây khi về nhà, với âm thanh hùng hồn của một ngày nào rất xa, anh sẽ tường thuật cho đứa cháu ngoại nghe trận đá cá chiều hôm nay trước cửa trường học. Hai con cá cùng một loại đá nhau chí tử, một con thắng nhưng cũng ê ẩm, lòng vòng trong chiếc keo thuỷ tinh chật hẹp, không hy vọng đá nổi một trận nữa, một con bại anh quăng ra mặt đường, đã nát mình dưới những vòng xe lăn.

Phố đã lên đèn, anh thu dọn cửa hàng để về nhà mà lòng nặng trĩu một nỗi buồn không tên tuổi. Anh phóng viên chiến trường năm xưa thì thầm nói với mình "Hơn ba mươi năm rồi, chẳng biết còn ai nhớ đến mình không nhỉ?".

Nguyên Nhung 

No comments:

Post a Comment