Friday, March 26, 2021

OKINAWA – MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Vũ Ðăng Khuê



Order sách xin liên lạc
 
okinawa.venguon@gmail.com
Chúng tôi nhận bản thảo của sách “Okinawa – Một Thời Để Nhớ” vào những ngày Phù Tang cuối thu, khi hồng diệp đã trang hoàng đồi núi khắp nơi và không khí lạnh đã bắt người ta thay áo ấm. 

Đây là một tập sách có thông tin chi tiết về những trại tị nạn và những thuyền nhân người Việt ở Okinawa – nơi từng là đảo quốc Lưu Cầu có nền văn hiến và ngôn ngữ khác biệt với phần còn lại của nước Nhật. Thoạt đầu, tưởng như đây là một tập tư liệu khô khan với những con số và sự kiện theo ngày tháng, nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó…

Hàng chục cuộc phỏng vấn với nhân chứng sống, những lần cất công xin tư liệu như thể điệp vụ bất khả thi trong việc đàm phán với chính quyền Okinawa, những bài hồi tưởng về các chuyến vượt biên không thể nào quên, những hình ảnh quý giá tưởng như không thể nào sưu tầm được, những bài viết từ những người tưởng như không bao giờ cầm bút… tất cả những nỗ lực phi thường đó đã kết tinh trong quyển sách này. 
Sách về người tị nạn cộng sản đã nhiều và đã có từ những ngày đầu có người tị nạn, nhưng ở “Okinawa – Một Thời Để Nhớ”, độc giả sẽ tìm thấy được những điều rất đặc sắc, bố trí theo một trình tự súc tích hoàn hảo và nội dung vô cùng phong phú. 

Hơn hết, quyển sách này còn giải đáp được thắc mắc những con người ngày xưa bây giờ thế nào, qua việc giới thiệu sơ lược về hiện tại của những người xuất thân từ Okinawa năm đó. Trong sách còn có tiếng nói của thế hệ hai, sinh trưởng ở nước định cư, nhưng lại biết về Okinawa và Việt Nam qua lời kể của người lớn.

Song song đó, sách còn giới thiệu về “Dự án Okinawa” – một nỗ lực lớn lao để sưu tầm tư liệu và các hoạt động tri ân vùng đất đã cưu mang rất nhiều người trong cơn ly loạn. Một cuốn sách chứa tâm tư tình cảm và nguyện vọng của rất nhiều người, trải qua hai thế hệ, với niềm mong mỏi “Về Nguồn” được nung nấu và truyền thừa không ngơi nghỉ.

Những chàng trai trong đội banh trại tị nạn Okinawa

Chúng tôi tin rằng trong chừng mực nào đó, bạn đọc sẽ nhìn thấy được câu chuyện của bản thân và đồng cảm với những người cùng cảnh ly hương đã tự bạch trong sách. Đây không phải chuyện văn chương chữ nghĩa, nhưng còn là tiếng nói – hay chính xác hơn là tiếng kêu gào mãnh liệt của những người Việt đã từng cắn răng nuốt lệ từ biệt quê cha đất tổ. Vì sao mô tả như vậy? Vì trong thế giới vật chất và đổi thay từng ngày như hôm nay, người ta có thể dễ dàng quên hoặc cố tình quên đi nguồn gốc của mình, thì nỗ lực để nhắc nhở chính mình và con cháu về quãng đường đời tị nạn đắng cay, dường như là “tiếng kêu trong hoang địa” của ông thánh John The Baptist kêu gọi người ta sống đường ngay nẻo chính trong thời buổi suy vi.

Nhưng may thay, khi việc thực hiện cuốn sách vừa khởi sự, tức thời nhất hô bá ứng, người người cùng tiếp tay tiếp sức, cho thấy lòng dạ của những thuyền nhân năm xưa vẫn chưa phai màu son sắc, vẫn còn đau đáu nỗi khắc khoải về nơi mình đã ra đi. Sự cộng hưởng này đến từ những trái tim chân thật cùng chung một nỗi ưu tư chân chính. Vậy thì chẳng phải là tiếng kêu gào đơn độc nữa, mà cuốn sách này còn là sự cộng hưởng rền vang như tiếng sư tử hống ở đô ấp Kammassadhamma thời Phật Gautama còn tại thế.

Đây quả là một ấn phẩm đáng trân trọng mà chúng tôi hân hạnh được cộng tác thực hiện và giới thiệu với độc giả người Việt năm châu.

Ở Mỹ muốn mua sách xin liên lạc: okinawa.venguon@gmail.com

Đông Kinh, mùa đông năm 2019

Nam Nghệ Tân Xã -  Vũ Ðăng Khuê

______________________________________

No comments:

Post a Comment