Saturday, March 6, 2021

TẢN MẠN VỀ SỨC KHOẺ

Mọi người thường nói: mình sẽ không biết quý trọng cái gì đó cho đến khi nó bị mất.

Có rất nhiều thứ từ vật chất đến tinh thần đúng với nhận định đó, trong đó có một phạm trù rất quan trọng: SỨC KHỎE.

Không phải vì mình là bác sĩ nên đề cao vấn đề sức khỏe mà vì mình đã từng trải nghiệm về nó trong nhiều vai trò khác nhau.

1.  
Khi là sinh viên Y khoa:
Khi là sinh viên, hàng ngày mình tiếp xúc với bệnh nhân thường xuyên hơn bác sĩ vì phải khai thác càng nhiều thông tin của bệnh nhân càng tốt – không đơn thuần chỉ là các triệu chứng về bệnh tật mà còn về công việc, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, môi trường làm việc … để có thể chẩn đoán bệnh được chính xác, để có một bộ hồ sơ bệnh án đầy đủ nhất phục vụ cho công việc học tập. 

Suốt 4-5 năm dài như thế, mình nhận thấy có rất nhiều người đã bỏ lỡ khoảng thời gian vàng để điều trị bệnh. Do thiếu kiến thức cũng có, do phải vất vả mưu sinh không có thời gian cho chính bản thân mình cũng có, do điều kiện kinh tế hạn hẹp cũng có và do chủ quan cũng có … để rồi khi nghe bác sĩ thông báo thì đã quá muộn. Một sự hối hận muộn màng!
Kinh nghiệm rút ra: Cần phải biết LẮNG NGHE CƠ THỂ và QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHỎE ĐÚNG LÚC NHẤT.

2.  Khi là Bác sĩ:
Trực tiếp tham gia khám bệnh, điều trị, phẫu thuật mình mới nhận ra: “Ông trời” đôi khi cũng đánh đố con người! Có những bệnh không hề lên tiếng nên không thể lắng nghe, có những bệnh xuất hiện đột ngột không kịp lắng nghe, có đôi khi cơ thể phát tín hiệu giả nên bị nghe nhầm và cũng có khi lắng nghe quá kỹ rồi lầm tưởng vấn đề trầm trọng nên bị stress -  nhất là hiện nay khi có thêm sự xuất hiện của bác sĩ Google.

Kinh nghiệm rút ra: nên duy trì KIỂM TRA SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ, quản lý tốt HỒ SƠ SỨC KHỎE của chính mình và đừng chần chừ, hãy đến GẶP BÁC SĨ ngay khi cảm thấy sức khỏe có vấn đề.

3.  Khi đưa người nhà đi khám bệnh:
Người thân của bác sĩ cũng mắc bệnh và nếu bệnh thuộc lĩnh vực chuyên khoa khác, bác sĩ cũng phải đưa người nhà đến bệnh viện.
Thời gian chờ đợi người nhà đi khám và làm cận lâm sàng là thời gian bác sĩ quan sát, ngầm so sánh dịch vụ ở đó với nơi mình làm việc. Nó có thể tốt hơn, có thể tệ hơn nhưng nói chung là: mệt mỏi!

Kết luận: dù là trải nghiệm tốt hay xấu, tốt nhất là CẢ NHÀ CÙNG KHỎE MẠNH để đừng có dịp trải nghiệm tại bệnh viện. 

4.  Khi là người nuôi bệnh:
Người nhà bệnh nặng nằm trong ICU, tôi cũng trải chiếu nằm lăn lóc ở hành lang. Hàng ngày, chờ đợi gọi tên đi đóng thêm tiền tạm ứng, gọi tên đưa thêm khăn tả, chờ đợi đến giờ các cô điều dưỡng kéo rèm để được nhìn người nhà qua tấm vách kính vài phút. Trong phòng ICU, những bệnh nhân còn tỉnh cũng mong đến giờ kéo rèm để dáo dác nhìn qua vách kính tìm gương mặt người thân như những người bên ngoài. Cảnh tượng đau lòng làm sao! 

Sau này người nhà tôi kể lại: Lúc đó ước ao chỉ cần được là một trong số những người bình thường đứng ngoài kia, bất kể sống ở đâu, bất kể làm nghề gì, giàu cũng được, nghèo cũng không sao, chỉ cần được khỏe mạnh.

Thế mới thấy SỨC KHỎE LÀ TÀI SẢN LỚN NHẤT của mỗi người. HÃY GIỮ GÌN CẨN TRỌNG, không được để mất, chủ động làm cho nó ngày càng dồi dào nếu được; Hoặc chí ít - không để nó bị hao hụt, bào mòn do sử dụng lãng phí hoặc không đúng cách – nhất là khi ta còn trẻ.

5.  Khi chính mình là bệnh nhân:
Tôi cũng từng vài lần nằm bệnh viện. Tuy may mắn chỉ là những bệnh thông thường nhưng người nhà cũng phải nghỉ việc vào chăm sóc.
Những lần bệnh nhẹ nằm tại nhà cũng làm mọi người lo lắng, họ đi làm cũng không yên tâm. 
Do đó, cần phải KHỎE ĐỂ KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGƯỜI THÂN, chưa kể nếu bạn là trụ cột - sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Lời kết: Mong ước cho mình, cho gia đình mình và mọi người luôn được KHỎE MẠNH, BÌNH AN vượt qua mùa đại dịch.

Ngày 25/02 - năm Covid thứ hai.
Thấy bài hay xin share lại - Chân thành cáơn

_________________________________

No comments:

Post a Comment