Wednesday, March 10, 2021

Hậu bánh chưng, bánh tét

 Tạ Phong Tần


“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Hai câu ca dao cổ ngắn gọn mô tả đầy đủ hình ảnh, hương vị, màu sắc, âm thanh Tết Nguyên Đán của người Việt. Câu ca dao cũng nêu bật đặc điểm Tết Việt là trong nhà dù ít hay nhiều cũng phải có bánh chưng, bánh tét; thiếu bánh chưng, bánh tét thì có gì đó rất thiếu hương vị Việt.
Thời người Việt ở Mỹ muốn ăn cái bánh chưng, bánh tét, cọng rau mùi, bún, mắm mà không mua được đã đi vào dĩ vãng rồi. Bây giờ, tới Little Sài Gòn (quận Cam, Nam Cali) – muốn mua bất cứ sản vật nào đặc trưng Việt Nam cũng có. Ðó là về hình thức, còn phẩm chất món hàng thì hên -xui, tùy “lòng hảo tâm” của người bán hàng. Bất cứ tiệm bánh, tiệm cà phê, tiệm Food to Go, chợ Việt nào cũng đều có bán bánh chưng, bánh tét quanh năm. Bánh loại đông lạnh nhập từ Việt Nam qua cũng có, mà loại làm tại chỗ cũng có. Ngày Tết, trong chợ Việt bánh chưng, bánh tét chất đống được bày biện ra mặt tiền ngay cửa ra vô, đó là bánh tươi mới làm, còn loại bánh bán thường ngày người ta chất trong thùng đông lạnh phía trong chợ. Các tiệm thì số lượng bánh bày bán tăng vọt mới đủ cung cấp cho nhu cầu của khách hàng.
Ở quê tôi có câu: “Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết.” Vì cái sự dư thừa đó mà sau ngày Mùng Bảy (hạ nêu) thì tôi phải giải quyết “tàn dư hậu Tết” của mấy cái bánh chưng, bánh tét. Xưa các cụ dạy con cháu cẩn thận khi đi chợ: “Chỉ có người mua lầm chớ người bán không bao giờ lầm,” đúng y chang luôn, thiệt là “kinh nghiệm xương máu” của các lão tiền bối truyền lại cho lớp hậu sanh.
Bánh gói theo kiểu xưa là gạo nếp ngâm qua đêm, vút sạch trong nước lạnh, gói thật chặt trong lá chuối hoặc lá dong, cùng với đậu xanh, thịt mỡ, ngoài cột nhiều ngấn bằng dây lạt tre mềm, như vậy khi luộc chín nếp bện chặt, dẻo và ráo nước, ăn rất ngon. Thời bà ngoại tôi, bánh luộc xong treo từng cặp lên cây sào tre trong bếp cho bánh nhỏ nước luộc xuống. Bánh treo như vậy để cả tháng vẫn không thiu. Muốn giữ lâu hơn, sau khi treo ráo nước rồi, hột nếp đã co sít lại với nhau, người ta cột sợi dây dài rồi thả bánh xuống đáy ao sâu, độ lạnh dưới đáy giữ cho bánh lâu hư. Bánh gói chặt nên không hề bị thấm nước ao, hai-ba tháng sau kéo bánh lên ăn vẫn ngon như mới, chớ thời đó làm gì có tủ lạnh để giữ bánh. Bánh ngon là bánh có lượng nếp hơi dày một chút, thịt mỡ ba rọi nằm trong lớp đậu xanh. Khi luộc chín rục, nếp khắn từng hột với nhau, làm cho bánh rất dẻo, mỡ mềm rệu tan thấm vô đậu xanh, thấm vô nếp.
Bây giờ ở Little Sài Gòn muốn mua lúc nào cũng có nên tôi có thể ăn bánh chưng, bánh tét quanh năm nếu “chán cơm thèm tét.” Cũng vì vậy mà tôi nhận ra một chuyện quái đản không giống ai, là không biết từ lúc nào, ai là “tổ sư gia” của “tối kiến” (không phải sáng kiến) gói bánh chưng, bánh tét bằng cách dùng cơm nếp bó lại (tất nhiên trong cũng có nhưn) rồi luộc, chớ không phải ngâm nếp qua đêm và gói bánh bằng nếp sống, đem luộc chín theo kiểu truyền thống. Từ lúc nào mà bánh chưng, bánh tét không gói bằng nếp sống rồi luộc, nay chỉ lấy cơm nếp bó lại cho có hình thù rồi luộc cho chín thịt, xong gọi là “bánh chưng, bánh tét”? Tôi chưa dám khẳng định tôi đã ăn thử qua hết tất cả các tiệm bán bánh ở Little Sài Gòn, nhưng từ bánh của người bán dạo bằng xe hơi đậu ngoài parking chợ, bánh bán trong chợ, bánh bán trong tiệm Food to Go, tiệm cà phê… tôi đều thất vọng não nề khi mở lớp lá chuối gói bánh thì gặp ngay lớp cơm nếp nhão nhoét nằm chài bài ra trước mặt, nếp ra nếp, mà nhưn ra nhưn, chẳng ăn nhập vô đâu hết. Dù bánh gói tại đây miếng thịt nạc rất bự, tuy nhiên, không phải miếng thịt bự là bánh ngon. Vì vậy, Tết vừa rồi, tôi đắn đo hoài, cuối cùng quyết định không mua bánh chưng, bánh tét gì hết.
Qua ngày Mùng Hai, cô bạn tôi cho tôi một cái bánh chưng mà theo cô ấy là “ngon lắm,” làm tôi mừng hí hửng. Ðến khi mở lớp nilon gói kỹ bên ngoài cái bánh chưng ra, nhìn thấy dây nilon buộc chỉ là một hình chữ thập sơ sài thì tôi cảm thấy nghi ngờ cho lời quảng cáo của cô bạn tôi. Theo kinh nghiệm mấy chục năm ăn uống của tôi, nếu nếp sống cột bánh sơ sài như vầy đem luộc thì nếp nở ra phá bung lớp lá, hột nếp chảy ngoài hết sạch. Tôi rờ vô bánh bóp thử, thấy bánh chưng mà mềm èo thì tôi lại càng nghi hơn. Ðến khi mở lớp lá ra thì ôi thôi, bên trong bánh mềm nhão tới mức không thể dùng dao hay dây cắt thành miếng được, đành bê nguyên cái bánh chưng cho vô chảo chiên. Chiên hoài không cứng, không giòn, khi trở mặt bánh thì nó bể ra thành một đống bầy nhầy (như hình.) Với trình độ tay nghề nấu nướng của tôi, gặp cái-vật- gọi-là-bánh-chưng này tôi cũng bó tay đầu hàng luôn, không cách gì sửa chữa nó được.
Tôi nghĩ ở Mỹ phải nhập lá chuối từ Thái Lan, Việt Nam qua, nên lá chuối bán mắc, có lẽ vì vậy người gói bánh không dám dùng nhiều lá chuối khi gói, thành thử không thể bó siết chặt cái bánh khi gói, cũng nên thông cảm. Bánh gói ở Việt Nam thì đâu có thiếu lá chuối, chắc phải gói chặt hơn bánh ở Mỹ. Nghĩ sao làm vậy, bèn  vô chợ Việt mua thử một cặp bánh tét nhưn đậu “Product of Vietnam,” có tên công ty sản xuất và công ty nhập cảng đàng hoàng. Ai dè suy nghĩ của tôi chỉ đúng có một nửa, tức là đúng phần “ở Việt Nam không thiếu lá chuối,” lớp lá gói bên ngoài bánh thật dày, còn phần nếp và đậu xanh trong bánh thì cũng bời rời, nhão nhoẹt, nếp đi đàng nếp, nhưn đi đàng nhưn, giống y như bánh gói bằng cơm nếp ở Little Sài Gòn. Các cụ thường nói “Ngán như ăn cơm nếp nát,” thiệt là thất vọng quá mạng luôn.
Trong các tiệm Việt đều có bán nhiều loại xôi nấu sẵn. Xôi đậu trắng, xôi đậu đen, xôi đậu phộng, xôi lá dứa màu xanh cẩm thạch, xôi gấc màu đỏ cam, xôi lá cẩm màu tím, xôi nếp trắng, xôi nếp than… được đựng trong từng vỉ xốp nhỏ, trên bọc lớp màng bọc thực phẩm (plastic food wrap) nhìn rất đẹp mắt. Tôi mua xôi bao giờ cũng chú ý quan sát kỹ từng vỉ xôi, thấy loại nào hột xôi bóng, mướt, hột nếp trong, ráo, thì mua. Vỉ nào hột nếp nở bự chài bài dính chùm với nhau không mua. Xôi thì có thể nhìn thấy bên trong hộp mà lựa chọn, còn bánh chưng, bánh tét thì không có cách gì nhìn vô bên trong, mỗi lần mua ở một tiệm mới là một lần phó mặc cho số mạng hên – xui, hên thì ăn được, xui coi như mất đứt $15.
Còn những hộp nhựa đựng mứt Tết, bánh kẹo Tết đáy hộp lõm sâu lên lòng hộp gần một nửa, làm tôi nhớ đến các kiểu ly, thùng, can nhựa, cái lít đong gạo, đong dầu lửa, hũ chao đều được làm đáy lõm sâu… phổ biến thời bao cấp thập niên 80 ở Việt Nam, để ăn gian trọng lượng món hàng.
Người Việt thời nay không hiểu sao lại chuộng lối làm ăn cẩu thả, gian dối, màu mè, hình thức, lừa gạt lẫn nhau? Tôi không biết kiểu làm ăn chụp giựt, không giữ chữ tín này là do người hải ngại bắt chước người ở quốc nội, hay người ở quốc nội bắt chước người ở hải ngoại, mà giờ đây hai đàng đều giống nhau đến y chang?
TPT
________________________________

No comments:

Post a Comment