Monday, May 29, 2023

Bún Mọc “Chiêu Niệm”

 Hoài Như


Giò sống thả vào nước sôi, khi chín nổi lên màu trắng ngần – nên gọi là “mọc”.

Hôm nay là ngày của mẹ, thấy mẹ cháu hí hoáy làm bánh làm trái cho bà cháu, còn 2 cháu mua cho mẹ cháu cái bóp mới và một bó hoa, còn bố cháu thì chả được…. cái gì, chỉ được một lời hứa: tối nay về sẽ cho ông ăn bún mọc.

Trong lúc chờ đợi, gửi bạn ta một bài viết về bún mọc theo lời kể của cô em gái năm xưa, đọc đỡ cho…. qua ngày qua tháng.



Chủ Nhật, cả nhà dậy trễ, đứa em út vốn háu đói đã nhanh nhẩu
– Hôm nay làm gì ăn đi mấy chị.
– Bún mọc đi?
– Bún mọc là bún gì?
Tôi bật cười, năm nay mười tuổi em tôi chưa biết Bún Mọc là bún như thế nào, nó cũng khó tưởng tượng ra môt tô Bún Mọc đầy màu sắc và mùi vị.

Tự nhiên luồng ký ức bỗng sống dậy trong tôi, ru tôi trở lại quãng đời của những năm về trước, tôi chợt nhớ đến Quán Bên Đường, cái tên thật là thơ mộng mà mấy nhỏ bạn của tôi đã đặt cho quán Bún Mọc dưới chân cầu Trương Minh Giảng, tôi chợt nhớ lại những lần dăm ba đứa rủ nhau đi thưởng thức hương vị tuyệt vời của tô bún Xứ Bắc Kỳ, tôi chợt muốn viết một bài để “vinh danh” bún mọc, trước là cho riêng tôi và sau là cho những người bạn đang cùng tôi mơ tưởng bát bún đậm đà bên kia bờ đất nước.

Cái tên là lạ, cái tên khó hiểu đến với người sảnh ăn uống, nhưng nếu xét cho kỹ, ‘mọc’ ở đây có nghĩa là “nổi lên trên”. Giò sống thả vào nước sôi, khi chín nổi lên màu trắng ngần – nên gọi là “mọc”.

Tôi đã được bà hàng ở chân cầu Trương Minh Giảng bỏ gần 10 phút để giảng, đã lâu nên tôi quên mất nội dung, chỉ nhớ đại khái là như vậy. Nhưng ‘mọc’ hay ‘nổi’ đối với tôi cũng đều có nghĩa là bún chả lụa, với đủ kiểu chả: chả chiên, chả lụa, chả hấp trong bát bún.

Dưới chân cầu Trường Minh Giảng, quán bún mọc lâu đời và nổi tiếng “ngự trị” ở đó với khách “thập phương”.
Đôi lần có ăn ở chỗ khác nhưng tôi vẫn phải công nhận bún mọc ở đây là ngon nhất. Hình như bún mọc không được phổ biển cho lắm, như phở, như bánh xèo nhưng “ngon phải biết”.

Đầu tiên, tôi thích ăn bún mọc vì tôi thích ngốn chả, nên tôi nghĩ bún mọc ngon là vì chả -nếu không có những lát chả lụa bún mọc hết “linh hồn”.

Nhưng sau thì tôi biết tôi lầm, vì có 1 lần ăn tô bún không có một lát chả ngoại trừ một miếng sườn heo, nhưng nó vẫn ngon, ngon lạ lùng.
Có lẽ bún mọc ngon là nhờ nước lèo, ngọt ngào, húp 1 miếng vị ngon thấm tới phổi.
Tôi tưởng người ta phải viết cả 1 bài để nói đến cái ngon của nước lèo bún mọc mới phải chứ, không biết nước lèo bún mọc được nấu bằng thứ gì nhưng nó trong thật trong, và óng mỡ.

Có lần mấy chị em tôi thử nấu bằng xương heo và giò sống nhưng thất bại vì nước vẫn đục đục, nghe người ta nói là phải hớt bọt khi đang nấu nhưng chỉ biết ăn và biết ngó thôi nên đành chịu.

Bún mọc không cay như bún bò cũng không nồng mùi như phở, nó dễ thương như một cô gái đến tuổi dậy thì làm dáng. Nước trong – như chưa hề vướng phải một vẩn đục nàoncủa trần gian.

Bún mọc ăn với ớt tươi nên không sợ màu đỏ của ớt bột làm “hoen uế”, có người còn vắt chanh cho bớt mỡ nhưng tôi lại chúa ghét vắt chanh vào bất kỳ môt loại bún nào, có lẽ tôi ghét chanh chăng?

Thường thì vài viên mọc, vài lát chả lụa là đủ một tô bún mọc, nhưng ở dưới chân cầu Trương Minh Giảng thì lại khác, hoàn toàn khác, vài lát chả lua, vài viên mọc, viên chả chiên, chả hấp, một miếng sườn heo…..
Rất ư là cầu kỳ và xa xỉ và chỉ cần một miếng đầu tiên, người ta sẽ cảm thấy bao nhiêu phiền muộn tan biến.
Rau muống chẻ cũng là đồ phụ tùng của bún mọc.

Kế quán bún mọc ở dưới chân cầu Trương Minh Giảng là quán bún mọc trong chợ Ông Tạ. Bà hàng chỉ bán vào buổi sáng, sau l0 giờ coi như là “đóng cửa”.
Dĩ nhiên là tôi không có dịp lặn lội lên tới đó để thưởng thức một cách thường xuyên nhưng phải công nhận là nó ngon không thua quán ở dưới chân cầu Trương Minh Giảng, lẽ dĩ nhiên là không thể hơn được rồi.
Ăn bún mọc thì nhớ đến tâm tình của những người làm chả. Chả mà dở thì tô bún chẳng vui, thành ra chả cũng phải ngon như nước mọc.

Viết đến đây tôi không đủ can đảm để viết tiếp. Đêm đã khuya, bụng thì đói cồn cào mà ngồi viết để nói về bún mọc qủa thật là một cực hình.
 Tôi ngừng bút nơi đây, trong nỗi niềm thương quê nhớ nước, nhớ bạn bè và nhớ bún mọc không nguôi.

Tôi luôn luôn nhắc tôi, tôi tự hứa với tôi là phải làm tất cả để sớm có một ngày ngồi chễm chệ ở dưới chân cầu Trường Minh Giảng vừa ăn tô bún mọc dậy tình vừa được nghe bà hàng «luận thuyết» tiếp tục về danh từ “bún mọc”.


__________________________________

1 comment:

  1. ‘mọc’ ở đây có nghĩa là “nổi lên trên”. Tôi không biết định nghĩa này. Mọc .... tôi nghĩ là từ thuần Việt, sao chữ MỌC = NỔI LÊN TRÊN. Rất mong tác giả giải thích rõ ạ. Cảm ơn

    ReplyDelete