Wednesday, August 10, 2011

Đinh Tấn Khương : CHUẨN BỊ CHO TUỔI GIÀ #4

Bạn đã đọc chưa : Chuẩn bị cho tuổi già #3


Chúng tôi có nuôi một con chó , không phải là giống chó khôn ngoan . Thời gian chúng tôi ở nhà , trông nó có vẻ mừng rỡ ra mặt . Chúng tôi đi đâu là nó đi theo đó . Chúng tôi ngồi vào bàn làm việc thì nó cũng theo nằm bên cạnh .
Sáng ra đi làm , vứt cho nó một ổ bánh , chiều về vẫn thấy còn nguyên . Nếu chúng tôi vừa ăn vừa vui đùa thì nó ăn có vẻ ngon lành , nhanh chóng .
Điều nầy tạo một ấn tượng lớn trong chúng tôi :

- Con chó không là đồng chủng . Không nói lên được hết những thứ tình cảm giữa nó với mình . Thế mà nó còn muốn có một sự gần gũi . Hỏi thử rằng các con của chúng ta có thực sự cần đến một gần gũi như vậy , với chúng ta hay không ?.


Chúng tôi đoan chắc rằng chúng nó rất cần đến điều ấy . Tuy nhiên , đa số chúng ta thường mắc phải một sai lầm nghiêm trọng đó là , mỗi khi gần gũi với con cái , chúng ta không chịu tạo niềm vui hay chia sẻ với những lo âu của chúng . Mà chúng ta thường dành thì giờ đó để chỉ trích những lầm lỗi mà chúng chưa kịp suy nghĩ ở cái tuổi ăn chưa no , lo chưa tới .


Đồng ý với quý vị rằng, chúng cần đến sự nhắc nhở và dạy dỗ của chúng ta. Nhưng không phải mỗi khi chúng ta thấy mặt các con là để lải nhải những câu:


- Lấy bài ra học đi , đừng làm những chuyện mất thì giờ vô ích đó . Đừng ngồi đây coi tv nữa .. v.v.


Mà trước đó mình chưa tạo được cơ hội để cho chúng cảm thấy thoải mái và muốn gần gũi với chúng ta .

Làm như vậy , chúng luôn có cảm giác rằng sự gần gũi của mình chỉ là để kiểm soát hay để phê phán , chỉ trích .. chứ không phải thực sự là để giúp đỡ hay chia sẻ niềm vui cho nhau .

Nghĩ như vậy , chúng không còn muốn một sự gần gũi thường xuyên với chúng ta nữa . Lâu dần trở thành một thói quen xa lạ .
 

Nếu quý vị nghĩ rằng , cố gắng xây dựng một gia đình có nhiều tài sản để lại cho con cái là ưu tiên số một . Thì quả thật quý vị đã làm sai một bài toán trong lãnh vực đầu tư .
Con cái của chúng ta chắc chắn cần đến sự giúp đỡ về tài chánh , nhưng không thể thiếu tình cảm của chúng ta được dành cho chúng 


Lúc trưởng thành chúng có thể kiếm được tiền từ khả năng của nó. Nhưng nó không tìm lại được cái tình cảm mà mình không cho chúng nó ngay từ bây giờ.

Không phải là chúng ta không thương các con nhưng chúng ta đã không biết thương đúng cách . Thử hỏi , bây giờ chúng ta không có dịp để gần gũi với chúng thì làm sao ở tuổi về già quý vị có thể gần gũi với chúng được ? Nhất là khi các con của quý vị đã có gia đình riêng tư , chúng cũng phải có cuộc sống riêng của chúng lúc ấy chứ !
Tôi biết được một nữ bác sĩ người Mã Lai gốc Hoa , chồng mất sớm vì tai nạn . Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất , người mà bà đã dành trọn tình thương như để bù trừ sự thiếu thốn tình cảm từ người cha . Bà làm việc rất chăm chỉ , những mong tạo dựng cơ nghiệp hầu để lại cho đứa con gái thân yêu của mình . Bà cũng nuôi con ăn học thành tài như ước nguyện .

Sau lễ tốt nghiệp đại học đứa con gái xin được tổ chức đám cưới với người mà nó đã quen biết từ lâu . Cuộc hôn nhân đó đã làm cho bà rất hài lòng vì nghĩ rằng mình đã hoàn tất bổn phận và đã trút hết gánh nặng của một người mẹ .

Bà bắt đầu suy nghĩ và dự tính là tới lúc nên được nghỉ ngơi cũng như dành thì giờ cho đứa con gái duy nhất của mình . Nhưng điều dự tính nầy không đạt được ý mong . Bởi vì công việc riêng tư cũng như thời gian dành riêng cho nhau của đôi vợ chồng trẻ đã là một trở ngại lớn lao . Bây giờ bà muốn dành nhiều thì giờ với nó nhưng không được . Bà đã cảm nhận một sự trống trải tột cùng và đã yêu cầu được gần gũi với chúng nó nhiều hơn . Thế nhưng chúng phải đi xa vì công việc làm của chúng .
Bà đã không quên được câu nói của đứa con mình :



  - Mẹ có biết rằng trước đây con đã từng mong muốn một sự gần gũi với Mẹ lắm không ? Nhưng lúc ấy Mẹ quá bận rộn nên con đành ôm lấy một nỗi buồn .

Bây giờ thì con đã có gia đình và cần phải theo đuổi việc làm , con không thể bỏ lỡ cơ hội Mẹ ạ . Xin Mẹ tha thứ cho con !


Bà đã khóc rất nhiều và đã nghỉ việc kể từ dạo ấy !


Như vậy , tiền bạc không phải là thứ duy nhất mà con cái chúng ta cần đến . Phải không quý vị ?  
Cũng có thể , chỉ những đứa con không chịu khó hay là không đủ ý chí để tạo dựng tương lai cho riêng mình thì mới ỷ lại tiền bạc của 
cha mẹ mà thôi !? 

Nhớ lại câu chuyện của một anh bạn cùng quê ở miền Trung . Sau khi hoàn tất tú tài 2 , xin gia đình vào SàiGòn để theo đuổi bậc đại học . Anh ta đi trước chúng tôi chừng một năm .
Cũng như chúng tôi , anh ta phải vừa học vừa dạy kèm để kiếm sống , phụ thêm những chu cấp có giới hạn của gia đình .
May mắn cho anh là anh sớm có được một chỗ nhận để dạy kèm một cô học sinh thuộc gia đình giàu có . Chúng tôi muốn nói , anh có may mắn vì chỗ nầy trả thù lao cho anh khá hậu hĩnh . Nhờ thế mà anh đã yên tâm trong vấn đề tài chánh để tập trung trong việc học .

Anh hoàn tất học trình ở trường đại học Sư Phạm , được nhận dạy tại một trường trung học ở SG . Đồng thời anh cũng hoàn tất văn bằng cử nhân Luật , mà anh đã ghi danh học hàm thụ trước đây , một năm sau đó .

Có lẽ nhận thấy anh ta là người cần cù chịu khó học hành , làm việc . Gia đình cô gái có ý định gả cô học trò này cho anh ta . Và dĩ nhiên là gia đình cô có ý định tặng nhiều phẩm vật và tài sản cho vợ chồng anh. Tài sản khá to đối với tầm nhìn của những thằng trẻ tuổi như chúng tôi hồi bấy giờ. Một cây xăng tại một đường phố lớn và một căn nhà ở Sài Gòn thì làm sao mà chúng tôi không choáng được.

Chúng tôi khuyên anh ta là nên chớp ngay cơ hội . Mình nghèo quá mà . Có của sẵn người ta cho thì hưởng phước rồi còn gì !?
Mấy thằng bạn của chúng tôi , dù không nói ra , nhưng chúng tôi thừa biết rằng đứa nào cũng cảm thấy tiên tiếc là tại sao mình lại không được may mắn như vậy !

Anh bạn có hội ý cùng ba mẹ . Ba mẹ anh hơi lo lắng là không có sự cân đối giữa hai gia đình , e rằng sau này anh sẽ khổ . Nhưng ba mẹ anh đã cho anh cái quyền quyết định .
Anh bạn suy nghĩ trong một thời gian không lâu và hôn lễ được cử hành khá long trọng , dưới cặp mắt thơ ngây của những thằng con trai mới lớn như chúng tôi lúc ấy .


Photo by:Hua Anh

Cứ tưởng bở !.
Nhưng một năm sau , vào một đêm mưa to gió lớn . Anh bạn đã gõ cửa nhà trọ chúng tôi . Với cái túi xách cũ kỹ ngày nào được mang từ miền quê lên thành theo học . Mặt anh có vẻ u buồn với một tấm thân hơi tiều tụy .
Chúng tôi rất ngạc nhiên , bởi bấy lâu nay chúng tôi thường nhắc và tưởng chắc anh phải béo lên thêm .
Vì nghĩ rằng "chuột sa hũ nếp" mà !.



Hỏi ra mới biết , không dễ gì ăn được của người giàu , như đầu óc non trẻ chúng tôi thời bấy giờ đã nghĩ !

Anh bạn tiết lộ rằng , từ ngày lấy vợ anh đã phải làm việc phụ trội nhiều hơn . Ngoài công việc dạy học của mình , anh còn phải quần quật trong các công việc buôn bán của gia đình bên vợ .

Nhiều lần anh xin về thăm nhà ở miền Trung mà không được . Bởi vì không có ai thay thế trong lúc anh đi vắng . Lương của anh lãnh về cũng được đổ vào công việc kinh doanh , để biến thành "tiền sinh lợi" . Anh ta được dạy cho biết là làm thế nào để " tiền đẻ ra tiền " .


Anh nghe thì tin "tiền đẻ ra tiền"thật . Nhưng tiền của anh thì nó cứ chạy mất khỏi tầm tay mà không thấy trở về . Anh muốn gởi giúp gia đình anh một ít nhưng không biết lấy đâu ra !

Chiều hôm nay anh đã làm liều . Lãnh lương xong anh bèn gởi một phần lớn về cho ba mẹ và các em nhân ngày Tết đến .


Trở về nhà với tiền lương bị mất . Những xung đột bắt đầu bùng nổ nhưng có phần dữ dội hơn mọi khi , giống như cơn mưa đêm nay .
Chị vợ mãi kể lể , làm như là anh ta hoàn tất được đại học là do số tiền hằng tuần được trả công cho anh dạy kèm mọi khi . Chị không để ý đến phần công lao sinh dưỡng của bố mẹ anh ta , cũng như những cố gắng vượt bực với ý chí vươn lên từ một người nghèo khó như anh .

Chạm vào tự ái , anh ta không chấp nhận được cái lối cư xử như vậy . Anh cho biết , nói là nhà , là tài sản chia cho anh chị nhưng trên mặt giấy tờ , ông bố vợ vẫn thực sự là chủ nhân .
Anh bảo , anh không cần tranh chấp những thứ ấy . Anh chỉ muốn được xử dụng số tiền của anh làm ra một cách hợp tình hợp lý .

Vì sinh trưởng trong một gia đình giàu có , cho nên cách cư xử của chị ta , trong một đôi lúc cũng có phần hơi kiêu mạn .

Chị vợ nhắc khéo cho anh biết :
- “Nếu không có Ba Má tôi thì làm sao có căn nhà này cho anh ở . Có bàn ghế tủ giường , tivi , máy giặt này cho anh dùng .. và còn để cho anh mở mày mở mặt với người ta nữa ?. Anh là người phủ ơn sự giúp đỡ của ba má tôi ” .


Anh chợt nghĩ , từ ngày cưới được vợ anh chưa bao giờ có dịp đi uống café với bạn bè như trước kia , thường khi vào lúc cuối tuần . Có ai biết được anh cưới vợ giàu mà còn phải lam lũ như vậy . Lại còn bảo rằng " mở mày mở mặt với người ta " ?

Anh có gặp ai đâu , ngoài những người bên vợ . Những người lúc nào cũng nhìn anh như nghi ngờ , anh là một thằng đào mỏ !?

Buồn tủi , bực tức dâng trào và đêm nay anh đã có một quyết định dứt khoát . Anh bảo với vợ :
- “ Tất cả những gì trong nhà này đều là của Ba Má cô , tôi xin để lại cho cô . Chỉ có con c. là của tôi , tôi sẽ mang nó ra đi đêm nay ”.

Chuyện nầy đã làm cho chúng tôi có một cách nhìn khác với thực tế của cuộc đời .

Có phải vì thế mà sau này nhóm bạn của chúng tôi ít có đứa nào dám tìm vợ giàu ? Chắc vì vậy mà cho đến bây giờ chúng tôi đứa nào cũng phải chịu sống với cảnh nghèo !?

Qua câu chuyện trên đây . Bây giờ ở tuổi trưởng thành chúng tôi mới nhận thấy rằng , ông bố vợ của anh bạn đã thương con gái mình cho nên muốn gầy dựng sự nghiệp cho chúng . Có lẽ vì thấy các con còn trẻ cho nên không dám trao hết tài sản . Vả lại , ông đâu dám tin chàng rể quá nghèo một sớm một chiều cho được . Lúc nào ông cũng nhìn nó với một cặp mắt nghi ngờ nên ông đã quyết định cần phải nắm giữ cái quyền sở hữu tài sản .


Tuy nhiên , như chúng tôi đã đề cập ở trên , ông ta đã làm sai một bài toán đầu tư . Vì ông chỉ cho con và rể của ông được nhìn cái bánh mà chưa biết chừng nào sẽ được ăn . Ông cứ bắt chúng nó giữ lấy và tiếp tục làm cho cái bánh to thêm . Chúng tôi không chắc rằng , đến lúc ông chết ông có chịu cho chúng nó bán ăn hay mãi bắt chúng nó giữ hoài cho có của , để mở mày mở mặt với người ta !?

Theo quan điểm riêng của chúng tôi , đừng vì một số tài sản của mình muốn để lại con cái mà mình chi phối cuộc sống riêng tư của chúng nhiều quá . Từ đó sinh ra đổ vỡ hạnh phúc của chúng . Khi chúng ta về già chúng sẽ oán . Dĩ nhiên lúc ấy chúng ta sẽ khổ sở vì nhiều vấn đề , trong đó của cải bị phân tán là điều làm cho chúng ta đau đớn nhất , nếu chúng ta cứ còn ráng bám giữ cho đến cuối dời .


Tình thương là những gì mà chúng ta có sẵn , tại sao không cho chúng nó ngay từ bây giờ ?



Mời đọc tiếp:    
Chuẩn bị cho tuổi già #5   



________________________________________________________________________________

3 comments:

  1. Bạn Khương thân mến,
    Những điều bạn viết trong các bài " chuẩn bị cho tuổi già" đều rất hay và chí lý!
    Ngừời xưa có câu :" Nói thì dễ nhưng làm thì khó". Mình hỏi bạn một chút nhé :
    Theo như bạn kể trong chuyện ma thì mình đóan bạn cũng ngòai sáu mươi một chút, chắc là bạn cũng có dâu, có rể... Có phải bạn đã từng trăn trở, làm thế nào để vượt qua những khó khăn này, và chính vì vậy nó thành một đề tài mà bạn viết rất hay? Trong thực tế bạn có vượt qua được không và bạn thấy có khó lắm không?

    ReplyDelete
  2. Kính Chi Mai

    Một lần nữa xin được cám ơn những lời khen của chị đã dành cho bài viết “chuẩn bị cho tuổi già”.

    Như đã có lần “phân trần” với QN về nội dung của bài viết nầy. Vì tôi rất sợ những thiển ý của cá nhân mình sẽ làm phiền lòng không ít cho người đọc.
    Cũng đã nói với QN, tôi nhớ mãi câu hỏi của một người quen, khi biết dự tính để viết về đề tài nầy:
    - Chưa già, biết gì về tuổi già mà dám viết?

    Chính câu hỏi đó đã khiến cho tôi do dự một thời gian. Nhưng tôi nghĩ, những câu chuyện mà tôi được nghe, được thấy.. tôi chỉ tổng hợp lại để kết thành một bài viết, vậy thôi.
    Tất cả, đó cũng chỉ là thiển ý của một cá nhân, được tóm gọn từ vài mẫu chuyện lượm lặt. Chính vì thế, nội dung bài viết không hẳn đúng cho mọi trường hợp. Vả lại, tôi lại càng không dám dùng những suy nghĩ của mình để mong thuyết phục một ai!

    Bài viết của tôi thường nêu lên những “mặt trái tiêu cực” của cuộc sống. Những mong mua vui cho một vài người đọc, thế thôi! (những điều nầy tôi đã nói hết với QN, trước khi xin post bài nầy lên trang Blog, vì tôi lo sợ ảnh hưởng đến trang nhà của chủ nhân)

    Nói dài dòng như thế là để được thưa với Chị Mai rằng, tôi đã từng “trăn trở” khi viết và xin được đăng bài nầy. Cũng như luôn trăn trở trước muôn ngàn phức tạp của cuộc sống..
    Mãi phân vân, liệu mình có thể vượt qua được những khó khăn như vậy hay chăng? ( lại trùng hợp với câu hỏi mà Chị đã nêu ra bây giờ đấy, Chị Mai à)

    Thưa Chị Mai,
    Trong cuộc sống, không một ai dám nói là mình hoàn thiện. Tôi cũng là một con người tầm thường giống như bao người khác. Do đó, vẫn còn nhiều sai sót... với bậc sinh thành, với gia tộc và cả với vợ con mình.

    Theo chúng tôi, quan trọng nhất là nhận biết cái sai thì cũng giúp được mình. Nếu chưa sửa được cái sai đó thì cũng còn tốt hơn là, luôn cho rằng mình mãi đúng!?

    Nghĩ như vậy, tôi luôn đặt câu hỏi:
    - Trong cuộc sống, làm sao biết được cái gì là sai và những gì là đúng?

    Có những cái thì đúng với mình mà sai với người khác và ngược lại, tùy theo quan điểm, văn hóa, giao tiếp.. cho nên tôi mãi băn khoăn, chị à!? Nghĩ nhiều quá sẽ dẫn đến bế tắc, cho nên tôi chấp nhận cuộc sống đơn giản nhất. (người tính không bằng trời tính!?)

    Xin phép được trả lời mấy câu hỏi của Chị:

    1. Theo như bạn kể trong chuyện ma thì mình đóan bạn cũng ngòai sáu mươi một chút, chắc là bạn cũng có dâu, có rể...

    - Thưa Chị Mai, Chị đọc lại dùm “lời người viết” ở phần cuối, thì tôi không phải là nhân vật trong câu chuyện cho nên chị đã đoán không đúng tuổi thật của tôi rồi.
    Và thưa thật với Chị, chúng tôi có hai cháu, một trai một gái đã trưởng thành nhưng chưa lập gia đình. Đã đi làm và bây giờ vẫn còn ở chung với chúng tôi.

    2. Có phải bạn đã từng trăn trở, làm thế nào để vượt qua những khó khăn này, và chính vì vậy nó thành một đề tài mà bạn viết rất hay?

    - Vâng, thưa Chị, chúng tôi mãi trăn trở và luôn tự hỏi chính mình, làm thế nào để vượt qua nếu gặp phải những khó khăn như thế, xảy đến?

    Thưa thật với Chị, chúng tôi cũng có những hối tiếc vì đã không dành nhiều thì giờ cho các con lúc chúng còn nhỏ (Biết thì đã muôn, phải không Chị!?).
    Bây giờ chúng tôi chỉ biết cố gắng là phải làm sao để còn có cơ hội gặp mặt được chúng, dù ít hay nhiều.

    3. Trong thực tế bạn có vượt qua được không và bạn thấy có khó lắm không?

    - Chắc là không dễ vượt qua đâu chị à. Nhưng theo quan niệm sống của chúng tôi, gặp việc khó mà mình cố hết sức để làm, nếu không đạt được kết quả thì đành chấp nhận thôi, không nên hối hận.
    Người ta thường nói: “tận lực tri thiên mạng” đấy mà!?

    “NÓI THÌ DỄ, LÀM THÌ KHÓ”, muôn đời câu nói nầy vẫn đúng, Chị Mai à!

    Kính chúc Chị một cuối tuần vui vẻ

    Kính Chị
    đtkhuong

    ReplyDelete
  3. Chào Anh Khương , Chị Mai .
    Theo QN nghĩ , những đề tài Anh K viết rất gần gủi với thực tại của chúng ta , dù muốn dù không chúng ta cũng phải đối diện với thực tế đang ngày một đến gần hơn này .

    Do đó mặt dù Anh Khương có ý ngại , nhưng QN không ngại để đưa loạt bài này lên blog của mình .
    QN hy vọng bạn đọc sẽ có cảm giác được chia sẻ , vì có bạn đồng hành , vì đây không phải vấn để của riêng một ai , đây là vấn đề của cả một thế hệ : "thế hệ lưu vong " như chúng ta .

    Một lần nữa . Cám ơn Anh khương đã tặng QN và độc giả loạt bài giá trị này .

    Cám ơn Chị Bùi Mai đã post comments chia sẻ . Đây cũng là một món quà tinh thần quí giá cho người viết .

    Trân trọng ./QN11

    ReplyDelete