Tuesday, August 30, 2011

Đinh Tấn Khương : CHUẨN BỊ CHO TUỔI GIÀ 7

                                                                                                               (TIẾP THEO VÀ HẾT .)

                                     

Cũng có một số bậc cha mẹ ở đây , còn muốn duy trì cái quan niệm chia sẻ với nhau giữa các người con , theo truyền thông Á đông .


Chúng tôi đồng ý rằng , quan niệm này quả thật rất hay vì nó có thể tạo sự giúp đỡ để vươn lên đồng bộ giữa các thành viên trong gia đình .
Tuy nhiên , sống trong cái xã hội mà chủ nghĩa cá nhân được đề cao thì thật tình mà nói , rất khó áp dụng cái hay ấy được .
Ở cái xã hội này , tính độc lập được coi là trọng yếu . Trong khi đó , cái quan niệm chia sẻ thì dựa vào tính lệ thuộc hoàn toàn .


Cha mẹ nào cũng thương con mình , và có khuynh hướng dành nhiều tình thương cùng sự lo lắng cho đứa con nào nghèo khổ hơn .Tình thương như vậy được đánh giá cao . Tuy nhiên , nếu vì tình thương ấy mà mình bắt một số đứa con khá giả trong gia đình phải giúp đỡ tài chánh liên tục , cho một hay vài người trong số anh chị em của chúng , thì quả thật không phải là phương cách hay nhất , khi mà chúng đã có gia đình riêng tư .
Thử hỏi một đứa con nào đó không chịu học hành , làm việc nhưng nó chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ từ anh chị em thì hỏi thử cho đến khi nào mới tự lập được !?

Theo thiển ý của chúng tôi , vai trò của cha mẹ là nên tạo một sự độc lập giữa các con . Chỉ kêu gọi con cái mình giúp đỡ nhau khi mà chúng thực sự cần thiết . Chẳng hạn , giúp tiền sách vở để theo đuổi việc học hay cho mượn một số tiền để góp mua một căn nhà ở hoặc bỏ vốn làm ăn ...
Sự giúp đỡ này nên dựa trên căn bản tự nguyện và tuỳ theo khả năng của mỗi người con . Đừng tỏ ra bực bội hay kết án đứa con nào có vẻ hờ hững trong việc giúp đỡ anh chị em chúng .Và cũng đừng thiên vị tình cảm về đứa nào làm theo ý mình quá mức .
Sự đổ vỡ xảy ra , có thể là do những nguyên nhân khác trong cuộc sống giữa vợ chồng của chúng , nhưng chúng sẽ oán trách và đổ hết trách nhiệm trên đầu của quý vị.

Thật tình mà nói , chúng tôi được sinh ra trong gia đình con một , không có anh chị em . Mồ côi cha từ thuở nhỏ và bà mẹ của chúng tôi cũng đã qua đời chỉ sau một một vài hôm bạo bệnh . Cho nên chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm bản thân , về một nếp sống trong gia đình đông anh chị em .
Có thể vì thế mà nhận xét của chúng tôi không hoàn toàn đúng lắm , kính xin quý vị tha thứ cho .
Trong tôi, lúc nào cũng tưởng nhớ đến sự hy sinh của người Mẹ . Bà chỉ biết giúp đỡ cho con mà không đòi hỏi gì hơn .
Bây giờ nghĩ lại , chúng tôi cảm thấy là mình chưa đền đáp kịp những gì mà người Mẹ đã hy sinh cho bản thân chúng tôi , một cách vô vị lợi .

Chúng tôi chỉ biết trả ơn Bà, vỏn vẹn hai câu thơ : 

  -  “ CÔNG SINH DƯỠNG MÔT ĐỜI GHI NHỚ,
       ƠN HY SINH MUÔN THUỞ KHÔNG QUÊN ” 

Chỉ được ghi trên tấm mộ bia khổ nhỏ .
Hai câu thơ đối vế này , chúng tôi chỉ mới nghĩ ra vài hôm sau ngày mất Mẹ .


Câu chuyện của một người Mẹ “chạy show” :
 
Bà cho chúng tôi biết rằng , lúc nào bà cũng sẵn sàng với một túi xách đựng vài bộ quần áo và những đồ dùng cá nhân . Đứa nào trong số những người con của bà cần đến , gọi giúp là bà đi ngay . Đứa nào cần gấp thì bà giải quyết gấp .
Bà không một chút nề hà ,  dù bà có phải cực khổ trong các việc giúp đỡ cho con cháu . Bà bảo :
   -  Nếu mình không giúp nó thì con mình nó không vui và có khi mình cần chúng chở mình đi đâu đó thì coi sao cho được . Cứ làm cái nghề chạy show , khổ mà vui .

Cũng có những bà mẹ thú nhận rằng, nếu không giúp con cháu hằng ngày thì đừng hòng cuối tuần tụi nó về thăm , ngay cả mình phải nấu đồ ăn cuối tuần cho chúng nữa .

Câu chuyện của một người Mẹ đơn chiếc :
 
Một người mẹ đơn chiếc gặp lúc lâm bệnh , người con gái trẻ hiện sống với ông bố , về thăm nuôi bà .
Lòng bà cứ nghĩ rằng , thấy bà đau yếu thì chắc là đứa con phải biết
lo lắng , thăm hỏi ... đến bà nhiều hơn . Thế nhưng không thấy nó hỏi han gì bà nhiều và cũng không thấy nó sửa soạn thức ăn gì cho bà . Bà bèn gọi nó vào và nhắc khéo :
  -  Má bệnh quá , không nấu gì được cho con ăn , con thử kiếm gì mà ăn đi .
Nó trả lời gọn lỏn :
  -   Mum đừng lo , con chạy ra shop mua take away về ăn được rồi , Mum muốn ăn gì thì con mua luôn thể ?.

Đúng ra bà mẹ phải nói cho con mình biết , mình muốn ăn thức ăn gì để nó mua hay nấu cho . Nhưng bà cứ nghĩ là nó sẽ biết bà có thể ăn được gì trong lúc bị bệnh như thế nầy .
Vì vậy bà đã trả lời với con rằng :
  -- Con cứ lo phần con đi, mẹ bệnh quá chắc không ăn gì được .
Đứa con gái còn quá trẻ , trước nay ít có dịp gần gũi trong tình thương với mẹ nó , cũng chỉ vì những cuộc cãi vã giữa ba mẹ thường xảy ra nhiều hơn là thời gian được dành cho anh chị em chúng .
Chính vì thế mà cô bé chẳng để ý gì đến sự mong chờ từ người Mẹ .

Sự mong chờ của bà là gì ?.

Khi đứa con dẫn bà đến khám bệnh , chúng tôi nhận thấy sự lo lắng của đứa con với những giọt nước mắt chảy dài khi quan tâm đến sức khoẻ của mẹ nó .
Chúng tôi vô tình nói với bà rằng , bà không có bệnh gì nặng đâu , ráng ăn uống thì sẽ bình phục trở lại nhanh chóng , đừng làm con bà lo buồn nhiều như vậy nữa !
Có lẽ bà nhận ra được cái lo lắng của đứa con , điều mà bà mong đợi ở nó mà bà không thấy nó diễn tả trong mấy ngày vừa qua .  
Bà đã tự thú: “ khi nghe nói tôi bệnh nặng, tôi nghĩ chắc là nó phải thông báo cho ba nó và anh chị em nó biết để về thăm tôi . Đâu ngờ nó chẳng hiểu gì cả , nó cũng chẳng nấu cho tôi một miếng cháo để ăn . Ba ngày trôi qua , tôi đói gần chết nên nói với nó dẫn tôi đến găp bác sĩ . Bây giờ tôi mới nhận ra là nó có thương tôi , nhưng nó không biết là tôi đã muốn gì ở nó , thành ra nó đã dửng dưng như vậy .
Tưởng làm nư cho nó sợ , nào ngờ nó bỏ mình đói gẫn chết . Từ rày trở đi , tôi không dại gì làm nư như thế nữa .

Câu chuyện trên đây nhắc nhở với quý vị rằng , con cái ở đây có khác bên Việt Nam là , mình muốn gì ở chúng thì phải nói ra cho rõ . Đừng nói lưng lửng giữa chừng rồi bắt nó phải hiểu ý mình muốn gì . Nếu nó không hiểu và không làm cho quý vị được thì quý vị tự mình ôm lấy nỗi hờn tủi vô lý .


Quý vị nên gần gũi với chúng nhiều hơn , càng nhiều càng tốt nhất là khi chúng còn trẻ . Vì làm được như vậy , là quý vị tập được cho con cái quý vị một thói quen gần gũi với mình và hiểu được ý mình . Đến khi mình già yếu chúng cũng có thói quen thăm hỏi chúng ta , để chúng ta khỏi cảm thấy cô đơn .

Thường một người khi nằm trên giường bệnh , họ mong chờ những người thân thăm hỏi , lo lắng cho họ nhiều hơn . Họ có cảm giác bị bỏ rơi và suy nghĩ bâng quơ nếu không ai quan tâm đến họ . Nghĩ như thế nên họ phải trải qua những cái đau của tâm và của thân bệnh .


Câu chuyện của một cậu còn trẻ tuổi
:

Câu chuyện của môt cậu còn trẻ tuổi , phát hiện mắc chứng ung thư ở giai đoạn cuối . Biết rằng giờ phút cuối cùng của cuộc đời đã tới . Cậu thú nhận với người vợ trẻ , mong được tha thứ và xin một ân huệ cuối cùng là cho cậu ta được gặp mặt người yêu trước giờ phút lâm chung .

May mắn thay , người vợ trẻ đã cảm thông và cho phép người tình vụng trộm được vào bệnh viện thăm cậu ta . Trong giây phút từ giã cỏi trần ..
cậu ta đã mỉm cười nhắm mắt ra đi, khi mà tay mình được nắm lấy đôi bàn tay: một của người vợ đầy cảm thông và một của người tình lãng mạng .

Chúng tôi những tưởng sao mà cậu ta "có phước" như vậy . Nhưng vài hôm sau cái ngày tang lễ , đứa con trai còn nhỏ tuổi đi học về vừa khóc vừa hỏi mẹ nó : 
  -  Tại sao hình của ba không thấy ở trên bàn thờ mà con lại thấy nó nằm ở ngoài sân , mưa ướt làm lạnh ba con hả mẹ !?.

Mẹ nó không trả lời . Nó lủi thủi chạy ra sân ôm hình ba nó vào nhà , lau khô rồi bắc ghế trèo lên để lại ngay ngắn trên bàn thờ .


Câu chuyện của một người đàn ông có hai ba giòng con khác nhau:

Lúc ông còn sống , không có sự thuận thỏa giữa các người phối ngẫu và các người con khác mẹ nầy .
Khi ông qua đời , các bà vợ và các con của ông chỉ gặp nhau tại tòa án để tranh chia tài sản , chứ không thấy ai có mặt trong ngày tang lễ .
 

May mắn là sự ra đi của ông quá đột ngột . Giá như ông phải trải qua một thời gian bệnh nặng , chẳng biết ai trong những bà vợ hay các con của ông đã chịu đứng ra chăm sóc cho ông lúc ấy ?.

Nói tóm lại , để chuẩn cho tuổi già thì xin quí vị hãy suy nghĩ và quyết định cho mình một cách sống , ngay từ bây giờ .
Trên đây chỉ là thiển ý của một cá nhân . Nếu có điều gì khiến quý vị không vui với những câu chuyện nầy . Kính mong quý vị niệm tình bỏ lỗi cho  

Trở về phần  đầu:  Chuẩn bị cho tuổi già # 1   

 
 ____________________________________________________

No comments:

Post a Comment