Tuesday, September 25, 2018

Dưỡng Lão

Saigon Cô Nương

Cụ Thịnh (trái) cùng người bạn thân thiết chụp ảnh với cúc họa mi

Tin báo cho hay ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ba mẹ con, bà cháu ở chung nhà. Bà mẹ 70 bị liệt một chân và điếc. Con gái 47 tuổi là mẹ đơn thân có một con trai tám tuổi. Nhà nghèo xác xơ lâm vào cảnh túng quẫn, lại phải trông nom bà mẹ già trái tính ốm đau thường xuyên, con gái bực bội hay cộc cằn, có lần đánh mẹ gãy tay và tìm đủ mọi cách cho mẹ chết sớm để giải thoát. Biết mẹ bị cao huyết áp, chị con gái mua nước tăng lực cho mẹ uống nhưng bà vẫn không… chết. Cáu kỉnh, chị ta dùng tay và gậy đánh mẹ đến gục chết trên vũng máu.
Người lớn tuổi thông thường mắc nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp… chưa nói tới bệnh nặng. Bên cạnh đó là sự lú lẫn, chậm chạp, đãng trí… Khoảng cách tuổi tác thế hệ khiến người già cảm thấy cô đơn, bị lãng quên, dễ tủi thân và cáu kỉnh, chẳng mấy chốc khiến con cháu khó chịu.
Trước kia các gia đình VN thường sống tam tứ đại đồng đường và coi đó là dấu hiệu của nhà có phúc. Vì đại gia đình đông đúc nên sẵn người, trẻ con và người già đều được không người này thì người người phân công nhau săn sóc, trách nhiễm được sẻ chia. Nhất là thời trước chỉ đàn ông đi kếm tiền, phụ nữ ở nhà tề gia nội trợ. Vì thế mọi chuyện trong nhà luôn có bàn tay người phụ nữ đảm đang trông nom từ nhà cửa đến cha mẹ chồng và con nhỏ, thậm chí thêm cô chồng, chị chồng…. độc thân.
Thế nhưng ngày nay việc nuôi ngưởi già trở nên ngày càng mệt nhọc. Người phụ nữ cũng phải đi làm kiếm tiền như đàn ông. Con cái trong nhà chỉ một hoặc hai đứa và đám trẻ túi bụi đi học không phụ giúp nhiều việc nhà. Người già dần trở nên dư thừa và cô độc ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nhà văn DH khi phải vào nằm bệnh viện đã cảm thấy rất vui. Ở đó ông có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với các bệnh nhân và người nuôi bệnh, không muốn trở về nhà nơi ông lủi thủi suốt ngày giữa bốn bức tường vì con gái đi làm cả ngày.
Nếu khỏe mạnh còn đỡ nhưng nếu người già bệnh hoạn nằm liệt thì thực là gánh nặng chán ngán của người nuôi. Gia đình trông nom người già ốm đau ở VN là chuyện nan giải khi con cái còn bận bịu sinh kế.
Bà Thanh 70 tuổi, là con một nên bổn phận nuôi mẹ già 90 không có ai đỡ đần. Công việc của bà suốt ngày đêm chỉ quanh quẩn gắn liền với chiếc giường của bà mẹ bệnh hoạn nằm một chỗ. Từ sáu năm nay, chồng, con chỉ giúp vòng ngoài, một tay bà chăm sóc mẹ từ ăn uống, thuốc men, tắm rửa, vệ sinh… không còn dịp thư giãn, họp bạn, du lịch… khiến bà nhiều lúc phát khóc vì quá căng thẳng.
Đúng là người nuôi bệnh sau thời gian dài dễ nản. Thật ra hiện nay cũng có dịch vụ chăm sóc người già. Một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ này theo buổi, theo ngày hoặc tháng… Nhân viên được học các khóa ngắn hạn về cách chăm sóc người già, thậm chí còn chuyên môn hơn là cách chăm sóc người già khỏe mạnh, bị tai biến, bị gãy xương… hay chỉ cần cận kề theo dõi mọi sinh hoạt ngày thường.
Vấn đề chính là công xá cho người nuôi bệnh mà chỉ nhà nào khá mới chịu nổi. Song thân của nhà thơ KT, nhờ con cái ở hải ngoại gửi tiền về dư dả nên đã thuê bốn người thay phiên trông nom chu đáo hai ông bà 24/24 tiếng.
Dù sao một người đi làm trung bình vài triệu một tháng. Số tiền đó trả trọn vẹn cho người giúp, chưa kể tới thuốc men ăn uống của chính người già ấy và cuộc sống của những người còn lại trong gia đình.  Vì thế hầu hết mọi người đếu cố trân mình để săn sóc người già mà không dám mơ tới thuê người giúp. Ở miền quê vẫn còn có thể nhờ tới họ hàng, hàng xóm chung quanh ghé mắt, ghé tay đỡ nhưng thành phố thì không thể.
Chị Thu buộc phải thuê người giúp việc theo giờ giúp bà mẹ bị tai biến trong lúc chị đi giao hàng. Thế nhưng bà mẹ vẫn còn minh mẫn đã mách con gái rằng người giúp việc cho bà ăn cơm nguội và mải xem TV nên làm ngơ khi nghe gọi. Chị Hạnh đành bỏ giao hàng để xoay sang việc khác có thể làm tại nhà để trông nom bà mẹ dù tiền bạc eo hẹp hơn.
Người nuôi cũng rất ngán ngẩm người già trái tính. Vì thế để an tâm, một số gia đình đã gắn camera bí mật theo dõi, nhờ vậy mới phát giác cảnh chị giúp việc bạc đãi người già đã bị lú lẫn, không còn biết kể lại với con cái.
Giá tiền thuê người nuôi chuyên nghiệp qua công ty dịch vụ khá cao, khoảng hai trăm rưỡi đến ba trăm ngàn một ngày, vì trong đó còn gồm phần trăm môi giới của công ty. Vì thế để hưởng trọn, những người chuyên nuôi bệnh người già thường lảng vảng ở các bệnh viện hoặc nhờ giới thiệu qua các y tá, lao công. Chăm sóc người già, nhất là những người già bệnh hoạn, là công việc rất cực. Các bệnh viện chỉ chuyên chữa bệnh, y tá không đủ để săn sóc tỉ mỉ cho từng người bệnh được.
Cũng có những trang web, nhiều người tự giới thiệu để tìm việc. Tuy nhiên với những người không biết rõ nguồn gốc này, rất sợ gặp kẻ gian quơ đồ, nuôi chẳng thấy được việc đâu, lại rước kẻ cắp vào nhà. Với lại người giúp việc nếu không được huấn luyện chuyên môn, sẽ giống như người nhà, sẽ rất loay hoay và mệt mỏi khi chăm sóc người già.
Rẻ và tiện lợi nhất là nhờ được mấy người hàng xóm rỗi việc chung quanh, yên tâm vỉ biết rõ gốc gác. VN, nhất là các xóm hẻm nhà cửa san sát, rất dễ tìm một người rảnh tay sẵn sàng giúp đỡ nhân thể kiếm thêm. Bà Hạnh về hưu ở với mẹ già còn khỏe mạnh, chẳng may bà bị gãy chân, kịp thời chữa trị nhưng khó di chuyển. Bà thuê chị hàng xóm nấu cơm mang sang một lần ăn hai bữa trong ngày và giúp vệ sinh. Chị hàng xóm nhà xế cửa bán cà phê cóc nên dễ dàng chạy qua chạy lại, khi rảnh ngồi tám chuyện vui vẻ. Thật khó kiếm được người nuôi lý tưởng như vậy.
Vì việc chăm sóc người già khó khăn như vậy cũng là rào cản lớn cho Việt kiều lớn tuổi muốn về VN ở cuối đời. Lúc khỏe không sao, số tiền hưu trung bình đủ để trang trải cuộc sống bình thường, dư giả để cà phê cà pháo vui chơi nhưng khi đau ốm là cả vấn đề lớn. Ngoài thuốc men, bác sĩ tố, phải thuê người chăm sóc. Nếu không có con cái ruột thịt còn ở VN thì khó ai đủ sức ở VN cho dù yêu quê hương lắm. Khi đau ốm Việt kiều hối hả trở về nơi thường trú để được hưởng những ưu đãi về y tế và dưỡng lão mà không sợ thiếu tiền, thiếu tiện nghi và không làm phiển đến con cái. Chính vì thế, ông họa sĩ già HCT, sau mấy năm về VN mong sống nốt quãng đời cuối cùng ở quê hương nhưng rốt cuộc. khi trở bệnh, đành quay lại và rồi mất ở Mỹ. Một số Việt kiều giải quyết bằng cách mấy người hùn nhau thuê căn nhà và thuê người giúp việc nhưng khi ốm đau không có bảo hiểm y tế ở VN đành chịu thua.
Để giải quyết vấn đề nan giải của người già, mấy năm nay nhà dưỡng lão ra đời tuy là theo truyền thống Á Đông, nhiều người vẫn không dám gửi cha mẹ già vào viện dưỡng lão vì sợ mang tiếng… bất hiếu. Hiện nay, ngay cả những người chưa già lắm, mới ngoài sáu mươi nhưng vì nhiều lý do, đã chọn đó làm nơi cư trú. Người đơn thân phải vào dưỡng lão đã đành nhưng một số người có con cháu cũng vào nhà dưỡng lảo ở.
Bà Thu được con bảo lãnh ra ngoại quốc sống nhiều năm. Con cháu bận đi làm đi học suốt ngày. Khi chân yếu tay mềm, bà trở về VN vì chung quanh là người Việt, nói và nghe tiếng Việt, đỡ cảm thấy cô độc hơn nhà dưỡng lão ngoại quốc.
Cùng hoàn cảnh nhưng ở VN, cậu con trai độc nhất của bà Minh đi làm cả ngày không kể đi công tác dài ngày, một lần bà bị trượt chân ngã trong phòng tắm, nằm đó nửa ngày mới được phát giác. Con trai đành đưa vào viện dưỡng lão có bạn già trò chuyện, có bác sĩ, y tá, bảo mẫu trông nom. Vào ngày nghỉ, cậu con sẽ đón mẹ về nhà chơi.
Những trường hợp khác ái ngại hơn là con cái không gần gũi, những đứa con có gia đình riêng và những mối bận tâm khác nên dù ở chung nhà nhưng vẫn không gần gũi, Tuy buồn lắm nhưng bà Thái đành chọn cách vào nhà dưỡng lão vì không chịu nổi không khí lạnh nhạt dửng dưng trong gia đình. Để rồi cuối tuần, ngày nghỉ ngày lễ, các ông già bà cả đưa ánh mắt xa xăm nhìn ra cổng mong ngóng đứa con chẳng biết có đón về nhà chơi chốc lát không.
Ở VN hai loại nhà dưỡng lão. Thuộc nhà nước và của tư nhân.
Trực thuộc nhà nước cũng có hai loại: loại dành cho những người thuộc diện có công và loại dành người vô gia cư thu gom trong những đợt truy quét ngoài đường.
Loại dành cho người có công có quỹ rót xuống, có ưu đãi nên người già sống khá, sau này mở rộng một chút cho công chức về già không con cháu nương tựa. Con loại dành cho vô gia cư thì tiêu chuẩn thấp nhiều, việc ăn ở heo hút, trông cậy vào họa hoằn có đoàn từ thiện ghé thăm.
Nhà dưỡng lão tư nhân chỉ phát triển ở vài thành phố lớn. Vì theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến nên thường có vườn cây rộng rãi, xa thành phố, gia đình đi thăm bằng ô tô nhà. Dĩ nhiên chi phí cao ngất trời. Ông già ở Pháp về tìm đến nhà dưỡng lão ở huyện Củ Chi nhưng đành le lưỡi rút lui vì giá khoảng gấp rưỡi lương hưu của ông.
Giá trung bình khoảng sáu, bảy cho đến lăm triệu một tháng. Dĩ nhiên đây mới chỉ là ăn ở, chưa tính đến thuốc men, chữa bệnh. Hai khoản sau này thì vô biên tùy bệnh nặng nhẹ. Nếu so sánh lương hưu trung bình của một nhân viên văn phòng khá chỉ mới năm triệu thì với giá cao cấp này, nhà lầu xe hơi mới vào được các nhà dưỡng lão VIP và vì thế các nhà dưỡng lão mới chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà nội và SG.
Đối với tình hình kinh tế chung hiện nay, đa số người già đều không có đủ tiền để vào nhà dưỡng lão, không kể khi còn động đậy được tay chân, họ vẫn phải chật vật làm việc kiếm sống cho không những bản thân mà còn cho đám con cháu thiếu thốn
Trở lại với cảnh nghèo. Một số cơ sở tôn giáo dành cho người già không chốn nương thân thường ở những thành phố lớn tồn tại nhờ mạnh thường quân đóng góp. Tùy lòng từ tâm của bá tánh mà đa số các mái ấm này khá sáng sủa, khang trang. Dưới miền Tây cũng có những mái ấm của người từ tâm nhận nuôi độ chục người già cô đơn. Sức của họ chỉ có thể nuôi số ít như vậy. Số lượng nhiều hơn phải xin phép để thành lập cơ sở. Vì thế nhà dưỡng lão dành cho người nghèo không biết chừng nào mới có để họ bớt khổ ở tuổi xế chiều.
Sài Gòn Cô Nương
_______________________________

No comments:

Post a Comment