Monday, September 10, 2018

Mông Cổ - Những Thăng Trầm Lịch Sử

Tôn Thất Hùng



Trước khi đến Mông Cổ, tôi đã cẩn thận đi đổi tiền. Tất cả các ngân hàng ở Canada, kể cả những Kiosk đổi tiền tư nhân đều lắc đầu nói không có… Tôi lại tìm đến những công ty du lịch lớn nhỏ, hỏi xem có nơi nào tổ chức những chương trình đi thăm bên ấy, nếu có cho tôi xin ghi dah tham dự (?). Họ cũng lắc đầu! “Hình như you là người đầu tiên hỏi chuyện du lịch Mông Cổ thì phải, lâu nay có ai hỏi thăm nơi này đâu, vì không có nhu cầu nên chúng tôi không tổ chức, sorry nghen”.

Vậy là tôi lên máy bay, lưng không có một xu tiền Mông Cổ, không ai đón, không biết sẽ đi đâu trong những ngày đó. Trong tay tôi chỉ có tài liệu sơ sài in từ internet xuống. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó.

Chiếc máy bay nhỏ đưa tôi đến thủ đô Mông Cổ, một vùng đất rất ít du khách và gần như bị quên lãng của ngành du lịch. Sau đó thì tôi không có internet mấy ngày liền, nhiều bạn bè đã lo lắng không biết tôi có bị gì không? Có an toàn tánh mạng không? Có bị cướp bóc gì không? Thật ra trong những ngày đó, tôi vẫn an toàn, tôi đã làm được nhiều chuyện cần làm như đi tìm tài liệu trong các tiệm sách, thư viện, đi thăm thú nhiều nơi tìm nguồn cảm hứng cho cột báo Bụi Đường Xa. Từ thành phố, tôi lên núi, vào công viên quốc gia, đi thăm hoàng cung, đi xem bức tượng khổng lồ của Thành Cát Tư Hãn, vào những ngôi chùa cổ, vào viện bảo tàng, đi cỡi lạc đà và mời chim ó đến đậu trên tay, đi shopping, đi tìm hiểu văn hóa ẩm thực của người Mông Cổ và đi lang thang…

Mông cổ có một lịch sử thăng trầm quá đỗi mà chỉ đến đây tôi mới ngã ngửa ra nhiều điều. Đất nước này đã bị nhóm theo Cộng Sản tự nguyện đem quê cha đất tổ của họ dâng cho Liên Xô vào năm 1924. Kể đó người dân Mông Cổ bị bắt buộc sử dụng mẫu tự Nga trong chữ viết, còn chữ truyền thống của họ bị cấm trong suốt gần bảy thập niên bị sát nhập làm một tỉnh bang của Liên Xô…

Tôi cũng đã bỏ nhiều thời gian đi nhiều tiệm sách hòng mong có thể hiểu được thêm về thân thể của một “vị khách” không mời mà đến của chúng ta – hoàng tử Thoát rõ. Lục tung những cuốn sách khác được bán trong các tiệm sách, tôi mới thấy có vài cuốn ghi những thất bại của họ tại Đông Nam Á, nhưng lại thiếu bản đồ minh họa. Nếu một người ngoại quốc không đọc thêm, không rành về lịch sử Châu Á và không có điều kiện để đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau, họ sẽ dễ bị nhầm lẫn, tưởng rằng đó cũng là “chiến thắng” của Đại Mông Cổ ở Đông Nam Á (tức là Việt Nam, Nhật, Nam Dương, Miến Điện). Trong tiếng Anh, điều này gọi là misleading rất tai hại.

Đầu thế kỷ XVII, năm 1644, khi triều đình Mãn Thanh lật đổ nhà Minh, lên nắm quyền hành ở Trung Hoa, đã có nhiều cuộc chiến tranh giữa quân Mãn Thanh và Mông Cổ. Quân Mãn Thanh lúc này đang rất mạnh mẽ, dẫn đến việc Mông Cổ phải thần phục triều đình Mãn Thanh. Mông Cổ từ đó bị xem như một thuộc địa của Trung Hoa từ thế kỷ XVII (khoảng năm 1635). Cũng vì để tránh sự trở lại mạnh mẽ của người Mông, triều đình Mãn Thanh đã chia đất nước Mông Cổ ra làm hai phần để dễ cai trị, gồm Nội Mông – Inner Mongolia (là khu vực gần kinh đô Bắc Kinh, nơi có Vạn Lý Trường Thành lấn vào), và Ngoại Mông – Outer Mongolia (là khu vực ở xa phía bắc sát biên giới Nga. Hiện nay là xứ Mông Cổ).

Ngoại Mông thì vẫn giữ được nhiều phong tục và thuần chủng vì được tạm xem là xứ tự trị, trong khi Nội Mông chỉ còn là cái tên. Từ thế kỷ XVII, triều đình Mãn Thanh đã đưa người Trung Quốc đến Nội Mông sinh sống nhằm đồng hóa người Nội Mông Cổ theo thời gian. Nội Mông hiện nay vẫn bị xem là lãnh thổ của Trung Quốc, chỉ còn 17% người gốc Mông Cổ nhưng những người thật sự rành tiếng nói, biết đọc, biết viết, có hiểu biết về văn hóa Mông Cổ có thể còn thấp hơn rất nhiều so với báo cáo của nhà nước Trung Cộng.

Đầu thế kỷ XX đã có nhiều khủng hoảng và thay đổi chính trị với nhiều quốc gia trên thế giới. Triều đình Mãn Thanh sụp đổ năm 1911 là một cơ hội cho Mông Cổ (ở đây chỉ có Ngoại Mông) trở nên độc lập, tuy nhiên sau đó nhà nước mới lên nắm quyền là Trung Hoa Dân Quốc đã tuyên bố, Mông Cổ vẫn là một tỉnh của Trung Quốc, rằng Trung Hoa sẽ dùng mọi biện pháp quân sự để giữ Mông Cổ ở lại. Điều này đã khiến Mông Cổ đã cầu cứu quốc tế can thiệp như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Anh. Tuy nhiên không một quốc gia nào muốn đụng động với Trung Hoa. Một sứ giả sau đó đã được gởi sang St. Petersburg cầu cứu Soviet can thiệp.

Đảng Cộng Sản Bolsheviks – Cộng Sản Nga nhận lời và Hồng Quân đã tiến vào Mông Cổ. Một cuộc chiến tranh đầy máu và chết chóc đã diễn ra giữa hai thế lực là Hồng Quân Soviet (với hậu thuẩn của nhiều nhóm dân tộc yêu nước Mông Cổ) chống lại quân đội Trung Hoa vào cuối năm 1920 và đầu năm 1921.Kể từ 1921, Mông Cổ đã được Liên Xô bảo vệ khỏi sự xâm lăng của Trung Hoa Dân Quốc và cả Trung Cộng sau này.

Theo nhiều tài liệu tôi được xem trong thư viện Ulaanbaartar thì Cộng Sản Nga đã giúp trong toan tính, vì Bolsheviks đã mang ý định thôn tính đất nước này từ lâu. Những thành phần yêu nước người Mông Cổ theo chủ nghĩa dân tộc và bảo hoàng đã bị gián điệp Nga và phe Cộng Sản Mông Cổ thủ tiêu dần.
(Thật giống như đảng Cộng Sản Việt Nam đã thủ tiêu các thành phần yêu nước kháng chiến thời Việt Minh, thì ra đây cũng là thủ đoạn chính trị của cộng sản quốc thế thời ấy).
Nhà vua và hoàng hậu Mông Cổ cũng bị đầu độc chết. Phe “cách mạng” lúc này chỉ còn toàn những thành phần cộng sản thân Nga. Chế độ quân chủ, phong kiến cuối cùng chấm dứt khi nhà vua Bogd Khan bị đầu độc chết dần mòn mà tài liệu của phe “cách mạng” gọi đó là bệnh ung thư. Nhà vua vừa chết thì phe “Cách Mạng” cho ra đời ngay lập tức Nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ trong năm 1924 với toàn những thành phần cộng sản bù nhìn do Liên Xô dựng lên. Cũng ngay trong năm đó, nhà nước bù nhìn và thân Nga này ra quyết định sat nhập nước Mông Cổ để trở thành một tỉnh bang của Liên Xô trước sự ngỡ ngàng của dân chúng.

Đất nước và dân tộc Mông Cổ (ở đây là Ngoại Mông) vừa được độc lập khỏi tay triều đình Mãn Thanh sau gần 3 thế kỷ, đã lại một lần nữa mất nước vào tay Công Sản Liên Xô.
Trong gần bảy thập niên kế tiếp (từ 1924-1989), văn hóa và lch sử của Mông Cổ bị tàn phá bởi các chính sách đàn áp của Liên Xô. Chữ viết mẫu tự kiểu Nga bị bắt buộc dạy trong nhà trường. Chữ viết truyền thống bị cấm, dân chúng sống trong các ngôi lều Ger cổ truyền bị gom vào trong những cao ốc xấu xí không mỹ thuật gọi là nhà ở tập thể để dễ bề kiểm soát (những kiểu cao ốc xấu xí kiểu như thế này ngày nay vẫn còn thấy rất nhiều ở Nga mà người Nga khôi hài gọi đó là “kiến trúc xấu xí kiểu thời Stalin hay thời Soviet”).
Liên Xô đã đổ dồn rất nhiều tiền bạc về vùng đất này hòng biến Mông Cổ ra một sắc thái văn hóa kiểu Nga vô sản (chứ không phải phong cách lịch lãm của thời Sa Hoàng). Các rạp hát, trường họp, doanh trại quân đội, nhà tập thể, cửa hàng hợp tác xã mậu địch XHCH.  Nhiều “tượng đài liệt sĩ” đã mọc lên… rất xấu xí, thiếu mỹ thuật, khô cứng, giống như những loại “tượng đài” mọc lên ở Việt Nam sau 1975, và một số tôi vẫn còn thấy được ở Nga ngày nay và Đông Âu.  Dường như có một “style” riêng dành cho những tượng đài của cộng sản…
Những giá trị văn hóa cổ của Mông Cổ, kiến trúc chùa chiền, Phật Giáo bị tàn phá và bách hại.  Một phụ nữ trên 50 tuổi cho tôi biết, bà chỉ được tỏ tường lịch sử Mông Cổ sau năm 1990, khi đất nước về tay Liên Xô, học sinh bị cấm tìm hiểu về lịch sử tiền nhân của họ.  Liên Xô lo sợ rằng lòng tự hào của tính hiếu chiến trong máu người dân Mông Cổ sẽ trỗi dậy và họ sẽ làm những cuộc cách mạng giải phóng đất nước.
Năm 1989, bàn cờ chính trị thế giới lại một lần nữa đảo chiều, Cộng Sản Liên Xô bị sụp đổ hoàn toàn. Cùng với nhiều quốc gia từng bị Liên Xô chiếm đóng trước đó như Ukraine, Estoia, Lihuania, Lativa, Nhà nước Dân Chủ Mông Cổ… đã tuyên bố độc lập vào năm 1990 dưới sự giám sát của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Ngày nay, Mông Cỏ là một nước có nền dân chủ và tự do sau gần ba thế kỷ bị tiều đình Mãn Thanh đô hộ và gần bảy thập niên mất nước về tay Công Sản Liên Xô.
Tôn Thất Hùng - Bài Viết Bụi Đường Xa
(http://rogertruong.ca)


_______________________________________

No comments:

Post a Comment